Tình trạng lái xe nghiện ma túy, chất kích thích: Chủ nhà xe không thể vô can!

Thứ Ba, 29/01/2019, 18:37
Những con số giật mình có được từ cuộc ra quân tổng kiểm tra sức khỏe của tài xế trong toàn quốc những ngày vừa qua cho thấy, tình trạng sử dụng ma túy của cánh lái xe đã ở mức báo động đỏ. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính ma túy là thủ phạm giấu mặt trong những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra mới đây.

Tại buổi trao đổi với Phóng viên chuyên đề An ninh thế giới, các luật sư đã phân tích trách nhiệm pháp lý của chủ xe và tài xế gây tai nạn do sử dụng ma túy và các chất kích thích khác.

Có dấu hiệu phạm nhiều tội

Sau khi đọc bài báo "Làm sao để chặn bánh xe điên" đăng trên Chuyên đề An ninh thế giới số 1844 ra ngày 19-1-2019, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp đã bày tỏ sự tán đồng về các giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông do lái xe sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích mạnh gây ra, đồng thời chỉ ra những vấn đề pháp lý liên quan, trong đó có việc xác định tội danh của lái xe.

Trong đợt kiểm tra tại cụm cảng Trường Thọ, lực lượng chức năng của Công an thành phố Hồ Chí Minh phát hiện nhiều tài xế có kết quả dương tính với ma túy. Ảnh: Minh Đức.

Ông Cường viện dẫn: "Với những trường hợp lái xe sử dụng trái phép chất ma túy rồi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho người khác như làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; và gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 1,2 tỷ đồng thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm.

Ngoài ra, họ còn có thể bị xử lý về hành vi sử dụng ma túy. Nếu phát hiện dấu hiệu của hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy… thì những người này còn bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự".

Sau hàng loạt vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra mới đây tại Long An, Hải Dương mà lái xe dương tính với ma túy, trong giới luật học đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận xung quanh vấn đề xác định tội danh đối với lái xe. Có không ít quan điểm cho rằng cần phải xử lý lái xe nghiện ma túy gây tai nạn về tội giết người mới phản ánh hết tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Các tổ công tác Công an Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kiểm tra nhanh nồng độ cồn và ma túy đối với tài xế xe tải đường dài. Ảnh: Minh Đức.

Luật sư Trần Huy Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) bình luận: "Theo tôi, hành vi của tài xế khi tham gia giao thông có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích nguy hiểm khác là hoàn toàn đủ dấu hiệu của tội "Giết người", chứ không còn là tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" nữa. Bởi lẽ, tài xế đã cố ý và chủ động đưa vào trong cơ thể mình chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác, mặc dù biết rõ tính nguy hiểm của nó.

Dưới tác động ức chế hoặc kích thích của các chất này đối với hệ thần kinh, sức khỏe thể chất của họ sẽ không đảm bảo cho việc điều khiển phương tiện một cách an toàn, nhưng vẫn cố tình sử dụng và cố tình cầm lái, nghĩa là biết trước hậu quả có thể xảy ra nhưng coi thường tính mạng con người. Vì vậy, hành vi của những lái xe sử dụng ma túy rồi điều khiển phương tiện gây tai nạn chết người, phải được coi là hành vi giết người, với hình thức lỗi cố ý gián tiếp. Hơn nữa, việc xử lý về tội "giết người" đối với lái xe gây tai nạn vì ma túy và chất kích thích, có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất cao, vì tính nghiêm khắc của hình phạt đối với tội danh này".

Chủ xe không thể vô can 

Không chỉ có vấn đề trách nhiệm hình sự được đặt ra đối với tài xế gây tai nạn, mà qua trao đổi, chúng tôi đề nghị làm rõ chủ xe, doanh nghiệp vận tải có phương tiện gây tai nạn cũng phải gánh chịu những hậu quả pháp lý khác nhau. Bởi chính họ mới là người sẽ quyết định có giao vô lăng cho những "thần chết" đó hay không.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: "Chủ phương tiện giao thông đường bộ để phương tiện gây tai nạn thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân. Điều 597, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có pháp nhân gây ra. Theo đó, trường hợp lái xe của doanh nghiệp vận tải (pháp nhân) gây tai nạn giao thông trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, thì doanh nghiệp (pháp nhân) đó phải trực tiếp bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, nhưng có quyền yêu cầu người làm công của mình (lái xe) bồi hoàn lại cho mình".

Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại Kim Thành, Hải Dương.

Việc bồi thường dân sự do sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại Điều 590, Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được xác định trên chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm, phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trường hợp nạn nhân chết, việc bồi thường theo quy định tại Điều 591, Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, việc bồi thường xác định trên thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định".

Bên cạnh trách nhiệm bồi thường, chủ xe còn đứng trước khả năng bị xử lý về các vi phạm khác. "Ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thay cho những lái xe nghiện ma túy gây tai nạn giao thông, thì chủ xe, doanh nghiệp vận tải cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải, quy định về tuyển dụng, quản lý lao động. Các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra xem xét dấu hiệu vi phạm của các doanh nghiệp này trong lĩnh vực kinh doanh cũng như lĩnh vực quản lý lao động, nếu phát hiện ra những hành vi vi phạm thì sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để xử phạt có thể phạt tiền, tước giấy phép... thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với người đại diện của doanh nghiệp này nếu mức độ vi phạm là nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội".

Luật sư Trần Huy Tuấn có thêm quan điểm khác về việc truy trách nhiệm đối với chủ xe như sau: "Tôi cho rằng nếu cơ quan điều tra xác định và chứng minh được chủ xe đã điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, hoặc biết rõ tài xế đã sử dụng chất ma túy; rượu bia hay chất kích thích nguy hiểm khác mà vẫn giao xe, điều động tài xế tham gia giao thông gây ra hậu quả nghiệm trọng, thì hành vi có dấu hiệu của tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ", quy định tại Điều 264 của Bộ luật Hình sự 2015".

Cần giải pháp đồng bộ

Theo các luật sư, để kiểm soát tình trạng lái xe sử dụng trái phép chất ma túy, đảm bảo an toàn cho xã hội, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo luật sư Đặng Văn Cường, trước hết phải siết chặt hoạt động đào tạo lái xe, đặc biệt là những bằng lái dành cho xe chở khách, xe trọng tải lớn, để đảm bảo việc cấp bằng đúng quy định pháp luật, chất lượng đào tạo đảm bảo đáp ứng được yêu cầu công việc. Ngoài ra cũng cần bổ sung các tiết học về văn hóa, đạo đức cho người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ để họ có thể lường trước được những thiệt hại mà họ có thể gây ra cho xã hội đến mức nào khi vi phạm luật giao thông đường bộ.

Lái xe đầu kéo sử dụng ma túy, chất kích thích đang trở thành nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông. Ảnh: Minh Đức.

Cần có những quy định cụ thể hơn đối với các doanh nghiệp vận tải trong việc tuyển dụng lao động là lái xe, như quy định cụ thể về điều kiện tiêu chuẩn bằng lái, kinh nghiệm, đạo đức, văn hóa của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Trong quá trình sử dụng lao động, cần có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, chủ xe trong việc kiểm tra sức khỏe định kỳ của lái xe, để phát hiện những đối tượng nghiện ma tuý, những đối tượng chơi bời, hư hỏng, bê tha không đủ phẩm chất đạo đức để loại bỏ khỏi ngành nghề này.

Cần quy định cụ thể chi tiết hơn về trách nhiệm của chủ xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi để xảy ra trường hợp lái xe sử dụng trái phép chất ma túy gây tai nạn nghiêm trọng, để nâng cao trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp này trong việc tuyển dụng, quản lý lao động. Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của chủ xe, doanh nghiệp vận tải, nếu phát hiện việc sử dụng lái xe nghiện ma túy phải xử lý nghiêm. Những đơn vị nào sử dụng những lái xe này sẽ bị xử lý thật nặng. Kiên quyết không để những người nghiện ma túy, nghiện rượu tham gia hành nghề lái xe, kiên quyết loại bỏ họ ra khỏi các đơn vị kinh doanh vận tải.

Theo luật sư Huy Tuấn, giải pháp căn cơ để kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về luật giao thông đường bộ, để nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông, nâng cao nhận thức, trình độ của lái xe, tạo ra một nền nếp, văn hóa giao thông lành mạnh trong cộng đồng. Ông cũng đề xuất việc xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ mà có sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma túy.

Ngoài ra, khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, cần xem xét tăng mức chế tài đối với hành vi điều khiển phương tiện gây tai nạn khi đã sử dụng trái phép chất ma túy, chất kích thích khác, để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.

Đào Trung Hiếu
.
.