Thị trường buôn bán và tiêu thụ vi cá mập đang dần thu hẹp?

Thứ Ba, 19/09/2017, 22:10
Hongkong Shark Foundation - Tổ chức bảo vệ cá mập Hồng Công và Wild Aid, một trong những tổ chức hăng hái nhất trong việc chống tiêu thụ vi (vây) cá mập ở Trung Quốc cùng đưa ra con số ước tính rằng, mỗi năm có khoảng 73 triệu con cá mập bị giết chỉ để lấy vi cung cấp cho các thực khách thuộc giới thượng lưu hoặc nhóm “trưởng giả học làm sang” ở châu Á.

Còn theo thống kê của TRAFFIC, tổ chức quốc tế chuyên theo dõi mạng lưới buôn bán động vật hoang dã, hiện Indonesia đang nằm trong top những quốc gia đánh bắt cá mập lớn nhất thế giới và thị trường xuất khẩu vi cá mập lớn nhất của họ là Singapore, Hồng Công, Đài Loan và Trung Quốc. Trước nguy cơ loài cá mập đang bị tuyệt diệt, chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc từ mấy năm qua đã có những chiến dịch kêu gọi ngừng tiêu thụ sản phẩm vi cá mập.

Vi cá mập có đúng là món ăn - “thần dược”?

Từ lâu, vi cá mập đã được xếp vào hàng “thượng phẩm”, được chế biến hết sức cầu kỳ cho đúng  với vị thế của một món ăn chỉ dành cho hàng vua chúa. Tại Trung Quốc và Hồng Công, sự hiện diện món súp vi cá trên bàn tiệc được cho là biểu tượng của sự giàu có và lòng mến khách, thường được sử dụng trong các dịp lễ trọng đại như quốc yến (chiêu đãi cấp nhà nước), hôn lễ hay đại tiệc mừng thăng quan tiến chức.

Tại Trung Quốc và Hồng Công, sự hiện diện món súp vi cá trên bàn tiệc được cho là biểu tượng của sự giàu có và lòng mến khách.

Việc chế biến món súp vi cá thường được “giao phó” cho những đầu bếp đẳng cấp thế nhưng sau khi thưởng thức món này, nhiều thực khách thẳng thắn nhận xét rằng, vi cá mập hầu như không có mùi vị, khi nhai chỉ có cảm giác sần sật.

Liu Haiping, một giáo sư người Quảng Đông kể lại: “Tôi từng được ăn món này tại một đám cưới. Mọi người trong bàn tiệc đều hỏi nhau rằng tại sao một món đắt như vậy mà ăn thì chẳng cảm được mùi vị gì cả? Một người trong bàn xua tay đáp: “Vi cá mập rất đắt giá và quý hiếm nên chắc phải có những tố chất đặc biệt nào đấy. Đã được đãi thì chúng ta cứ vô tư chén!”.

Cá mập mang nhiều giá trị kinh tế như: thịt cá thơm ngon bổ dưỡng, da cá mập được dùng để làm các đồ thời trang cao cấp, dầu gan cá mập được xem là một loại dược liệu quý hiếm vì rất giàu vitamin A... và bộ phận quý nhất của cá mập cũng chính là nguyên nhân khiến người ta không ngừng đánh bắt loại cá này là vi cá. Thành phần chính của vi cá mập là sụn; trong đó chất đạm chiếm đến 89%, thành phần còn lại là các khoáng chất, chất béo và đường. Vi cá mập được xem là thực phẩm giàu năng lượng vì trong 100g vi cá mập khô chứa khoảng 384 calo, có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe, nên nghiễm nhiên được xếp vào hàng “thần dược”.

Những năm 50-60 của thế kỷ XX, người ta đã phát hiện ra rằng, khi đắp sụn vi cá lên những vết thương thì vết thương sẽ lành rất nhanh, do tác dụng chống nhiễm khuẩn rất tốt của vi cá mập. Trong vi cá mập có chất chondroitin có tác dụng ức chế các men phá hủy sụn trong xương khớp, kích thích quá trình tổng hợp acid hyaluronic - là chất rất cần thiết cho quá trình hoạt động của xương khớp, vì thế vi cá mập được dùng để chế biến các loại thuốc trị thấp khớp, viêm khớp rất tốt.

Ngoài ra, chất chondroitin cũng có tác dụng hiệu nghiệm trong việc chữa các bệnh về mắt. Người bị bệnh về mắt ăn nhiều (lưu ý là phải ăn nhiều, nếu điều kiện cho phép) vi cá mập sẽ giúp chống khô, mỏi, hoa mắt, nhất là người làm việc nhiều với máy tính...

Cá mập bị cắt lấy vi tại khu chợ cá Karnsong ở Indramayu, Tây Java, Indonesia.

Nhưng cá mập không phải là loài miễn nhiễm với chứng bệnh ung thư. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, nhiều khối ung thư xuất hiện ngay trong mô sụn của vi cá. Điều này làm cho người ta bớt sùng bái sụn cá mập và dĩ nhiên, các sản phẩm chứa sụn cá mập vốn đắt tiền tại những nước phát triển lại được... hạ giá và xuất sang các nước nghèo.

Các chế phẩm từ sụn cá mập có thành phần chondroitin hay sodium chondroitin sulfate có tác dụng ức chế sự hình thành các vi mao mạch tân sinh nên chỉ dùng được cho người bệnh ung thư nhưng “phản tác dụng” đối với trẻ con, người chơi những môn thể thao nặng, phụ nữ có ý định mang thai và đang mang thai, người bị bệnh tim mạch, người vừa bị tai biến tim mạch hoặc người mới bị giải phẫu.

Đặc biệt, gần đây còn có thông tin cho biết nếu dùng vi cá mập thường xuyên sẽ không hề bổ dưỡng như những gì được thêu dệt từ bấy lâu nay mà là... bổ ngửa vì trong sụn cá chứa thủy ngân với hàm lượng lớn! Dù đã có khá nhiều khuyến cáo và kết quả nghiên cứu được công bố cho thấy vi cá mập không hoàn toàn là một thứ thần dược nhưng tâm lý sùng bái “món ăn thời trân” này đã khiến loài cá mập phải đứng trước nguy cơ bị con người tuyệt diệt.

Nơi tiêu thụ vi cá mập nhiều nhất thế giới dẫn đầu chiến dịch

Theo thống kê của TRAFFIC, tổ chức quốc tế chuyên theo dõi mạng lưới buôn bán động vật hoang dã và theo kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã WildAid, 14 loài cá mập, thường bị săn bắt phục vụ mục đích thương mại, đều đang phải đối mặt với nguy cơ giảm “dân số”, khoảng từ 40 đến 97%.

Alex Hofford, nhà vận động chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã tại WildAid, Hồng Công.

Theo một phóng sự điều tra được đăng tải trên tờ báo Jakarta Post, hằng năm, quốc gia này sản xuất ít nhất 486 tấn vi cá khô nên thuộc top 20 quốc gia đánh bắt cá mập nhiều nhất thế giới. Mặc dù Chính phủ Indonesia đã ban hành điều luật cấm săn bắt cá mập nhưng do lợi nhuận quá hấp dẫn nên việc đánh bắt, buôn bán cá mập vẫn diễn ra tràn lan và khó kiểm soát do nhu cầu mua vi cá mập không ngừng gia tăng từ Singapore, Hồng Công, Đài Loan và Trung Quốc đại lục.

Năm 2014, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) từng công bố một báo cáo gây ngạc nhiên, trong báo cáo “điểm danh” Việt Nam đã vượt lên trên Trung Quốc, vốn là thị trường tái xuất khẩu vi cá mập lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, báo cáo không phân tích cụ thể lý do Việt Nam chiếm ngôi đầu bảng, mặc dù văn hóa ẩm thực đối với các sản phẩm làm từ vi cá mập không thịnh hành lắm ở Việt Nam nhưng trên thực tế vẫn có một bộ phận nhỏ người giàu có “tôn sùng” vi cá mập không kém ở các nước láng giềng.

Các nhà môi trường từ lâu đã vận động chống lại việc buôn bán, tiêu thụ vi cá mập vì các phương pháp lấy vi cá mập rất tàn nhẫn. Tờ DailyMail vào tháng 6-2016 từng đăng tải loạt phóng sự ảnh cho thấy những con cá mập chết đủ loại, đủ kích cỡ tại khu chợ cá Karnsong ở Indramayu, Tây Java, Indonesia.

Hàng ngàn con cá mập bị chết được chất đống trên sàn trong khi các công nhân đang “miệt mài” lấy vi của chúng. Giới chuyên gia đang ra sức kêu gọi xây dựng một giải pháp săn bắt bền vững trong khi ngư dân tại nhiều nước vẫn cắt vi của những con cá mập còn sống và ném nó trở lại đại dương. Tất nhiên, chúng chắc chắn sẽ chết ngay sau đó.

Tháng 7-2012, Bắc Kinh lần đầu tiên ra lệnh cấm món súp vi cá mập trong các bữa tiệc chính thức của chính phủ. Hành động này được cho là để đáp ứng lời kêu gọi của các đại biểu Quốc hội Trung Quốc, những người đã chỉ ra hậu quả môi trường sinh thái của việc săn cá mập lấy vi trong khi chính phủ lại nhấn mạnh đến vấn đề cắt giảm chi phí không cần thiết dành cho các bữa tiệc xa hoa.

Tháng 2-2013, chỉ sau 3 tháng kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tự hào thông báo rằng, trong thời gian hai tuần nghỉ tết Nguyên đán năm ấy, lượng tiêu thụ súp vi cá mập trong các nhà hàng, khách sạn ở Bắc Kinh đã giảm 70% trong khi các loại đặc sản khác như bào ngư và tổ yến thì giảm khoảng 40%.

Đến tháng 12-2013, khi Trung Quốc bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” thì hiệu ứng của lệnh cấm trên càng thể hiện rõ rệt. Sau khi Tân Hoa Xã đăng tin: “Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc yêu cầu loại bỏ hoàn toàn các món ăn có vi cá mập, tổ yến và động vật hoang dã tại các buổi tiếp khách chính thức” thì tại Hồng Công, lượng vi cá mập nhập khẩu giảm đến 35% trong năm 2014, sản lượng tái xuất khẩu cũng lao dốc 17,5%.

Tiếng tăm của món vi cá mập cũng bị giảm đi nhiều do những bê bối về vấn đề an toàn thực phẩm. Tháng 1-2013, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã chiếu một đoạn phim được quay bí mật về món vi cá mập giả tiêu thụ trong các nhà hàng ở khắp nước này. Những tháng sau đó, các nhà điều tra đã công bố báo cáo về việc các cửa hiệu, nhà hàng kinh doanh món “vi cá mập” được làm bởi nhiều loại nguyên liệu khác nhau từ sợi thủy tinh đến các loại hạt đậu.

Đồng thời, các kết quả thí nghiệm đối với vi cá mập “xịn” cho thấy chúng chứa hàm lượng thủy ngân cao và những kim loại nặng nguy hiểm khác. Tất cả những thông tin tiêu cực đó đã buộc những người kinh doanh mặt hàng này phải điều chỉnh theo nhu cầu thực tế của thị trường. Quảng Châu, một trung tâm kinh doanh vi cá mập của Trung Quốc có doanh số bán vi cá mập vào đầu năm 2015 giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước và giá cũng giảm gần 40%.

Năm 2016, một nghiên cứu của Trường Đại học Tự nhiên Bắc Kinh cho thấy gần 25% các nhà hàng cao cấp ở Bắc Kinh không còn phục vụ món này và con số thống kê tương tự tại Thượng Hải là 24% và tại Thâm Quyến là 22%.

Tháng 4-2017, China Southern Airlines, hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc và có doanh thu lớn hàng thứ tám trên toàn cầu cho biết đã cấm việc vận chuyển vi cá mập và cam kết sẽ tham gia tích cực vào chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã. Quyết định này có ý nghĩa quan trọng khi công ty này - có trụ sở tại Quảng Châu - thu hẹp các lựa chọn cho các nhà nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc.

Ngoài ra, China Southern Airlines và Hãng hàng không Air China đã cấm các hình thức quảng cáo vi cá mập trên các chuyến bay của hãng. Chiến dịch mạnh mẽ của các nhà hoạt động bảo tồn động vật hoang dã trong những năm qua cũng đã lôi kéo được COSCO Shipping, hãng vận tải và hậu cần lớn nhất của Trung Quốc.

Alex Hofford, nhà vận động chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã tại WildAid Hồng Công hoan nghênh động thái này. Ông nói: “Lệnh cấm của hãng hàng không với sản phẩm vi cá mập sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường Quảng Châu - trung tâm buôn bán vi cá mập lớn nhất thế giới. Lệnh cấm của China Southern chắc chắn sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các thương nhân buôn bán vi cá mập Quảng Châu rằng, các hoạt động kinh doanh của họ là bất hợp pháp, và cũng là phi đạo đức và không bền vững”.

Sự chú ý bây giờ sẽ chuyển sang Mỹ với FedEx và United Airlines vì theo Hofford thì “các câu hỏi vẫn còn được đặt ra tại sao các hãng hàng không Mỹ FedEx và United Airlines vẫn tiếp tục vận chuyển vi cá mập, điều này là bất hợp pháp”.

Các hãng vận tải khác bao gồm Cathay Pacific Airways, British Airways, American Airlines, Emirates và Singapore Airlines tuyên bố sẽ “gánh vác trách nhiệm xã hội của mình” và cam kết “tích cực tham gia vào việc bảo tồn động vật hoang dã và bảo tồn thực vật để cùng nhau thúc đẩy văn hóa bảo tồn và sự phát triển bền vững của nhân loại”.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.