Thông tin về vụ bắn nhầm máy bay ở Peru năm 2001 bị bưng bít

Thứ Hai, 08/12/2008, 18:00
Một báo cáo nội bộ của Tổng thanh tra Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) vừa tiết lộ một số chi tiết cho thấy cơ quan này đã ém nhẹm những tài liệu liên quan đến vai trò của các sĩ quan cấp cao của mình trong vụ bắn nhầm máy bay một gia đình nhà truyền giáo người Mỹ trên bầu trời Peru vào tháng 4/2001. Tiết lộ mới này nhiều khả năng sẽ khiến Bộ Tư pháp Mỹ mở lại cuộc điều tra về mức độ sai phạm của các sĩ quan CIA.

Báo cáo được đóng dấu "mật" của Tổng thanh tra CIA John Helgerson được trình lên Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Tình báo Hạ viện từ tháng 8/2008 sau nhiều tháng điều tra, nghiên cứu các hồ sơ mật, tài liệu lưu trữ liên quan đến các phi vụ bay chống ma túy của CIA tại khu vực Nam Mỹ.

Một phần nội dung không thuộc diện bảo mật của báo cáo này đã được Hạ nghị sĩ Peter J. Hoekstra (đảng Cộng hòa bang Michigan) công bố trước báo giới hôm 20/11 và một số tờ báo lớn của Mỹ đăng tải vào ngày 21/11, sau đó vài tờ báo nước ngoài (như tờ The Times of London, Guardian...) cũng trích dẫn lại.

Theo tờ New York Times, báo cáo của ông Helgerson đã soi rọi ánh sáng vào một số bí ẩn chưa có lời giải đáp sau vụ bắn nhầm máy bay nhà truyền giáo. Nó cho thấy 4 sĩ quan CIA phụ trách các chiến dịch bí mật chống buôn lậu ma túy trong vùng núi Andes, Nam Mỹ, thật sự đã phạm tội và lẽ ra họ đã phải bị xét xử, nhưng do CIA cố tình giấu nhẹm những hồ sơ, tài liệu liên quan nên việc điều tra xét xử đã bị đổi hướng.

Sự cố bắn nhầm máy bay nhà truyền giáo trên bầu trời Peru xảy ra vào ngày 20/4/2001. Các tường thuật về vụ việc cho biết vào ngày hôm đó, CIA phối hợp với Không quân Peru thực hiện chuyến bay tuần tra trên bầu trời khu vực sông Amazon thuộc tỉnh Iquitos của Peru.

Hiện trường nơi chiếc máy bay Cessna của gia đình nhà truyền giáo Veronica Bowers bị bắn rơi.

Chiếc máy bay sử dụng hôm đó được CIA thuê của Bộ Quốc phòng Mỹ, trên chuyến bay gồm có 2 phi công, 3 sĩ quan CIA và 2 quân nhân người Peru hỗ trợ việc liên lạc với Bộ chỉ huy dưới mặt đất.

Theo thỏa thuận đã được ký kết, CIA không có quyền truy đuổi hay bắn hạ máy bay nghi là của tội phạm ma túy mà phải theo một thủ tục thông qua Bộ Tư lệnh Không quân Peru dưới mặt đất, và nơi đây sẽ phát lệnh cho máy bay chiến đấu lên can thiệp bắt giữ hoặc bắn hạ nếu đối tượng cố tình chống lệnh. Nếu các sĩ quan CIA thực hiện đúng thủ tục nghiêm ngặt thì chắc chắn đã không xảy ra sự cố đáng tiếc.

Theo báo cáo ban đầu của Chính phủ Peru, hôm đó, sau khi phát hiện chiếc thủy phi cơ lạ nhãn hiệu Cessna bay trên không phận Amazon từ hướng biên giới Brazil, CIA yêu cầu phía Peru kiểm tra kế hoạch bay của chiếc máy bay lạ này dựa theo số hiệu trên đuôi máy bay. Kết quả là chiếc Cessna không đăng ký kế hoạch bay. CIA nghi ngờ chiếc máy bay đó của bọn buôn lậu ma túy nên lập tức yêu cầu phía Không quân Peru can thiệp để kiểm tra.

Nhưng do viên phi công chiếc "máy bay lạ" không hiểu ngôn ngữ của viên phi công Peru nên đã không tuân theo lệnh hạ cánh, buộc lòng máy bay can thiệp phải bắn hạ.

Bé gái 7 tháng tuổi không lâu trước khi tử nạn.

Ngay sau khi vụ nổ súng xảy ra, các sĩ quan CIA và Không quân Peru phát hiện ngay mình đã phạm sai lầm lớn: Chiếc thủy phi cơ Cessna đó chở cặp vợ chồng nhà truyền giáo Jim (37 tuổi) và Veronica Bowers (35 tuổi) và 2 đứa con, một trai 6 tuổi, một gái 7 tháng tuổi.

Do trúng đạn, bà Bowers và đứa con gái 7 tháng tuổi chết tại chỗ, viên phi công bị thương, còn ông Bowers và con trai vô sự. Chiếc thủy phi cơ phải hạ cánh khẩn cấp xuống sông Amazon thuộc làng Huanta, tỉnh Iquitos.

Ngay sau khi vụ việc bị phanh phui khiến dư luận quan tâm, CIA đã tìm cách đánh lạc hướng, đổ lỗi cho phía Không quân Peru đã quá vội vàng nên không làm đúng thủ tục can thiệp nên dẫn đến bắn nhầm.

Sự thật vụ việc không phải như thế. Theo tường thuật của Đài điều khiển không lưu mặt đất Peru, khoảng 5 phút trước khi bị bắn hạ, viên phi công lái  chiếc Cessna của vợ chồng nhà truyền giáo liên tục kêu cứu và la hoảng lên rằng anh ta đang bị một chiếc máy bay quân sự bám rất sát.

Theo báo cáo Helgerson, sau khi vụ việc xảy ra, CIA đã tiến hành điều tra nội bộ và "lập hồ sơ về các sai phạm nghiêm trọng khi thực hiện thủ tục can thiệp bay", trong đó ghi đầy đủ tên họ các sĩ quan CIA có liên quan.

Báo cáo Helgerson tiết lộ rằng, chính các sĩ quan CIA trên chiếc máy bay tuần tra đã vi phạm các thủ tục cần thiết trước khi thực hiện yêu cầu hỗ trợ can thiệp. Nhưng vì lo ngại sự việc trên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chiến dịch bay chống ma túy khác trong khu vực, cho nên cơ quan này cố tình bưng bít thông tin khiến cuộc điều tra của Bộ Tư pháp và Quốc hội bị chệch hướng. --PageBreak--

Do hành động bưng bít thông tin của CIA nên Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ cuộc điều tra vụ việc vào tháng 5/2005 vì không thể thu thập được đầy đủ chứng cứ để kết tội những người có liên quan.

Vụ án đã được khép lại và mọi việc coi như đã an bài vì 2 viên phi công trên chiếc máy bay quân sự bắn nhầm chiếc Cessna đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án binh Peru và đã lãnh án tù. Năm 2002, Quốc hội và Chính phủ Mỹ đã duyệt một khoản tiền 8 triệu USD bồi thường cho gia đình nạn nhân nhằm thuyết phục họ không tiếp tục kiện tụng nữa.

Vụ việc bắn nhầm máy bay chở nhà truyền giáo này đã khiến dư luận chú ý nhiều hơn đến các hoạt động bí mật của CIA tại khu vực Andes. Theo hồ sơ lưu trữ, các hoạt động bí mật tại Peru là một phần trong toàn bộ kế hoạch hoạt động bí mật của CIA trong vùng núi Andes nhằm phát hiện và truy bắt hoặc bắn hạ các máy bay chở ma túy (cocaine) của bọn tội phạm trong khu vực.

Các hoạt động của CIA tại Peru được  bắt đầu từ năm 1995 theo một thỏa thuận được ký kết vào năm 1994 giữa Tổng thống Bill Clinton và Chính phủ Peru, theo đó CIA sẽ được phép thực hiện chiến dịch của mình với sự hỗ trợ đầy đủ của Không quân Peru.

Tính từ khi bắt đầu cho đến trước vụ Veronica Bowers, các phi vụ của CIA đã bắn nhầm ít nhất 30 chiếc máy bay dân sự trên bầu trời Peru do vi phạm các nguyên tắc, thủ tục can thiệp kiểm tra, nhưng phần lớn những “tai nạn” đều bị ém nhẹm.

Hiện Giám đốc CIA Michael Hyden chưa quyết định sẽ có hành động như thế nào đối với vụ việc. Còn Hạ nghị sĩ Hoekstra thì tuyên bố ông sẽ yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ hiện nay và cả sắp tới (sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức) mở lại cuộc điều tra về những sai phạm, khuất tất bên trong vụ việc, cả những phi vụ bí mật khác mà CIA đã tiến hành tại khu vực Andes

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.