"Thuê tiền": Ham lãi cao, mất cả chì lẫn chài

Thứ Sáu, 31/08/2012, 22:45

Lại thêm một thủ đoạn lừa đảo mới trong lĩnh vực tài chính tiền tệ bị phanh phui. Đó là vụ án lừa đảo do Nguyễn Thị Đặng làm chủ mưu vừa bị đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội với mức án từ 12 đến 14 năm tù dành cho các bị cáo thuộc nhóm tội lừa đảo. Các bị cáo, bằng một kịch bản lừa đảo khá tinh vi, hoàn hảo đã vượt qua những quy định về thủ tục rất chặt chẽ của ngân hàng để chiếm đoạt một khoản tiền không nhỏ. Đây là thủ đoạn lừa đảo lần đầu tiên bị phát hiện tại Việt Nam.

Dịch vụ thuê…tiền

"Thuê tiền để làm số dư tài khoản", dịch vụ này nghe có vẻ lạ và khó hiểu. Nhưng, thực chất đây là một loại tín dụng đen ngoài thị trường. Hiểu một cách nôm na, đó là vay một khoản tiền (thường là lớn) của một cá nhân nào đó để đưa vào tài khoản của công ty. Mục đích nhằm để công ty này chứng minh với khách hàng, với đối tác rằng tài khoản chúng tôi đang dư tiền, các bạn cứ ký hợp đồng mua bán với chúng tôi đi, đừng lo chúng tôi "bùng". Giống như chuyện một anh chàng nào đó phải đi vay một xấp tiền đút vào ví cho sang để các cô gái tin rằng anh ấy giàu.

Nguyễn Thị Đặng, sinh năm 1958, trú tại phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP HCM là một trong những người sử dụng dịch vụ này. Chỉ khác là Đặng không nhằm mục đích chứng minh năng lực tài chính với đối tác mà nhằm để chiếm đoạt luôn khoản tiền thuê bằng một kịch bản lừa đảo hoàn hảo mà trước Đặng, chưa có kẻ nào nghĩ ra.

Công ty TNHH một thành viên Dương Hùng do Đặng lập ra từ năm 2008 sau đó chuyển đổi thành Công ty TNHH Dương Hùng do Đặng làm giám đốc và Dương Ngọc Hà, con trai Đặng làm thành viên góp vốn. Lập công ty nhưng Đặng không kinh doanh làm ăn gì. Sau này, kết quả điều tra của Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội cho thấy, kể từ khi thành lập, công ty của Đặng không có hoạt động kinh doanh, không có phát sinh doanh thu. Dương Ngọc Hà cũng cho biết, toàn bộ quá trình thành lập, hoạt động của Công ty này là do mẹ mình làm chứ Hà không tham gia gì và cũng không biết mọi việc liên quan đến công ty này.

Ấy thế nhưng sau đó, thông qua một số người môi giới, Đặng cùng hai kẻ cùng hội cùng thuyền là Nguyễn Thị Ngọc Tín (trú tại đường Nguyễn Tri Phương, Tp HCM) và Hoàng Nghĩa Hiển (trú tại phố Vọng, Hà Nội) gặp được bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (trú tại đường Tôn Thất Hiệp, TP HCM) đặt vấn đề thuê 12 tỉ đồng để Công ty Dương Hùng chứng minh năng lực tài chính với đối tác(!). Thời gian thuê là 1 tháng, sau đó sẽ hoàn lại nguyên vẹn.

Các bị cáo có liên quan trong vụ lừa đảo do Nguyễn Thị Đặng làm chủ mưu tại phiên tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân TP Hà Nội.

Để củng cố thêm niềm tin của bà Bích rằng công ty chỉ thuê thôi chứ không tơ hào gì đến số tiền này, Đặng cam kết không được rút 12 tỉ đồng  nếu không được sự đồng ý của chị Bích. Cam kết này còn được Đặng thể hiện bằng cách khi đến Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải (MSB) tại TP HCM, Đặng đề nghị mở tài khoản đứng tên pháp nhân Công ty TNHH Dương Hùng nhưng theo nguyên tắc sử dụng đồng chữ ký trên giao dịch tài khoản. Gồm: Đặng làm Giám đốc công ty, chủ tài khoản đăng ký ở nhóm chữ ký thứ nhất và bà Bích (người cho thuê 12 tỉ đồng) với tư cách Phó giám đốc đăng ký ở nhóm chữ ký thứ hai với thỏa thuận bằng văn bản:

Thứ nhất, mọi giao dịch phải đồng thời có cả hai chữ ký của Đặng và bà Bích.

Thứ hai, sau 31 ngày (tức là hết thời hạn thuê tiền - PV), ngân hàng sẽ tự động trích từ tài khoản của Công ty Dương Hùng trả vào tài khoản theo yêu cầu của bà Bích.

Những cam kết, ràng buộc chặt chẽ mà phía Đặng đưa ra xung quanh khoản tiền thuê 12 tỉ đồng đã khiến bà Bích hoàn toàn yên tâm rằng sẽ quản được khoản tiền trên. Bởi vậy, bà đã quyết định rút hầu bao mà không hay biết rằng một kịch bản lừa đảo hoàn hảo đã được Đặng và đồng bọn dựng nên từ trước khi có cuộc gặp gỡ, giao kết với bà.

Sau này, các tài liệu điều tra đã chứng minh được rằng, một tháng trước khi tìm được bà Bích thì từ Hà Nội, Hoàng Nghĩa Hiển đã bay vào TP HCM gặp Đặng và Tín bàn bạc kế hoạch tìm “gà” để đưa vào tròng bằng kịch bản vờ thuê số dư tài khoản để Công ty Dương Hùng chứng minh năng lực tài chính với đối tác. Trong khi trên thực tế Công ty Dương Hùng suốt từ khi thành lập tới thời điểm đó chả có bất cứ hoạt động kinh doanh gì. Việc lập nên công ty này cũng chỉ là một lớp trong vở kịch hoàn hảo đó mà thôi.

Trở lại câu chuyện của bà Bích. Sau khi huy động đủ số tiền 12 tỉ đồng chuyển vào tài khoản của Công ty Dương Hùng để cho thuê, bà yên tâm hưởng lãi suất theo thỏa thuận với Đặng và ung dung chờ đợi 31 ngày sau, số tiền trên sẽ được ngân hàng tự động chuyển trả nguyên vẹn vào tài khoản cho mình.

Nhưng quả là không ai học hết chữ ngờ!

12 tỉ đồng của bà Bích vừa chuyển vào tài khoản của Công ty TNHH Dương Hùng buổi sáng thì ngay buổi chiều Đặng, Tín bay ra Hà Nội cùng Hiển lập mưu rút sạch số tiền 12 tỉ đồng thuê của bà Bích ra khỏi ngân hàng để…chia nhau.

Đầu tiên, Hiển soạn thảo một hồ sơ giả gồm: Hợp đồng mua bán với nội dung ông Võ Quí Ngọc bán cho Công ty TNHH Dương Hùng 1 triệu kg thép trị giá 12 tỉ đồng (lấy số tròn); Biên bản họp Hội đồng thành viên với nội dung Công ty TNHH Dương Hùng ủy quyền cho Đặng  được điều hành công ty, được làm chủ tài khoản, được sử dụng pháp nhân, tài khoản của công ty trong giao dịch; Quyết định bổ nhiệm Dương Ngọc Hà làm kế toán trưởng. Tất nhiên là trên thực tế chả có bất cứ một thương vụ mua bán nào và cái tên Võ Quí Ngọc cũng là do bọn chúng đi mượn để mở tài khoản mà thôi!

Với bộ hồ sơ giả này, Hiển đã đến Chi nhánh MSB Cầu Giấy đề nghị phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán lô hàng 1 triệu tấn thép trị giá 12 tỉ đồng (đúng bằng số dư tài khoản của Công ty Dương Hùng - PV) cho ông Võ Quí Ngọc.

Do một số cán bộ ngân hàng thiếu tinh thần trách nhiệm mà ba ngày sau, mọi thủ tục bảo lãnh thanh toán hoàn tất. Số tiền 12 tỉ đồng trong tài khoản thuê của bà Bích tự động chảy sang tài khoản của ông Võ Quí Ngọc, tức là chảy vào túi bọn chúng. Ngay lập tức, chúng làm thủ tục rút trót lọt 3 tỉ đồng tại Chi nhánh MSB Cầu Giấy để chia nhau. Sáng hôm sau, chúng tiếp tục đến Chi nhánh MSB Thanh Xuân để rút nốt 9 tỉ đồng nữa thì bị phát hiện ngăn chặn. Cả nhóm bị cơ quan Công an bắt giữ.

Sau này, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra Công an Tp Hà Nội đã thu thập được đầy đủ bằng chứng cho thấy đây không phải là phi vụ lừa đảo đầu tiên của ổ nhóm này. Trước khi lừa đảo bà Bích, cũng bằng thủ đoạn nói trên, ổ nhóm của Đặng đã thuê 14 tỉ đồng của bà Lê Thị Kim Chính ở Tp HCM sau đó lập mưu rút khoản tiền trên để chiếm đoạt bằng hình thức đề nghị phát hành bảo lãnh thanh toán tại Chi nhánh Techcombank Đông Đô, Hà Nội. Tuy nhiên, âm mưu này của bọn chúng đã bị bà Chính phát hiện nên bọn chúng không thể rút tiền ra được.

Nộp thuế trước bạ, thuế thu nhập… vào tài khoản ATM cá nhân - Coi chừng bị lừa!

Cách đây ít lâu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an đã bóc gỡ một số ổ nhóm lừa đảo với thủ đoạn mới và nhiều người dân ở nhiều địa phương đã bị mắc lừa đem tiền đến nộp vào tài khoản ATM của bọn chúng. Cục C45 cảnh báo để mọi người dân cảnh giác với 3 thủ đoạn lừa đảo mới sau đây:

Thứ nhất, giả danh cán bộ kho bạc gọi điện đến các thuê bao điện thoại cố định thông báo thuê bao đã trúng thưởng trong chương trình rút thăm, quay số trúng thưởng của VNPT kết hợp với kho bạc tỉnh, hoặc các hình thức trúng thưởng khác. Sau đó, chúng hướng dẫn người nghe nộp 10% giá trị giải thưởng gọi là tiền thuế thu nhập vào số tài khoản thẻ ATM của chúng, rồi mang giấy nộp tiền đến kho bạc của tỉnh để nhận hồ sơ và lĩnh tiền. Nhiều nạn nhân đã tin là trúng thưởng thật nên đã nộp tiền vào tài khoản của chúng và bị chiếm đoạt.

Thứ hai, là giả mạo cán bộ ngân hàng thông báo trúng thưởng xe máy, đề nghị gửi tiền để nộp thuế trước bạ để đăng ký.

Thứ ba, là thủ đoạn cho số đánh lô đề. Các đối tượng lừa đảo thường gọi điện thoại đến một số thuê bao cố định giả danh nhân viên công ty xổ số kiến thiết cho số đánh lô và hứa sẽ có người mang tiền để cho đánh. Nhưng đến gần giờ quay số thì lấy lý do là kẹt xe không mang tiền đến được đề nghị người nghe điện thoại bỏ tiền ra để đánh. Một ngày chúng thường gọi điện đến rất nhiều người và cho nhiều số khác nhau.

Nếu hôm đầu tiên mà trúng thì các đối tượng điện thoại lại ngay để hỏi đánh bao nhiêu tiền, trúng bao nhiêu và đề nghị chia đôi số tiền trúng thưởng để ngày mai cho số tiếp. Do tin là thật nên người bị hại chuyển tiền cho chúng. Những người nghe theo chúng đánh mà không trúng thì khi gọi điện lại chúng không nghe máy hoặc bỏ sim đó đi, không liên lạc được nữa. Do tính xác suất cho số đánh lô là 25%, tức là nếu chúng cho 100 người đánh 100 số từ 00 đến 99 thì sẽ có 25 người trúng thưởng. Vì vậy mà sẽ có ít nhất 25 người tin tưởng vào chúng và sau khi số người này trúng thưởng sẽ tiếp tục gọi điện thoại cho chúng để xin số. Trong lần điện thoại kế tiếp này, họ sẽ bị chúng "ra giá”, yêu cầu phải nộp tiền vào tài khoản ATM cho chúng thì mới được cho số và bởi vì đã tin tưởng nên hầu hết họ đều nộp tiền và sập bẫy.

Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, một điều tra viên thuộc Cục C45 cho  biết, điểm mấu chốt để nhận biết các hình thức lừa đảo là yêu cầu người bị hại chuyển tiền với lý do nộp thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân… nhưng lại nộp vào tài khoản thẻ ATM của cá nhân

Đ.H.
.
.