Thủ phạm vụ khủng bố hiệu thuốc Saint-Germain bị xét xử lại sau 42 năm

Thứ Ba, 04/04/2017, 19:55
Ngày 15-9-1974, một quả lựu đạn được ném vào hiệu thuốc ở Paris đã làm 2 người chết và 34 người bị thương. Hơn 42 năm sau, tên Ilich Ramirez Sanchez, biệt danh "Carlos", gốc Venezuela, bị xét xử từ ngày 13-3-2017 tại Tòa thượng thẩm đặc biệt ở Paris về vụ khủng bố đó.

Sau một phiên tòa kéo dài 16 năm được đánh dấu bằng 2 quyết định miễn tố và nhiều kháng cáo, nhân vật lâu năm của phong trào khủng bố cách mạng ủng hộ Palestine này từng bị kết án tù chung thân 2 lần lại chịu thêm 1 án tù chung thân thứ 3.

Vào tháng 3-1983, vị quan tòa đầu tiên đã tuyên miễn tố Ilich Sanchez vì cho rằng, không có gì chứng minh Carlos có dính líu đến vụ khủng bố hiệu thuốc Saint-Germain (Paris), và "sự hiện hữu hay lý lịch thực sự của bị cáo không đáng tin.

Carlos hiện nay.

Ilich đã bị Cục Kiểm tra Lãnh thổ (DST) bắt trong một tình huống đầy kịch tính tại Khartoum (Sudan) vào tháng 8-1994, và hắn bị tạm giam vào tháng 2-1996. Sau lệnh miễn tố lần thứ 2 do vi phạm trình tự tố tụng và nhiều kháng cáo của bị đơn, cuối cùng cuộc điều tra đã được mở lại vào tháng 1-2010. Theo cáo trạng ký ngày 3-10-2014 bởi quan tòa Jeanne Duyé, biên bản điều tra cho thấy đã đủ yếu tố chứng minh Carlos có tham gia vào vụ khủng bố.

Lần ngược lại quá khứ, phiên tòa thứ nhất diễn ra trong bối cảnh đen tối của phong trào khủng bố cực tả trong thập niên 70-80, được dẫn dắt bởi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Palestine (FPLP) mà Carlos (hiện nay đã 67 tuổi) tự giới thiệu mình như là một cựu "chỉ huy quân sự".  

Theo cáo trạng, vụ khủng bố tại Saint-Germain có nguồn gốc trước đó 2 tháng: vào tháng 7-1974, một đặc phái viên người Nhật của "Hồng quân Nhật", một phân nhánh được đào tạo bởi FPLP mà chỉ huy là Fusako Shigenobu, người được mệnh danh là "Nữ hoàng Đỏ", bị cảnh sát Pháp bắt tại phi trường Orly.

Để bà ta được trả tự do, FPLP quyết định tổ chức bắt cóc con tin tại Đại sứ quán Pháp ở La Haye (Hà Lan), 3 nhóm đặc công của "Hồng quân Nhật" tình nguyện thực hiện nhiệm vụ. Ngày 13-9-1974, 3 nhóm đặc công Nhật đột nhập vào trụ sở của phái bộ ngoại giao. Vụ bắt cóc con tin kéo dài 4 ngày. Trong thời gian đó đã diễn ra vụ khủng bố Saint-Germain.

"Chính phủ Pháp đã không nỗ lực trong việc thỏa mãn đòi hỏi của bọn bắt cóc, tình thế không tiến triển. Trong các điều kiện đó, ngày 15-9-1974 một quả lựu đạn đã phát nổ tại hiệu thuốc Publicis ở đại lộ Saint-Germain (Paris) nhằm gây áp lực với chính phủ. Ngày hôm sau, vụ bắt cóc con tin tại Hà Lan đã được tháo gỡ, các con tin được trả tự do, nhóm đặc công được thoát đi trên 1 chiếc phi cơ Boeing 707 cùng với 300.000 đôla" - quan tòa Duyé tóm tắt.

Không nhân chứng nào nhận dạng được chính xác kẻ đã ném quả lựu đạn từ ban công của thương xá có hiệu thuốc. Do vậy cuộc điều tra chủ yếu dựa vào nguồn gốc của quả lựu đạn - nó nằm trong một lô vũ khí bị lấy cắp được nhắc đến trong các hồ sơ khủng bố khác - mối liên hệ giữa vụ tấn công này và vụ bắt cóc con tin tại La Haye cũng như lời khai của những tên cựu chiến hữu của kẻ khủng bố.

Haruo Wako, chỉ huy nhóm đặc công Nhật, lãnh án tù chung thân tại Nhật và được thẩm vấn trong tù vào tháng 11-2012. Hắn khai rằng Carlos đã tìm gặp nhóm của hắn trong một nhà hàng Trung Hoa tại Amsterdam trước khi vụ bắt cóc diễn ra và được cung cấp 3 quả lựu đạn, 2 súng lục.  Những quả lựu đạn đó nằm trong lô vũ khí bị đánh cắp năm 1972 tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Miesau (Đức). Các vũ khí khác được tìm thấy khi cảnh sát lục soát nhà ở của tình nhân Carlos tại Paris.

Theo lời Haruo Wako, vụ bắt cóc con tin đã được quyết định bởi Wadie Haddad, chỉ huy nhánh hành động của FPLP, và được chỉ đạo bởi Carlos. Wako nói thêm: "Tôi có cảm tưởng Carlos có dính líu đến vụ tấn công tại Paris. Hắn có nhiệm vụ đàm phán với chính phủ Pháp về vụ bắt cóc con tin tại Amsterdam nhưng Paris đã không quan tâm đến hắn. Tôi cho rằng Carlos đã thực hiện vụ khủng bố để chính phủ Pháp hiểu rằng chính hắn chỉ đạo vụ bắt cóc con tin".

Một cựu chiến hữu của Carlos là Hans-Joachim Klein, thành viên của "Các tổ cách mạng Đức", đã xác nhận những lời khai đó. Vào tháng 12-1975 cả hai đã tham gia vào vụ bắt cóc các bộ trưởng của những nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại Vienne.

Bị thẩm vấn trong nhà giam năm 1998, Hans-Joachim Klein gán trách nhiệm vụ khủng bố tại Paris cho bạn cũ. Hắn cũng cho biết rằng những quả lựu đạn có được nhờ tiếp xúc ưu tiên giữa "Các tổ cách mạng" với những quân nhân Mỹ gần gũi với đảng Black Panthers.

Trước các điều tra viên, Carlos luôn chối bỏ sự can dự vào vụ khủng bố tại Paris, nói rằng các lời chứng là giả tạo. Tuy nhiên trong cuộc thẩm vấn cuối cùng năm 2013 hắn kết luận bằng cách nhận "trách nhiệm về hoạt động và chính trị" đối với các chiến dịch của FPLP tại châu Âu: "Tôi nhận trách nhiệm về tất cả những người bị thương và chết. Tôi là một người hùng của cuộc kháng chiến Palestine và tôi là kẻ sống sót duy nhất trong số các chỉ huy chuyên nghiệp tại châu Âu bởi vì tôi bắn trước".  

Một năm sau vụ khủng bố tại Paris, Carlos đã tham gia vào vụ bắt cóc các viên chức tại hội nghị OPEC ở Vienne vào tháng 12-1975. Bị loại ra khỏi các chiến dịch ở nước ngoài của FPLP vì bị nghi ngờ là đã bòn rút một phần tiền chuộc, hắn thành lập nhóm đánh thuê riêng gọi là "nhóm Carlos". Đầu thập niên 80 hắn chỉ huy một chiến dịch khủng bố đẫm máu tại Pháp và bị kết án tù chung thân. Phiên tòa thứ 3 này dự tính sẽ kéo dài đến cuối tháng 3.

"Sự tận tụy suốt đời cho cuộc cách mạng không dễ dàng gì. Nhưng tôi hãnh diện về quá khứ, hiện tại và tương lai của tôi. Trong gia đình tôi, mọi người đều sống đến 90 tuổi, và tôi còn thời gian để trở về Venezuela. Cuộc đấu tranh sẽ tiếp tục" -  Carlos nói với các quan tòa.

Từng bị tù chung thân vì cái chết của 3 người năm 1975 tại Paris và 4 vụ khủng bố bằng bom năm 1982 và 1983 tại Paris, Marseille và trên 2 chuyến tàu hỏa, hắn có thể bị tù chung thân lần nữa.

Với câu hỏi của quan tòa: "Vì sao lại chọn lý tưởng Palestine thay vì các phong trào giải phóng ở Nam Mỹ", hắn đáp: "Tôi không chọn lựa mà đã được chọn lựa, đó là các hoàn cảnh lịch sử. Tôi là một người tốt và không thích bạo lực. Do lòng hảo tâm nên tôi tiếc đã không giết một số người. Nếu tôi làm được, nhiều nỗi bất hạnh đã có thể tránh được".

Nhiều nạn nhân đã không đến dự phiên tòa. "Tất nhiên là họ mừng vì công lý đã được thực thi và bọn khủng bố phải bị trừng trị. Nhưng có điều là phiên tòa mở ra quá trễ và một số nạn nhân không muốn quay lại các năm tháng khủng khiếp đó" - Giullaume de Saint Marc, Chủ tịch Hiệp hội các nạn nhân vì khủng bố, trả lời phỏng vấn của báo chí.

Minh Luận (tổng hợp)
.
.