Tiết lộ chuyện CIA tuồn cocain vào Mỹ

Thứ Sáu, 17/12/2010, 13:20
Tờ Mercury News của Mỹ tiết lộ, các nhân viên CIA từng buôn hàng trăm tấn cocain vào đất Mỹ trong suốt những năm xung đột ở Nicaragua để có tiền hỗ trợ cho chiến dịch Contras - hoạt động bán quân sự do Mỹ tạo ra để ngăn chặn phong trào cách mạng Sandinista lật đổ Tổng thống Anatasio Somoza ở Nicaragua năm 1979.

Tiết lộ của tờ Mercury News cho biết, bộ phận lãnh đạo của Contras đã gặp gỡ một nhân viên CIA để bàn bạc kế hoạch buôn cocain vào Mỹ. Ma túy được vận chuyển bằng máy bay quân sự đến các sân bay ở Texas. Cocain nguyên chất (crack cocain) được bán ở Colombia từ năm 1981 và thường được dân nghiện trộn với thuốc lá để hút.

Năm 1985, crack cocain bắt đầu được pha loãng trong ammonia sau đó được đun nóng, lọc và sấy khô thành crack để vận chuyển đến Colombia rồi nhập khẩu trở lại vào Mỹ. Năm 1985, tờ New York Times cũng cho biết loại ma túy crack sinh ra trạng thái phấn khích tột độ dẫn đến hiện tượng trầm uất nặng. Nó cũng gây ngừng tim, khó thở, rối loạn tâm thần, mê sảng và gây ảo giác mạnh.

Cho đến đầu thập niên 80 thế kỷ trước, do giá cocain quá cao nên nó chỉ được tiêu thụ trong tầng lớp giàu có và nghệ sĩ. Một năm sau, Tổng thống Reagan phê chuẩn thành lập một đội quân bán quân sự - gọi là Mặt trận Nicaragua dân chủ (FDN) hay Contras - để phá hoại chính quyền của Daniel Ortega ở Nicaragua.

Contras nằm dưới quyền chỉ huy của Đại tá Bermudez, cựu sĩ quan Vệ binh quốc gia. Tuy nhiên, tài chính cho việc huấn luyện và mua vũ khí của Contras gặp thiếu thốn.

Tháng 3/1982, hai người Nicaragua sống lưu vong là Danilo Blandon và Juan Meneses bay đến Honduras để gặp Đại tá Bermudez tìm phương kế kiếm tiền cho Contras. Meneses là một tay buôn lậu ma túy có hạng. Họ thỏa thuận di chuyển đến San Francisco để giám sát việc nhập khẩu hàng tấn cocain, trong khi Blandon có nhiệm vụ phân phối cho bọn buôn lậu. Lúc đó, CIA và Lầu Năm Góc cùng với Đại tá Oliver North là một bộ phận trong cartel quỷ quái này. 

Năm 2002, phóng viên Gary Webb của tờ Mercury News tố cáo CIA đóng vai trò tổ chức chính trong mạng lưới buôn lậu vũ khí và ma túy để kiếm tiền tài trợ cho toàn bộ cuộc chiến tranh bẩn thỉu do Mỹ tiến hành chống phá Nicaragua, mặc dù các mạng lưới vận chuyển được CIA tạo ra ở Costa Rica, Honduras và El Salvador.

Máy bay của số quốc gia này vận chuyển cocain đến các sân bay ở Texas và Florida, vượt qua những trạm kiểm soát của Cơ quan Bài trừ ma túy (DEA) và hải quan, rồi sau đó chất đầy vũ khí cung cấp cho Contras.

Vào đầu thập niên 80, cocain trở nên rất đắt ở Mỹ từ khi không ai tìm thấy những con đường vận chuyển an toàn với số lượng khổng lồ. Lúc đó mạng lưới Contras liên kết với các cartel ma túy Colombia để cung cấp số lượng lớn cocain. Meneses quản lý việc đưa cocain vào Mỹ, kéo giá xuống thấp hơn - từ 50.000USD/1kg xuống còn 20.000USD thậm chí 10.000USD.

Do tác hại của ma túy đối với con người quá khủng khiếp cho nên vào giữa thập niên 80, chính quyền Mỹ phải tiến hành chiến dịch giải cứu giới trẻ khỏi nguy hiểm của ma túy, nhưng 4 tổ chức - DEA, Hải quan, Cảnh sát và Cục Chống ma túy của California - lên tiếng than phiền những cuộc điều tra của họ đều bị ngăn cản một cách có hệ thống từ phía CIA với lý do là bảo vệ "an ninh quốc gia".

Theo tiết lộ của tờ Mercury News cách đây không lâu, các cộng đồng người da đen ở Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề từ ma túy do CIA du nhập vào. Và từ đó bạo lực phát sinh lan tràn khắp nước Mỹ. Các nhà tù chật ních những tù nhân là thanh niên da đen và người Mỹ Latinh bị giam giữ vì liên quan đến ma túy và bạo lực. Các băng nhóm Los Angeles sử dụng tiền ma túy để tự vũ trang và phân phối ma túy ra khắp nước Mỹ.

Hiện nay, Chương trình kiểm soát ma túy của Liên Hiệp Quốc (UNDCP) đánh giá, hơn 44 triệu người bị nghiện cocain ở Mỹ và sự tiêu thụ hêrôin đang tăng cao. Trong những năm gần đây, trùng hợp với cuộc chiến tranh ở Afghanistan, những vụ xuất khẩu hêrôin từ Colombia cũng gia tăng. Sự gia tăng tiêu thụ ma túy ở Mỹ và sự kinh doanh ma túy toàn cầu đang "tay trong tay" với sự bành trướng quân sự của đế quốc ra khắp thế giới

Di An (tổng hợp)
.
.