Thiên tai hạn mặn & bài toán an ninh lương thực

Thứ Hai, 21/03/2016, 11:30
Thiên tai năm nay rõ ràng là rất nặng nề. Hỗ trợ thiệt hại dành cho người nông dân đang phải oằn mình gánh hạn mặn là việc làm cần thiết. Nhưng thiết nghĩ có một điều cũng cần phải xác định rõ và đối mặt, đó là với thực trạng biến đổi khí hậu và sự khai thác triệt để nguồn lợi đầu nguồn sống Mê-Kông như hiện nay, hạn hán và xâm mặn sẽ chỉ có tăng lên chứ không thể giảm. Bài toán an ninh lương thực, hơn lúc nào hết, đang đòi một lời giải đáp mang tính chiến lược.

1. Từ thành phố Cà Mau, chúng tôi theo Quốc lộ 1A rồi rẽ phải men theo Rạch Ráng, đến ngã ba giao với con đường Sông Đốc – Tắc Thủ nổi tiếng gắn với giai thoại từ thời các chúa Nguyễn để mò vào ấp Lung Bạ thuộc xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời. Đến cống Rạch Nhum, bắt xe ôm theo con đường bê-tông đi sâu vào, dọc theo dòng kênh nước ngọt là vào Lung Bạ. Lung Bạ là ấp thuộc vùng sâu của xã Khánh Bình Đông, bốn bề kênh rạch chằng chịt và mới chỉ có đường bê-tông cho xe gắn máy và người đi bộ được vài năm nay, từ cuối năm 2009.

Giao thông ở Lung Bạ trước khi có đường bê tông 1,5m hoàn toàn là giao thông thủy, bằng ghe, vỏ lãi. Lung Bạ cũng là một trong những vùng giữ ngọt của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nguồn nước ngọt ở đây hoàn toàn từ nguồn nước mưa, chứa ở các kênh, rạch, vừa phục vụ giao thông, vừa tưới tiêu. Nước sinh hoạt là nước giếng khoan.

Anh Chung Văn Sanh, năm nay 45 tuổi, và cũng chừng ấy năm sinh ra và lớn lên ở đây, bảo có lẽ chưa bao giờ thấy hạn hán khốc liệt như lần này. Đứng trên cầu kênh Lô Chín, chỉ tay xuống con kênh chiều rộng mặt nước chỉ chừng 2 mét, anh Sanh khẳng định chưa bao giờ nước cạn đến thế. Nắng thêm ít nữa là nhiều đoạn kênh trơ đáy. Cũng may là giờ có con đường bộ này, không như trước thì mọi hoạt động đi lại của hơn trăm hộ dân Lung Bạ chẳng biết làm thế nào, chứ đừng nói đến sản xuất, chăn nuôi gì.

Anh Chung Văn Sanh: Hạn thêm nữa là đi bộ trên kênh được.

Ngồi trên tấm phản kê choán gần hết phòng ngoài căn nhà tuềnh toàng, anh Sanh cho hay đói thì chưa đến mức đói, nhưng nước ngọt sinh hoạt cũng căng lắm rồi. Các giếng khoan đều phải trên dưới 200m sâu mới có nước. Vùng giữ ngọt U Minh - Trần Văn Thời của Cà Mau này chỉ có nguồn tiếp nước ngọt duy nhất là nước mưa, không có bất cứ nguồn cung cấp nước ngọt từ sông ngòi nào cả nên chỉ còn cách ngồi chờ mưa xuống.

Anh Sanh cho hay cái “chết” của bà con vùng này năm nay cũng chính là bởi gieo sạ muộn. Mọi năm thường sạ tháng 9. Năm nay thấy mưa nhiều, bà con chủ quan bảo nhau sang tháng 10 hãy gieo sạ thì ai dè mới đầu tháng 10 đã hết mưa, nắng to bốc hơi nhanh quá...

Tiếp tục xuôi theo Quốc lộ 1A xuống đến địa bàn huyện Năm Căn, mặc dù gần biển hơn nhưng thực ra lại ít bị thiệt hại hơn. Lý do là bởi, theo những người dân nơi đây, vùng Năm Căn, Ngọc Hiển xưa nay vẫn là vùng một vụ lúa, hai đến ba vụ tôm. Nghĩa là mùa khô, nước mặn lên thì nuôi tôm. Mùa mưa, nước ngọt về thì rửa phèn, trồng lúa. Nói tóm lại là vùng thích nghi tốt hơn với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, và người dân cũng quen với điều kiện khí hậu đan xen nên ít bị ảnh hưởng của xâm mặn.

Chỉ là ít thôi, nhưng không phải là không bị ảnh hưởng. Chúng tôi vào ấp Xóm Lớn Ngoài thuộc xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, gặp ông Lê Trí Thức, một hộ nuôi tôm. Ông Thức hiện đang có 3ha nuôi tôm công nghiệp. Ông Thức cho biết nuôi tôm công nghiệp thì không làm lúa đan xen, phải đầu tư nhiều hơn, máy móc, nhân công, thức ăn... nhưng giá trị sản lượng cũng cao hơn nuôi tôm tự nhiên. Tuy nhiên nuôi công nghiệp hay nuôi tự nhiên thì nước mặn quá cũng đều bị ảnh hưởng. Như của ông có 5 đầm tôm, hiện tại phải khoan nhiều giếng lớn ống dưới 60, ống trên 116 mới đủ nước ngọt pha loãng nước đầm tôm. “Giếng khoan cỡ ấy là tương đương với giếng khoan của nhà máy nước rồi đó, nếu mà tiếp tục hạn nữa thì cũng gay lắm!” ông Thức cho biết.

Anh Dư Thái Bình, kỹ thuật viên nuôi tôm của ông Thức cho hay, như hiện tại, tuy độ mặn đã tăng lên gần 30‰ nhưng vẫn còn nước ngọt, có thể xử lý được. Nếu độ mặn tăng lên nữa, tầm trên 40‰ thì tôm không lột xác được, và vi sinh cho tôm ăn cũng không sống được thì lúc ấy mới thực sự đáng lo. Đối với các đầm tôm tự nhiên, thời tiết hạn hán, nước bốc hơi nhanh đọng lại muối mặn thấm sâu xuống đất cũng là một vấn đề. Đến mùa sau không gột rửa được hết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tôm. Còn như với tình trạng hạn mặn kiểu này thì vụ lúa tiếp theo chắc khó mà đảm bảo được.

Hỏi ra mới biết, ông Thức nguyên là cán bộ Công an tỉnh Cà Mau đã nghỉ hưu. Là người sinh sống ở Năm Căn đã lâu, ông Thức bảo người dân ở đây đều ý thức được việc sống chung với mặn, với hạn hán mùa khô. Chỉ có điều, với tư duy của một người cán bộ, ông Thức cho rằng càng lâm vào những tình cảnh như thế này mới càng thấy vai trò quan trọng của việc điều tiết chính sách, sự vào cuộc thực sự của các cơ quan chức năng địa phương mà thực ra hiện nay rất kém.

Cái điệp khúc tháng 11 giá tôm bắt đầu lên. Tháng 3 giá đỉnh điểm. Tháng 7,8,9 tôm lại rớt giá cứ lặp đi lặp lại, năm này qua năm khác. Thiệt hại mùa hạn mặn nông dân phải chịu rồi, sao đến mùa thu hoạch được, người nông dân lại cứ không được hưởng mãi thế? Rồi thì những dự báo tình hình, những chuẩn bị phương án đối phó tình huống của các ngành chức năng địa phương nào mấy ai được biết đến? Thiên tai hạn hán xảy ra, người nông dân gồng mình chịu thiệt hại, còn tỉnh thì chỉ biết… công bố và xin hỗ trợ!

2. Ngược theo Quốc lộ 1A, chúng tôi tiếp tục vào ấp Long Hậu của thị trấn Phước Long, huyện Phước Long của tỉnh Bạc Liêu. Đồng chí Công an phụ trách xã cho biết huyện Phước Long có 7 xã và 1 thị trấn. Có cả thảy 78 ấp thì 36 ấp là thuần ngọt, còn lại là mặn ngọt đan xen, như người dân ở đây gọi luôn là mặn.

Ông Trương Văn Thanh, Bí thư chi bộ ấp Long Hậu cho biết mặn hay ngọt là tùy do thói quen canh tác. Nói một cách thật tâm, ông Thanh cho hay ở vùng ông làm lúa cực hơn nuôi tôm. Thường thường cứ tháng 12 âm lịch bắt đầu thả tôm. Tôm thả nối tiếp nhau chừng 1 tháng 1 đợt. Sau đó là thu hoạch liên tục, tính ra là 2 đến 3 vụ mỗi đợt. Sau đó đến tháng 8 âm lịch bắt đầu xả nước gieo sạ.

Trước khi sạ lúa đều phải bơm rửa ruộng (rửa mặn) 3 đến 4 lần tùy theo. 1 công ở đây tương đương 1.300m2, riêng tiền bơm rửa đã cả triệu bạc, chưa kể tiền giống lúa cũng ngần ấy nữa. Ở đây nhà nhiều thì tới 40 đến 50 công. Nhà ít cũng 3 công. Như nhà ông Thanh có 6 công, tính ra 2 vụ tôm thu về chừng 30 triệu. Cả vụ lúa 3 tháng trời cũng chỉ được chục triệu.

“Trông lúa thì cực, còn nuôi tôm thì khỏe re à”, ông Thanh cười nói. Nhưng thế thì tại sao với điều kiện xâm mặn đặc trưng của vùng mà người dân vẫn “cố” trồng lúa? Không phải vậy. Thực ra việc trồng lúa vừa là tận dụng nước ngọt dồi dào mùa mưa, vừa là một cách xen canh bổ trợ rất tốt cho nuôi tôm. Việc gột mặn rửa ngọt trước khi trồng lúa cho đất cũng là một động tác rất hiệu quả để giữ được tính bình của đất, để mùa nuôi tôm sau nước không bị mặn quá do muối mùa trước còn sót lại trong đất.

Bí thư Chi Bộ Trương Văn Thanh và Trưởng ấp Đoàn Văn Điền của ấp Long Hậu chia sẻ về cánh đồng 2 vụ tôm 1 vụ lúa.

Ngoài ra, sau khi gặt, gốc rạ còn lại trong ruộng lúa là môi trường lý tưởng để phát triển các loại tảo và vi sinh vật làm thức ăn tự nhiên cho tôm. Đối với những đầm tôm xen canh như thế, cả vụ tôm từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch, người dân Long Hậu chỉ phải thả có 2 lần gây tảo, giá mỗi bao gây tảo 5kg cho một công ruộng là 700 nghìn đồng. Thật là nhất cử lưỡng tiện.

Ông Đoàn Văn Điền, Trưởng ấp Long Hậu cho biết thêm ngay cả ở Vĩnh Thanh, cánh đồng kiểu mẫu thì một công cũng chỉ tương đương với 2 đến 3 triệu một vụ lúa. Trong khi với một cánh đồng đang xen canh từ xưa đến nay, để ngăn mặn hoàn toàn bằng be bờ, đắp đập cũng phải mất từ 3 đến 5 năm mới hết mặn. Như thế có nghĩa là, việc thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường xưa nay vẫn là phương án tối ưu cho mọi hoạt động cày cấy, sản xuất ở đây. Mọi sự khiên cưỡng, dù có áp đặt ý chí chủ quan, thì đều khó mà đem lại kết quả như mong muốn.

3. Cho đến nay, toàn bộ 13 trên 13 tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long (miền Tây Nam Bộ) đều đã công bố thiên tai hạn hán và mặn xâm nhập. Mức độ xâm nhập mặn tại khu vực đã vào sâu nội đồng, có nơi đã lên tới 50‰  đến 60‰ và dự báo sẽ còn tăng. Theo các nhà chuyên môn, nếu tốc độ xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn, trong vòng ít nhất là 3 năm tới, sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ kiệt quệ.

Còn theo một dự báo từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, một số khu vực tại Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến tháng 5 khi có gió chướng manh độ mặn sẽ tăng cao. Tình hình sẽ chỉ thay đổi khi có mưa.

Nhiều hội thảo và tọa đàm cũng đã được tổ chức nhằm cung cấp, trao đổi các thông tin, báo cáo khoa học xoay quanh vấn đề hạn, mặn đang diễn ra khốc liệt, cũng như thích nghi với tình trạng này tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình hạn hán và ngập mặn nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra và thực hiện nhiều giải pháp ứng cứu trước mắt cũng như lâu dài.

Kỹ thuật viên nuôi tôm Dư Thái Bình cho hay Năm Căn vẫn đang giữ được độ mặn để nuôi tôm.

Còn trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện lãnh đạo các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long mới đây, Bộ NNPTNT đã đề xuất phương án hỗ trợ xâm nhập mặn riêng vụ đông xuân 2015 - 2016 với tổng kinh phí trên 623 tỷ đồng. Ưu tiên bố trí 1.060 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 - 2020 để đầu tư một số hạng mục công trình, để phát huy hiệu quả đầu tư, đưa vào sử dụng phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn...

Tuy nhiên, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ - người có gần nửa thế kỷ gắn bó với đồng ruộng ĐBSCL, thì chuyện nước mặn xâm nhập không phải bây giờ mới xuất hiện. Tuy nhiên, có lẽ do thiếu sự cảnh báo hay định hướng của các cơ quan chuyên trách nên nông dân vẫn cứ trồng lúa, bất chấp thiên nhiên có cho phép hay không? Một số tỉnh trong vùng tứ giác Long Xuyên quy hoạch vùng ngọt hóa nhưng nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa.

Nói đến nước mặn thì chúng ta chỉ mới đề cập đến phần gây hại cho lúa mà không đề cập đến lợi thế của nước mặn mang lại cho nông dân một số vùng ven biển. Bà con đã khai thác nước mặn để nuôi trồng thủy sản mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Hàng chục ngàn hộ nông dân ở vùng ven biển đã biết khai thác lợi thế của nước biển qua đó mà đổi đời. Tư duy về nước mặn là kẻ thù, rồi ngăn mặn, đã không còn hợp thời này nữa. Cũng theo GS.TS Võ Tòng Xuân, không nên tiếp tục buộc nông dân trồng lúa quá nhiều trong khi có thể sản xuất nhiều sản phẩm khác có giá trị hơn lúa.

Thiên tai năm nay rõ ràng là rất nặng nề. Hỗ trợ thiệt hại dành cho người nông dân đang phải oằn mình gánh hạn mặn là việc làm cần thiết. Nhưng thiết nghĩ có một điều cũng cần phải xác định rõ và đối mặt, đó là với thực trạng biến đổi khí hậu và sự khai thác triệt để nguồn lợi đầu nguồn sông Mê-Kông như hiện nay, hạn hán và xâm mặn sẽ chỉ có tăng lên chứ không thể giảm. Một Đồng bằng sông Cửu Long với con số 90% sản lượng lúa gạo của cả nước, trước tình hình hiện nay có lẽ cũng đã đến lúc cần phải tính toán lại?

Tập trung gồng mình chống chọi vào một điểm mà đáp án lại có vẻ như không nằm trong tầm kiểm soát của mình thì hơn hay là tìm đến những phương án hỗ trợ khác? Đó có lẽ là bài toán rất cụ thể cho vấn đề an ninh lương thực đang cần một đáp án có tính chiến lược hơn là thủng đâu vá đấy, đụng đâu đắp đấy.

Việt Ba
.
.