Vụ điệp viên hai mang bị đầu độc tại Anh:

Toan tính cô lập Nga của phương Tây?

Thứ Hai, 19/03/2018, 20:22
Căng thẳng Nga-Anh liên quan tới vụ đại tá tình báo hai mang Sergei Skripal cùng con gái Yulia bị đầu độc đăng tăng lên từng giờ. Tuyên bố cứng rắn của những nhà lãnh đạo cùng lệnh “cấm cửa” các nhân viên ngoại giao và sự “tiếp sức” của các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và phương Tây... như “đổ” thêm dầu vào ngọn lửa vẫn âm ỉ giữa hai quốc gia vốn có nhiều duyên nợ...

Bóng dáng của một cái cớ “tin tình báo” giống như Mỹ và phương Tây từng cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí hóa học đang lộ ra rõ hơn.

Chất độc Novichok và cái cớ

Vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal tiếp tục khiến quan hệ giữa Anh và Nga leo thang căng thẳng, ngày 14-3, sau những lời cảnh báo, Thủ tướng Theresa May đã chính thức trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh và đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga.

Thủ tướng May cũng cảnh báo sẽ phong tỏa các tài sản của Nga trên lãnh thổ Anh và đã rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới thăm Anh. Tuy nhiên, bà khẳng định không muốn cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Nga.

Trước quyết định trên của London, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã nhận được danh sách các nhân viên bị trục xuất và sẽ sớm có biện pháp đáp trả thích hợp. Trước đó, Đại sứ quán Nga tại Anh tuyên bố quyết định của Anh trục xuất các nhà ngoại giao Nga là "bước đi thiển cận, không thỏa đáng và không thể chấp nhận được".

Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) diễn ra cùng ngày, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cũng khẳng định những nghi ngờ của Anh là "hoàn toàn không thể chấp nhận", đồng thời yêu cầu London đưa ra bằng chứng xác đáng. Ông khẳng định không thể cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc trên một cách vô căn cứ. Trong khi đó, các đồng minh phương Tây của Anh là Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố ủng hộ London.

Cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia. Ảnh: The Sun.

Liên quan tới vụ việc, cơ quan điều tra Anh đã xác định được chất độc thần kinh sử dụng trong vụ mưu sát cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal. Trình bày trước Quốc hội Anh ngày 12-3, sau cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia, Thủ tướng Theresa May xác định chất độc này nằm trong nhóm hóa chất mang tên Novichok, tờ The Guardian cho biết.

Còn theo tìm hiểu của hãng tin Reuters, Novichok là loại vũ khí hóa học thế hệ thứ tư, có mức độc tố cao gấp từ 5 đến 10 lần các khí độc được biết đến phổ biến là VX và Sarin. Theo chuyên gia dược học Gary Stephens, Đại học Reading (Anh), hóa chất này gây trụy tim và hẹp khí quản, dẫn để tử vong do ngạt thở.

Phía Anh cho rằng, các thành phần điều chế Novichok có nhiều tương đồng với hóa chất nông nghiệp. Các chuyên gia cho rằng yếu tố này giúp vũ khí hóa học Novichok dễ được đặt dưới vỏ bọc công nghệ dân sự. Mặt khác, theo báo cáo của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học - OPCW, vào năm 2017 Nga đã hoàn tất quá trình tiêu hủy toàn bộ trữ lượng vũ khí hóa học từng khai báo cho tổ chức này.

Theo nữ Thủ tướng Anh, dựa vào nguồn gốc Novichok, hiện chỉ còn 2 cách giải thích cho vụ việc ở Salisbury là: Hoặc đây là một hành động trực tiếp của Nga chống lại nước Anh; hoặc Chính phủ Nga mất khả năng kiểm soát loại chất độc thần kinh cực kỳ tai họa này và để nó rơi vào tay một số đối tượng.

Trước câu hỏi của BBC về cáo buộc nói trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời: “Trước hết quý vị cứ tìm cho ra lẽ rồi hãy tính đến nói phải trái với chúng tôi”. Đài Truyền hình Quốc gia Nga thì cho rằng vụ này là âm mưu nhằm phá hoại hàng loạt sự kiện diễn ra tại Nga như việc Nga tổ chức Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2018, bầu cử...

Anh tích cực điều tra và thu thập chứng cứ tại hiện trường vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc. Ảnh: Reuters.

Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã triệu tập Đại sứ Anh để phản đối những cáo buộc từ Thủ tướng May. Reuters dẫn thông cáo của cơ quan này nhấn mạnh Moscow sẽ không đáp ứng thời hạn do London đưa ra cho đến khi được tiếp cận mẫu chất độc. Nga cảnh báo mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này sẽ bị đáp trả thích đáng, đồng thời chỉ trích việc Anh không đồng ý phối hợp điều tra là làm trái với quy tắc của Hiệp ước quốc tế về chống vũ khí hóa học.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẽ không trả lời "tối hậu thư" của Anh cho đến khi nhận được mẫu chất độc từ London. "Chúng tôi đã nghe được tối hậu thư của Anh... Ngay khi xuất hiện tin đồn về vụ đầu độc ông Skripal liên quan đến chất độc do Nga sản xuất, chúng tôi đã gửi yêu cầu chính thức về việc tiếp cận khu vực để các chuyên gia của chúng tôi có thể kiểm tra mẫu chất độc theo khuôn khổ Công ước Vũ khí hóa học (CWC)" - Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh cho đến nay phía Anh vẫn phớt lờ đề nghị trên.

Ông Lavrov xác định Nga không liên quan gì đến vụ đầu độc ông Skripal và tuyên bố Nga sẽ hỗ trợ Anh trong quá trình điều tra, miễn là Anh giải quyết vụ việc theo quy định của OPCW mà cả London và Moscow đã ký kết khi tham gia vào tổ chức này.

Đòn hội đồng?

Anh đã tuyên bố sẽ trả đũa mạnh mẽ Nga nếu phát hiện chính phủ nước này có liên quan đến vụ cựu gián điệp Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh. Vậy Anh có thể làm gì để trả đũa Nga? Liệu Mỹ, khối Liên minh châu Âu (EU) hay những tổ chức khác có hỗ trợ Anh hay không?

Theo suy đoán của giới phân tích, Kịch bản trả đũa sẽ là Anh trục xuất giới chức ngoại giao Nga; tiếp theo là trục xuất giới chức cấp cao hơn, kể cả Đại sứ Nga cũng như toàn bộ điệp viên Nga mà London biết. Cao hơn nữa là cấm các nhà tài phiệt giàu có của Nga tiếp cận tài sản của họ ở London. Đồng thời với đó là tẩy chay sự kiện World Cup mà Nga tổ chức vào hè này. Cuối cùng là tước giấy phép hoạt động của một số hãng tin lớn của Nga hoạt động tại Anh.

Ở cấp độ cao nhất, Anh có thể nhân sự kiên này để kêu gọi EU và Mỹ mạnh tay trừng phạt Nga. Ngoài ra Anh cũng có thể kêu gọi NATO và LHQ gây sức ép.

Vậy câu hỏi đặt ra là có phải nước Anh và phương Tây muốn dùng cái cớ này để thực hiện một chiến dịch trước mắt là “loại bỏ vai trò nước Nga” và sau đó là loại nước Nga ra khỏi LHQ? Nhiều nguồn tin đã khẳng định, các nước phương Tây đã khởi động một chiến dịch quy mô lớn nhằm loại bỏ Nga khỏi HĐBA LHQ, Thượng nghị sĩ Sergey Kalashnikov tiết lộ với RIA Novosti.

Chả vậy mà ngày 14-3, nghị sĩ thuộc đảng Lao động Anh Chris Leslie đã ngay lập tức đề cập với Thủ tướng Theresa May cần phải cải cách HĐBA LHQ nhằm hạn chế quyền của Nga trong cơ quan này. Về việc này, bà May trả lời rằng Chính phủ Anh sẽ trao đổi LHQ về việc cải cách HĐBA bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Sự bắt tay của phương Tây nhằm vào Nga rõ ràng là có ý đồ khi mà một số nước đã nhanh chóng thể hiện quan điểm chống Nga. Nhà Trắng khẳng định ủng hộ quyết định của Chính phủ Anh trong việc trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Trong buổi họp khẩn cấp tại HĐBA LHQ hôm 14-3, Đại sứ Anh Jonathan Allen nhấn mạnh, việc đầu độc ông Sergei Skripal là hành động “sử dụng vũ lực trái phép” của Nga trên đất Anh.

Các quan chức hàng đầu của châu Âu đã phản ứng nhanh chóng sau bài diễn văn của Thủ tướng Anh Theresa May tại Quốc hội Anh về việc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ngay lập tức ủng hộ tuyên bố của Thủ tướng Anh. Tờ La Croix của Pháp cho rằng vụ việc có nguy cơ biến quan hệ Nga-Anh thành khủng hoảng quốc tế.

Trang mạng edition.cnn.com nhận định sự đáp trả lần này của London chắc chắn sẽ mạnh tay hơn so với năm 2012, cũng liên quan tới tình báo khi cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko cũng bị nghi chết do đầu độc.

Nước Nga đã thấy rõ ý đồ 

Vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov khẳng định, Nga không liên quan. Bởi vì Nga không tội gì gây chuyện khi đang chuẩn bị bầu cử. Theo chủ quan của ông thì Anh không tìm được lý do nào để đánh lạc hướng dư luận về sự yếu kém của họ, nên hướng vào tâm lý ghét Nga.

Bộ trưởng Lavrov nói: “Tôi đang nghĩ xem Chính phủ Anh, chính phủ của đảng Bảo thủ có lý do gì? Điều này có lẽ đã gián tiếp được nêu trong các bình luận của những người quan sát trên các phương tiện truyền thông phương Tây, rõ ràng là London đang ở trong tình thế rất khó khăn về đàm phán với EU về Brexit. Và uy tín của Chính phủ Anh đang giảm xuống. Họ sẽ không đạt được những gì đã hứa với người dân, với cử tri Anh.

Điều này dư luận Anh biết rõ. Do đó, họ dùng vụ Sergei Skripal để đánh lạc hướng dư luận. Lý do thứ hai, theo chủ quan của tôi, đó là người Anh muốn không bị mọi người lãng quên mà trong trường hợp này họ lựa chọn là muốn dẫn đầu về bài Nga. Bởi vì, có lẽ, những lĩnh vực khác mà Anh có thể dẫn đầu đang trở nên ngày càng ít hơn...”.

Thủ tướng Theresa May phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Nga khẳng định, Nga sẵn sàng hợp tác với Anh để điều tra vụ việc, nhưng phía Anh phải đưa yêu cầu bằng văn bản. Moscow sẽ phúc đáp nếu yêu cầu của London được gửi theo đúng các quy định của Công ước Vũ khí Hóa học. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh, theo các điều khoản của CWC, Anh phải ngay lập tức thông báo cho nước bị nghi ngờ sử dụng một hóa chất và cho phép nước này tiếp cận hóa chất đó nếu được đề nghị. Nhưng đến nay Nga chưa nhận được các mẫu này từ Anh cũng như văn bản chính thức nào.

Còn phát biểu trong cuộc họp báo sáng 15-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết, Nga đang soạn thảo các biện pháp đáp trả và sẽ sớm thông qua. Trong một tuyên bố khác, Đại sứ quán Nga tại Anh Alexander Yakovenko cũng nêu rõ hành động của chính quyền Anh "rõ ràng là hành động khiêu khích".

Cơ quan ngoại giao Nga tại Anh cũng đã chính thức yêu cầu Bộ Ngoại giao nước sở tại giải thích về thông tin rằng Anh "đe dọa tấn công mạng" nhằm vào Nga đang lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cảnh báo "sẽ không một phương tiện thông tin đại chúng nào của Anh được phép hoạt động tại Nga nếu Anh đóng cửa kênh Russia Today (RT)".

Phía Nga đưa ra tuyên bố trên sau khi cơ quan giám sát truyền thông Anh Ofcom cho biết kênh tin tức RT của Nga có thể bị tước giấy phép phát sóng tại Anh nếu Chính phủ Anh kết luận Nga đứng sau vụ đầu độc cựu đại tá Skripal cùng con gái Yulia.

Trong khi đó, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định, cựu điệp viên Skripal làm việc cho tình báo Anh và bị đầu độc trên lãnh thổ Anh, vì vậy vụ việc "không liên quan tới Nga, chứ đừng nói gì đến giới lãnh đạo Nga". Truyền thông nhà nước Nga đã cáo buộc Anh định sử dụng cái chết của cựu đại tá tình báo Nga Sergey Skripal để "can thiệp" vào cuộc bầu cử Tổng thống Nga sắp diễn ra trong tuần này.

Anh bị một số hãng truyền thông Nga cáo buộc cố tình gây hấn, trong khi một số hãng khác cho rằng tình báo Anh đã cung cấp thông tin sai lệch cho Thủ tướng Anh Theresa May. Một số phương tiện truyền thông nhà nước Nga cho rằng cáo buộc của Anh nhằm vào Nga là một "nỗ lực của một chính phủ nước ngoài nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống”.

Đúng như câu chuyện Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia ngày 14-3 ví von nước Anh như thanh tra Lestrade nổi tiếng trong truyện, và LHQ "cần một Sherlock Holmes" để giải quyết vấn đề. Đại sứ Vassily Nebenzia quả quyết không có nghiên cứu khoa học hay dự án phát triển nào về Novichok từng được Moscow tiến hành.

Ông cho rằng vụ đầu độc cựu tình báo viên Nga là một cuộc tấn công “cờ giả”, có thể do chính quyền London thực hiện nhằm làm tổn hại danh tiếng nước Nga.

Nguyễn Hòa
.
.