“Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội đang là nỗi lo của toàn xã hội”

Thứ Năm, 07/07/2011, 15:45

Như Chuyên đề ANTG đã có loạt bài phản ánh tình trạng gia tăng tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội trong những năm gần đây  đang trở thành vấn đề xã hội đáng báo động. Cơ quan chức năng sẽ có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này? Chúng tôi có cuộc trao đổi với đồng chí Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự.

PV: Thưa đồng chí Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, tình trạng giết người do nguyên nhân xã hội đang trở thành vấn đề báo động hiện nay. Là người trực tiếp chỉ huy lực lượng CSHS, đồng chí đánh giá thực trạng này như thế nào?

Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến: Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội đã và đang trở thành một vấn đề nan giải và là nỗi lo của toàn xã hội.

Năm 2010, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội có xu hướng tăng đột biến, toàn quốc đã xảy ra 1.553 vụ án giết người, trong đó có 1.419 vụ giết người do nguyên nhân xã hội (chiếm 91,37%), tăng 239 vụ (20,25%). Quí I/2011, toàn quốc xảy ra 317 vụ, giảm 27 vụ = 7,8% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó số vụ do người thân trong gia đình giết lẫn nhau chiếm khoảng 14%.

Đáng lưu ý là tình trạng những người thân thích, ruột thịt trong gia đình, họ hàng chém giết lẫn nhau, nhưng tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi dã man, tàn bạo như chồng chém chết vợ, con giết bố mẹ... (năm 2010 loại án này chiếm khoảng 20%; quí I/2011 chiếm 14%) mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ mâu thuẫn trong sinh hoạt, trong cuộc sống, do tranh chấp đất đai hoặc do những mâu thuẫn nhỏ nhặt khác.

Tình trạng các băng nhóm tội phạm có tổ chức; các thanh, thiếu niên hư hỏng tụ tập thành các băng nhóm côn đồ gây án với động cơ, mục đích khác nhau như thích thể hiện, tranh giành ảnh hưởng, tranh giành địa bàn, giải quyết mâu thuẫn hoặc đâm thuê, chém mướn… vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, trong 3 tháng đầu năm 2011 các băng nhóm lưu manh côn đồ sử dụng vũ khí (súng AK, súng ngắn, súng tự chế, súng bắn đạn hoa cải...), dùng dao, mã tấu đã gây ra 107 vụ chém giết lẫn nhau, tăng 51 vụ so với cùng kỳ năm 2010 (trong đó có 31 vụ dùng vũ khí) chiếm 34% so với tổng số xảy ra; hậu quả làm 30 người chết, 121 người bị thương. Địa bàn xảy ra tập trung tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Cần Thơ và các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai...  

Tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập rủ nhau uống rượu, bia, sau đó phát sinh mâu thuẫn dẫn đến chém giết lẫn nhau xảy ra nhiều ở các tỉnh phía Nam như: TP HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long…

Các mâu thuẫn phát sinh trong xã hội, trong nội bộ từng gia đình là nguyên nhân chính xảy ra các vụ án giết người trong thời gian qua.

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này, nhưng sự nỗ lực đó là chưa đủ nếu không có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và  trong  từng  gia đình, từng cá nhân mỗi người…

PV: Trong nhiều nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng loại tội phạm này có nguyên nhân do pháp luật còn có sơ hở và người thực thi pháp luật chưa chấp hành nghiêm pháp luật. Theo đồng chí phải khắc phục tình trạng này như thế nào?

Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến: Các mâu thuẫn phát sinh trong xã hội, trong nội bộ từng gia đình là nguyên nhân cơ bản của các vụ án giết người trong thời gian qua. Nguyên nhân làm phát sinh, phát triển những mâu thuẫn đó có nhiều, nhưng có nguyên nhân quan trọng đó là do hệ thống pháp luật còn có những sơ hở thiếu sót, một số cán bộ trong các cơ quan công quyền chưa chấp hành nghiêm trong quá trình thực thi pháp luật.

Trong những năm qua, hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, pháp luật của Nhà nước ta đã có nhiều đổi mới và đã đem lại những kết quả đáng phấn khởi trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống của toàn thể nhân dân, nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những sơ hở, thiếu sót, chưa đồng bộ, như: hệ thống pháp luật dân sự, kinh tế, đất đai,…

Bên cạnh đó cũng cần phải nhấn mạnh rằng trong quá trình thực hiện các chính sách pháp luật về kinh tế - xã hội của Nhà nước, trong điều tra, xử lý một số vụ án dân sự, hình sự, vẫn còn có một số ít cán bộ của các cơ quan chức năng thiếu gương mẫu, không nghiêm chỉnh chấp hành, thậm chí còn tiêu cực tham nhũng gây bất bình, mất lòng tin trong nhân dân; Việc giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân, nhất là các khiếu kiện, tranh chấp về đất đai, kinh tế, nợ nần tiền bạc... không được kịp thời hoặc không được triệt để, để kéo dài âm ỉ, khiến cho một bộ phận quần chúng không tin vào sự giải quyết của pháp luật, tự tìm kiếm phương pháp giải quyết hoặc sử dụng “luật giang hồ" hay "luật rừng" để giải quyết và dẫn đến bùng nổ xung đột bạo lực. Đó chính là một phần trong các nguyên nhân làm phát sinh tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là các cơ quan lập pháp, các cơ quan quản lý nhà nước và thừa hành pháp luật và của mọi người dân. Chúng ta phải kiên trì, tiếp tục đường lối đổi mới, hoàn thiện pháp luật, cải cách các thủ tục hành chính…để khắc phục những sơ hở thiếu sót của các chính sách, pháp luật đã ban hành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm, tiêu cực của các cán bộ nhà nước trong quá trình thi hành pháp luật; Nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả của các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, xử lý tội phạm. Riêng lực lượng CSHS phải có những giải pháp phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm hình sự nói chung và tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội nói riêng.

PV: Trong số các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội trong thời gian gần đây đã có nhiều vụ thủ phạm là các ổ, nhóm tội phạm. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ phát sinh tội phạm xâm phạm nhân thân. Với đối tượng này, CSHS sẽ áp dụng biện pháp nào để ngăn chặn?

Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến: Trong công tác phòng ngừa, chúng tôi luôn coi việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, triệt xóa các băng, nhóm thanh, thiếu niên hư hỏng hoạt động côn đồ, hung hãn, các băng, nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động "kiểu xã hội đen" dễ phát sinh tội phạm xâm phạm nhân thân là biện pháp quan trọng, cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người, cố ý gây thương tích trong giai đoạn hiện nay.

Trong quí I/2011, các vụ án giết người do các băng nhóm gây ra chiếm 34%, vì vậy trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm là của lực lượng CSHS các cấp, nhằm làm giảm tội phạm giết người nói riêng và các loại tội phạm khác. Lực lượng CSHS công an các tỉnh, TP sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, như:

Tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các băng, nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động "kiểu xã hội đen" như: bảo kê, cho vay lãi nặng,"tín dụng đen'', tổ chức cờ bạc, tệ nạn xã hội, đòi nợ thuê...; Đặc biệt các băng nhóm thanh, thiếu niên hư có biểu hiện hoạt động tội phạm và tệ nạn dễ phát sinh tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội để áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

Thường xuyên rà soát, nắm tình hình về hoạt động của các băng, nhóm nêu trên đang tồn tại trên từng địa bàn, phát hiện các đối tượng trong băng, nhóm, những đối tượng trọng điểm có vai trò cầm đầu, tích cực, có ảnh hưởng lớn trong từng băng, nhóm để có biện pháp tác động, răn đe, giáo dục, phân hóa ngăn chặn các hoạt động phạm tội và tệ nạn xã hội.

Lập hồ sơ để quản lý, lập chuyên án triệt phá các băng, nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động "kiểu xã hội đen", các băng nhóm thanh, thiếu niên hư có biểu hiện hoạt động tội phạm và tệ nạn dễ phát sinh tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, điều tra khám phá khi có vụ án xảy ra.

Thường xuyên tiến hành công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn, tụ điểm phức tạp về ANTT có nguy cơ cao xảy ra các vụ án giết người, cố ý gây rối trật tự công cộng (TTCC)… để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi côn đồ, càn quấy gây rối TTCC, ngăn chặn các vụ việc xô xát, mâu thuẫn bột phát dễ dẫn đến giết người, đâm chém gây thương tích.

Cơ quan điều tra lấy lời khai đối tượng giết người tại Hà Nội.

PV: Trước sự gia tăng của tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, Cục CSHS có giải pháp gì để phòng ngừa, thưa đồng chí Thiếu tướng?

Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến: Phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ là hai biện pháp đang được Cục CSHS chỉ đạo lực lượng CSHS tham mưu cho lãnh đạo công an các cấp triển khai mạnh mẽ, sâu rộng.

Về các biện pháp phòng ngừa xã hội, chúng tôi có kế hoạch phối hợp với các lực lượng, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn quần chúng tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng, gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa mới, khối phố, bản, làng, phường, xã an toàn về ANTT. Chú trọng việc giáo dục hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên. Tập trung tuyên truyền pháp luật về hình sự, dân sự, luật phòng chống bạo lực trong gia đình, phòng chống bạo lực trong học đường, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Khiếu nại tố cáo… phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân nhằm ngăn chặn tội phạm giết người xảy ra từ những mâu thuẫn này.

Khi phát hiện có mâu thuẫn tranh chấp, xô xát, bạo lực trong sinh hoạt, đất đai, kinh tế… lực lượng Công an cơ sở cần phối hợp với các ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương tổ chức ngay việc hòa giải, không để mâu thuẫn phát sinh, kéo dài. Kết hợp công tác vận động, tuyên truyền cá biệt với việc tuyên truyền sâu rộng trong toàn khu dân cư; Gắn với công tác vận động quần chúng xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình như: "Khu dân cư an toàn về ANTT", "Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội", "Tổ tự quản về an  ninh xã hội", "Tổ hòa giải ở thôn, bản"…

Đối với các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là các vụ án gây bức xúc trong dư luận cần tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh, đưa xử án điểm, xét xử lưu động ngay tại địa bàn, qua đó tuyên truyền, giáo dục về phương thức, thủ đoạn của tội phạm; Tuyên truyền về nguyên nhân, điều kiện xảy ra vụ án để nhân dân lên án, cảnh giác, tự mình có ý thức phòng ngừa tội phạm, tôn trọng pháp luật, giải quyết triệt để các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, trong từng gia đình.

Các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ đã và đang được triển khai bao gồm:

Chủ động nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình. Đây là biện pháp cần được ưu tiên thực hiện và có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.

Đối với những hộ gia đình trong khu dân cư phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, xô xát trong sinh hoạt, tình ái, đất đai, kinh tế… Lực lượng Công an cơ sở  chủ động tham mưu cho các tổ chức hòa giải ở cơ sở tổ chức ngay việc hòa giải, không để mâu thuẫn phát sinh kéo dài phức tạp dẫn đến hậu quả xấu. Lực lượng Công an cơ sở làm nòng cốt, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để chỉ đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng, tham gia phát hiện, hòa giải và giải quyết triệt để các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Đối với các vụ việc mâu thuẫn kéo dài chưa giải quyết xong hoặc xô xát đã xảy ra có thể gây hậu quả nghiêm trọng thì lực lượng CSHS phải trực tiếp giải quyết và có phương án phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ án nghiêm trọng hơn như: giết người, cố ý gây thương tích….

Đối với những đối tượng phát sinh mâu thuẫn, xô xát kéo dài có nguy cơ gây ra vụ án giết người, gây thương tích, gây rối TTCC… lực lượng CSHS cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế, răn đe và phòng ngừa cá biệt nhằm tước bỏ các điều kiện mà đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện tội phạm. Đối với những người có nguy cơ trở thành nạn nhân cần tuyên truyền, giáo dục họ để bản thân họ chủ động phòng ngừa, tránh những mâu thuẫn, xung đột, xô xát xảy ra, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, xung đột; Lực lượng CSHS có các phương án bảo vệ tính mạng, tài sản của nạn nhân và ngặn chặn kịp thời không để án mạng xảy ra.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Thiếu tướng

Đặng Huyền - Nguyễn Thiêm (thực hiện)
.
.