Tội phạm gia tăng - Mối nguy hàng đầu cho Wold Cup 2010

Thứ Bảy, 25/07/2009, 09:20
Các thông số đáng báo động về tỉ lệ tội phạm gia tăng có thể trở thành nỗi lo ngại hàng đầu của Ban lãnh đạo Cộng hòa Nam Phi, nơi sẽ diễn ra Vòng chung kết giải Vô địch Bóng đá thế giới vào mùa hè sang năm. Nhiệm vụ trước mắt đặt ra cho các nhà tổ chức World Cup 2010 là cần kiện toàn công tác an ninh, ngõ hầu thuyết phục du khách cũng như giới cổ động viên an lòng khi tham gia vào "bữa đại tiệc" của môn "thể thao vua".

Trung bình mỗi ngày tại quốc gia 50 triệu dân nằm ở cực nam Phi châu này có 50 người bị sát hại, một con số khủng khiếp nhiều hơn cả "thiên đường vũ khí" Hoa Kỳ, nơi có số dân đông gấp 6 lần so với Cộng hòa Nam Phi. Chỉ tính trong vòng 2 năm trở lại đây, cảnh sát đã chính thức ghi nhận 36.190 vụ cưỡng hiếp và 14.201 vụ ăn cắp xe hơi.

Theo các chuyên gia am hiểu thì những trường hợp mà nạn nhân không trình báo nhà chức trách còn lớn gấp bội. Sự hiện diện đông đảo của những người ngoại quốc mê bóng đá sẽ trở thành cơ hội "làm ăn" cho các băng đảng tội phạm có tổ chức. Các giới khác thì hy vọng những công trình xây cất hoành tráng đáp ứng tiêu chí World Cup ắt làm giảm đà thất nghiệp, một trong những nguyên nhân khiến nạn tội phạm lộng hành.

Tòa thị chính Pretoria vừa quyết định chi số tiền khổng lồ tương đương 165 triệu USD, nhằm mua sắm thêm trang thiết bị cho các lực lượng bảo đảm trật tự xã hội trong thời gian diễn ra World Cup như trực thăng tuần tra, phương tiện vận chuyển cơ động, các thiết bị quan sát và công cụ trấn áp chuyên dụng.

Hơn 40 nghìn nhân viên an ninh sẽ theo dõi các khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến cảng và các tụ điểm thi đấu. Còn quanh mỗi sân vận động đều có 700 cảnh sát đặc nhiệm tuần tra liên tục, chưa kể đội quân tình nguyện đông đảo gồm hàng ngàn thanh niên ưu tú. "Chúng tôi luôn sẵn sàng cho các kịch bản xấu nhất, điều cốt yếu là cần phát hiện kịp thời hòng đập tan mưu đồ gây xáo trộn ngay từ trứng nước", Cảnh sát trưởng Vise Nidu, người phụ trách an ninh trong Ban tổ chức World Cup khẳng định với báo giới.

Thế còn vấn đề trị an ngoài khuôn khổ các trận đấu thì sao? Một chuyên gia tư vấn an ninh cao cấp ở Johanesburg, xin được giấu tên thừa nhận rằng, bọn tội phạm sẽ cố tránh những nơi được bảo vệ chu đáo, còn những chỗ khác vốn là "địa bàn" cố hữu của chúng thì chẳng thể đoán biết được.

Do vậy cần khuyến cáo mọi du khách nên nâng cao tinh thần cảnh giác, như nguyên văn lời ông Rich Mkondo, người phát ngôn của Ban tổ chức World Cup 2010: "Chúng tôi khuyên họ phải để mắt đến mọi thứ. Tuy không thể theo sát hết thảy, nhưng cảnh sát sẽ hiện diện lập tức theo yêu cầu".

Các nhà tổ chức vòng chung kết ra sức trấn an giới hâm mộ bóng đá không quá lo về mặt an ninh, bằng chứng là lượng du khách đến Nam Phi hàng năm đều tăng không ngừng, cũng như tỉ lệ tội phạm tấn công người nước ngoài đã giảm rõ rệt nhờ hoạt động hữu hiệu của lực lượng cảnh sát chuyên trách.

"Chúng tôi cẩn trọng cảnh báo trước vậy thôi - ông R.Mkondo cho biết thêm - Thực ra đến thời điểm này số vé của 26 trận thuộc vòng bảng đã được bán hết. Lượng người có nhu cầu luôn vượt quá sức chứa của các sân vận động tới hàng chục lần. Ví như trong đợt đầu tiên bán 753 nghìn vé qua mạng Internet, đã có 1,8 triệu khách hàng từ khắp nơi trên thế giới đặt mua".

Riêng ông Dani Jorden, Giám đốc Điều hành thuộc Ban tổ chức World Cup 2010 bày tỏ sự lạc quan: "Giới hâm mộ túc cầu thế giới không việc gì phải lo cả. Kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc sụp đổ hồi năm 1994 đến nay, tại Nam Phi đã diễn ra hơn 140 cuộc tranh tài quốc tế, gần đây nhất là giải Vô địch Cricket thế giới 2009 vào tháng 4 vừa rồi; chưa kể các sự kiện chính trị quy mô toàn cầu khác"

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.