Tội phạm bạo lực chống người đồng tính ở Thái Lan

Thứ Tư, 27/06/2018, 07:33
Khi thế giới xôn xao về vấn đề quấy rối và tấn công tình dục, mọi người thường nghĩ đến các nạn nhân là phụ nữ bởi vì rõ ràng đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có nhóm nạn nhân khác thường ít được quan tâm đến – đó là các cộng đồng gọi là người đồng tính và đặc biệt là những người chuyển giới, nói chung là LGBT. Họ chính là những người đặc biệt dễ bị tổn thương trước loại tội phạm tấn công bạo lực và quấy rối tình dục hơn hết do định kiến xã hội.

Mới đây vấn đề được đưa ra bàn luận tại cuộc hội thảo gọi là “Hãy tôn trọng thân thể tôi và tôn trọng xã hội tôi” do Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan (NHRC) tổ chức với sự tham gia từ vài nhóm nhà hoạt động nhân quyền. Tháng 5-2018, nữ sinh viên chuyển giới Tanabodin Samanpan đăng lên tài khoản Facebook của mình một số hình ảnh bản thân bị hành hạ với nhiều vết bỏng trên môi, cổ và phần ngực – đó là dấu vết của vụ tấn công tình dục do một tài xế taxi gây ra.

Cộng đồng LGBT cần nói “không” với quấy rối tình dục.

Tanabodin kể cô gọi taxi trong đêm muộn để về nhà ở tỉnh Nakhon Pathom. Con đường tối tăm và vắng vẻ trong khi Tanabodin là hành khách duy nhất trên chiếc xe. Lợi dụng tình thế, tài xế bắt đầu đe dọa và buộc Tanabodin di chuyển lên ngồi ghế trước cùng với hắn.

Sợ hãi, Samanpan phải ngoan ngoãn nghe lời. Tài xế bắt đầu tra hỏi về chuyện chuyển giới và quấy rối rồi tiếp đến là hành động tấn công bạo lực. Cuối cùng, trước sự chống trả quyết liệt của Tanabodin, tài xế đành phải chở cô về nhà. Sau đó, Tanabodin trình báo vụ việc với cảnh sát.

Tanabodin nói: “Tôi quyết định buộc tội hắn để hắn không hành xử như thế với bất cứ ai khác nữa”. Trên thực tế, những vụ quấy rối như trường hợp Tanabodin hứng chịu xảy ra rất thường xuyên đối với cộng đồng LGBT. Theo số liệu Điều tra về Người chuyển giới của Mỹ (USTS) năm 2015, 47% trong số 27.715 người chuyển giới phản hồi rằng họ bị tấn công tình dục ít nhất một lần nào đó trong đời. Còn ở Thái Lan, ước có khoảng 200.000 người chuyển giới song tại nước này hiếm khi có cuộc điều tra nghiên cứu dành riêng cho cộng đồng này. Ở Thái Lan, những vụ tấn công tình dục thường xảy ra trong quân đội với nạn nhân là binh sĩ chuyển giới. Trong khi đó, Thái Lan lại được coi là thiên đường của cộng đồng LGBT do xã hội có thái độ cởi mở về vấn đề giới tính và lối sống. Thái Lan cũng là nơi tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu chuyển giới quốc tế. Điều đó có nghĩa là loại tội phạm bạo lực chống LGBT ở Thái Lan bị bưng bít trong bóng tối. Để bảo vệ người chuyển giới, cuộc hội thảo “Hãy Tôn trọng” của NHRC muốn đưa vấn đề quấy rối và tấn công tình dục cộng đồng này ra ánh sáng – theo phát biểu của  R. Samakkeekarom, đại diện Tổ chức Liên minh Chuyển giới vì Nhân quyền.

Dẫn chứng một cuộc khảo sát khác do Đại học Thammasat thực hiện, Tnnapoom cho biết khoảng 100 trong số 134 nữ sinh viên chuyển giới phản hồi rằng họ từng là nạn nhân của những người đồng trang lứa khác, giáo sư, bảo vệ và thậm chí tài xế taxi vào ít nhất một lần nào đó trong đời. Khi được hỏi họ về nguyên nhân dẫn đến bạo lực, khoảng một nửa trong số đó trả lời có lẽ do cách ăn mặc thiếu kín đáo của bản thân.

Cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế năm 2015 ở Thái Lan.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bác bỏ điều đó bởi vì nhiều nạn nhân ăn mặc kín đáo vào thời điểm bị quấy rối. Ví dụ như Tanabidin mặc đồng phục nhà trường với áo thun cổ kín và quần dài lúc bị tấn công.

Ronnapoom bình luận: “Rõ ràng là cách ăn mặc không là nguyên nhân dẫn đến hành vi quấy rối mà thực ra đó là sự không tôn trọng quyền của người chuyển giới”. Thái Lan có Luật Bình đẳng giới năm 2015 quy định các cá nhân không bị phân biệt đối xử về mặt giới tính.

Theo Thitiyanun Nakpor, chuyên gia từ Mạng Chuyển giới châu Á – Thái Bình Dương (APTN) ở Bangkok của Thái Lan, “mặc dù có luật thừa nhận giới tính hay không, chúng ta cũng không có quyền xâm phạm thân thể người khác vì như thế là vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng”. Ronnapoom cũng nhấn mạnh: “Quyền đối với thân thể chính mình là quyền con người không thể bị vi phạm, cho dù chính quyền không có luật thừa nhận giới tính”.

Các nhà hoạt động nhân quyền tại cuộc hội thảo “Hãy Tôn trọng” của NHRC ca ngợi Tanabodin rất dũng cảm khi chia sẻ rộng rãi với công chúng về loại tội phạm quấy rối và tấn công tình dục nhằm vào đối tượng LGBT trên nền tảng xã hội Facebook. Khác với Tanabodin, một số không nhỏ nạn nhân người chuyển giới không dám công khai vấn đề của mình do lo sợ bị công chúng chỉ trích. Ronnapoom nhận định: “Phần đông người chuyển giới có thái độ giữ im lặng khi bị tấn công tình dục. Nhưng, sự im lặng của họ không thể giải quyết dứt điểm vấn đề”.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.