Thông điệp liên bang đầu tiên của Tổng thống Nga

Thứ Ba, 18/11/2008, 08:45
Thông điệp Liên bang của Tổng thống Dmitry Medvedev được Đài Tiếng nói nước Nga phát tới 160 quốc gia trên thế giới hôm 5/11 đã thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của dư luận cho dù trùng với thời điểm công bố kết quả bầu cử tổng thống Mỹ - chỉ vài giờ sau khi ông Barack Obama đắc cử, trở thành vị Tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Dmitry Medvedev đọc thông điệp Liên bang kể từ khi làm chủ điện Kremlin và nó đã bị trì hoãn tới 2 lần (ngày 23 và 30/10).

Từ đối nội...

Tổng thống Dmitry Medvedev đã đề cập tới một loạt vấn đề đã và đang đặt ra đối với nước Nga liên quan đến các chính sách đối nội và đối ngoại. Với quan điểm “trong có ấm, ngoài mới yên” nên ông Dmitry Medvedev đặc biệt coi trọng tới những biện pháp nhằm cải thiện và nâng cao đời sống dân sinh trong bối cảnh tình hình xã hội, kinh tế trong nước và quốc tế đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường.

Không chỉ quan tâm tới việc nâng cao đời sống của từng người dân Nga, Tổng thống Dmitry Medvedev còn muốn hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Theo giới truyền thông, sau một thời gian trì hoãn vì thiếu kinh phí, cuối cùng tàu ngầm hạt nhân tấn công Akula II cũng được hạ thủy và đang được Hải quân Nga chạy thử nghiệm. Akula II là loại tàu ngầm hạt nhân tấn công ít gây tiếng ồn và có sức chiến đấu mạnh nhất của Hải quân Nga hiện nay.

Tổng thống Dmitry Medvedev cũng cam kết sửa đổi Luật bầu cử để tạo điều kiện thuận lợi cho những đảng chính trị nhỏ được tham chính – nếu nhận được từ 5% đến 7% số phiếu bầu, họ sẽ có đại diện trong Quốc hội.

Giới bình luận cho rằng, điều này không những tạo hình ảnh ấn tượng về dân chủ của Nga trên trường quốc tế, mà còn thu hút được sự ủng hộ của những đảng này trong việc thực thi những chính sách của chính phủ.

Cũng trong thông điệp Liên bang, ông Dmitry Medvedev đã đề xuất kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống lên 6 năm và của Duma quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) lên 5 năm. Theo Hiến pháp Nga, cả Tổng thống và Duma quốc gia đều làm việc theo nhiệm kỳ 4 năm.

Một cố vấn của Tổng thống cho rằng, những sửa đổi Hiến pháp về việc kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống không cần phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Riêng Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Vladimir Churov chỉ tuyên bố, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này. Theo ông Dmitry Medvedev, việc kéo dài nhiệm kỳ sẽ cho phép Tổng thống có nhiều thời gian hơn để đối phó với những thách thức phải giải quyết.

Ông Dmitry Medvedev cũng hy vọng, đạo luật chống tham nhũng sẽ sớm được Duma quốc gia thông qua bởi Tổng thống đã phát động cuộc chiến này trên phạm vi toàn quốc, cũng như tăng cường việc kiểm soát tài sản của những người có quyền hạn đặc biệt, nhất là các thẩm phán.

Ngày 23/11/2006, ông Putin từng kêu gọi tiến hành các biện pháp chống tình trạng tham nhũng đang lan tràn tại nước này. Ông Putin cũng kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn tài sản và thu nhập của các quan chức Nga. Đồng thời kêu gọi thông qua luật kiểm tra thu nhập và tài sản của các quan chức Nga cùng những thành viên trong gia đình họ.

Ngoài ra, ông Putin còn ký sắc lệnh, theo đó kể từ ngày 1/11/2006, số lượng xe đặc quyền giảm xuống còn không quá 1.000 chiếc và những chiếc xe này chỉ được dùng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia.

Trước khi đăng ký tham gia tranh cử chiếc ghế tổng thống trong cuộc bầu cử hôm 2-3 và vào làm chủ điện Kremlin, Tổng thống Dmitry Medvedev đã phải công khai tài sản cá nhân. 

...Đến đối ngoại

“Cuộc chiến 5 ngày Nga – Gruzia” tại Nam Ossetia hồi tháng 8/2008 đã được Tổng thống Dmitry Medvedev đề cập khá kỹ trong Thông điệp Liên bang. Trong đó nhấn mạnh, Nga không thể bỏ qua hậu quả của “cuộc chiến 5 ngày Nga – Gruzia” bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới khu vực, mà còn tác động tới trật tự thế giới.

Dư luận đánh giá rất cao vị thế của Tổng thống Dmitry Medvedev cho dù ông mới nắm quyền từ hồi tháng 5. Có người nhấn mạnh, vai trò và ảnh hưởng của Tổng thống Dmitry Medvedev gia tăng đáng kể sau “cuộc chiến 5 ngày Nga – Gruzia”. Tổng thống Dmitry Medvedev cho rằng, “cuộc chiến 5 ngày Nga – Gruzia” là hậu quả từ những chính sách quá tự phụ, thiên về giải pháp đơn phương và không chấp nhận chỉ trích của Chính phủ Mỹ.

Cuộc khủng hoảng tài chính đã và đang tác động tới toàn cầu cũng là chủ đề được Tổng thống Dmitry Medvedev nhắc tới bởi nó xuất phát từ những bất cập trên thị trường Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Dmitry Medvedev cũng bày tỏ hy vọng tân Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama sẽ có những lựa chọn theo hướng có lợi đối với mối quan hệ Nga – Mỹ trong thời gian tới.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, ông Dmitry Medvedev và Tổng thống mới đắc cử Barack Obama có thể gặp nhau bên lề hội nghị các nền kinh tế lớn nhất thế giới chuẩn bị họp tại Washington, Mỹ hôm 15/11. Giới phân tích cho rằng, quan hệ Nga - Mỹ có thể ấm hơn dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Nhưng Tổng thống Dmitry Medvedev cũng tuyên bố, sẽ có hành động đáp trả kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt ở Ba Lan và Cộng hòa Czech. Cụ thể sẽ triển khai một hệ thống tên lửa ở vùng Kaliningrad, gần châu Âu để nếu cần sẽ vô hiệu hóa hệ thống lá chắn chống tên lửa mà Mỹ sẽ thiết lập ở Đông Âu

Nguyễn Thị Lân (Tổng hợp)
.
.