Thực trạng bi đát của người tị nạn

Thứ Sáu, 17/03/2017, 19:10
Mọi chuyện đều tương đối đơn giản, khi con số người tị nạn (NTN) thật ít ỏi. Lúc ấy người ta chẳng ngần ngại mấy khi chấp nhận NTN: một phụ nữ Phi châu bơ phờ xốc nách đứa con thơ dại, cùng vài mẩu chuyện hãi hùng về một miền đất đang bị cuộc nội chiến xâu xé; hay một vũ công ballet Nga bất mãn của Nhà hát Bolshoi...

Những dạng NTN như vậy từng được phương Tây “nghênh đón”. Nhưng giờ thì: “Úi giời, họ ở đâu ra mà lắm vậy? Nhiều người đổ đến từ những đất nước đâu có khó khăn mấy; nhất là đa phần trong số họ nom chẳng giống chúng ta tí nào. Rất có thể họ đâu phải là dân tị nạn thực thụ?”.

Câu hỏi nêu trên thường xuyên vang lên đây đó trong đám cư dân bản địa của các “miền đất hứa” Âu - Mỹ, không nhất thiết chỉ giới hạn giữa những kẻ tôn sùng thuyết phân biệt chủng tộc. Nhưng bất chấp điều đó, số NTN trên hành tinh mỗi năm một tăng. Thuở trước việc di cư từ Đông sang Tây được ưa chuộng, giờ lại chủ yếu tị nạn từ phía Nam lên phía Bắc địa cầu.

Một khu trại của người tị nạn Afghanistan tại Pakistan.

Họ có thực sự là NTN không hay tiềm ẩn những mưu đồ chính trị khác? Họ di cư chỉ vì nguyên nhân kinh tế thuần túy thôi chăng? Dù thuộc bất cứ dạng nào, NTN giờ đây bị căn vặn đủ điều khác hẳn hồi trước. Nhưng điều trớ trêu là: vẫn như mọi thời, đa số NTN đều trả lời rằng họ muốn đi tìm một cuộc sống “tốt đẹp hơn”...

Điều đó lại chẳng có gì sai phạm cả. Tỉ như dòng người hằng năm lũ lượt đổ đến Hoa Kỳ, cũng như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đều mưu cầu sự “tốt đẹp hơn” ấy. Nhưng xem ra căn nguyên tị nạn càng mang tính logic bao nhiêu, thì các quốc gia giàu có bây giờ càng cố sức cự tuyệt “lý do cơ bản” ấy trong việc tiếp nhận dân nhập cư bấy nhiêu.

Theo số liệu chính thức của Cao ủy Liên Hiệp Quốc (LHQ) về NTN (UNHCR), thì lượng NTN trên khắp thế giới hiện đã vượt qua con số 20 triệu người. Tuy rằng số liệu thống kê chưa hẳn đã thật đầy đủ, ví như những người di cư lậu thường không “dám” cả gan đăng ký chính thức với nhà chức trách nơi họ vừa đến; hoặc các quốc gia như Lebanon hay thể chế Iraq trước đây lại chẳng bao giờ công khai thừa nhận việc đồng bào mình phải đi tị nạn; trong khi nhiều nước khác lại thích “thổi phồng” con số NTN nhằm nhận được sự viện trợ quốc tế dồi dào hơn.

Một sự thật nữa là, lâu nay công luận cứ ngỡ NTN thường hiện hữu nhiều nhất tại các quốc gia phương Tây giàu có. Điều này chẳng bao giờ đúng! Những nơi đang có con số NTN đông đảo nhất lại thuộc về châu Á và châu Phi, từng được biết đến dưới nhãn quan quốc tế như là những miền đất “khốn khó triền miên”. Chỉ riêng Pakistan đã phải cưu mang tới 3,6 triệu người Afghanistan “chạy loạn” rồi.

Điều đáng nói rằng hết thảy NTN đều muốn tìm đến những chốn có mức lương bổng cao hơn, nhà cửa to hơn, cũng như một tương lai “bảo đảm” hơn cho con cái họ. Còn trong thực tế đa phần họ đã vỡ mộng, trở thành nạn nhân của sự ngộ nhận giữa bối cảnh đầy mặc cảm chốn tha hương.

Mặt chính yếu nữa cũng cần phải đề cập tới, là đa số NTN hằng mong mỏi cái ngày được “tái định cư” ngay nơi chôn nhau cắt rốn - mà họ buộc phải tạm lìa xa trong hoàn cảnh bất khả kháng. Bất cứ vị chính khách “xôi thịt” nào tại phương Tây còn mảy may nghi ngờ vào nhận định trên, xin hãy thử nhìn vào bảng trưng cầu ý kiến trong cư dân Afghanistan tị nạn xem.

Phụ nữ Đông Âu tị nạn hành nghề mại dâm ở Anh.

Hầu như chẳng ai trong số họ muốn định cư bên... trời Tây cả, cho dù hiện có đến 6 triệu NTN Afghanistan đang sống bên ngoài tổ quốc của mình. Xem ra cách giải quyết tốt nhất cho NTN không phải là xây những khu định cư “tân kỳ” mới cách biệt quê hương họ, mà nên bằng mọi cách giúp họ nhanh chóng ổn định lại cuộc sống trên tổ quốc mình.

Còn nếu đề cập tới quan điểm cho rằng NTN sẽ bổ sung dồi dào lượng nhân công “thiết yếu” mới. Xin chớ lầm! Tại Tây phương lúc nào người ta cũng lo nơm nớp, rằng dân nhập cư sẽ góp phần “khuếch trương” nền kỹ nghệ lạc hậu - cần nhiều nhân công, và cùng với thời gian sẽ làm chậm đà công nghiệp hóa tân tiến. Mối lo càng tăng, bởi NTN luôn chấp nhận khoản thù lao thấp hơn so với cánh đồng nghiệp người bản địa, cũng như sẵn sàng làm mọi việc “phi kỹ thuật” mà dân bản xứ thường chê...

Vả lại, NTN mới chân ướt chân ráo tới định cư thường không được hưởng những quyền công dân cơ bản, dễ lâm vào cảnh bị bóc lột “tận xương tủy” thậm tệ. Nhưng chính ngành công nghiệp dệt của nhiều quốc gia trên thế giới đã được duy trì bởi NTN: Israel (từ dân Do Thái di cư về cố quốc), Canada (từ NTN Đông Dương), Hoa Kỳ (từ NTN Mỹ Latinh) và ngay cả “siêu cường công nghệ mới” Nhật Bản cũng vậy (tuy con số NTN nhập cư thường được chấp nhận rất ít ỏi)...

Thực ra công bằng mà nói, thì NTN đến với các quốc gia phát triển thường có lợi hơn là có hại. Nhiều người trong họ từng được học hành tử tế và lẽ dĩ nhiên cũng đóng góp ít nhiều vào đà phát triển chung trên quê hương mới. Không kể sự chảy máu chất xám lại mang âm hưởng ngược lại: khiến tổ quốc họ vốn đã nghèo lại càng nghèo thêm!

Vấn đề NTN quốc tế có được giải quyết rốt ráo không? Dĩ nhiên chẳng dễ dàng gì, một khi trên thế giới này còn tồn tại sự giàu - nghèo cách biệt, thì vẫn còn những người ao ước có một đời sống sung túc hơn. Cư dân các quốc gia nghèo khó vẫn tiếp tục “tự tiện” đổ tới các nước giàu có chẳng cần “thư mời”, hòng mưu cầu sự no đủ tối cần.

Ví như người nông dân Sri Lanka giờ đây không coi việc bắt đầu cuộc sống mới ở Thụy Điển hoặc Canada là một “ý tưởng vô lý” nữa. Chỉ cần kiếm một tấm vé máy bay giá “bèo” như của hãng hàng không Ba Lan Centralwings chẳng hạn, tức thời sẽ dễ dàng sang tới... trời Âu. Những bức thư, bưu ảnh cùng chuyện kể từ những người đồng hương định cư nơi phương xa đã góp phần củng cố việc chối bỏ “sự vô lý” theo quan điểm cố hữu.

Chưa kể những vùng đất nổi danh về NTN “truyền thống” như Cộng hòa Iceland (Băng đảo) là ví dụ tiêu biểu: dân chúng thường bỏ đi chốn khác do không muốn sống giữa điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt. Chung quy lại con người thời hiện đại thường sẵn lòng rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn vì lý do sinh tồn bản năng.

Trần Quang Long (theo Morning Star)
.
.