Tình báo Pakistan đã “mua” Kashmir như thế nào?

Thứ Ba, 25/10/2011, 14:24
Quan hệ Mỹ-Pakistan ngày càng xấu đi nghiêm trọng với những cáo buộc từ Mỹ về việc Pakistan đi đêm với các nhóm khủng bố và giật dây họ tấn công Ấn Độ. Và gần đây, thêm một đám mây đen nữa kéo đến che phủ bang giao Washington-Islamabad, từ loạt tiết lộ liên quan đến việc tình báo Pakistan từng chi đậm để tạo ảnh hưởng lên chính sách Mỹ đối với vấn đề Kashmir!

Mua Kashmir trên đất Mỹ

Trong nhiều năm, Syed Ghulam Nabi Fai (62 tuổi) là gương mặt quen thuộc hành lang chính trị Washington. Từng gặp Tổng thống Bill Clinton và vô số nhân vật cấp cao chính giới nước Mỹ, Fai đã tác động mạnh đối với chính sách Washington dành cho Kashmir (tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ tại khu vực Kashmir mà Pakistan tranh chấp chủ quyền với Ấn Độ).

Ngày 4/3/2010, Fai - như nhiều lần trước đó - đứng ra tổ chức buổi quyên góp vận động tranh cử cho Dan Burton, dân biểu Cộng hòa đại diện Indiana, người trong suốt 20 năm luôn là ông nghị "đầu têu" ủng hộ Hội đồng Kashmir-Hoa Kỳ (KAC) mạnh nhất trong Quốc hội Hoa Kỳ.

Chẳng ai nghĩ FBI đang theo dõi mọi động tĩnh, lén xem từng e-mail và nghe trộm từng cuộc gọi của đương sự. Lý do: FBI tin rằng Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đã tuồn cho Fai hơn 4 triệu USD trong nhiều năm để KAC tổ chức chiến dịch lobby nhằm tìm kiếm ủng hộ Mỹ đối với vấn đề Kashmir theo hướng có lợi cho Islamabad - theo The Atlantic Magazine (3-10-2011)…

Syed Ghulam Nabi Fai sinh năm 1949, không lâu sau khi cuộc chiến tranh chấp Kashmir đầu tiên nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan. Sau khi tách khỏi Ấn Độ để thành quốc gia độc lập, Pakistan luôn ấm ức việc Ấn Độ chiếm phần lớn lãnh thổ Kashmir. Liên Hiệp Quốc từng đứng ra dàn xếp và kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý đối với người dân Kashmir nhưng điều này đã không bao giờ xảy ra.

Và Kashmir vẫn bị xẻ ngang trong tình trạng tranh chấp chủ quyền từ đó đến nay. Trưởng thành tại một ngôi làng nghèo cách Srinagar (thủ phủ bang Jammu-Kashmir) không xa, ngay từ nhỏ, vấn đề chủ quyền Kashmir đã in đậm trong tâm trí Fai.

Năm 1965, khi Ấn Độ và Pakistan lại xảy ra xung đột quanh vấn đề Kashmir, Fai còn nhớ gia đình mình đã giết cừu và gà làm thức ăn rồi lén lút mang cho lính Pakistan trốn trong rừng. Năm đó, 16 tuổi, Fai lập gia đình; vào đại học; rồi tham gia nhóm Hồi giáo Jamaat-e-Islami. Năm 1976, không lâu sau khi thủ tướng Ấn Độ tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ban lệnh cấm hoạt động  đối với các nhóm tương tự Jamaat-e-Islami, Fai rời nhà để lên học đại học gần Delhi và cuối cùng sang Arập Xêút.

Dan Burton - một trong những ông nghị bị Fai biến thành con rối của ISI quanh vụ Kashmir.

Năm 31 tuổi, Fai trở lại Kashmir cùng một giáo sĩ tên tuổi. Sau lần đó, Fai rời Kashmir và không bao giờ trở lại Ấn Độ, bởi có tin rỉ tai cho biết mình có thể bị bắt vì tội bội phản…

Cuối năm 1980, Fai đến Mỹ. Thông qua Tổ chức Vua Faisal, Arập Xêút đồng ý hỗ trợ tài chính cho việc ăn học của Fai, ít nhất là 50.000 USD/năm. Người Arập Xêút thậm chí chọn sẵn trường đại học (Temple University) cho Fai, bởi nơi này có một trong những tượng đài học giả Hồi giáo lừng danh thế giới (ông Ismail al-Faruqi).

Tại Temple, Fai trở thành Chủ tịch Hội Sinh viên Hồi giáo Hoa Kỳ-Canada. Và trong khi học tại Temple, Fai đã bắt đầu được ISI móc nối (khoảng năm 1985). Sau khi lấy bằng Tiến sĩ truyền thông năm 1988, Fai gia nhập Hội đồng cố vấn của Hội Hồi giáo Bắc Mỹ.

Không lâu sau, bạo lực lại bùng nổ ở Kashmir. Quân đội Ấn Độ phá tan nhiều nhóm thiểu số dọc biên giới Kashmir vốn bị nghi ngờ được ISI tài trợ để quậy phá. Năm 1989, ISI yêu cầu Fai thành lập một tổ chức gọi là KAC, được thiết kế như một tổ chức lobby trá hình với mục đích vận động hành lang tác động nghị trường Mỹ quanh chính sách Kashmir.

Thuê một văn phòng sang trọng cách Nhà Trắng ba dãy nhà, Fai bắt đầu mở cửa hoạt động KAC. Chỉ vài tuần sau khi thành lập, Fai và KAC đã tài trợ 500 USD cho dân biểu Dan Burton, người lúc đó vừa ủng hộ một dự luật hoãn viện trợ Ấn Độ cho đến khi các cuộc điều tra nhân quyền được thực hiện, đặc biệt tại Punjab và Kashmir. "Thậm chí Hội Chữ thập đỏ còn không được phép đến Kashmir!" - Burton la ỏm tỏi trong Hạ viện.

Vài tháng sau, Fai tổ chức buổi nói chuyện tại khách sạn Holiday Inn (Dayton, Ohio), với ông nghị Burton là diễn giả chính. Thế là từ đó, trong 20 năm, Fai là gương mặt Kashmir lưu vong hoạt động mạnh nhất tại Mỹ trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền Kashmir. Fai chưa bao giờ bị nghi ngờ vì chưa từng kêu gọi trả Kashmir cho Pakistan mà chỉ yêu cầu "quyền tự quyết" cho người Kashmir

Biến các ông nghị Mỹ thành con rối của ISI

Thoạt đầu, Hafiz Mohammad Sabir (hiện là giáo sĩ tại một trong những đền Hồi giáo lớn nhất Brooklyn) không mảy may nghi ngờ "động cơ Kashmir" của Fai. Tuy nhiên, khoảng năm 1994, khi còn làm tài xế taxi, Sabir có lần tình cờ thấy Fai tại trung tâm Manhattan (New York), đang lôi một bao to chẳng biết chứa gì bên trong từ đống tuyết… Đó là khoảng thời gian Fai tăng tốc chiến dịch tiếp cận chính giới Mỹ.

Năm 1993, Fai viết một bức thư cho Tổng thống Bill Clinton, kể về nỗi khổ người dân Kashmir. Vụ này từng được báo chí Mỹ đăng tải khi đích thân ông Clinton hồi âm. Năm 1996, Fai gặp ứng cử viên tổng thống Bob Dole tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa. Năm 2000, Fai gặp Bill Clinton tại Chicago, trước khi Clinton có chuyến công du Ấn Độ. Fai đặc biệt thân với nhiều ông nghị Cộng hòa.

Năm 2002, một đồng minh của Fai - dân biểu Joe Pitts - đã giúp đương sự tổ chức một diễn đàn về tình hình Kashmir ngay tại Quốc hội. Năm 2007, Fai thậm chí được trao Huy chương tinh thần Mỹ (American Spirit Medal) - huy chương cao nhất của Ủy ban Thượng viện Cộng hòa quốc gia. Hình ảnh Fai còn có thể thấy trên diễn đàn chính trị thế giới, qua những chuyến kinh lý đến hơn 40 nước, từ Indonesia đến Tây Ban Nha. Fai cho biết mình từng gặp hơn 1.000 vị đại sứ khắp thế giới.

Tình hình Kashmir gần như chẳng bao giờ yên ả với sự kích động phá rối từ Pakistan.

Tại Pakistan, Fai được đối xử như một nhà chính trị tầm quốc tế. Tháng 6/2009, trong chuyến đến Pakistan, Fai được trú ở khách sạn tốt nhất Islamabad, được gặp tổng thống, thủ tướng và ngoại trưởng nước này. Một đoạn băng từ chuyến đi trên cho thấy Fai và Asif Ali Zardari ngồi đàm đạo trên hai chiếc ghế bành trắng, trước tấm ảnh chân dung bà vợ quá cố của Asif - (thủ tướng) Benazir Bhutto.

Mỗi năm, kể từ 2003 (đến trước khi bị bắt vào tháng 7/2011), Fai đều đặn thực hiện một hội thảo hòa bình về Kashmir, thường được tổ chức ngay tại trụ sở Quốc hội! Buổi hội thảo năm 2007 có ông nghị "ruột" Joe Pitts, hơn 10 nghị sĩ Mỹ, nhiều gương mặt tên tuổi của Pakistan cũng như các nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Ấn. KAC của Fai trang trải chi phí đi lại cho gần như tất cả những người đến Washington tham dự.

Có lần, Fai còn tổ chức hội thảo Kashmir (suốt một ngày) tại Montevideo (thủ đô của Uruguay), với sự có mặt của một số tướng lĩnh nước chủ nhà. Tất nhiên, Fai cũng bỏ "tiền túi" lo vé máy bay cho những người tham dự, kể cả việc lưu trú tại Radisson (một trong những khách sạn sang nhất Montevideo).

Năm 2010, có vẻ như Fai ngày càng thiết kế sâu vị trí mình trong chính trường Mỹ và việc làm lâu nay của ông chắc chắn không bao giờ bị phanh phui. Người vợ thứ hai của ông (gặp tại Đại học Temple) đã được chọn vào làm tại Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ. Có hai con (một học Đại học công Ohio và một học tại Đại học Stanford), gia đình Fai đã mua một căn nhà gạch bốn phòng ngủ ở ngoại ô Virginia với giá 650.000 USD...

Từ năm 1991, báo chí Ấn Độ đã râm ran việc Fai "hình như" là "điệp viên ISI". Có nhiều chi tiết khiến nảy sinh nghi ngờ. Fai lấy đâu ra nhiều tiền thế để hoạt động? Một tổ chức phi chính phủ như KAC làm sao có đủ ngân sách để thuê một văn phòng sang trọng gần Nhà Trắng và còn mướn cả một hãng PR danh tiếng để thực hiện các vụ lobby chính trị lên Washington quanh vấn đề Kashmir?

Trên bề mặt, đóng góp tài chính cho KAC chủ yếu từ một nhóm gồm ít nhất 13 "nhà hảo tâm" (các bác sĩ và doanh nhân Mỹ gốc Pakistan…). Tuy nhiên, điều tra cho thấy sổ sách kế toán KAC có nhiều chi tiết mờ ám (số tiền chi ra được ghi lại không thống nhất, giữa sổ kế toán công khai và sổ nội bộ).

Năm 2007, FBI bắt đầu thẩm vấn Fai rồi bí mật mở rộng điều tra vào năm 2010. Tháng 3/2010, Bộ Tư pháp Mỹ gửi Fai một bức thư, nói rằng báo chí Ấn Độ nghi ông là điệp viên Pakistan; phải thế không nào? Nếu đúng vậy thì cứ việc đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ mình là viên chức tình báo nước ngoài cho đúng với luật Mỹ thì chẳng sao cả. Vài tuần sau, đương sự phản hồi, bác bỏ việc mình là điệp viên Pakistan.

Vỏ bọc bị vỡ

Ba tháng sau, Cảnh sát New York bất ngờ "hỏi thăm" Fai, phát hiện 35.000USD trong chiếc xe hơi cá nhân mà đương sự không thể giải thích nguồn gốc một cách thuyết phục. Dù vậy, Fai tiếp tục đi nhiều nơi trên thế giới và vẫn yêu cầu ISI chuyển tiền cho mình.

Tháng 2/2011, Fai đến Pakistan, ngay thời điểm quan hệ Washington-Islamabad bắt đầu rạn nứt, đặc biệt từ vụ điệp viên CIA Raymond Davis bị Pakistan bắt với tội bắn hai người ở Lahore. Khi Fai trở về Mỹ, hành lý của ông bị lục soát. Bên trong, người ta thấy những đoạn trích từ biên bản vụ Raymond Davis của Tòa thượng thẩm Lahore.

Vài ngày sau, nhân viên FBI Sarah Linden gõ cửa nhà Fai. Khi được hỏi có biết ai trong Chính phủ Pakistan không, Fai trả lời có nhưng nói thêm rằng chẳng ai trong số họ biết mình! Ngày 13/7/2011, Sarah Linden gửi Fai một e-mail, yêu cầu gặp "để nói chuyện về tình trạng Kashmir". Đương sự đồng ý.

Sáng 18/7/2011, Linden đến nhà Fai khi đương sự vừa trở về sau chuyến đi Anh. Một lần nữa, Fai từ chối việc mình làm việc cho ISI. Đêm đó, Fai đi ăn tối với bạn và gia đình. Sau khi trở về, Fai hay ai đó trong gia đình đã gọi cho cảnh sát, báo rằng có một chiếc xe đáng ngờ đậu gần con đường dẫn vào nhà đương sự. Fai đâu biết đó chính là xe của FBI. Sáng hôm sau, Fai bị bắt khi chở vợ ra ga điện ngầm, vào đúng ngày Ngoại trưởng Hillary Clinton đang có mặt ở Ấn Độ!

Vụ bắt Syed Ghulam Nabi Fai đã làm ít nhất hai ông nghị - Dan Burton và Joe Pitts - té ngửa, đặc biệt khi Fai khai với FBI rằng mình đã làm việc cho ISS trong 15 năm; rằng chẳng ai trong hội đồng KAC biết tổ chức mình lâu nay nhận kinh phí hoạt động từ ISI. Ngoài hai ông nghị trên, Fai còn ủng hộ tài chính cho các nghị sĩ James P. Moran, Dennis J. Kucinich và Gregory W. Meeks…

Bác bỏ rằng mình không ăn lương ISI nhưng Fai có "đồng ý rằng ISI đã chỉ thị, trong việc tổ chức một số cuộc hội thảo rồi báo cáo cho một số người". Cáo trạng cho biết, Fai đã liên lạc với ISI 4.000 lần trong 3 năm qua. Không chỉ hoạt động tại Mỹ, Fai còn bí mật đóng vai trò giám đốc một nhóm lobby Kashmir tại London, gọi là Tổ chức Công lý trung tâm Kashmir… Nếu bị kết án, Fai có thể bị xử 5 năm tù (hiện được tại ngoại).

Vụ việc đã cho thấy rõ yếu tố "xung đột lợi ích" và ảnh hưởng của các tổ chức tương tự KAC lên chính sách đối ngoại của Mỹ không phải là không có. Cần biết, ông nghị "bồ ruột" Joe Pitts của Fai từng đích thân đến Kashmir năm 2001 và 2004, và từng đưa ra một nghị quyết vào năm 2004 yêu cầu Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm một công sứ đặc biệt làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan quanh vấn đề Kashmir. Tháng 9/2010, ông nghị Dan Burton cũng từng chỉ trích Tổng thống Barack Obama việc phớt lờ tình trạng bạo động bất ổn tại Kashmir...

Anh Vũ (tổng hợp)
.
.