Tiền bạc để trong két sắt: Liệu có an toàn?

Thứ Sáu, 28/01/2011, 15:35
Một người quen của tôi làm kinh doanh quả quyết, chỉ cần có 5 triệu đồng thôi thì chị ấy cũng sẽ sẵn sàng bỏ ra 3 triệu đồng để mua một chiếc két bạc nhằm cất giữ số tiền đó. Lẽ vì, nếu mất thì thà mất 3 triệu đồng tiền mua két còn hơn mất cả 5 triệu đồng cho đám trộm.

Có thể người quen của tôi đã nói quá nhưng tâm lý tin tưởng tuyệt đối vào sự an toàn của két sắt là tâm lý chung của hầu hết những người giữ tiền. Két sắt với cấu tạo vỏ ngoài là kim loại chịu lực, với tính năng chống cháy và với sự bảo mật nghiêm ngặt - không ai có thể mở được nó nếu không biết mã số - thì về lý thuyết đó là hòm đựng tiền an toàn nhất.

Nhưng thực tế thì khác.

Khó ai có thể ngờ, chỉ trong vòng hơn 1 năm và chỉ tính riêng tại địa bàn 7 tỉnh, theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) đã xảy ra 83 vụ trộm két bạc với tổng số tài sản bị mất khoảng 15,5 tỉ đồng.

Và vậy là két bạc - niềm tin tuyệt đối của những người giữ tiền - đã và đang trở thành miếng mồi ngon của bọn tội phạm.

“Ăn” két bạc - một loại tội phạm mới

Hiện tượng trộm két bạc bắt đầu rộ lên từ đầu năm 2008 với hàng loạt các vụ án khó tin nhưng có thật. Một cơ quan ở Chương Mỹ, Hà Nội, có bảo vệ làm việc suốt ngày đêm. Thế mà chiếc két sắt nặng gần 2 tạ để ở phòng thủ quỹ trên tầng 2 chỉ sau một đêm đã bị kẻ gian lôi tuột xuống tầng 1, cậy phá tanh bành, tiền bạc bên trong mất sạch...

Một nhà hàng kinh doanh thuộc địa bàn quận Tây Hồ cũng thế. Tiền bạc thu về hàng ngày chủ quán cất cẩn thận vào chiếc két sắt để trên tầng 2, trong phòng riêng. Mã số két chỉ có mỗi mình ông chủ biết, đến vợ con thân cận thế mà ông cũng chả tiết lộ. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao sau một đêm nó bỗng biến mất. Ông chủ nhà hàng bàng hoàng vì mọi việc diễn ra cứ y như trong trò ảo thuật. Chiếc két nặng 1,2 tạ, cầu thang từ tầng 2 xuống tầng 1 dễ đến mấy mươi bậc, lại dốc nữa, đến lực sĩ cũng khó mà bê được cả cái khối nặng cả tạ ấy vượt qua các bậc cầu thang mà xuống đến tầng 1. Vậy mà lại mất.

Cơ quan Công an phải mất khá nhiều công sức mới tìm lại được chiếc két khi nó đang được chôn trong một khu vườn ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Hóa ra, một nhân viên bảo vệ ở nhà hàng, biết két bạc của ông chủ lắm tiền nên vào một đêm mưa lạnh, nhân cơ hội mọi người trong nhà ngủ say đã đột nhập lên tầng 2, vào phòng bê chiếc két xuống tầng 1 sau đó gọi taxi chở về nhà một người họ hàng, chôn giấu trong vườn, chờ cơ hội thuận lợi sẽ tiến hành đục phá. Hôm Cơ quan Công an cho thực nghiệm điều tra, ông chủ quán tận mắt chứng kiến cảnh anh chàng nhân viên bảo vệ bê nguyên chiếc két sắt nặng 1,2 tạ đi từ tầng 2 xuống tầng 1 chỉ mất vẻn vẹn có chưa đầy 5 phút thì lắc đầu lè lưỡi, tin rằng đó là chuyện thật chứ không phải là phép biến hóa còn - mất, mất - còn trong trò chơi ảo thuật mà ông đã từng xem ở rạp xiếc.

Hay một vụ việc khác xảy ra tại một công ty ở quận Hai Bà Trưng. Két sắt được để trong Phòng tài vụ của công ty. Phòng này được bảo vệ cẩn mật: ngoài hai lớp cửa còn có cả thiết bị báo động gắn tia hồng ngoại nữa. Khốn nỗi cái thiết bị báo động kia lại không biết phân biệt đâu là người đâu là chuột nên khi những chú chuột chạy qua nó cũng báo động ầm ĩ khiến cho các nhân viên bảo vệ suốt đêm vất vả. Tức mình, họ bèn tắt phụt cái thiết bị báo động... "ngu hơn người" kia đi. Và rồi, sau một đêm, chiếc két bạc đã bị kẻ gian bê từ Phòng tài vụ qua phòng bảo vệ, vượt qua 2 lớp cửa ra ngoài, phá tan tành, nẫng sạch tất cả tiền bạc bên trong.

Các phương tiện, công cụ phá két bạc bị Công an thu giữ.

Nhưng không chỉ ở Hà Nội mà ở nhiều địa phương khác cũng đã xảy ra tình trạng trộm cắp két bạc. Tại Thanh Hóa đã từng bắt giữ một nhóm đối tượng chuyên trộm cắp két bạc do tên Lê Trung Kiên ở huyện Đông Sơn cầm đầu.

Từng đi tù về tội trộm cắp tài sản, trong thời gian ở tù, Kiên đã được một số bạn tù "truyền" cho một số "ngón nghề" cắt, phá khóa trộm cắp két bạc. Ra tù Kiên đã đi mua kéo cắt sắt, kìm cộng lực, xà beng... và rất nhiều công cụ khác làm "đồ nghề" để tiến hành đi trộm cắp. Để thực hiện được trót lọt trên 20 "phi vụ" cắt phá khóa cửa, đột nhập vào các cơ quan, nhà dân trộm cắp két bạc và các tài sản có giá trị lớn, ban ngày Kiên thường dùng xe đạp đi khắp thành phố Thanh Hóa "thám thính" xem nhà nào giàu có hoặc kinh doanh, bán hàng có cửa  xếp sắt, thường để két bạc dưới tầng một... để tìm cách trộm cắp vào ban đêm. Chỉ một mình với chiếc xe đạp thồ và các công cụ dùng để cắt, phá cửa xếp sắt như: kéo, xà beng, kìm cộng lực... Sau khi cắt, phá khóa cửa đột nhập vào nhà, một chiếc két bạc nặng tới 150kg mặc dù có một mình, tên Kiên hì hụi, kéo két được ra ngoài cửa, cho lên xe đạp thồ rồi đưa ra công viên hoặc bờ sông đập phá lấy tiền, vàng một cách thuần thục, nhanh chóng.

Còn tại Bắc Ninh, có thời kỳ chỉ trong vòng 1 tuần đã xảy ra liên tiếp hai vụ vào nhà dân trộm két bạc.

Nhưng không chỉ có Hà Nội, Thanh Hóa và Bắc Ninh mà tình trạng trộm cắp két bạc còn xảy ra ở các tỉnh khác nữa như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, chỉ trong vòng 1 năm từ đầu năm 2008 đến đầu năm 2009, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 46 vụ, Hòa Bình xảy ra 10 vụ, Hưng Yên xảy ra 6 vụ, Bắc Ninh xảy ra 4 vụ, còn lại các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên  mỗi nơi xảy ra 3 vụ. Tổng cộng các tỉnh lên tới 75 vụ.

Với những diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, tháng 5/2009 Cục  Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã phải thành lập Ban chuyên án để tập trung điều tra các vụ trộm cắp két bạc xảy ra trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Nhưng trong thời gian chuyên án trên tiến hành các hoạt động nghiệp vụ thì các vụ trộm cắp két bạc vẫn tiếp tục xảy ra.Tính từ khi chuyên án được triển khai đến tháng 10/2010, tại địa bàn 7 tỉnh phía Bắc tiếp tục xảy ra 83 vụ.

Thủ đoạn "ăn két"

Kết quả điều tra của Ban chuyên án cho thấy, đối tượng mà tội phạm ăn két nhằm đến thường là các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện. Trong 83 vụ trộm cắp két bạc xảy ra ở 7 tỉnh, thành thì có tới 52 vụ là xảy ra ở những nơi này, chỉ có 31 vụ là xảy ra ở nhà dân. Khác với các loại tội phạm trộm cắp thông thường, các đối tượng chuyên "ăn" két bạc khi đột nhập vào cơ quan hay nhà dân là chỉ nhằm vào mỗi chiếc két chứ không thèm để ý đến những vật dụng khác. Chúng không "ăn "tạp. Vì thế mà trước khi phạm tội, chúng thường phải rất kỳ công trong việc rình mò quy luật đi lại của chủ nhà (đối với nhà dân) và hoạt động bảo vệ (đối với công sở). Và, cũng chính bởi tính chuyên nghiệp cao mà các đối tượng chuyên “ăn” két sắt cũng tỏ ra hết sức liều lĩnh, thậm chí manh động khi phạm tội.

Như trong vụ án xảy ra tại một doanh nghiệp ở Kim Động (Hưng Yên), khi 3 đối tượng đột nhập Phòng kế toán, lấy két bạc mang ra ngoài sân thì bị bảo vệ phát hiện. Các đôi tượng đã lập tức dùng hung khí tấn công làm người bảo vệ ngất tại chỗ.

Hay trong vụ đột nhập vào Trường đại học Thành Đô ở Hoài Đức, Hà Nội, một ổ nhóm gồm 5 tên đã phân công 1 tên đứng ngoài cảnh giới còn 4 tên băng qua tường rào bảo vệ đột nhập vào bên trong. Thấy nhân viên bảo vệ đang ngủ, chúng xông vào phòng giữ chặt và dùng dây thừng, băng dính trói, bịt mồm nhân viên bảo vệ rồi phân công 1 tên ở lại trông giữ. 3 tên còn lại đến Phòng kế toán của trường, phá 3 két sắt lấy đi 30 triệu đồng.

Nhóm đối tượng gây ra vụ án có tính chất nghiêm trọng này sau đó đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hà Nội bắt giữ. Chúng gồm 4 đối tượng người Trung Quốc và 1 đối tượng người Việt Nam. Chúng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và chỉ chuyên "ăn" két bạc ở các công sở. Chúng phân chia người ra ở nhiều khách sạn khác nhau, từ TP Hà Nội đến Bắc Ninh, lúc lại chuyển về Hưng Yên như những khách du lịch bình thường. Ban ngày, các đối tượng đến các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, trụ sở UBND xã, phường để tăm tia các phòng của thủ quỹ và kế toán làm việc.

Khi xác định được địa điểm, chúng dùng điện thoại liên lạc với nhau rồi đến đêm cùng nhau tới những nơi đã khảo sát để gây án. Chúng phân chia vai trò rất cụ thể, đứa đứng cảnh giới, đứa đột nhập phá cửa, phá két sắt... Ngoài việc gây ra vụ cướp tài sản ở Trường đại học Thành Đô, nhóm đối tượng này còn gây ra 10 vụ trộm cắp, tập trung vào việc trộm két sắt ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học... trên địa bàn TP Hà Nội.

Kết quả giám định dấu vết hiện trường trong các vụ án trộm két bạc cho thấy, số vụ tội phạm khuân két từ tầng 2 xuống tầng 1 rồi vận chuyển đi nơi khác để cất giấu không nhiều. Còn chuyện nhân viên trong công ty  đưa thợ khóa về khoan két bạc lấy tiền như  vụ án ở huyện Từ Liêm cũng chỉ là hãn hữu. Đa số là chúng phá két tại chỗ. Với một thanh sắt  hình dáng như cây xà beng nhưng sắc nhọn, dài hơn 30cm, cộng thêm một chiếc búa, đối tượng có thể tháo tung bản lề của két sắt. Đây là cách thức đơn giản nhất của tội phạm trộm két chuyên nghiệp.

Phổ biến hơn là thủ đoạn dùng đèn khò. Với thiết bị này tội phạm có thể phá hủy chiếc két sắt ở bất kỳ vị trí nào, phía sau, trên nóc hoặc trực tiếp "đánh" vào vùng ổ khóa nhằm tháo tung toàn bộ cửa két.

Chúng tôi đem câu chuyện về những thủ đoạn này của bọn tội phạm mà Cơ quan Công an qua công tác giám định đã phát hiện được đến hỏi chủ một số cửa hàng chuyên bán két bạc tại Hà Nội. Rằng, két bạc tưởng là an toàn thế với cấu tạo chắc chắn thế, đốt cũng không cháy mà sao vẫn bị cạy phá? Và, đây là câu trả lời chung của những người bán hàng: két chỉ chịu được lửa chứ không chịu được sức công phá của các công cụ chuyên dùng để... trộm cắp.

Nhóm đối tượng trộm cắp két bạc bị Công an Hà Nội bắt giữ.

Muốn an toàn phải cảnh giác

Sau 16 tháng đấu tranh với loại tội phạm trộm cắp két bạc, Ban chuyên án do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an các địa phương tập trung lực lượng triển khai các biện pháp điều tra khiến cho tình hình tội phạm đã được kiềm chế. Theo đánh giá của Ban chuyên án thì đặc biệt là loại chuyên trộm cắp két bạc tại các cơ quan doanh nghiệp, trường học đã giảm hẳn. Minh chứng rõ nhất là tại Hà Nội, sau khi Công an TP bắt được 2 nhóm đối tượng trộm cắp két bạc chuyên nghiệp thì loại tội phạm này đã giảm hẳn. Tuy nhiên, thời điểm cận tết Nguyên đán cũng là thời điểm xảy ra nhiều hơn các vụ trộm cắp, trong đó có trộm cắp két bạc.

Thói quen tích trữ tiền mặt trong két bạc và chủ quan ỷ lại hoàn toàn vào độ an toàn của két đã khiến cho nhiều người mất cảnh giác. Đây cũng chính là sơ hở để kẻ gian lợi dụng. Lựa chọn két bạc để làm nơi cất giữ tiền bạc và những tài sản quý là sự lựa chọn đúng đắn nhưng để đảm bảo an toàn tránh bị mất mát tài sản thì rất cần ý thức cảnh giác của người sử dụng. Khuyến cáo của Cơ quan Công an sau hàng loạt các vụ trộm cắp két bạc là:

Thứ nhất, không nên quá ỷ lại vào két. Trường hợp để tài sản lớn trong két, chủ két cần thực hiện các biện pháp bảo mật chống trộm như lắp hệ thống báo động hoặc chôn két vào tường. An toàn hơn hết là nên gửi những tài sản giá trị vào ngân hàng.

Thứ hai, tăng cường công tác bảo vệ tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Đội ngũ bảo vệ phải đảm bảo về chất lượng và phải thực thi nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp, bài bản.

Thứ ba, các phòng để két bạc phải được gia cố một cách cẩn thận và các phòng này không nên đề biển chỉ dẫn. Bởi qua lời khai của các đối tượng đã bị bắt giữ thì khi đột nhập vào các công sở, chúng chỉ nhằm vào các phòng có ghi biển bên ngoài là phòng tài chính, phòng kế toán... thì đột nhập vào, phá két sắt lấy tiền

Đặng Huyền
.
.