Tội phạm khét tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật

Thứ Bảy, 13/06/2015, 08:25
Với những người ngây thơ thì cây cọ “rởm” Wolfgang Beltracchi mang quốc tịch Đức là một thiên tài hội họa bẩm sinh, nhưng mọi người trong giới lại gọi kẻ mạo danh họa sĩ 64 tuổi này bằng biệt danh “tên tội phạm khét tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật đương đại”, bởi hắn từng bị kết án 6 năm tù giam về tội đạo tranh. Trong 36 năm hành nghề lừa đảo nghệ thuật, cặp vợ chồng nhà Beltracchi đã thu lợi bất chính hàng chục triệu USD từ việc bán hàng trăm bức tranh giả cho giới sưu tập hay các cơ sở bán đấu giá do đích thân W. Beltracchi “phóng tác”.

Đồng phạm đắc lực nhất của Beltracchi chính là mụ vợ Helene, kẻ đã tạo dựng ra bản lý lịch "hoàn hảo" xuất thân từ một dòng họ quý tộc Phổ lâu đời, được thừa hưởng bộ sưu tập tranh nghệ thuật vô giá của hơn 50 họa sĩ hàng đầu thế giới do gia đình tích lũy qua nhiều thế hệ. Trong đó gồm cả những tác phẩm cực hiếm của các danh họa nổi tiếng như danh họa người Tây Ban Nha Pablo Picasso (1881-1973), họa sĩ người Đức Max Ernst (1891-1976), cây cọ Đức gốc Hà Lan Heinrich Campendonk (1889-1957), họa sĩ người Pháp Fernand Léger (1881-1955), hay danh họa người Hà Lan Kees van Dongen (1877-1968)…

Cặp vợ chồng chuyên lừa đảo nghệ thuật Helen và W. Beltracchi.

Thậm chí, vợ chồng nhà Beltracchi còn đánh lừa được họa sĩ người Mỹ Dorothea Tanning - vợ của cố họa sĩ Max Ernst rằng nhiều bức tranh thuộc gia tài nhà Helene do ông nhà vẽ ra khi vợ chồng bà chưa quen nhau, để được bà Tanning công nhận như là một "bảo chứng" nhằm lừa dối khách hàng.

Kẻ đạo tranh với bề dày thâm niên chỉ bị phát giác khi tiến sĩ người Anh Nicholas Eastaugh, chuyên gia hàng đầu về lịch sử nghệ thuật châu Âu tình cờ nghiên cứu một kiệt tác của danh họa Max Ernst, là một trong 2 bức họa do Beltracchi bí mật "sáng tác", rồi bán cho siêu sao điện ảnh Hollywood Steve Martin với giá hơn 350.000USD, đã phát hiện ra bột vẽ màu trắng trên bức sơn dầu trên vải có xuất xứ vào thập niên 70, chứ không phải loại bột màu thông dụng của năm 1915 như tranh nguyên bản của cố họa sĩ Max Ernst. Tức thì giới thẩm định nghệ thuật quốc tế liền vào cuộc, phát hiện ra vô số các bức tranh giả khác được Beltracchi sao chép rồi bán với giá trên trời cho các khách hàng đam mê sưu tầm tranh quý.

H. Beltracchi dựng ảnh đóng giả bà cố ngoại của mình với những "bức tranh quý" treo la liệt phía sau.

Tháng 10/2011, "tội phạm khét tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật đương đại" Beltracchi bị Tòa án thành phố Cologne đưa ra xét xử về tội cố tình giả mạo các kiệt tác hội họa.  Beltracchi bị kết án 6 năm tù giam, còn kẻ tòng phạm Helene lĩnh án 4 năm tù. Trong thời gian vợ chồng Beltracchi đang còn "nằm ấp", tháng 12/2014, một chủ phòng trưng bày tranh ở Zurich (Thụy Sĩ) đã bán các tác phẩm "rởm" của kẻ lừa đảo, thu về số tiền hơn 650.000 euro. "Bộ sưu tập" đắt giá này sau đó đã bị Hiệp hội Các đại lý nghệ thuật Thụy Sĩ loại khỏi danh sách tranh trưng bày chính thức của mình.

W. Beltracchi (thứ 2 từ trái sang trong ảnh trên bên trái) ra tòa lĩnh án, cùng "bộ sưu tập" tranh giả đắt giá tại nhà hắn (ảnh trên bên phải) và diễn viên điện ảnh S. Martin bên 2 bức tranh "rởm", do kẻ đạo tranh "phóng tác" (ảnh dưới).

Ngay sau khi được tha trước thời hạn do cải tạo tốt vào tháng 1/2015, Beltracchi đã trơ trẽn mở một cuộc triển lãm cá nhân tại Gallery Art Room 9 ở thành phố Munich, đô thị đứng hàng thứ 3 của CHLB Đức với tiêu đề "Tự do", hòng đánh dấu việc trở lại với nghề "múa cọ" bấy lâu. "Bây giờ tôi có thể tha hồ tự do sáng tác, chứ không chỉ thuần túy bắt chước hay sao chép lại tác phẩm của những đồng nghiệp khác", Beltracchi trâng tráo cho báo giới địa phương biết. Điều trớ trêu là cuộc triển lãm này đã thu hút sự quan tâm của du khách hiếu kỳ, khiến tất cả 24 bức tranh trưng bày được bán hết sạch ngay trong ngày khai mạc, trong đó bức đắt nhất có giá 78.000 euro.

Vụ lừa đảo có hệ thống của vợ chồng kẻ đạo tranh Beltracchi - Helene, được giới chuyên viên hình sự học đánh giá là vụ bê bối hàng giả lớn nhất trong lịch sử nước Đức sau Thế chiến II.

T.Q.Long (theo The Burlington Magazine)
.
.