Thổ Nhĩ Kỳ : Cựu Tổng thống bị truy tố vì tội tổ chức đảo chính

Thứ Hai, 23/01/2012, 11:15

Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/1 vừa qua đã chính thức đưa ra những lời cáo buộc về tội tổ chức cuộc đảo chính quân sự năm 1980 đối với cựu chỉ huy Hội đồng Quân sự quốc gia Ahmet Kenan Evren (về sau trở thành Tổng thống) và cựu Tư lệnh không quân Tahsin Sahinkaya. Trong trường hợp những tội danh trên được thừa nhận trước tòa, hai bị cáo Evren (94 tuổi) và Sahinkaya (86 tuổi) sẽ có nguy cơ phải nhận bản án tù chung thân mà không có quyền được ân xá trước thời hạn.

Tướng Ahmet Kenan Evren, khi còn là Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang, đã đứng đầu cuộc đảo chính quân sự thứ ba, cũng là cuộc đảo chính quân sự cuối cùng cho đến thời điểm gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trước ông ta, giới quân sự cũng từng có hai lần dùng vũ lực để thay đổi chính quyền vào các năm 1960 và 1971. Trước những sự kiện bước ngoặt vào tháng 9/1980 khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang lâm vào tình cảnh bất ổn với điều kiện kinh tế - xã hội sụt giảm đáng kể, kèm theo đó là bạo lực leo thang giữa các phe nhóm chính trị chống đối nhau của cánh tả và cánh hữu.

Ngày 12/9/1980, Hội đồng Quân sự quốc gia do chính Kenan Evren thành lập đã tuyên bố về cuộc đảo chính trên Truyền hình quốc gia. Khi đó, nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đón nhận việc giới quân sự lên nắm quyền như một dấu hiệu tích cực, hay nói đúng hơn là một lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo lời một nhân chứng của sự kiện những năm 1980 đó - phát biểu của phóng viên Mehmet Ali Birand được tờ The Wall Street Journal đăng tải - người dân đã nhanh chóng vỡ mộng và thay đổi quan điểm của mình.

Giới tướng lĩnh ngay lập tức tuyên bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc, ngăn cấm các tổ chức công đoàn và đảng phái chính trị hoạt động, giải tán quốc hội và chính phủ, xóa bỏ hiến pháp v.v… Thành viên cốt cán của các phong trào chính trị, kể cả cánh tả cũng như cánh hữu, phải ra tòa hàng loạt. Hàng trăm ngàn người đã bị tống vào tù (theo số liệu của Amnesty International là cả triệu người) và bị tra tấn, hàng chục người bị tử hình. Trong số các tù nhân chính trị có cả các cựu thủ tướng Bulent Ecevit và Suleyman Demirel.

Một trong những tác động tích cực duy nhất sau cuộc đảo chính, theo đánh giá của các chuyên gia, chính là tình hình kinh tế quốc gia phần nào ổn định, Thổ Nhĩ Kỳ đã có sự hiện diện rõ nét hơn trên các thị trường quốc tế. Tháng 11/1982, bản hiến pháp mới do Hội đồng Quân sự quốc gia đề xuất bắt đầu có hiệu lực. Còn Kenan Evren chính thức trở thành Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Evren được đánh giá là một lãnh đạo cực kỳ cứng rắn, hạn chế đáng kể các quyền tự do của người dân trong suốt 7 năm cầm quyền, do đó được mệnh danh là một "Augusto Pinochet" của Thổ Nhĩ Kỳ.  Bản thân viên tướng này tự gọi mình là người kế tục "vị cha của tất cả người Thổ" Mustafa Kemal Ataturk, nhân vật vào năm 1923 đã thành lập ra nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, tiến hành một loạt cải cách triệt để nhằm xây dựng một xã hội thượng lưu theo kiểu châu Âu.

Cần biết là bản hiến pháp của Evren vẫn có hiệu lực tại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến tận ngày nay, bất chấp việc chính quyền Hồi giáo ôn hòa của Recep Tayyip Erdogan sau khi lên nắm quyền vào năm 2003 đã không ít lần tuyên bố cần phải thay đổi luật pháp, mở rộng hơn nữa các quyền tự do công dân. Một trọng tâm trong chính sách đối ngoại hiện nay của Erdogan chính là đấu tranh chống lại "thói quen" của giới quân sự can thiệp vào công việc của các chính trị gia.

Tháng 3/2008, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố về việc phá vỡ âm mưu đảo chính của các chính trị gia và giới quân sự. Theo kết quả điều tra, chính quyền Hồi giáo đã đập tan tổ chức bí mật "Ergenekon" gồm các sĩ quan quân đội mong muốn phát triển Thổ Nhĩ Kỳ theo các truyền thống thượng lưu cũ.  

Trước thời điểm năm 2010, các thành viên còn sống tham gia đảo chính quân sự năm 1980 vẫn có thể yên tâm về sự an toàn của mình, bất chấp việc chính quyền rất muốn đưa họ ra tòa. Nguyên nhân là do một điều khoản hiến pháp đã đảm bảo quyền miễn truy tố đối với giới quân sự. Erdogan mới chỉ thay đổi được điều khoản này sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 12/9/2010, không phải ngẫu nhiên diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 30 năm cuộc đảo chính quân sự của Kenan Evren.

Mục đích chính của cuộc trưng cầu dân ý được nêu ra là tự do hóa luật pháp đất nước theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU), tổ chức kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm một thành viên từ năm 1963. Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất về mặt đối nội của cuộc trưng cầu dân ý chính là việc bãi bỏ lệnh cấm truy tố các thành viên tham gia đảo chính, cho phép các nạn nhân của chế độ  Kenan Evren kiện giới quân sự lên tòa án dân sự.  

Theo tuyên bố của Thủ tướng Erdogan, phiên tòa xét xử hai thành viên chính còn sống của cuộc đảo chính sẽ được xem là một bước tiến quan trọng trong lịch sử của "đất nước Thổ Nhĩ Kỳ mới". Hiện các công tố viên đang đề nghị bản án tù chung thân không ân xá trước thời hạn đối với cả  Kenan Evren và Tahsin Sahinkaya. Bản thân Evren trong một loạt các bài trả lời phỏng vấn đã khẳng định, ông ta không hề hối tiếc vì đã tổ chức đảo chính, đồng thời sẽ tự sát nếu bị yêu cầu phải ra tòa.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những phiên tòa xét xử các tướng lĩnh quân sự có ảnh hưởng kiểu trên chính là hành động cần thiết đối với Erdogan để củng cố vị thế chính trị của mình. Một số giả thuyết còn cho rằng, chính trị gia đã 3 nhiệm kỳ nắm chiếc ghế thủ tướng này đang có tham vọng biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một nước cộng hòa theo chế độ tổng thống lãnh đạo, và tất nhiên ông phải có mặt trên chiếc ghế tổng thống mới

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.