Thêm tin tặc Trung Quốc sa lưới pháp luật Mỹ

Thứ Sáu, 08/08/2014, 22:30

Su Bin - một doanh nhân người Trung Quốc đã bị tòa án Mỹ truy tố vì tội âm mưu đánh cắp dữ liệu từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ, bao gồm hành vi đột nhập thành công hệ thống máy vi tính của Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing. Bà Lyse Cantin, người phát ngôn Bộ Tư pháp Canada cho biết, đối tượng Su Bin đã bị bắt tại bang British Columbia (Canada) vào ngày 28/6 vừa qua. Phiên tòa sơ thẩm xét xử Su Bin dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/7.

Theo bản cáo trạng được Tòa án Liên bang Los Angeles công bố vào ngày 10/6 vừa qua, Su Bin là giám đốc một công ty công nghệ hàng không Trung Quốc có tên là Lode-Tech đã cùng với một nhân viên ở Canada câu kết với 2 đối tượng chưa rõ danh tính khác ở Trung Quốc đột nhập vào hệ thống vi tính của các cơ quan, doanh nghiệp Mỹ để lấy cắp thông tin liên quan đến kế hoạch quốc phòng. Su Bin được 2 đối tượng khác ở Trung Quốc chỉ đạo thực hiện hành vi tin tặc.

Su Bin cùng đồng phạm  khai đã "khoắng" sạch 65 gigabyte dữ liệu từ Hãng Boeing có liên quan đến loại máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster. Cả nhóm cũng bị truy tố tội lấy cắp dữ liệu máy bay chiến đấu của Mỹ, bao gồm những "pháo đài bay tử thần" như F-22 và phản lực chiến đấu F-35 do Lockheed Martin Corp sản xuất.

Theo các công tố viên Mỹ, 2 đối tượng người Trung Quốc chưa rõ lai lịch đã "cấu kết với nhiều tổ chức và đơn vị quân đội Trung Quốc".

Báo chí Mỹ cho rằng, các đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc đang tham gia vào "một tổ chức" để thành lập các cơ sở công nghệ cao đồng thời thực hiện công việc do thám và thu thập thông tin tình báo bên ngoài Trung Quốc để "tránh phức tạp ngoại giao và khiếu nại pháp lý".

Su Bin cùng đồng phạm đã giúp Trung Quốc thu thập thông tin khoảng 32 dự án quân sự của Mỹ, nhiều dự án có liên quan đến nhiều nhà thầu quốc phòng (trích đơn tố cáo gửi cho các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đề ngày 27/2/2012, kèm theo nội dung một thư điện tử về cuộc trao đổi giữa Su Bin với 2 người Trung Quốc từ mùa hè 2009. Su Bin và một đối tượng đồng mưu ở Trung Quốc đang cùng nhau bàn cách bán thông tin C-17 Globemaster và thông tin công nghệ khác cho các tập đoàn chế tạo máy bay của Trung Quốc để đổi lấy một "khoản tiền lớn".

Các công tố viên Mỹ cho biết, Su Bin và các đối tượng khác thường xuyên sục sạo tìm kiếm thông tin mà chúng có thể liên hệ với doanh nghiệp hoặc khách hàng sẵn sàng trả giá cao. Bằng thủ đoạn tinh vi, Su Bin và "tổ chức" của anh ta đã lấy được thông tin về mẫu thiết kế F-22 và chuyến bay thử nghiệm F-35.

Năm 2011, Su Bin từng chuyển về Trung Quốc tập tư liệu "Kế hoạch A" chưa xác định của Mỹ sẽ cho phép Trung Quốc dễ dàng đứng trên vai người khổng lồ", tức hàm ý công nghệ quốc phòng Trung Quốc  vượt qua Mỹ.

Trước vụ Su Bin, Mỹ từng truy tố cả "một mẻ" 5 sĩ quan cấp cao quân đội Trung Quốc về hành vi tin tặc và hoạt động gián điệp.

Được biết, kể từ năm 2010, dữ liệu máy bay Boeing C-17 đã bị đánh cắp, tuy nhiên trong thời gian đó Mỹ chưa tìm ra bằng chứng và thủ phạm của vụ đánh cắp trên. Nhưng cho đến nay, Mỹ liên tục phát hiện ra hàng loạt vụ tấn công an ninh mạng trong đó có những vụ lấy trộm dữ liệu quốc phòng xuất phát từ Trung Quốc.

Cho đến ngày 11/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa hề đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về vụ việc có liên quan đến công dân của họ.

Ngày 11/7, đại diện Tập đoàn Boeing khẳng định lập trường của họ trong một tuyên bố được gửi đi qua đường thư điện tử:  Việc bảo mật thông tin và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là "ưu tiên hàng đầu", và nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới đang tích cực hợp tác với FBI, Văn phòng Tổng chưởng lý và Văn phòng Điều tra đặc biệt trực thuộc Không quân Mỹ.

"Chúng tôi đánh giá cao chính phủ đã bày tỏ sự quan tâm về một sự thỏa hiệp tiềm năng để hệ thống máy tính của chúng tôi được bảo vệ. Sự hợp tác của chúng tôi với cơ quan điều tra của chính phủ thể hiện cam kết của doanh nghiệp quyết tâm truy bắt các cá nhân có âm mưu làm gián điệp kinh tế hoặc có hành vi đánh cắp bí mật thương mại gây thiệt hại cho các công ty Mỹ" - người phát ngôn Tập đoàn Boeing phát biểu trước báo chí.

Bà Laura Eimiller, người phát ngôn của Văn phòng FBI ở Los Angeles đã từ chối bình luận Su Bin làm việc cho ai hay tổ chức nào. Trong khi đó, bà Jennifer Allen, người phát ngôn cơ sở lắp ráp máy bay Bethesda trực thuộc Tập đoàn Lookheed Martin (trụ sở bang Maryland) cho báo chí Mỹ biết: "Lookheed Martin đang hợp tác với cơ quan điều tra của chính phủ để làm rõ vấn đề này".

Xung quanh "tranh cãi" tin tặc Mỹ - Trung

Chính quyền Obama đã tăng cường nỗ lực để trừng phạt hành vi đánh cắp công nghệ thông tin kể từ hồi tháng 5 vừa qua, truy tố 5 sĩ quan Trung Quốc đã lấy trộm bí mật thương mại thông quan hoạt động gián điệp và điều khiển các cuộc tấn công tin tặc tạo nên mối đe dọa trực tiếp đối với kinh tế Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nhân chuyến thăm Trung Quốc mới đây, nhấn mạnh hành vi tin tặc, gây ra "hậu quả khôn lường đối với sự đổi mới". Phát biểu của ông John Kerry đã khiến truyền thông Trung Quốc "nóng mặt" và đáp trả lại bằng hàng loạt tin bài tố cáo các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ như điện thoại thông minh Apple, iPhones tạo ra mối đe dọa an ninh.

Phạm Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.