Tìm khủng bố trên mạng như tìm kim trong rơm

Thứ Ba, 15/05/2012, 13:45

Chính phủ Anh cách đây 2 năm đã cam kết sẽ "đảo ngược khuynh hướng bành trướng quốc gia do thám", giờ đây lại cảm thấy cần phải kiểm soát mọi thư điện tử và liên lạc trên các mạng xã hội. Những dữ liệu thu thập bao gồm tên của người gửi và người nhận, giờ gửi và các thông tin về máy tính của người gửi. Điều này sẽ giúp lập nên một bảng báo cáo chính xác ai liên lạc với ai, theo nhịp độ nào và từ đâu.

Chính phủ Anh khẳng định: Các biện pháp đó rất cần thiết cho cuộc đấu tranh chống tội phạm và khủng bố, với lập luận rằng 95% những cuộc điều tra về tội phạm có tổ chức và khủng bố đều phải cần đến việc thu thập dữ liệu. Thế nhưng, tuy số liệu thống kê đó không cho biết liệu các  dữ liệu thu thập được có thiết yếu, thậm chí có ích cho việc điều tra không nhưng các nhà điều tra cứ xoi mói vào mọi cuộc liên lạc khả nghi, đa phần là nhờ vào một trát tòa hay nêu ra đạo luật Ripa quy định quyền hạn điều tra của chính phủ, đặc biệt là việc nghe lén các liên lạc điện tử.

Hình thức theo dõi này chẳng có gì mới. Từ 10 năm nay, phương cách đó không ngừng gia tăng mức độ tại Anh, từ các biện pháp cho phép nghe lén đến những nghĩa vụ buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) phải lưu trữ dữ liệu thư điện tử. Theo đạo luật Ripa, chỉ cần một lời xin phép miệng các công chức bình thường như nhân viên bưu điện cũng có thể gửi một tín hiệu phản hồi (ping) đến một điện thoại di động để định vị nó.

Luật pháp Anh đã buộc các ISP phải lưu trữ ít nhất 1 năm các dữ liệu của mọi thư điện tử. Điều mới mẻ ở đây là những dữ liệu đó có thể được tiếp cận bởi các cơ quan an ninh nhằm phát hiện những hoạt động bất thường. Đây là một sáng kiến quan trọng, tuy nhiên người ta có thể thắc mắc liệu việc gia tăng lượng thông tin cung cấp cho các cơ quan an ninh có cải thiện được sự an toàn của người dân không. Dò tìm trong cả một đống dữ liệu để phát hiện một hoạt động đáng ngờ chỉ là phiên bản kỹ thuật cao của việc tìm cây kim trong đống rơm. Bọn khủng bố lẫn lộn trong dân chúng không đông (may thay), nhưng mong muốn nhận dạng được những kẻ đáng ngờ có nguy cơ dẫn đến một số lớn "tình nghi giả", tức những người hoàn toàn bình thường nhưng có hành vi gây cảnh báo.

Khi bổ sung thêm một lượng dữ liệu khổng lồ vào cái kho hiện có (mỗi năm có hơn 1.000 tỉ thư điện tử được gửi tại Anh) người ta chỉ gia tăng theo cấp số nhân kích thước của đống rơm trong khi số lượng những cây kim vẫn như cũ. Có nhiều khả năng các cơ quan an ninh sẽ chết chìm trong đống rơm đó. Tệ hơn nữa, một số người sử dụng có thể che giấu hoạt động trên mạng và không dùng đến thư điện tử bằng cách áp dụng những kỹ thuật bảo mật.

Đừng nói rằng những kẻ vô tội chẳng có gì phải e sợ. Rất nhiều lần các thông tin từ những cơ sở dữ liệu cá nhân đã bị mất mát, đánh cắp hay sử dụng với mục đích xấu. Hàng trăm viên chức đã bị cáo buộc "chểnh mảng nghiêm trọng" trong việc quản lý dữ liệu của những kẻ xin việc. Đó là chưa nói đến cuộc điều tra về việc một số cơ quan truyền thông đánh cắp thông tin từ các cơ sở dữ liệu công. Nhưng tất cả những điều đó cũng không thấm vào đâu so với sự chệch hướng các quyền hạn cấp cho cảnh sát và cơ quan an ninh

Minh Luân (theo Courrier International)
.
.