“Thỏi nam châm” IS

Thứ Ba, 16/12/2014, 21:25
Với tham vọng hiện thực "thánh chiến toàn cầu", IS tuyển dụng quân lính ở mọi quốc gia trên thế giới để đào tạo và sẵn sàng trở về nước tiến hành tấn công khủng bố. Hàng chục nước, trong đó có nhiều nước ở Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore đã phát hiện nhiều nhóm khủng bố, Hồi giáo cực đoan trỗi dậy, mới nảy sinh cổ xúy, ủng hộ hoặc phát hiện đối tượng có hành động khủng bố theo kiểu IS...

Những luận điệu và phương thức "chiêu binh mãi mã"

Tháng 6/2014, Abu Bakr al-Baghdadi, nguyên là thủ lĩnh chi nhánh Al-Qaeda ở Iraq cùng các phiến quân Hồi giáo cực đoan ISIL tìm cách tách khỏi sự lệ thuộc vào Al-Qaeda, sáp nhập các nhóm chiến binh khác và tuyên bố thành lập nhà nước riêng với tên gọi là "Nhà nước Hồi giáo (IS)". Theo đó, "Vương quốc Hồi giáo" và "Quốc vương Hồi giáo" là những danh xưng mà IS tự phong để khẳng định uy thế, tham vọng chính trị của mình.

"Quốc vương" Abu Bakr al-Baghdadi sinh năm 1971, tại Samarra, phía bắc Baghdad, là chuyên gia thần học Hồi giáo, từng là nhà chiến thuật, chỉ huy chiến trường của Al-Qaeda. Dưới quyền điều hành của Abu Bakr al-Baghdadi là một ban chỉ huy, lãnh đạo được tổ chức chặt chẽ theo tư tưởng Hồi giáo cực đoan, sẵn sàng sử dụng những phương cách, chiến thuật tấn công khủng bố hung hãn.

Mưu đồ thống trị thế giới Hồi giáo càng hiện rõ thông qua việc IS thi hành Luật Hồi giáo Shariah hà khắc để ép buộc tín đồ Hồi giáo cam kết trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào "Quốc vương Hồi giáo", nếu tín đồ nào không tuân thủ sẽ bị tịch thu tài sản hoặc bị chặt đầu. Sự tồn tại, mở rộng phạm vi lãnh thổ của "Nhà nước Hồi giáo" thông qua hoạt động thảm sát, chặt đầu, tra tấn trẻ em, bắt cóc phụ nữ làm nô lệ tình dục, cưỡng ép phụ nữ mang thai. Những hoạt động này diễn ra hằng ngày, hằng giờ do đội ngũ binh sĩ IS có tư tưởng Hồi giáo cực đoan tiến hành gây ra để "trừng phạt" những người dân vô tội không chịu cải sang đạo Hồi, không tuân theo Luật Hồi giáo Shariah hà khắc tại các vùng lãnh thổ IS chiếm đóng.

Phạm vi, địa bàn chiếm đóng của IS gia tăng nhanh, trải dài từ tỉnh Diyala (phía tây Iraq) đến Aleppo (phía đông Syria) với diện tích trên 90.000km2. Có căn cứ địa rộng lớn, IS trắng trợn, công khai tuyên bố tham vọng sẽ mở rộng lãnh thổ "Nhà nước Hồi giáo" gồm toàn bộ khu vực Trung Đông, châu Phi.

IS cố chứng tỏ mình là một "nhà nước" chứ không phải là một tổ chức, nhóm chiến binh như Al-Qaeda cũng như các tổ chức khủng bố quốc tế khác. IS vừa tấn công, vừa từng bước thiết lập, điều hành xã hội hiệu quả tại lãnh thổ chúng chiếm đóng thông qua việc kiểm soát mọi hoạt động dịch vụ công đến việc cung cấp điện nước, kiểm soát giao thông; xây dựng bộ máy chính quyền gồm lực lượng quân sự chiến đấu và bộ máy dân sự điều hành "nhà nước", thiết lập các cơ quan quản lý về giáo dục, y tế, điện nước, tôn giáo, quốc phòng; ban hành các chính sách hỗ trợ người nghèo, đánh thuế nhà giàu, trả lương, phân nhà cho chiến binh và công nhân viên, duy trì giá cả ở mức thấp, trừng phạt thương gia làm giá…

IS có nguồn tài chính dồi dào, không phụ thuộc vào bất cứ hệ thống tài chính quốc tế nào, không bị ảnh hưởng từ luật pháp quốc tế, lệnh trừng phạt, luật chống rửa tiền và pháp luật các nước. Sự giàu có của IS là do chúng kiểm soát được các mỏ dầu tại Iraq, buôn bán dầu mỏ và cổ vật, thu thuế, bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc và tìm kiếm nguồn tài trợ từ cá nhân, tổ chức tôn giáo tại các quốc gia vùng Vịnh như Arập Xêút, Qatar, Kuweit… Ước tính IS hiện có khối tài sản khổng lồ trị giá trên 2 tỉ USD và sẽ không ngừng tăng lên nếu IS duy trì việc kiểm soát các mỏ dầu ở Iraq và Syria.
Trong hàng ngũ IS có cả những nữ chiến binh trẻ tuổi người châu Âu.

IS vừa có thực lực tài chính, vừa có sức mạnh quân sự với nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại chiếm được từ các nhà máy xử lý nước, đập thủy điện và kho vũ khí của quân đội Syria. IS còn sở hữu hệ thống phòng không cơ động, hiện đại có thể bắn hạ máy bay, 3 nhà máy sản xuất tên lửa, 1 nhà máy sản xuất vũ khí hóa học. Tham gia điều hành hoạt động của các nhà máy sản xuất vũ khí có nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các nước. Những chuyên gia được IS bố trí vệ sĩ bảo vệ ở một nơi bí mật. Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo được trang bị, có khả năng sử dụng vũ khí hóa học (bom khí clo), tên lửa phòng không vác vai, máy bay chiến đấu, máy bay tàng hình, xe tăng, pháo hạng nặng….

Một mặt IS tăng cường tuyên truyền cho lý tưởng Hồi giáo cực đoan, vô nhân đạo, mặt khác IS còn sử dụng chiêu bài răn đe nhằm vào đội quân thánh chiến trẻ tuổi IS không được phản bội Nhà nước Hồi giáo để đảm bảo rằng những thanh, thiếu niên vô tội gia nhập IS phải phục tùng mệnh lệnh của "Quốc vương Hồi giáo" và theo đuổi cái gọi là lý tưởng của "Nhà nước Hồi giáo". Sự nguy hiểm của IS còn thể hiện thông qua các luận điệu, hành động chiêu dụ, lừa phỉnh phụ nữ phương Tây tham chiến; mở lò huấn luyện chiến binh thánh chiến, xây dựng trường học với việc tẩy não thanh, thiếu niên trở nên mông muội, mất khả năng nhận thức, kiểm soát hành vi để hiện thực hóa kế hoạch, tham vọng "giết chết phương Tây" bằng âm mưu tán phát các virus nguy hiểm nhất như virus Ebola. Trong một thời gian ngắn, "hệ tư tưởng và danh xưng IS" đã được phát đi, lan truyền rộng rãi trên phạm vi toàn cầu với thông điệp "Nhà nước Hồi giáo" là chính thể duy nhất hội tụ tín đồ Hồi giáo thế giới cũng như những người có tư tưởng cải theo đạo Hồi. Với luận điệu đó, số lượng tín đồ Hồi giáo và thanh thiếu niên, phụ nữ trẻ sống cô lập, xa lánh xã hội dễ dàng bị IS lôi kéo - đây chính là sự dã man, tàn bạo của IS.

Với tham vọng hiện thực "thánh chiến toàn cầu", IS tuyển dụng quân lính ở mọi quốc gia trên thế giới để đào tạo và sẵn sàng trở về nước tiến hành tấn công khủng bố. Hàng chục nước, trong đó có nhiều nước ở Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore đã phát hiện nhiều nhóm khủng bố, Hồi giáo cực đoan trỗi dậy, mới nảy sinh cổ xúy, ủng hộ hoặc phát hiện đối tượng có hành động khủng bố theo kiểu IS như: Tổ chức Chiến binh Đông Indonesia, Chiến binh Tây Indonesia và tổ chức Jemaah Islamiyah tại Indonesia; Isnilon Hapilon - trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất Malaysia tuyên bố ủng hộ IS trên mạng Internet, phiến quân Ai Cập hành quyết 4 người đàn ông bị cáo buộc làm gián điệp cho quân đội Ai Cập và Cơ quan Tình báo Israel, phiến quân Hồi giáo Algeria Jund al-Khilafah chặt đầu con tin người Pháp Herve Gourdel để trả đũa sự ủng hộ của Paris trong chiến dịch tiêu diệt IS, phiến quân Hồi giáo Philippines (Abu Sayyaf) đe dọa giết 2 con tin người Đức nếu Đức không dừng việc ủng hộ Mỹ truy quét phiến quân IS ở Syria.

Hoạt động tuyển mộ của IS rầm rộ, phát triển tới mức đáng lo ngại. Đội quân IS hiện có khoảng 45.000 người, trong đó có khoảng 15.000 đối tượng là tín đồ Hồi giáo từ hơn 80 quốc gia (chủ yếu là Tây Âu, Nam Á và Đông Nam Á). Những người mang quốc tịch phương Tây, có nguồn gốc Arập hoặc tín đồ Hồi giáo tại nhiều quốc gia, khu vực đã gia nhập IS như: Pháp có 1.089 công dân đang hoạt động trong các tổ chức khủng bố ở Iraq và Syria, trong đó có 368 phần tử đang chiến đấu, 212 người đã trở về Pháp và 205 người có ý định ra đi; Australia có 70 công dân đến Trung Đông tham gia khủng bố, khoảng 100 công dân sẵn sàng ủng hộ kinh tài, góp sức tuyển người cho IS; Đức có 6.300 phần tử Hồi giáo cực đoan, số lượng này sẽ tăng lên khoảng 7.000 vào cuối năm nay. Nhiều tín đồ Hồi giáo ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á có thể đã được IS huấn luyện, được IS giao nhiệm vụ trở về nước tiến hành khủng bố, gồm khoảng 200 người Indonesia, 30 người Malaysia, 5 người Singapore và khoảng 100 người Duy Ngô Nhĩ (Tân Cương, Trung Quốc)…
Một cuộc oanh kích phe IS tại thành phố Kobani.

Đà tiến của IS đang chững lại?

Trong những tuần vừa qua, IS đã nhiều lần thất thủ trên chiến trường. Tuy nhiên IS vẫn còn giữ được Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq. Sau hàng trăm cuộc oanh kích của liên minh nhắm vào những cứ điểm của IS và tiêu diệt rất nhiều phiến quân Hồi giáo, lực lượng này đã bị chặn lại tại Iraq cũng như Syria. "Việc di chuyển của các đoàn xe IS ngày càng khó khăn. Còn pháo binh của chúng sẽ bị phá hủy ngay khi bị phát hiện di chuyển" - một quan sát viên ở Baghdad cho biết.

Tuy IS vẫn còn chiếm giữ Mosul và nhiều phần đất ở Iraq, nhưng trong những tuần qua chúng đã chịu 2 thất bại đáng kể khi phải rút lui khỏi thành phố Jourf Al-Sakhr ở phía nam Baghdad và khu lọc dầu chính tại Baiji ở phía bắc. Điều tạo nên sự khác biệt là sự hỗ trợ của không quân Mỹ. Sau khi phiến quân IS bị oanh kích, đến lượt lực lượng đặc nhiệm Iraq tấn công, phía sau là dân quân Shiite cùng những bộ tộc Sunni. Quân đội Mỹ chỉ sử dụng trực thăng Apache một lần để tấn công những vị trí của IS uy hiếp sân bay Baghdad. Từ đó IS đã phải rút lui.

Ở Syria, từ 2 tháng qua các nhóm phiến quân Hồi giáo đối đầu trước dân quân người Kurd ở Kobani, phe này cũng tiến thêm được nhờ sự hậu thuẫn của không quân Mỹ. Mỹ đã biến Kobani thành một cái bẫy, lôi kéo phe thánh chiến tập trung vào đấy để tiêu diệt. Hơn 500 phiến quân đã bị tiêu diệt trong 2 tháng oanh kích.

IS đã phải rút bớt quân tại những mặt trận khác như Deir Ez-Zor hay quanh Aleppo. Tuy mới đây chúng tấn công 2 giếng dầu ở Deir Ez-Zor nhưng đã phải nhanh chóng rút lui. Tỉnh biên giới Deir Ez-Zor là điểm chiến lược quan trọng đối với IS nên chúng đã lập hậu cứ tại đây. Không chỉ vì Deir Ez-Zor có những giếng dầu, là nguồn cung cấp tài chính cho chúng, mà còn là nơi cất giấu số vũ khí tịch thu được của quân đội Iraq khi chúng chiếm giữ Mosul vào tháng 6. Nhưng sau rất nhiều nỗ lực, phe IS vẫn không kiểm soát được thành phố Deir Ez-Zor.

Cuộc chiến tại Kobani đã làm đảo lộn kế hoạch của IS tại khu vực phía bắc Aleppo. Từ đó, IS đã phải bỏ qua dự định tấn công các nhóm phiến quân đối địch khác như Liwa Al-Tawhid. Mặt khác, IS cũng phải để cho Mặt trận Al-Nusra, một nhánh của Al-Qaeda ở Syria, cầm quyền ở vùng Idlip phía tây Aleppo, nơi mà Al-Nusra nuôi ý định sẽ thành lập một tiểu vương quốc đối đầu với IS.

Tuy những vụ oanh kích đã khiến IS tìm cách liên minh với Al-Nusra trong một thời gian nhưng một cuộc đàm phán mới đây đã thất bại. Trái với Al-Nusra gồm phần lớn là người Syria, IS lại gồm người Iraq và rất nhiều người nước ngoài nên không được dân chúng địa phương chấp nhận. "IS đã bị tổn thương nhưng khả năng quân sự vẫn còn rất mạnh và nguồn tài chính dồi dào giúp chúng có thể mua chuộc sự ủng hộ của các bộ tộc vốn rất cần thiết cho sự sinh tồn của phong trào thánh chiến" - một nhà ngoại giao cho biết. Tóm lại là tại Iraq cũng như Syria, IS bị chặn bước tiến nhưng chưa phải là thua cuộc.

Khi đến công du Niger hôm 23/11, Thủ tướng Manuel Valls của Pháp xác nhận những chiếc máy bay Mirage 2000 sẽ đến Jordan trong những ngày tới với mục tiêu là tấn công IS. "Các thiết bị và nhân sự đã có mặt, và một số sẽ còn đến tiếp. Việc tăng cường sức mạnh sẽ tiếp tục với sự có mặt của những chiếc Mirage đó. Ông Manuel Valls còn cho biết, mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ có 6 chiếc Mirage 2000 đến Jordan để phối hợp với 9 chiếc Rafale đang đồn trú tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, và một căn cứ không quân sẽ được triển khai theo thỏa thuận với chính quyền Jordan trong khuôn khổ triển khai cuộc chiến chống IS. Nước láng giềng này của Iraq sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho sự can thiệp trên chiến trường Iraq, nơi nước Pháp thực hiện những sứ mệnh yểm trợ không quân cho quân đội Iraq và những chiến binh Peshmerga chống lại IS. "Thành công trên thực địa chỉ có thể đạt được nhờ có sự yểm trợ của liên minh từ trên không, và trong liên minh nước Pháp giữ vai trò hàng đầu" - Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian tuyên bố.

Chiến dịch Chammal của Pháp triển khai ngày 19/9 cho đến nay dựa trên 9 chiếc Rafale ở căn cứ Al Dhafra tại Các Tiểu vương quốc Arập, cách xa chiến trường Iraq hơn 3 lần so với Jordan. Cộng vào đó là một máy bay tiếp tế nhiên liệu C-135, 1 chiếc máy bay tuần thám Atlantique 2 và chiếc tàu phòng không "Jean Bart" đậu tại Vịnh. Tuy có khó khăn về tiếp tế nhưng mỗi ngày những chiếc Rafale vẫn thực hiện các sứ mệnh thám sát và oanh kích những mục tiêu chiến lược của IS. Điều này giúp cho quân đội Iraq và lực lượng người Kurd tận dụng những lỗ hổng trên chiến tuyến để chiếm lại các khu vực đã mất. Sau giai đoạn ngăn chặn lúc đầu, liên minh sẽ chuyển sang giai đoạn phản công trong vài tháng tới.

Mai Tú – Mê Linh (tổng hợp)
.
.