Thủ đoạn mới của tội phạm: Lừa kiểu “bắc cầu”

Thứ Ba, 26/01/2016, 16:40
Để chiếm đoạt tiền của người mua, Nguyễn Khôi Nguyên ra các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động (ĐTDĐ) vờ hỏi mua hàng, xin số tài khoản ngân hàng của người bán để chuyển tiền.


Sau khi có tài khoản, Nguyên yêu cầu người mua sim số đẹp chuyển tiền vào rồi quay lại cửa hàng bán điện thoại, lấy lý do không mua hàng nữa để đề nghị chủ tài khoản trả lại tiền. Bằng cách đó, Nguyên chiếm đoạt tiền của người mua sim mà không để lộ tung tích. Khi nạn nhân tìm đến chủ tài khoản đã chuyển tiền mới biết bị lừa. Nhưng đây không phải là trường hợp hy hữu.

Ngày 21-1 vừa qua, lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho biết vừa làm rõ, xử lý một đối tượng  lập tài khoản Facebook để lừa đảo bán sim số đẹp, chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Sử dụng sim số đẹp là nhu cầu của rất nhiều người dùng ĐTDĐ hiện nay với hy vọng gặp may mắn, thịnh vượng trong công việc và cuộc sống. Chính vì vậy, người dùng điện thoại sẵn sàng chi một khoản tiền không nhỏ để được sở hữu chiếc sim điện thoại có số đẹp theo sở thích. Dịch vụ mua bán sim số đẹp đang nở rộ trên mạng xã hội. Lợi dụng nhu cầu này, các đối tượng xấu đã trà trộn hoạt động lừa đảo khiến nhiều khách hàng mất tiền mà không mua được sim.

Đối tượng Nguyễn Xuân Ngọc.

Vào thời điểm cuối năm 2015, Đội 3 Phòng PC50 Công an Hà Nội nhận được nhiều đơn của người bị hại trình báo mua sim số đẹp đăng trên tài khoản Facebook "Nhật Đăng Dũng QB" đã bị chủ tài khoản chiếm đoạt tiền nhưng không chuyển sim. Anh Nguyễn Đình Hậu ở La Khê, Hà Đông cho biết, giữa tháng 8-2015, khi lên mạng xã hội Facebook, anh thấy trên tài khoản "Nhật Đăng Dũng QB" đăng quảng cáo kinh doanh sim số đẹp. Sau khi xem danh sách số sim đẹp mà chủ tài khoản này đăng công khai trên trang Facebook, anh Hậu quyết định chọn mua số sim 096xxxx888.

Hai bên thỏa thuận, thống nhất giá mua bán là 5 triệu đồng. Chủ tài khoản "Nhật Đăng Dũng QB" yêu cầu anh Hậu chuyển trước tiền mua sim vào tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Xuân Ngọc, sau khi nhận tiền sẽ chuyển sim. Tuy nhiên chuyển tiền xong, anh Hậu không nhận được sim như cam kết. Anh liên hệ với người bán sim theo số điện thoại đăng trên trang Facebook thì không nhận được hồi âm. Còn trang Facebook "Nhật Đăng Dũng QB" một thời gian sau đó cũng bị "khóa" không liên hệ được.

Tương tự như vậy, anh Trần Văn Giáp ở Đức Thượng, Hà Nội có nhu cầu mua sim số 090xxxx999. Anh được một người bạn  chuyên kinh doanh sim số đẹp giới thiệu liên hệ với Nguyễn Xuân Ngọc, một "đại lý" bán sim số đẹp trên mạng. Liên hệ với Ngọc, anh ta cho biết có số sim như anh Giáp yêu cầu và ra giá 4,2 triệu đồng. Theo yêu cầu của Ngọc, anh Giáp chuyển số tiền trên vào tài khoản ngân hàng của Ngọc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sim.

Phối hợp Công an TP Đồng Hới tiến hành xác minh, Đội 3 PC50 Công an Hà Nội đã làm rõ đối tượng lừa đảo bán sim số đẹp trong các vụ trình báo trên là Nguyễn Xuân Ngọc (SN 1984), ở phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ngọc khai nhận cuối năm 2013 làm nghề kinh doanh sim số đẹp bằng hình thức đi mua lại sim số đẹp của các đại lý bán sim rồi bán lại cho khách hàng để lấy tiền chênh lệch. Ngọc  sử dụng 2 tài khoản "Ngọc sim Quảng Bình" và "Ngọc sim Đồng Hới" để quảng cáo, bán sim số đẹp trên mạng xã hội Facebook.

Đầu năm 2015, Ngọc bị mất 2 tài khoản Facebook trên nên lập tài khoản "Nhật Đăng Dũng QB" để tiếp tục bán sim số đẹp. Trong thời gian này, do nợ nần nên Ngọc nảy sinh ý định chiếm  đoạt tiền của những người mua sim. Khi khách hàng liên hệ với Ngọc qua tài khoản "Nhật Đăng Dũng QB" hoặc số điện thoại 0901652999 của Ngọc, mặc dù không có sim nhưng Ngọc vẫn thỏa thuận bán sim theo yêu cầu của khách hàng, sau đó yêu cầu người mua chuyển trước tiền vào tài khoản ngân hàng mang tên Ngọc mở tại chi nhánh Đồng Hới, Quảng Bình để chiếm đoạt.

Bước đầu tại Cơ quan Công an, Nguyễn Xuân Ngọc  khai nhận từ tháng 2 đến tháng 11-2015 đã lừa đảo bán sim số đẹp cho  7 cá nhân với số tiền chiếm đoạt là hơn 41 triệu đồng. Những người này đều liên hệ với Ngọc thông qua Facebook. Đội 3 Phòng PC50 đã chuyển hồ sơ và đối tượng Ngọc tới Phòng PC45 Công an Hà Nội để xử lý về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" theo điều 226b Bộ luật Hình sự.

Theo một đại lý kinh doanh sim điện thoại, thị trường sim số đẹp hiện nay chủ yếu là mua bán online. Thông thường, người bán sim thường yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước vào tài khoản, sau đó mới làm thủ tục sang tên, đăng ký tên với nhà mạng rồi chuyển sim cho người mua. Do đó, rủi ro rất dễ xảy ra đối với người mua sim nếu gặp phải đối tượng chủ động lừa đảo.

Trước đó, tháng 10-2015, Công an TP Vinh, Nghệ An đã điều tra, bắt giữ Nguyễn Khôi Nguyên (SN 1990) trú tại khối Tân Thành, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) chuyên lừa đảo bán sim số đẹp trên mạng xã hội Facebook. Thủ đoạn của Nguyên là lên mạng tìm kiếm những tài khoản Facebook cá nhân có đông bạn bè, sau đó lập một tài khoản mạo danh để kết bạn, rao bán sim số đẹp, chiếm  đoạt tiền của hàng loạt nạn nhân. Ngoài ra, Nguyên còn lập Facebook mạo danh nhân viên các nhà mạng để quảng cáo bán sim số đẹp.

Theo Cơ quan Công an, đánh vào tâm lý thích sim số đẹp của nhiều người, các đối tượng lừa đảo còn rao bán các số sim đẹp với giá rẻ hơn giá trên thị trường để bẫy người mua. Do đó, để tránh lừa đảo khi mua sim số đẹp, người mua cần trực tiếp đến các đại lý hoặc liên hệ với nhà mạng. Khi mua sim cần làm thủ tục đăng ký chính chủ theo đúng quy định.

H.Vũ
.
.