Tình báo Pakistan bị cáo buộc kích động Taliban chống Mỹ và liên quân

Thứ Bảy, 23/10/2010, 17:50
Theo một số quan chức Mỹ, các thành viên của Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đang ra sức thúc ép các thủ lĩnh chiến trường Taliban tăng cường chống Mỹ và liên quân ở Afghanistan. Đây là sự cáo buộc mạnh mẽ nhất trong hàng loạt những chỉ trích của Mỹ nhằm vào Pakistan trong thời gian gần đây và điều đó cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đang xấu đi trong chiến dịch quân sự ở Afghanistan.

Mỹ đã cung cấp hàng tỉ USD cho quân sự và trợ giúp phát triển cho Pakistan để đáp lại những sự hỗ trợ chống khủng bố của quốc gia này. Mỹ và Afghanistan cũng tìm cách thuyết phục các thủ lĩnh Taliban buông vũ khí để đổìi lấy tiền bạc hay công ăn việc làm. Nỗ  lực lớn nhất cho tiến trình hòa bình của Afghanistan đã diễn ra vào tuần đầu tháng 10 năm nay ở Kabul. Tuy nhiên, kết quả thu được chẳng là bao.

Chỉ có vài phần tử Taliban buông súng đầu hàng, theo các quan chức Afghanistan. Trong khi đó, theo tiết lộ từ một số thủ lĩnh Taliban và quan chức Mỹ thì ISI đã kêu gọi các thủ lĩnh chiến binh Hồi giáo không buông súng đầu hàng. Thậm chí, "ISI còn muốn bắt giữ những thủ lĩnh nào không tuân theo mệnh lệnh của họ", một thủ lĩnh Taliban ở tỉnh Kunar nói. Quan chức Mỹ cũng cho biết họ đã nghe những lời khai tương tự từ những chiến binh Hồi giáo bị bắt giữ.

Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của Pakistan đã bác bỏ cáo buộc này và nói Islamabad đang chiến đấu chống Taliban chứ không hề giúp đỡ bọn chúng. Quan chức này nói: "Bất cứ khi nào xảy ra điều gì sai trái ở Afghanistan thì ISI luôn bị trách cứ. Nói thật là họ nhìn thấy các đặc vụ ISI nấp đằng sau mỗi sự kiện ở Afghanistan".

Một thủ lĩnh Taliban ở Kunar - cũng giống như những người khác được phỏng vấn trong những ngày gần đây - nói hắn ta vẫn tiếp tục chống lại sự hiện diện của các quân đội nước ngoài ở Afghanistan và không hề có kế hoạch ngừng chiến đấu chống lại. Nhưng "ISI muốn chúng tôi giết hết tất cả mọi người - cảnh sát, binh lính, kỹ sư, thầy giáo, dân thường - để đe dọa mọi người", thủ lĩnh này nói. Và khi người này từ chối thì ISI đã cố bắt giữ hắn ta.

Thủ lĩnh này nói: "Tất cả người Afghanistan đều là anh em với nhau và ngày mai tất cả chúng tôi sẽ cùng ngồi chung trong  một căn phòng". Những ám chỉ về sự can thiệp của ISI xảy đến giữa cuộc tập trung chiến lược mới của Mỹ vào Pakistan - một lãnh thổ trọng yếu trong cuộc chiến ở Afghanistan.

Trong một sự thay đổi đáng kể, chính quyền Afghanistan và các thành viên của Taliban đã bắt đầu có những cuộc thương lượng bí mật cấp cao như là một sự kiện báo trước những cuộc bàn luận chính thức giúp kết thúc chiến tranh. Hiện nay, Taliban đã không muốn đi đến bàn đàm phán hòa bình do còn sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Afghanistan cùng với những vấn đề khác.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cũng chưa mấy sẵn sàng để nói chuyện, và trong khi phía Mỹ ủng hộ những cuộc bàn luận hòa giải này thì họ đưa ra sự cần thiết để các bên chấp nhận Hiến pháp Afghanistan và từ bỏ bạo lực.

Hamed Elmi, người phát  ngôn của ông Karzai, nói: "Những tiến trình hòa bình đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng chúng ta vẫn lạc quan".

Các nguồn giấu tên của Afghanistan và  Arập nói, lần đầu tiên các đại diện của Taliban có thể được phép nói chuyện với Quetta Shura, những thủ lĩnh hàng đầu của Taliban ở Afghanistan, trong đó bao gồm Mullah Omar ở Pakistan, theo tờ Washington Post. Pakistan - quốc gia luôn quảng bá họ ở vị trí bên đối thoại không thể thay thế với Taliban, vẫn đang hết sức thận trọng trước tiến trình Dubai.

Hai cuộc tấn công mới đây của chiến binh Hồi giáo ở Pakistan đã hủy diệt trên 40 chiếc xe, trong đó có cả chiếc xe chở dầu (trong hình), của NATO đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho Afghanistan.

Tin tức về những cuộc họp ở Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) lan đến giữa giai đoạn sứt mẻ quan hệ giữa Pakistan và phương Tây. Mặc dù Mỹ đã có lời xin lỗi trước sự kiện trực thăng NATO bắn tên lửa giết chết 3 binh sĩ Pakistan, nhưng nước này vẫn cho đóng cửa Khyber Pass vốn được NATO sử dụng để vận chuyển hàng tiếp tế đến Afghanistan. Từ khi cửa ngỏ biên giới này bị phong tỏa, những đoàn xe của NATO đã bị chiến binh Hồi giáo tấn công 7 lần, phá hủy 55 chiếc xe chở dầu.

Những cuộc bàn luận mới đây nhất với Taliban không bao gồm mạng lưới Haqqani - nhóm hoạt động bên trong lãnh thổ Afghanistan nhưng đặt căn cứ ở Pakistan và có những mối liên quan chặt chẽ với ISI. Nhóm Haqqani thường xuyên bị Mỹ không kích mặc dù Pakistan đã gây sức ép đến chính quyền Afghanistan để mở cuộc đối thoại với mạng lưới này.

Trong tháng 9/2010, tướng David Petraeus, Tổng chỉ huy liên quân Mỹ, tại Afghanistan cho biết, Tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan đã nêu vấn đề với ông: "Vấn đề lớn nhất phải giải quyết là quân Taliban và Haqqani ở Pakistan. Đây là vấn đề mà chúng tôi cùng chia sẻ. Và đó cũng là vấn đề mà ông ấy và tôi phải bàn luận với các đối tác người Pakistan".

Hiện nay CIA đã tăng cường chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái (drone) nhằm vào các mục tiêu của quân phiến loạn dọc theo đường biên giới, gồm cả những mục tiêu được cho là liên quan đến âm mưu tiến hành những cuộc tấn công khủng bố vào châu Âu. Sự gia tăng các chiến dịch drone này cũng gây nên cuộc tranh cãi dữ dội ở Mỹ về phản ứng của đồng minh Pakistan.

Trong hơn một năm qua, các quan chức trong quân đội Mỹ đã có lời khen ngợi những hành động đương đầu với chiến binh Hồi giáo cực đoan của Pakistan trong các khu vực bộ tộc nằm ở vùng biên giới Afghansitan. Nhưng phía Mỹ cũng bày tỏ sự thất vọng trước sự việc Pakistan chỉ tập trung đối phó với những lực lượng phiến quân cực đoan đe dọa an ninh trong nước họ hơn là chống lại những nhóm chiến binh sử dụng lãnh thổ Pakistan làm căn cứ để tiến hành những cuộc tấn công trên khắp vùng biên giới.

Một báo cáo của Nhà Trắng trước Quốc hội Mỹ trong tuần đầu tháng 10 vừa qua mô tả một bức tranh u ám về khả năng của quân đội Pakistan trong cuộc chiến chống quân phiến loạn tại các khu vực bộ tộc của họ. Một số quan chức trong chính quyền Barack Obama nói Mỹ cần phải cho Pakistan biết rõ hơn nữa là Washington muốn quân đội nước này có hành động đối đầu với phiến quân trực tiếp hơn nữa.

Trong khi đó, Pakistan nói quân đội và lực lượng an ninh của họ được triển khai quá mỏng trong cuộc chiến chống phiến quân - nhất là khi một số binh lính được sử dụng vào các nỗ lực cứu giúp nạn nhân của trận lũ lụt kinh hoàng trong mùa hè vừa qua ở Pakistan. ISI đã giúp Taliban nắm lấy quyền lực ở Afghanistan trong thập niên 90 thế kỷ trước.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Islamabad đã nhanh chóng đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Và cũng từ đó một số đặc vụ của ISI vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ cũ với Taliban và các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan khác để bảo đảm Pakistan giữ được ảnh hưởng ở Afghanistan sau cuộc rút quân của Mỹ khỏi quốc gia này trong tương lai.

Đô đốc hải quân Michael Mullen, Chủ tịch của Hội đồng tham mưu liên quân Hoa Kỳ, đã nhiều lần nhắc lại rằng các thành viên của ISI có những mối quan hệ đặc biệt với các tổ chức cực đoan Hồi giáo và thậm chí còn cố gắng tăng cường hơn nữa những mối quan hệ này về mặt chiến lược. Nhưng Mỹ đã im hơi lặng tiếng về sự lo lắng của mình về sự hợp tác chân thành của ISI, một phần do các quan chức cao cấp của Mỹ vẫn còn đang chia rẽ nhau về cách đối xử với ISI.

Một số quan chức Mỹ cho rằng, các quan chức hàng đầu của ISI đang cố gắng cải cách cơ quan tình báo này. Một quan chức trong quân đội Mỹ nói: "Thật khó biết được những cấp dưới của ISI phản ứng như thế nào đối với lãnh đạo của họ". Trong khi số quan chức khác tỏ vẻ hoài nghi hơn và nói không nên có biện pháp trừng phạt những sĩ quan hàng đầu của ISI.

Một quan chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng Mỹ nói: "Tôi không thấy có bằng chứng cho thấy ISI không kiểm soát được các bộ phận làm việc của họ". Đồng thời quan chức này cũng nói rằng sức ép của người Pakistan đến những thủ lĩnh hạng hai của Taliban là một phần trong những nỗ lực của Islamabad nhằm bảo đảm thành công cho tiến trình hòa bình.

Những nỗ lực này đi từ chiến lược thuyết phục chiến binh Taliban của chính quyền Afghanistan được Mỹ hỗ trợ cho đến cố gắng mở ra những cuộc đối thoại cấp cao với thủ lĩnh phiến quân. Mỹ coi nỗ lực thuyết phục chiến binh Taliban là phần quan trọng nhất trong chiến lược của họ nhằm đem lại hòa bình cho phần lớn lãnh thổ của Afghanistan vào mùa hè năm sau để họ có thể bắt đầu giao đất nước này cho các lực lượng an ninh Afghanistan và rút đi quân đội Mỹ.

Để thuyết phục được các chiến binh Taliban hạ vũ khí, chính quyền Afghanistan phải đảm bảo cho họ công ăn việc làm hoặc tiền bạc. Quân đội Mỹ cũng hy vọng huấn luyện một số cựu chiến binh Taliban thành lực lượng cảnh sát.

Người ta tin rằng, nhiều lãnh đạo hàng đầu của Taliban đang sống ở Pakistan và các thủ lĩnh chiến trường của Taliban nói nhiều đồng nghiệp của họ có mối quan hệ thân thiết với ISI.

Một thủ lĩnh Taliban ở tỉnh Paktia nói: "ISI đang ủng hộ những người này tiền bạc, vũ khí cũng như nơi ẩn náu trên đất Pakistan và kiểm soát họ".

Về phía mình, Mỹ cũng thừa nhận là khó mà - thậm chí không thể - có được thỏa thuận hòa bình ở Afghanistan nếu không có sự ủng hộ của Pakistan. Nhưng trong những tháng gần đây, các quan chức Pakistan đã bày tỏ sự thất vọng của họ về việc Mỹ và Afghanistan đã đẩy họ vào bóng tối trong những nỗ lực hòa giải. Các quan chức Pakistan - do lo sợ chế độ Afghanistan có quan hệ ấm áp với Ấn Độ - nhấn mạnh rằng họ phải có một vai trò trung gian trong những nỗ lực hòa giải này

Di An (tổng hợp)
.
.