Thụy Sĩ và “tiền bẩn”

Chủ Nhật, 03/11/2019, 10:23
Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa Thụy Sĩ ra khỏi danh sách “thiên đường thuế” thì một cuốn sách sẽ lên kệ vào ngày 31-10 tới tiết lộ 60 năm đồng hành của Thụy Sĩ và “tiền bẩn”.

Cuốn sách mang tựa đề “Thụy Sĩ và tiền bẩn” của tác giả Roland Rossier - nhà báo phụ trách mảng kinh tế của tờ La Tribune (Thụy Sĩ). Cuốn sách dày 272 trang ghi lại 34 câu chuyện về bí mật ngân hàng ít người biết đến.

Khi tiền Pháp trong ngân hàng Thụy Sĩ

Một trong những câu chuyện mà tác giả Roland Rossier đề cập trong cuốn sách là cuộc gặp gỡ ở thủ đô Paris hồi tháng 7-1962 giữa Đại sứ Thụy Sĩ tại Pháp khi đó là ông Agostino Soldati và Ngoại trưởng Pháp dưới thời cầm quyền của Tướng De Gaulle, ông Maurice Couve de Murville.

Trong cuộc gặp này, hai nhà ngoại giao đã trao đổi nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là việc tiền của người Pháp gửi tại các ngân hàng của Thụy Sĩ. Sau một hồi thảo luận, có vẻ ông Maurice Couve de Murville đã được ông Agostino Soldati thuyết phục nên tỏ ra khá yên tâm.

Thụy Sĩ vẫn là nước quản lý tài sản nước ngoài lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Trong một bản báo cáo gửi về nước ngày 20-7-1962, Đại sứ Agostino Soldati viết: “Các nhà lãnh đạo Pháp đã bắn tín hiệu rằng, các bí mật ngân hàng cần tiếp tục được duy trì”. Ông Agostino Soldati còn nói thêm rằng, một số ít người có ảnh hưởng là “đại diện của các đảng trung hữu, cánh hữu và thậm chí là trung tả không sử dụng hệ thống bí mật ngân hàng này”.

Sau này, ông Maurice Couve de Murville được bổ nhiệm làm Thủ tướng trong chính quyền của Tổng thống De Gaulle. Dù thời gian giữ chức vụ này không dài (từ ngày 10-7-1968 đến 20-6-1969) song ông Maurice đã nắm được khá nhiều thông tin về những chính khách có tiền gửi ở ngân hàng nước ngoài.

Điển hình là trường hợp của ông Francois Mitterrand, người sau này là Tổng thống Pháp hai nhiệm kỳ liên tiếp (1981-1995). Ông Maurice cho biết, tháng 11-1959, ông Francois Mitterrand đã gửi 500.000 francs vào một tài khoản bí mật mang tên Jean-Pierre Francois.

Tuy nhiên, trong một bài viết đăng trên tờ Le Figaro năm 1998, tác giả Marie-Dominique Lelièvre cho biết, “Jean-Pierre Francois” không tồn tại. Đó chỉ là một cái tên mượn. Trong cuộc tiếp xúc với nhà báo Bernard Violet năm 1998, “Jean-Pierre Francois” thừa nhận ông là sản phẩm của một sự lừa dối.

Theo Le Figaro, Jean-Pierre Francois tên thật là Joachim Pick Felberbaum, sinh năm 1922 tại Vienna (Áo), có cha tên là Simon Felberbaum, một người Do Thái Rumania và mẹ tên là Rosa. Khi Joachim trở thành một thiếu niên, bà Rosa mới thú nhận rằng người cha thật sự của anh là Nam tước Hamilkar Nikolai von Wassilko. “Đó là một người nằm trong chính quyền Đức Quốc xã”, Joachim thừa nhận với nhà báo Bernard Violet.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Joachim trốn khỏi Áo, từ chối nhận cha, chị gái và anh trai. Joachim tới Pháp, xin vào học tại trường trung học Lyons Gay-Lussac và đổi tên thành Jean-Pierre Felber. “Tôi đã che giấu thân phận mình dưới một vỏ bọc hư cấu”, Joachim nói.

Lên đến trung học phổ thông, Jean-Pierre Felber kết bạn với Roland Dumas, coi anh ta như một người thân thiết. Năm 1940, Roland và Jean-Pierre đi học ở Lyon. “Roland giống như một đứa trẻ và bố cậu ấy đã giao tôi chăm sóc cho Roland. Chúng tôi ở chung một phòng nhưng với vai trò khác nhau. Roland là người chủ, còn tôi là người nấu ăn cho cậu ta”. Roland Dumas sau này trở thành Ngoại trưởng Pháp dưới thời của Tổng thống Francois Mitterrand.

Sau một vài lần thay tên đổi họ nhằm rũ bỏ sự liên hệ với người mẹ, năm 1945, với lý do làm mất hết giấy tờ, thanh niên người Áo này đã làm giấy khai sinh mới bằng tên mới Jean-Pierre Francois, sinh ngày 12-12-1919, tại Torigni-sur-Vire (Pháp). Sau đó, Jean-Pierre Francois kết hôn. “Tôi đã chấp nhận tính cách của một người Pháp bình thường, một sự gian dối hoàn hảo”. Cũng nhờ mối quan hệ của Roland Dumas, Jean-Pierre Francois đã gặp và làm quen với ông Francois Mitterrand.

Cũng theo tác giả Roland Rossier, Jean-Pierre Francois là một tay lái súng. Ông ta đã kiếm bộn tiền bằng cách bán súng trường Beretta ở Pakistan, sau đó chuyển sang làm quản lý một ngân hàng ở Thụy Sĩ trước khi trở thành lãnh sự danh dự của Panama ở Thụy Sĩ.  Jean-Pierre Francois sau đó được bổ nhiệm là “cố vấn đặc biệt” của Tổng thống Francois Mitterrand….

Thụy Sĩ - Kho giữ tiền tin cậy

Với diện tích gần 42 nghìn km2 và dân số 8,6 triệu người, Thụy Sĩ là một đất nước không chỉ có nền chính trị ổn định mà còn luôn đứng ngoài lề các cuộc chiến tranh kể từ năm 1505. Thụy Sĩ tuyên bố là nước trung lập từ năm 1815. Điều này sẽ đảm bảo tiền trong lãnh thổ Thụy Sĩ sẽ không bị phá hủy trong chiến tranh, không bị đóng băng hay chịu các rủi ro khác.

Ngân hàng UBS lớn nhất Thụy Sĩ. Ảnh: AP.

Kể từ thế kỷ 18, các ngân hàng Thụy Sĩ đã buộc phải chấp hành một đạo luật về bảo mật tối đa thông tin khách hàng của Hội đồng Geneva. Từ năm 1933, phát xít lên nắm quyền ở Đức, lấy khủng bố làm công cụ để điều khiển đất nước. Linh cảm những điều chẳng lành rồi sẽ xảy ra nên nhiều thương gia, những gia đình giàu có đã bí mật mang tiền gửi vào các ngân hàng của Thuỵ Sĩ.

Sau vụ bế bối năm 1932 khi cảnh sát Pháp bắt giữ 2 ông chủ ngân hàng Thụy Sĩ tại Paris làm lộ thông tin của hàng trăm khách hàng Pháp, Thụy Sĩ đã bổ sung thêm nhiều quy định để các ngân hàng phải tăng cường bảo mật thông tin khách hàng.

Năm 1934, đạo luật "Về Ngân hàng và quỹ tiết kiệm" được ban hành, theo đó, Thụy Sĩ nghiêm cấm ngân hàng tiết lộ danh tính khách hàng cho bất cứ bên thứ 3 nào, dù đó là cơ quan thuế, chính phủ nước ngoài và thậm chí là chính quyền Thụy Sĩ.

Việc chia sẻ thông tin chỉ được thực hiện khi có trát yêu cầu từ tòa án Thụy Sĩ. Quy định chỉ được ngoại lệ đối với một số vụ án nghiêm trọng. Bất cứ nhân viên ngân hàng nào tiết lộ thông tin khách hàng sẽ bị phạt tù 6 tháng và 20 nghìn franc Thuỵ Sĩ (CHF). Ngân hàng liên quan cũng bị xử lý rất nặng. Đó là đạo luật khá khắc nghiệt nhưng góp phần tạo nên sức hấp dẫn của trung tâm tài chính này.

Chính phủ Thụy Sĩ coi quyền được bảo mật là một nguyên tắc cơ bản cần được bảo vệ bởi các nước dân chủ. Mặc dù tính bảo mật được bảo vệ, trên thực tế tất cả các tài khoản ngân hàng đều có liên quan đến một cá nhân được xác định. Hơn nữa, bí mật ngân hàng không phải là tuyệt đối. Một công tố viên hoặc thẩm phán có thể đưa ra “lệnh dỡ bỏ” để các cơ quan thực thi pháp luật truy cập thông tin liên quan đến việc điều tra hình sự.

Với chính sách bảo mật ngân hàng đã có hàng trăm năm nên các ngân hàng mọc lên như nấm ở Thụy Sĩ. Ở đất nước được coi là yên bình nhất thế giới này, Thụy Sĩ có tới hàng trăm ngân hàng các loại, từ nhà nước đến tư nhân, từ trong nước đến nước ngoài. Hầu như tất cả các ngân hàng lớn trên thế giới đều có chi nhánh, văn phòng đại diện ở các thành phố Zurich, Bern, Geneva hay Lugano của nước này. Các ngân hàng đóng góp 11% GDP của quốc gia này và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người.

Ở Thụy Sĩ, UBS và Credit Suisse là các ngân hàng lớn thứ nhất và thứ hai, chiếm 50% tổng số tiền gửi tại nước này. Mỗi ngân hàng có mạng lưới chi nhánh ở khắp cả nước và ở hầu hết các trung tâm tài chính quốc tế. Do quy mô lớn và sự phức tạp nên hai ngân hàng này chịu sự giám sát của Ủy ban Ngân hàng Liên bang.

Bìa cuốn sách “Thụy Sĩ và tiền bẩn”. Ảnh: Le Figaro.

Một điểm đặc biệt khác ở Thụy Sĩ là trốn thuế sẽ không bị phạt nặng, không bị coi là “tội phạm”. Điều này trở nên hấp dẫn với khá nhiều tội phạm tài chính. Nhiều ông trùm mafia, những kẻ buôn lậu ma túy, vũ khí đã lợi dụng cơ chế này để rửa tiền. Tuy nhiên, cho đến tận những năm 1980, Bộ luật Hình sự của Thụy Sĩ chưa có điều khoản nào liên quan đến nạn rửa tiền.

Dưới sức ép từ dư luận nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), tới nay, Thụy Sĩ đã buộc phải đưa ra cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nước để điều tra những trường hợp nghi ngờ trốn thuế và hơn thế nữa, đó là ngăn chặn các dòng tiền bẩn tuồn vào hệ thống ngân hàng nước này. Năm 2009, Thụy Sĩ buộc phải tuyên bố “cái chết” của bí mật ngân hàng.

“Vào thời điểm đó, người ta ước tính được số tiền mà người Đức chưa được khai báo vào khoảng 155 tỷ euro, trong khi tiền của người Italy là 150 tỷ euro, người Pháp khoảng 74 tỷ euro, Anh 48 tỷ euro và Tây Ban Nha 40 tỷ euro. Năm 2011, 11 ngân hàng của Thụy Sĩ đã bị Mỹ đưa vào danh sách cần điều tra, sang năm 2012, danh sách này có thêm ngân hàng Wegelin”, cuốn sách “Thụy Sĩ và tiền bẩn” tiết lộ.

 Mặc dù vẫn tuân thủ chặt chẽ luật về bảo mật ngân hàng nhưng vì không muốn đánh mất vị thế trung tâm tài chính toàn cầu, Thụy Sĩ buộc phải ký vào Thỏa thuận mang tên “Hiệp ước đa phương về hỗ trợ hành chính tương hỗ đối với các vấn đề về thuế” với sự tham gia của hơn 100 quốc gia.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1-1-2018, những thông tin về giao dịch của công dân nước ngoài tronghệ thống ngân hàng Thụy Sĩ sẽ không còn được giữ bí mật. Thụy Sĩ cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới nghĩa vụ thuế. Cụ thể là các thông tin về những tài khoản ngân hàng của cáccông dân nước ngoài tại Thụy Sĩ sẽ được tự động chia sẻ hàng năm.

Những thay đổi trong chế độ bảo mật ngân hàng Thụy Sĩ đã tạo ra một cuộc cạnh tranh lớn. Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) cũng muốn thu hút người gửi tiền nên đã tung ra những biện pháp khiến các ngân hàng của mình trở nên hấp dẫn hơn.

Singapore đã tăng cường hình phạt đối với người vi phạm bí mật ngân hàng, sửa đổi đạo luật về ủy thác và thừa kế. Ngoài ra, Luxembourg, quần đảo Cayman… cũng có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút người gửi tiền. Bất chấp những thay đổi trên, Thụy Sĩ vẫn là nước đứng đầu trong “Chỉ số bảo mật tài chính” của Tax Justice Network.

10 năm sau khi “bí mật ngân hàng” bị khai tử, ngày 10-10 vừa qua, EU đã loại Thụy Sĩ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) khỏi danh sách “thiên đường thuế”. EU giải thích, trong năm 2018, Thụy Sĩ đã thông qua một gói cải cách thuế chất lượng, dự kiến có hiệu lực từ năm 2020, đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết của nước này với EU và đáp ứng được các tiêu chuẩn của khối. Đây là lý do EU xóa tên Thụy Sĩ khỏi "danh sách đen" này.

Trong một báo cáo khác do Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ công bố đầu tháng 10 này, 27,5% tài sản xuyên biên giới được quản lý ở Thụy Sĩ, khiến nước này vẫn giữ vị trí là nhà quản lý tài sản hàng đầu thế giới, vượt xa Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.

Mỹ và UAE đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5. Số liệu thống kê của Hiệp hội ngân hàng Thụy Sĩ còn chỉ ra rằng, trong năm 2018, các ngân hàng ở Thụy Sĩ đã phát hiện 6.126 trường hợp giao dịch bị nghi ngờ rửa tiền. Điều này cho thấy, Thụy Sĩ vẫn là kho giữ tiền an toàn nhất thế giới.

Yên Bình
.
.