Tội phạm buôn nô lệ tình dục trong lòng nước Mỹ
- Hàng trăm phụ nữ, trẻ em gái bị bắt làm nô lệ tình dục
- Giả cảnh sát lừa phụ nữ tới Mỹ làm nô lệ tình dục
- Nô lệ tình dục IS "hồi sinh" nhờ "cuộc cách mạng" trong tôn giáo
Nathan Wilson cho hay, con số chính xác các nạn nhân khó thống kê được bởi vì bọn buôn người rất xảo quyệt, luôn cố gắng giấu kín các nạn nhân của chúng.
Lời kể của một nạn nhân
Năm 2008, khi lần đầu đến Children of the Night - một cơ sở tư nhân giúp đỡ những nạn nhân của bọn buôn nô lệ tình dục - Jane tỏ ra giận dữ. Bị bắt hơn 20 lần vì tội hành nghề mại dâm, Jane đã trở nên chai lì. Cô ăn nói cộc lốc với chuyên gia tư vấn. Mọi người đều cố gắng giao tiếp với Jane.
Lois Lee, người thành lập và chủ tịch của trung tâm Children of the Night, nói: "Cô ấy sợ hãi. Cô ấy đã bị đối xử quá hung bạo. Cô ấy không còn biết hoà nhã với ai nữa".
Jane (không phải tên thật) chỉ mới 14 tuổi khi bị một người đàn ông 36 tuổi bắt cóc ở Seattle, dỗ ngọt rằng hắn ta yêu cô và hứa sẽ mang lại cho cô một cuộc sống tốt đẹp hơn. Jane có một gia cảnh rối bời, bị người bạn chung phòng của cha quấy rối tình dục lúc lên 4 tuổi. Cô cũng bị quấy rối ở một trung tâm chăm sóc trẻ em khi được đưa vào đây.
Tiến sĩ Lois Lee, chủ tịch Children of the Night, đang nói chuyện với Jane. |
"Mẹ tôi là dân nghiện ma tuý", Jane, nay đã 25 tuổi, nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây. "Tôi phải sống với cha. Tâm trạng ông ấy hết sức thất thường, và cũng nghiện ma tuý. Tôi không nhớ nhiều về quãng đời tuổi thơ của mình". Jane nói những hành vi quấy rối tình dục khiến cho cô thấy hổ thẹn, nhưng cuối cùng khi nói ra chuyện đó với một ai đó thì cha của cô đã tống cô ra khỏi nhà.
Jane nói: "Tôi cần sự che chở của ông, nhưng ông đã đóng sầm cửa trước mặt tôi. Tôi biết cha sẽ không chăm sóc tôi nữa. Tôi bắt đầu thấy xa cách với căn nhà của mình". Jane đến ở nhờ nhà một người đàn bà bạn của gia đình. Bà ta ép Jane làm gái điếm và bán ma tuý. Đó là khoảng thời gian Jane gặp James Jackson, gã đàn ông mà cô gọi là Jay. Hắn thuyết phục Jane đi với hắn đến Portland, bang Oregon, miền tây bắc nước Mỹ.
Hắn hứa hẹn với Jane một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng không lâu sau khi đặt chân đến Portland, Jackson trở mặt bảo cô phải "bán cái ngàn vàng" của cô - theo hồ sơ toà án. Khi Jane phản đối, Jackson lồng lên như con thú điên và bắt đầu nện thẳng tay cho đến khi cô chịu làm theo ý hắn.
Jane không chỉ là cô gái trẻ duy nhất lọt vào bẫy một người đàn ông mà cô tin tưởng, và không ai biết thật sự có bao nhiêu cô gái khác trở thành nạn nhân như Jane.
Rachel Lloyd nói bà đã nhìn thấy "dòng thác không bao giờ kết thúc" những cô gái trẻ bị lạm dụng thân xác từ khi bà thành lập Girls Education and Mentoring Service (GEMS) ở New York City năm 1997, tổ chức giúp đỡ những phụ nữ tuổi từ 12 đến 24 là nạn nhân của bọn buôn người.
Rachel Lloyd nói: "Chúng tôi không biết con số thật sự, nhưng biết điều đó đang xảy ra. Hiện tôi đang chăm sóc 300 cô gái trẻ. Dễ dàng nhìn thấy tại sao họ chạy trốn và tại sao họ lại dễ trở thành con mồi ngon của bọn ma cô. Bọn ma cô là mối quan hệ mạnh nhất trong cuộc đời họ".
Rachel Lloyd kể một ví dụ: một cô gái trẻ ở Anh, đặt chân đến nước Đức và 17 tuổi bắt đầu làm việc trong câu lạc bộ múa thoát y và từ nơi đây cô gặp được một gã đàn ông người Mỹ tưởng rằng yêu mình thật lòng nhưng hoá ra là một tên ma cô. Cô gái nói hắn đánh đập buộc cô hành nghề. Và khi may mắn thoát khỏi nanh vuốt của tên ma cô, cô gái đã trở thành thân tàn ma dại và không còn biết đến cảm xúc.
Polaris Project - tổ chức ở Washington D.C. cố vấn pháp luật và giúp đỡ những nạn nhân - nói bọn buôn người làm nô lệ tình dục và lao động cưỡng bức kiếm được hàng tỷ USD nhờ biến hàng triệu người trên toàn cầu thành nạn nhân của chúng. Theo Polaris Project, trung bình độ tuổi nạn nhân bị cưỡng bức hành nghề mại dâm ở Mỹ là trong khoảng 12 đến 14 tuổi. Với lợi nhuận 32 tỷ USD, hay khoảng 87 triệu USD/ngày, buôn người kết hợp với buôn vũ khí được xếp vào loại tội phạm đứng hàng thứ hai trên thế giới sau buôn lậu ma tuý.
Jane rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người trong tháng 5-2008, ngay trước sinh nhật lần thứ 15 của cô. Jane kể về tên ma cô Jackson: "Hắn khiến tôi tin mình không phải là con người và chỉ cần làm một điều đó là kiếm tiền cho hắn ta". Jane nói cuộc đời cô là cơn ác mộng, phải chịu đựng những vết bỏng và vết sẹo do quá nhiều lần bị đánh đập. Khi được hỏi tại sao không bỏ đi, Jane nói: "Tôi không có nơi nào để đi. Tôi không quen biết một ai cả. Tôi phải đi đâu đây? Hắn đe dọa sẽ theo giết tôi". Có lần hắn ta điên lên vì Jane không kiếm đủ tiền cho hắn.
Jane nói hắn xô cô ngã dúi xuống đất và hét: "Tối nay mày phải chết". Thậm chí tên ma cô còn dí súng vào đầu Jane và đe dọa giết chết mẹ cô.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết Jane bị đánh đập bằng bất cứ thứ gì vài lần trong tuần, nhưng cô gái vẫn tin tưởng con người độc ác này. Jane nói: "Tôi tin tưởng hắn ta ngay cả sau những lần bị đánh đập. Sau khi bị lợi dụng thân xác, tôi vẫn còn nghĩ đó là tình yêu". Jane cho biết cô phải quan hệ với 6 người đàn ông một ngày, có khi là 8 hay chín người.
Jane nói: "Tôi mang về cho hắn 600 USD một ngày, nhưng hắn muốn nhiều hơn nữa". Jane thoát khỏi cuộc sống địa ngục này khi bị bắt giữ trong tháng 10-2008 và một đặc vụ FBI đã hỏi cô có muốn đến cơ sở Children of the Night (nơi cô hiện đang sống) hay không. Jane nói đó là lần đầu tiên cô được đối xử như một nạn nhân hơn là tội phạm.
Jane nói: "Tôi có FBI bên cạnh. Nay tôi đã có thể nói họ đang giúp đỡ tôi". Bây giờ Jane cũng được đến trường học hành trở lại và như cô nói "mọi người đều chăm sóc tôi". Nhưng ký ức vẫn còn dai dẳng: "Nó tác động đến tôi. Tôi lại thấy sợ hãi mỗi khi ra đường đón xe buýt để đến trường. Trong lớp học, tôi sợ phải giơ tay lên. Tôi sợ một ai đó sẽ làm đau tôi. Tôi sợ phải ngồi ở hàng ghế đầu vì có quá nhiều người sau lưng tôi mà tôi không nhìn thấy được".
Những dự luật chống buôn người lần lượt được thông qua
Cơ quan kiểm soát hải quan và nhập cư Mỹ (ICE) - cơ quan hàng đầu trong điều tra về buôn người - ước tính khoảng 800.000 người bị bán làm nô lệ tình dục và lao động cưỡng bức trên toàn thế giới mỗi năm.
Tiến sĩ Lois Lee giải thích về những mối nguy hiểm và thực tế của nghề mại dâm cũng như cuộc sống đường phố tại một phòng học của trung tâm. |
Luật sư Mỹ Rod Rosenstein cho biết văn phòng của ông ưu tiên hàng đầu cho những vụ án liên quan đến hoạt động kinh doanh thân xác trẻ em, nhưng trong những năm gần đây mọi cố gắng nhằm đưa bọn tội phạm ra xét xử trước toà án đã trở nên khó khăn hơn nhiều.
Rodenstein nói do bọn tội phạm sử dụng Internet để hoạt động cho nên không dễ xác định vị trí của những nạn nhân của chúng, nghĩa là nhiều cô gái nhỏ và phụ nữ trẻ không còn xuất hiện trên đường phố hay xe tải để lực lượng cảnh sát có thể phát hiện ra. Rosenstein cũng giúp thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống buôn người ở Maryland năm 2007, phối hợp làm việc với cảnh sát liên bang và địa phương cùng các tổ chức tư nhân để truy tìm và giải cứu những nạn nhân của bọn buôn người.
Kể từ khi thành lập, lực lượng đặc nhiệm đã tống nhiều tên ma cô vào tù, trong đó bao gồm tên Lloyd Mack Royal, 29 tuổi, nhận bản án 37 năm tù trong tháng 7-2010 vì tội sử dụng bạo lực và ma tuý cưỡng ép 3 cô gái dưới 18 tuổi hành nghề mại dâm.
Theo hồ sơ toà án, Royal đã đe dọa sử dụng bạo lực đối với 3 cô gái trẻ và gia đình của họ để buộc họ làm gái mại dâm cho hắn, thậm chí hắn còn dùng súng buộc các cô gái sử dụng ma tuý và rượu trước khi tiếp khách. Hồ sơ toà án cũng cho biết Royal lái xe chở 3 cô gái đến các khách sạn ở Gaithersburg và Washington D.C. để tiếp khách mua dâm.
Trong tháng 3-2014, tên Derwin S. Smith, 42 tuổi, bị lực lượng đặc nhiệm Maryland bắt giữ trong vụ án dụ dỗ một cô gái chỉ mới 12 tuổi vào con đường mại dâm ở Atlantic City, bang New Jersey. Cô gái được lực lượng đặc nhiệm giải cứu sau khi cô thực hiện cuộc gọi đến người thân.
Hai công tố viên Amanda Walker Rodriguez và Rodney Hill ở hạt Baltimore, thành viên của lực lượng đặc nhiệm Maryland, nói bản tin tháng 3-2011 của FBI cho biết 300.000 trẻ em Mỹ có nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn nô lệ tình dục. Theo ghi nhận của hai công tố viên hạt Baltimore, trẻ em thường bị ép đi thật xa gia đình và cuộc sống của các em cứ xoay tròn quanh "bạo lực, cưỡng ép sử dụng ma tuý và bị đe dọa thường xuyên".
Họ gọi ngành kinh doanh tình dục ở Mỹ là "một vấn đề có quy mô cỡ dịch bệnh": "Những phụ nữ và cô gái trẻ bị bán cho bọn buôn người, bị nhốt trong những căn phòng khoá kín hay nhà thổ trong suốt nhiều tuần hoặc nhiều tháng, bị ép sử dụng ma tuý, và thường xuyên bị khủng bố và cưỡng bức. Do quá sợ hãi nên các nạn nhân hiếm khi lên tiếng chống lại bọn buôn người, cho dù khi có cơ may thoát khỏi bọn chúng".
Cựu trung sĩ cảnh sát hạt Bexar bang Texas Chris Burchell đã 28 năm làm việc trong ngành nói ông biết câu chuyện đau lòng về một bé gái 13 tuổi bị bắt cóc, cưỡng bức rồi ép hành nghề mại dâm trong căn nhà bán ma tuý ở San Antonio. Sau đó ông đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận gọi là Texas Anti-Trafficking in Persons để có phản ứng nhanh trên toàn bang Texas.
Trong vụ án ở San Antonio, tên Juan Moreno, 45 tuổi bị tuyên án 4 năm tù trong tháng 12-2010. Các công tố viên nói tên Moreno đòi khách mua ma tuý trả 25 USD để được quan hệ với cô bé 13 tuổi. Cô bé cùng đi với một người bạn đến căn nhà của Moreno để mua ma tuý rồi bị bắt giữ trong hơn một tuần. Trợ lý luật sư Kirsta Melton nói: "Hắn (Juan Moreno) đe dọa giết chết cô bé. Cô bé bị cột vào thành giường. Sau đó một cậu bé láng giềng trông thấy nên đã giải cứu cô bé".
Anne Milgram, cựu lãnh đạo cơ quan tư pháp bang New Jersey, trực tiếp phụ trách truy tố những vụ án buôn người. Milgram từng xét xử hai vụ án buôn nô lệ tình dục quốc tế lớn nhất của tư pháp Mỹ và một vụ trong đó lần đầu tiên được xét xử theo Luật bảo vệ nạn nhân buôn người năm 2000 của liên bang.
Trong vụ án này, hai chị em bị mang án tù 17 năm vì tội cưỡng bức các cô gái Mexico - trong đó một số chỉ mới 14 tuổi - làm gái mại dâm. Hiện nay Anne Milgram giảng dạy luật chống buôn người ở Đại học New York. Bà Milgram nói các nhóm luật sư ở New York City đã xác định được hàng trăm nạn nhân của bọn ma cô, nhưng cảnh sát New York chỉ bắt giữ được một số tên tội phạm.
Vào đầu tháng 4-2014, bang Oregon đã thông qua dự luật tăng hình phạt nặng hơn đối với loại tội phạm buôn người, như bang Texas đã làm. Trong cùng năm, bang Maryland thông qua 3 dự luật chống buôn người. Tiếp theo đó những dự luật tương tự cũng được thông qua ở các bang khác như Minnesota, Nevada, Missouri, Tennessee, New York và Michigan.
Nữ Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Renee Unterman đã đấu tranh trong nhiều năm để củng cố những dự luật chống buôn người của bang Georgia. Bà Renee Unterman nói "rất khó" khiến cánh đàn ông chịu bàn luận về vấn đề, đồng thời nói thêm rằng mọi người đang bắt đầu hiểu rằng những cô gái đáng thương nên được cư xử là nạn nhân hơn là tội phạm.
Bà nói cần có thêm nhiều hơn nữa những dịch vụ và cơ sở chăm sóc chữa trị cho họ, nhưng "việc chăm sóc những nạn nhân như thế này đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều tiền của". Cuối cùng qua bao nỗ lực không biết mệt mỏi của Renee Unterman, bang George đã thông qua dự luật tăng mạnh hình phạt đối với loại tội phạm buôn nô lệ tình dục.