Xung quanh vụ nổ súng sát hại 2 phóng viên kênh truyền hình WDBJ

Thứ Ba, 01/09/2015, 22:25
Vụ xả súng nhằm vào hai phóng viên của Kênh truyền hình địa phương WDBJ ở bang Virginia (Mỹ) khi đang lên sóng trực tiếp không chỉ làm chấn động và gây tâm lý hoang mang, mà nó một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng sử dụng súng bừa bãi trong xã hội Mỹ.

Ngày 26/8, hai phóng viên của Kênh WDBJ ở bang Virginia đã bị bắn chết khi đang thực hiện một chương trình phát sóng trực tiếp. Vụ việc xảy ra khi nữ phóng viên Alison Parker, 24 tuổi, đang phỏng vấn khách mời về phát triển du lịch của địa phương cho bản tin đầu giờ. Khi cuộc phỏng vấn đang được thực hiện trên ban công của một ngôi nhà trong khu nghỉ dưỡng Bridgewater, nằm bên bờ hồ ở thị trấn Moneta, kẻ tấn công đã bắn chết Parker ở cự ly gần, rồi sau đó hướng mũi súng sang phóng viên quay phim Adam Ward, 27 tuổi, đang ghi hình. Nữ khách mời cũng bị thương trong vụ tấn công.

Do cuộc phỏng vấn được truyền hình trực tiếp nên toàn bộ cảnh tượng đã được máy quay ghi lại, cùng với nhiều tiếng la hét thất thanh trước khi Adam và máy quay đổ xuống. Nghi can thực hiện vụ tấn công sau đó được xác định là Vester Flanagan, 41 tuổi và là người da màu. Flanagan từng là phóng viên tại kênh truyền hình nói trên.

Xả súng đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trong xã hội Mỹ khi các vụ tấn công đẫm máu xảy ra thường xuyên và không chỉ tại các trường học, rạp chiếu phim, mà nó còn diễn ra ngay cả các cơ sở quân sự của chính phủ, gây tâm lý bất an cho người dân. Trung tuần tháng 7 vừa qua, hai căn cứ quân sự tại  thành phố Chattanooga thuộc bang Tennesssee trở thành tâm điểm của dư luận khi  Mohammad Yousuf Abdulazeez - người Mỹ gốc Kuwait, nã súng khiến 4 lính thủy đánh bộ và 1 thủy thủ thiệt mạng.

Nữ phóng viên dẫn chương trình trực tiếp từ Bridgewater Plaza trước khoảnh khắc bị bắn.

Vụ thảm sát đẫm máu tại Trường tiểu học Sandy Hook ở thành phố Newtown, bang Connecticut làm 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em từ 6-8 tuổi vào tháng 12/2012 được coi là cột mốc đánh dấu cuộc cải cách kiểm soát súng đạn do Tổng thống Barack Obama khởi xướng.

Ngay sau vụ thảm sát khiến dư luận Mỹ, trong đó có cả những nhóm "sùng bái súng đạn" như NRS, phải sững sờ, Tổng thống Obama đã ban hành 23 biện pháp hành chính nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tái diễn - một động thái cho thấy quyết tâm của người đứng đầu Nhà Trắng đưa việc sử dụng súng đạn vào khuôn khổ. Các biện pháp gồm quy định kiểm tra nghiêm ngặt hồ sơ các vụ mua bán súng, đóng cửa vĩnh viễn một số địa điểm bán lẻ và các phòng trưng bày súng đạn, giới hạn các băng đạn ở mức 10 viên trở xuống, cấm tàng trữ các loại đạn có khả năng bắn thủng áo chống đạn, bãi bỏ lệnh cấm các cơ quan nhà nước tiến hành nghiên cứu về bạo lực súng đạn, tăng cường dịch vụ y tế tâm thần, kêu gọi Quốc hội sớm thông qua dự luật cấm các loại vũ khí tấn công đã hết hạn từ năm 2004.

Không chỉ có vậy, chính quyền của Tổng thống Obama còn đưa ra dự luật kiểm soát súng đạn, trong đó điều khoản siết chặt kiểm tra lý lịch đối tượng mua súng là nổi bật hơn cả. Theo chủ trương này, ngoài những người nộp đơn xin mua súng, các cuộc triển lãm súng đạn hay các giao dịch súng đạn qua mạng Internet đều phải trải qua quá trình kiểm tra hồ sơ lý lịch.

Tuy nhiên, việc kiểm tra lý lịch được xem là hình thức khi người mua chỉ phải điền vào một mẫu của Cục Quản lý rượu, thuốc lá, vũ khí và chất nổ Mỹ (ATF), trong đó có các thông tin cá nhân cơ bản và những câu hỏi như bạn đã từng phạm tội, hoặc có từng sử dụng trái phép cần sa hay các loại chất cấm hay chưa… Sau đó cửa hàng sẽ liên hệ với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), cơ quan quản lý việc kiểm tra lý lịch cá nhân bằng hệ thống NICS (hệ thống kiểm tra lý lịch hình sự quốc gia).

Quá trình này chỉ mất vài phút. NICS sẽ quét qua các cơ sở dữ liệu liên bang để tra cứu thông tin. Nếu người mua đã từng phạm tội với mức án hơn 2 năm hoặc bị tòa án tuyên bố là có "khiếm khuyết về tinh thần" thì sẽ không thể vượt qua cuộc kiểm tra lý lịch.

Song, những trường hợp này rất hiếm khi xảy ra, chỉ dưới 1%. Thậm chí để tránh những biện pháp kiểm tra được coi là ngặt nghèo hơn tại các thành phố lớn như New York, Chicago hay thủ đô Washington, người mua súng tìm đến các cửa hàng hay các triển lãm, hội chợ ở những bang xa xôi hơn.

Với 310 triệu khẩu súng đang lưu hành trên thị trường, Mỹ là một trong những quốc gia sử dụng vũ khí nhiều nhất trên thế giới. Kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Pew đối với hơn 1.500 vị thành niên cho biết chỉ có 24% trong số những người được hỏi cho biết họ sở hữu 1 khẩu súng và 48% trong số đó cho rằng họ chủ yếu trang bị vũ khí để tự vệ, so với 32% những người sử hữu súng cho rằng họ sử dụng để thỏa mãn thú vui săn bắn.

Kết quả khảo sát này đã đi ngược lại so với kết quả khảo sát tại thời điểm năm 1999 khi mà 49% số người được hỏi cho rằng họ chỉ sở hữu 1 khẩu súng để đi săn trong khi 26% cho rằng họ trang bị súng là để tự vệ. Có thể nói việc 150.000 người Mỹ vô tội chết vì súng đạn trong hơn một chục năm qua không phải là do số phận.

Cái chết đó là sản phẩm của luật pháp, của các chính trị gia ráo riết vận động ủng hộ văn hóa súng đạn. Và nếu muốn giảm số vụ xả súng ở Mỹ, cả người dân và giới nghị sĩ cần phải có ý chí chính trị cao hơn lợi ích cá nhân.

Thủ phạm bắn chết 2 đồng nghiệp: "Tôi đã là thùng thuốc nổ từ lâu rồi!"

Tên thật của thủ phạm là Vester Lee Flanagan, bút danh Bryce Williams, đã giải thích rằng "điều khiến tôi giận dữ, đó là cuộc thảm sát tại nhà thờ Charleston". Trong vụ nổ súng đó, có 9 giáo dân da đen bị Dylann Roof sát hại. Hắn là kẻ hô hào tính thượng đẳng của người da trắng.

Bryce Williams đã giải thích trên mạng Twitter rằng hắn giết Alison vì "cô đã có những lời bình luận phân biệt chủng tộc", thế nhưng "cô vẫn được tuyển dụng". Còn Adam Ward đã từng than phiền về hắn với ban nhân sự, điều này dẫn đến việc hắn bị sa thải. Vụ việc đã xảy ra từ năm 2013.

Sinh năm 1973, trưởng thành tại Oakland (California), tốt nghiệp Đại học San Francisco năm 1995, Bryce Williams than thở rằng trong suốt sự nghiệp hắn đã chịu khổ sở vì thân phận da đen và đồng tính. Hắn đã "chịu đựng sự phân biệt, quấy rối tình dục và áp chế trong công việc". "Hắn kể rằng đã bị tấn công bởi những người đàn ông da đen và phụ nữ da trắng chỉ vì hắn là người da đen và đồng tính" - Đài ABC News cho biết.

Bryce Williams đã từng kiện 2 nạn nhân của hắn về tội phân biệt chủng tộc, nhưng cáo buộc này đã bị Tổng giám đốc Đài WDBJ7 là Jeffrey Marks bác bỏ. Ông này cho rằng "Williams là một kẻ khốn khổ" và ông khẳng định đã "cho hắn thôi việc vì nhiều chuyện liên quan đến tính hung bạo của hắn".

Hắn đã được đài tuyển vào tháng 3/2012 và chưa đầy 1 năm sau, bị cảnh sát giải ra khỏi đài vào tháng 2/2013. Trong thời gian ngắn ngủi làm việc tại Đài WDBJ7 hắn đã có tiếng là "kẻ gây rối và khó làm việc chung", mặt khác hắn lại được ông Marks nhìn nhận là "một phóng viên có tài và có kinh nghiệm". Được biết, từ năm 1993 đến 1995, Bryce Williams làm cho Đài KPIX, chi nhánh của CBS News. Trên mạng Linkedin hắn cho biết đã làm việc tại nhiều đài truyền hình trên khắp nước Mỹ từ giữa thập niên 90, và đồng thời cả trong lĩnh vực marketing hay quan hệ khách hàng.

Từ năm 1999-2000, Bryce Williams làm phóng viên cho Đài WTWT, chi nhánh của NBC, nhưng bị sa thải vì "tính khí kỳ quặc". Khi rời khỏi đài, Bryce Williams kiện WTWT về tội phân biệt chủng tộc và cho rằng hắn đã bị gọi là "khỉ". Từ năm 2000-2001, hắn là nhân viên quan hệ khách hàng cho Bank of America, Công ty Pacific Gas và Electric Company.

Trong lời bình của hắn trên Twitter, kẻ tự xưng là chứng nhân của thánh Jehovah kết luận: "Vụ nổ súng trong nhà thờ Charleston là giọt nước làm tràn ly… nhưng sự thịnh nộ của tôi đã hình thành từ lâu. Tôi đã là thùng thuốc nổ từ lâu rồi. Chỉ còn chờ đợi tiếng bùm".

Bị cảnh sát truy đuổi trên xa lộ sau vụ nổ súng, Brice Williams không dừng xe và tăng tốc thêm. Trong thời gian đó hắn định tự tử. Chiếc xe của hắn lao ra khỏi xa lộ. Cảnh sát tiến đến và nhận thấy hắn bị bắn. "Thủ phạm đã chết tại Bệnh viện Fairfax Inova do hậu quả của vết thương do đạn bắn tự hắn gây ra" - Cảnh sát trưởng hạt Franklin nói với giới truyền thông.

Mê Linh (tổng hợp)

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.