Thú chơi ngông xa xỉ của thiếu gia Việt

Thứ Hai, 04/07/2011, 08:25

Trong một bài báo kinh tế của Mỹ nói về thị trường các mặt hàng xa xỉ bán tại Việt Nam thì giới lãnh đạo những công ty sở hữu các nhãn hàng đắt tiền như Hermes, Louis Vuitton, Guicci... đang rất ngạc nhiên về thị trường vô cùng khởi sắc trên đất nước này.

Cách đây độ chục năm, để ví von một người giàu có thì chỉ giản dị kết luận một câu vui vui rằng “Tiền đè chết người”, hay một câu ví von dí dỏm “Tiền nhiều như quân Nguyên”. Nhưng chỉ trong một thập niên qua thì số lượng người giàu, cho đến người siêu giàu (theo tiêu chí đánh giá thế giới) ở Việt Nam tăng vọt đồng hành với sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Và thế là các khái niệm ví von về sự “đông” tiền trước đây dường như bắt đầu lạc hậu vì không một ngôn từ nào có thể so được sự hoang phí của một bộ phận giới trẻ là con cái những người thành đạt.

Xa xỉ siêu xe

Khoảng thời gian này năm ngoái, bản đồ siêu xe thế giới ghi nhận thêm một chiếc xe Ferrari 458 Italia trị giá 750.000 USD xuất hiện tại Việt Nam, kênh truyền hình nổi tiếng Top Gear đã từng bình chọn Ferrari 458 Italia là "siêu xe của năm 2009". Chủ nhân là một chàng trai Hà Nội vừa bước vào tuổi 22, thiếu gia này cũng đang đồng thời sở hữu một chiếc siêu xe Ferrari 599 GTB màu đỏ khác, vị chi 2 chiếc khoảng 1,4 triệu USD. Tạm tính rằng, với số tiền này nếu quy đổi ra tiền Việt và gửi tiết kiệm thì mỗi sáng thức dậy  ta sẽ được hưởng lãi suất xấp xỉ 12 triệu đồng.

Tất nhiên với các vị thiếu gia thừa hưởng từ sự chăm chỉ tích góp làm giàu của cha mẹ, lại không phải vất vả bỗng dưng sở hữu cả cục tiền thì chuyện vung tiền hoang phí cũng là điều không quá khó hiểu. Với một chiếc siêu xe kể trên, trang bị động cơ V8, công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp, 458 Italia có công suất tối đa 570 mã lực tại 9.000 vòng/phút và chỉ cần 3,4 giây để đạt tốc độ 96 km/giờ, tốc độ tối đa 325 km/giờ thì chuyện nhiên liệu đối với "người bình thường" cũng là một thứ xa xỉ, nó ngốn xăng đến mức dân chơi xe phải nói ngoa lên rằng: "Nếu vừa nổ máy vừa đổ xăng thì chắc không bao giờ đầy, mỗi cú đạp ga là nghìn, nghìn, mười nghìn". Một buổi vắng vẻ dạo phố Hà Nội cũng hết cỡ 1 chỉ vàng tiền xăng.

Không giống như các tầng lớp "vừa phải" vốn đang phải chịu đựng thời buổi "thóc cao gạo kém", một bộ phận giới trẻ đại gia dường như không hề cảm thấy áp lực này đối với lối sống của họ. Trước đây dư luận đã từng xôn xao về việc bát phở thịt bò Kobe triệu bạc dành cho bữa sáng của người giàu so với các thú chơi thời thượng của giới trẻ mới giàu thì không khác gì so phấn với vôi. Trong giới trẻ chơi siêu xe luôn có sự cạnh tranh ngầm giữa các đại gia trẻ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Vượt trội hơn thuộc về các tay chơi phía Nam, luôn đi trước, dẫn đầu và hoành tráng.

"Đầu lĩnh" phía Nam có "C. đôla", về thú chơi xe của các thương hiệu xa xỉ nhất thế giới thì đều hiện diện trong biệt thự của "C. đôla". Năm 2003, khi dân chơi Sài Gòn còn đang nhấp nhổm đua xe gắn máy trái phép thì "C. đôla" mười mấy tuổi đầu đã mang xe hơi Mercedes ra "rít" cùng cho vui. Phần lớn các siêu xe thể thao ở Việt Nam đều do "C. đôla" nhập khẩu về chơi chán rồi bán lại cho các thiếu gia khác, thêm vào đó là đủ các loại siêu điện thoại di động vàng khối, nạm kim cương... vài trăm triệu một chiếc, bỗng dưng thú chơi thành… nghề tay trái, C. vừa được chơi trước lại còn có lãi.

Tất nhiên đã là chủ nhân của siêu xe trị giá nhiều tỉ thì việc siêu phụ phí đối với xe cũng không phải là vấn đề đáng bận tâm với họ. Một thiếu gia ở Sài Gòn, chủ nhân một chiếc Lamborghini Gallardo SE (chỉ có 250 chiếc trên thế giới) năm ngoái vừa được chủ nhân làm thủ tục tạm xuất tái nhập trong khoảng 2 tháng gửi sang California, Mỹ để sửa sang, bảo dưỡng. Chủ nhân Gallardo SE sẽ được bảo trì và tân trang một số chi tiết tại đại lý chính hãng của Lamborghini tại California. Việc làm này ít tốn kém hơn một chút so với một tỉ phú dầu mỏ Arập gửi chiếc xe Lamborghini Murcielago LP640 sang Anh bằng đường hàng không để thay dầu, với tổng chi phí khoảng 47.000 USD.

Siêu xe đi “biểu dương lực lượng” ở Hà Nội.

Thanh cảnh hơn trường hợp trên, 2 tiểu công tử Sài thành khác cũng thuộc "băng đảng siêu xe" một ngày mùa thu muốn uống cà phê Hà Nội ngắm lá vàng rơi nên chuyển luôn 2 chiếc siêu xe ra Hà Nội rồi tha thẩn ngồi nhâm nhi tách cà phê dưới mái hiên khách sạn 5 sao Metropole ngắm lá, ngắm xe, ngắm người đời qua lại ngây ngô trầm trồ khen xe, khen "phò mã tốt áo", rồi tối lại túc tắc bay về phương Nam.

Trong giới  trẻ sở hữu siêu xe thì hầu hết chỉ biết đi, rẽ và "vào chuồng", thi thoảng đêm hôm vắng vẻ, dăm chàng cậy rượu bất chấp luật lệ, liều mạng đạp lút ga được vài giây, vì đường phố Việt Nam không thích hợp với những chiếc xe gầm thấp. Có chàng ở Hà Nội đêm hôm cũng có tí men lại còn đang yên vị trên siêu xe ở tốc độ đua công thức 1, thế là nhầm đền Bà Kiệu ở Bờ Hồ là đường, ngay lập tức một chiếc siêu xe Aston Martin DB9 dành cho điệp viên 007 trị giá  gần 10 tỉ đồng thành đống sắt vụn.

Trong các video clip chạy thử xe hơi ở Việt Nam nổi lên cái tên "H. Kar", một tay lái xe hơi điêu luyện nhưng lại chưa kịp giàu nên vô tình lại được tín nhiệm là người được chạy thử "hết đô" nhiều loại xe sang nhất. Nhiều công tử nhà giàu mua xe xong loay hoay không biết "công năng" xe bạc tỉ ra làm sao, lại í ới "H. Kar" mang xe đi chạy thử, biểu diễn các màn tốc độ, drift (chạy văng xe) như phim Mỹ ở những khu vực vắng người.

Có một lần người viết bài này được chứng kiến một đại gia ở Hà Nội mang chiếc Land Rover địa hình phiên bản độ đặc biệt trị giá hơn 6 tỉ vừa mới đăng ký buổi sáng thì buổi chiều đưa xe cho "H. Kar" đi phá thử. Tất nhiên sau đó chủ nhân "mãn nhãn" khi chiếc xe này được thể hiện những ưu điểm qua địa hình vượt trội khi "H. Kar" mang hẳn vào khu đất đồi hầm hố lầy lội hố sâu, dốc cao mà vốn  chỉ dành cho xe tăng tập luyện.

Với người "bỗng dưng giàu", có tiền và "văn hóa tiêu tiền" thường ít khi song hành, đồng tiền luôn mang bộ mặt của người cầm nó.  Thế nên một bộ phận giới trẻ do cha mẹ mải mê làm giàu, thiếu khuyết giáo dục con cái về nhận thức, thiếu gia với thú vui có vẻ như chỉ có mải miết khoe của.

Gần đây nhất, "câu lạc bộ siêu xe Việt Nam" đang lên kế hoạch chuẩn bị một cuộc du ngoạn từ TP HCM tới Đà Nẵng bằng siêu xe. Gần 30 siêu xe và xe sang hàng đầu Việt Nam sẽ tụ họp ở để thực hiện hành trình dài một nửa chiều dài đất nước. Cũng vẫn lại là đại gia lắm của "C. đôla" là người có vị trí quan trọng nhất trong ban tổ chức.

Dự kiến các xe tham dự sẽ được giới hạn ở dòng xe 2 cửa với động cơ V8 trở lên, còn xe 4 cửa cũng sẽ được giới hạn ở các dòng xe cao cấp là Bentley và Rolls Royce. Tất nhiên do ban tổ chức có đặt ra một số tiêu chí trên để "hạn chế" số lượng siêu xe tham gia, lý do rằng có vài vị thiếu gia sở hữu tới 4-5 chiếc "mong mỏi" được mang đi trình diễn tất thảy. Vé tham dự cho sự kiện này được đề nghị ban đầu không dưới 10.000 USD/xe.

Trong cuộc họp kín của “ban tổ chức” sự kiện này ở phía Nam, không ít thành viên sẵn sàng chi gấp từ 3 đến 5 lần cho suất của mình chỉ để được đi đầu đoàn, tất nhiên trong một nhóm mà "đời tôi không có gì cả, chỉ có mỗi tiền" thì lời đề nghị này quả thực là không đúng chỗ.

Một vị đại gia lớn tuổi đứng sau sự kiện kể trên đã phải âm thầm rút lui vì những ý tưởng tốt đẹp ban đầu dành cho hành trình kết nối chủ nhân các siêu xe và dọc đường làm từ thiện đã bắt đầu biến dạng, gây ra nhiều dư luận không tốt về sự xa xỉ ngay trước khi bắt đầu do thông tin rò rỉ trên rất nhiều trang diễn đàn mạng Internet. Kinh hãi nhất là màn "biểu dương lực lượng" hàng đoàn siêu xe lững thững bát phố nghênh ngang ở cả hai thành phố trong những buổi gặp lên kế hoạch trước khi diễn ra sự kiện.

Xa xỉ phụ kiện

Trong một bài báo kinh tế của Mỹ nói về thị trường các mặt hàng xa xỉ bán tại Việt Nam thì giới lãnh đạo những công ty sở hữu các nhãn hàng đắt tiền như Hermes, Louis Vuitton, Guicci... đang rất ngạc nhiên về thị trường vô cùng khởi sắc trên đất nước này. Họ ngạc nhiên vì thành phần khách hàng trung thành hầu hết là giới trẻ thay vì độ tuổi trung niên kinh tế ổn định như mặc nhiên tại các thị trường khác, đặc biệt là cách mua hàng, tiếp nhận món hàng xa xỉ đắt đỏ của một bộ phận giới trẻ giàu có Việt đơn giản như mua một chiếc bánh mỳ.

Có những khách hàng trẻ vào mua ví, túi xách Louis Vuitton bằng cách chỉ chỏ vài mặt hàng, lấy, thanh toán hóa đơn trị giá vài ngàn USD bằng tiền mặt rồi thậm chí không cần cả túi đựng mà gói  bằng giấy báo mang theo rồi vội vã rời khỏi cửa hàng vứt lỏng chỏng mớ đồ vừa mua ra sau xe hơi. Những biểu hiện được gọi  là "dân chơi" như mặc quần bò Versace, Gucci, đi giày Doctor, tay đeo đồng hồ Longines của vài năm trước dường như đã vô cùng lạc hậu.

Mới đây nhất, một tiểu thư đại gia thích ca hát tuổi đôi mươi gây choáng váng cho nhiều người sành sỏi khi trưng ra bộ sưu tập đồng hồ đeo tay tiền tỉ. Cô ta nổi tiếng trên mạng Internet Việt Nam vì sự xài sang, đi xe hơi mui trần, diện đồ hiệu từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới và những chiếc đồng hồ ngự trị trên tay cô nàng này cũng hiệu không kém.

Trong vô số đó đầu tiên phải kể đến chiếc Vacheron Constantin Patrimony Traditionnelle Openworked Large 38mm - Japan limited 2008 present - Full Skeletonized -18k pink gold, giá năm 2008 tại Nhật Bản là 66.000USD, kế đến chiếc Jaeger le coultre - Reverso Tourbion Chronograph World Limited 500- Pink Gold Euro 1996 Germany Champion Anniversary, giá 43.900USD và chiếc "rẻ" nhất là BVLGARI - BVLGARI Skeletonized - YGold D-Back Version khoảng 20.000 USD.

Ari 599 Fiorano GTB duy nhất tại Việt Nam bị tai nạn không rõ nguyên nhân (?)

Hiển nhiên với vóc dáng tiêu chuẩn của một người mẫu và lại còn quá giàu có nên cô gái trẻ này luôn bị mũi dùi của đám đông đả kích trên hầu hết các trang báo mạng, diễn đàn Internet. Từ những điều đó đã biến cuộc sống của cô gái đại gia trẻ này như một con nhím, luôn đề phòng và xù lông với mọi ánh nhìn hay lời bình luận trên mạng.

Đối với các thiếu gia phái nam thì trang sức với điện thoại, kính, bút, đồng hồ, thắt lưng cũng là những thứ không thể thiếu. Tiếc một điều do hiệu ứng đám đông nhà giàu nên chàng nào bắt chước nhau dùng thắt lưng Hermes với chữ H vàng nhạt to tổ chảng bên lườn, một thứ xa xỉ phẩm 700USD tự nhiên thành đồng phục. Giới làm hàng giả bắt được tâm lý đó nên cũng sản xuất hàng loạt thắt lưng Hermes nhái cho nên từ vô số anh đánh giày đến sinh viên thấy nhiều người dùng cũng mua đại, văn hóa hàng hiệu thật giả lẫn lộn thành đại chúng kể cũng nực cười, thắt lưng 170 nghìn đồng và 700USD bỗng dưng nhang nhác nhau.

Chỉ trong vòng 4 năm, hầu hết các hãng điện thoại di động hạng siêu sang đều có mặt tại thị trường Việt Nam như Vertu, Mobiado... Trong mỗi buổi cà phê "chém gió" cùng nhau thì trên mặt bàn của các thiếu gia đi siêu xe như một siêu thị điện thoại di động đắt tiền. Đã từng xuất hiện hình ảnh "C. đôla" vứt lỏng chỏng chiếc Goldvish vàng khối giá bạc tỉ trên bàn nước, hay phổ biến "đồng phục" hơn cả của các tiểu đại gia khác ưa dùng là Vertu Signature thì giá cũng vài trăm triệu đồng một chiếc. Các thiếu gia "bình dân" nhất cũng lận tay một chiếc thương hiệu Mobiado, cỡ vài ngàn USD là có ngay một chiếc hạng trung, vỏ làm từ gỗ óc chó quý hiếm xuất xứ từ châu Mỹ.

Kinh hoàng nhất là câu chuyện từ một vị họa sĩ tên tuổi được một thiếu gia đến mua "không chớp mắt" một bức tranh sơn mài khổ lớn trị giá khoảng 400 triệu, sau khi mua xong mang về hắn cưa ngay ra làm hai mảnh để làm tấm bình phong che chiếc màn hình Bang & Olufsen 40.000USD treo ngầm trên tường tại tư gia. Vị họa sĩ đáng kính than thở: "Là một người yêu nghệ thuật, thì câu chuyện của tôi  là một câu chuyện buồn".

Còn rất nhiều chuyện liên quan tới sự xa xỉ khoe khoang luôn ầm ĩ trên các trang báo mạng. Chẳng ai có ý kiến gì với họ khi sự giàu sang mà họ có được là do vận may cuộc đời ưu ái. Thế nhưng, trong lúc đất nước còn quá nhiều người đang sống nghèo khổ, thì cái sự khoe ấy, sự hoang phí ấy, liệu có nên chăng?

Tôi rất thích một đoạn của nhà văn Nguyễn Việt Hà nói rằng đồng tiền luôn mang bộ mặt của người cầm nó, phóng khoáng thiện tâm thì đó là đồng tiền rộng rãi cao thượng, bần tiện tính toán thì đó là đồng tiền nhơ nhớp chật chội. Đừng quên mất rằng trên đời có những gương mặt mà bất cứ kiểu tiền nào cũng không tài nào có thể bắt chước được

Trí Minh
.
.