Tiền giả - Vấn nạn trầm kha
Còn ở châu Mỹ, Peru hiện là quốc gia sản xuất và phân phối tiền USD giả lớn nhất thế giới. Giới chức chuyên môn khó mà tin nổi tốc độ làm giả tiền USD tại Peru - trung bình có từ 3-5 triệu tờ 100 USD bị làm giả mỗi tuần...
Vụ bắt giữ số lượng lớn tiền giả xảy ra gần đây nhất vào tháng 1-2017 tại Thái Lan: 153.000 USD giả được thu giữ từ 4 người Thái Lan và 1 người Cameroon. Đầu tháng 8-2016, đơn vị tình báo chống tội phạm Ecuador đã tiến hành bắt giữ 5 nghi can cùng 1 triệu USD giả đang chuẩn bị đưa vào lưu thông trên thị trường.
Trước đó, vào ngày 15-11, hơn 1.500 nhân viên công lực Peru đã được huy động nhằm khám xét và lục soát hàng loạt địa điểm ở thủ đô Lima để bắt 48 đối tượng và thu giữ 30 triệu USD cùng 50.000 euro tiền giả. Được biết, cơ quan mật vụ Mỹ đã cung cấp thông tin để cảnh sát Peru phá án và đây là đường dây sản xuất USD giả quy mô lớn nhất từ trước tới nay bị phá tại Peru.
Đầu tháng 1-2016, giới chức Colombia đã triệt phá một đường dây tội phạm sản xuất USD giả, tịch thu 1 triệu USD tiền giả. Theo ông Julian Quintana, Giám đốc Cơ quan Điều tra kỹ thuật của Viện Kiểm sát Colombia, 7 người đã bị bắt tại một xưởng sản xuất USD giả ở bang Cundinamarca. Những tưởng bọn tội phạm sẽ “nằm im thở khẽ” nhưng đến tháng 3, cảnh sát Colombia lại tiếp tục triệt phá một đường dây sản xuất tiền giả xuyên quốc gia quy mô lớn tại 2 cơ sở ở thành phố Medellin thu giữ tới 11,7 triệu USD.
Theo điều tra, tiền giả được sản xuất từ 2 cơ sở này không những được tiêu thụ trong nước mà còn được chuyển tới Ecuador và Mỹ. Hạ tuần tháng 7, Văn phòng Điều tra tội phạm và Interpol (Dijin) của Colombia thông báo chiến tích mới: Cảnh sát đã tịch thu 1,7 triệu USD, 1,25 triệu euro và 1,64 tỷ peso giả. Ngoài số tiền giả kể trên, cảnh sát còn thu nhiều súng, đạn và máy in phục vụ sản xuất tiền giả. Những con số này chưa đủ chứng tỏ Colombia là “vô địch” sản xuất tiền giả ở Nam Mỹ vì theo giới chuyên môn, Peru mới là quốc gia sản xuất và phân phối tiền USD giả lớn nhất thế giới.
Giới chức chuyên môn thực sự choáng trước tốc độ làm giả tiền USD tại Peru - trung bình có từ 3-5 triệu tờ 100 USD bị làm giả mỗi tuần. Để triệt phá vấn nạn làm tiền giả, Cơ quan mật vụ Mỹ đã đặt một văn phòng ở Lima, nhằm phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Peru.
Đối với những tên mafia làm tiền giả, chúng luôn săn lùng những chuyên viên nắm rõ các yếu tố an ninh của đồng USD hay đồng tiền chung châu Âu. Chúng coi những người am hiểu công nghệ này là “những thỏi vàng biết đi”. Những ai trót bắt tay với mafia sẽ không bao giờ thoát được vòng xoáy luẩn quẩn này kể cả muốn hoàn lương hoặc vô tù cũng có kẻ báo cáo chi tiết mọi hoạt động.
Joel Quispe được coi là “bố già” trên thế giới về làm đồng USD giả. Người ta ước tính hắn đã tuồn hàng triệu USD giả ra thị trường trong 5 năm và tất cả đều được thực hiện trong lúc Joel Quispe... bị giam trong nhà tù Peru. Ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, việc buôn bán, phân phối và sử dụng máy in offset được giám sát chặt chẽ bởi các đơn vị chống hàng giả.
Mặc dù đã rất cẩn thận trong việc kiểm tra tiền trong khi giao dịch, nhưng nhiều người vẫn khó có thể phát hiện những tờ tiền giả bằng mắt bởi trình độ sản xuất tiền giả hiện đã đạt tới mức vô cùng tinh vi.
Một điều tra viên Peru công bố những đồng đôla Mỹ giả bị phát hiện và thu giữ. |
Việc triệt phá những đường dây buôn bán, vận chuyển USD, Euro giả của cảnh sát các nước trên là bằng chứng cụ thể nhất về vấn nạn đã và đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Lượng tiền giả bị tịch thu hằng năm chỉ là "muỗi" so với số lượng đang lưu hành. Tiền giả không chỉ lộng hành ở châu Âu, nó còn được đem tiêu thụ ở nhiều nước Trung Đông, Bắc Phi và vài nước châu Mỹ. Những cửa hàng tạp hóa, các trang bán hàng trực tuyến là nạn nhân của các giao dịch tiền giả.
Được biết, Craigslist, một trong những trang bán hàng trực tuyến nổi tiếng của Mỹ là một trong những địa chỉ ghi nhận nhiều vụ lừa đảo tiền giả lớn nhất.
Báo cáo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết trong 2 năm 2015 và 2016, các cơ quan chức năng về quản lý tiền tệ của Liên minh châu Âu (EU), nhất là Đức và Pháp, đã tịch thu và tiêu hủy gần 500.000 tờ euro giả, so với hơn 330.000 tờ của cùng kỳ năm 2014. Hai loại giấy bạc có mệnh giá 20 euro và 50 euro bị làm giả nhiều nhất, lần lượt chiếm khoảng 55% và 31%, tiếp sau là tờ 100 euro, chiếm chừng 8,5% tổng số tiền giấy bị làm giả.
Phần lớn số lượng giấy bạc euro giả bị phát hiện tại các nước sử dụng đồng euro, nhất là tại các quốc gia thành viên EU, chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 1,6%) và ngoài khối EU (0,5%).
Những sự kiện tầm vóc như EURO 2016 là cơ hội thích hợp để những kẻ lừa đảo lợi dụng kiếm chác. Một fan bóng đá người châu Á có mặt ở Paris theo dõi các trận bóng đá kể: Sau khi trận đấu giữa Đức và Ukraine kết thúc, người bạn trú cùng phòng khi về khách sạn có nhờ đổi cho 200 euro (2 tờ 100 euro) sang tiền lẻ để tiện tiêu trên đường. Người này mang hai tờ tiền chẵn xuống gặp lễ tân và họ vui vẻ đồng ý đổi sang tiền lẻ.
Mọi chuyện vỡ lở khi chiếc máy soi tiền giả của khách sạn phát ra tín hiệu cảnh báo. Anh ta lúc đó mới nhớ rằng, trong một lần đến quầy mua vé tàu điện ngầm, một người phụ nữ trông khá thân thiện đã tiến đến đề nghị đổi số tiền lẻ của anh ta lấy 2 tờ 100 euro chẵn vì không tìm được điểm giao dịch nào. Anh ta vui vẻ nhận lời mà không biết đó là chiêu lừa đảo rất phổ biến.
Sau khi nghe chuyện, nhân viên lễ tân của khách sạn cho các vị khách của mình biết rằng, tiền giấy euro giả xuất hiện nhan nhản, thậm chí cả người bản xứ cũng có thể bị đánh lừa vì độ làm giả tinh vi. Ông tiết lộ: chỉ mất 10 euro để mua được tờ 100 euro giả và Napoli là thủ phủ của tiền giả, cũng là nỗi nhức nhối của các cơ quan an ninh châu Âu.
Ngày 1-11-2016 tại Bulgaria, các thợ lặn đã tìm thấy nhiều túi nhựa nằm dưới lòng con đập Metchka ở phía Nam nước này. Trong những chiếc túi này chứa tổng cộng 13 triệu euro tiền giả, phần lớn là tiền giả mệnh giá 500 euro với chất lượng in rất tốt. Việc tìm thấy số lượng lớn euro giả này diễn ra sau khi cảnh sát vùng Plovdiv bắt 3 đối tượng.
Theo lời khai, số tiền giả đã bị ném xuống con đập Metchka trước khi cảnh sát đột kích vào xưởng in tiền giả của chúng. Theo thống kê của giới chức Bulgaria, với sự hỗ trợ của Europol, trong năm 2016, cơ quan chức năng nước này đã triệt phá 3 xưởng in tiền giả,.
Hạ tuần tháng 7-2016, cảnh sát Italy đã thu giữ 7 triệu euro tiền giả, bắt giữ 3 đối tượng tại một xưởng in tiền với nhiều thiết bị tinh vi tại miền Nam nước này. Đáng chú ý, trong số tiền bị thu giữ, có nhiều tờ 20 euro, loại tiền được coi là có những đặc tính bảo mật đặc biệt có thể đối phó với việc làm giả. Gần 2 năm trước (tháng 2-2015), cảnh sát Italy thu giữ 58 triệu euro tiền giả ở Napoli.
Thượng tuần tháng 5-2016, Cục Cảnh sát hình sự liên bang Đức (BKA) cảnh báo: có khoảng 112.000 tờ tiền giả với những mệnh giá khác nhau đang lưu hành trái phép tại thị trường Đức. Trong số đó, đồng 50 euro là loại tiền bị làm giả nhiều nhất, tiếp đến là đồng 20 euro. BKA cho rằng, nguồn gốc của các loại euro giả xuất phát chủ yếu từ thành phố Napoli của Italia và chúng được giao dịch công khai trên mạng Internet.
Nhằm ngăn chặn nạn làm tiền giả đang diễn ra tại khu vực châu Âu, đầu tháng 7-2016, ECB đã công bố tờ tiền mới mệnh giá 50 Euro. Ông Yves Mersch, Giám đốc điều hành ECB cho biết trong một tuyên bố, các chi tiết nghệ thuật trên tờ tiền này mang tính bảo mật cao, đảm bảo đồng tiền không thể bị làm giả. Quá trình để hoàn thiện phần mềm nhận biết phiên bản tờ 50 Euro mới trong hệ thống các máy bán hàng tự động, các máy ATM tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) kéo dài 9 tháng, vì vậy ECB dự kiến sẽ cho lưu hành đồng tiền này vào tháng 4-2017.
Theo hãng tin Reuter, hiện ECB đã quyết định ngừng in và từng bước loại bỏ tờ tiền giấy mệnh giá 500 Euro này đến năm 2018, mục đích là nhằm hạn chế nguy cơ đồng tiền này bị sử dụng vào quỹ đen tài trợ khủng bố, rửa tiền và các hành vi phạm pháp khác.