Tội phạm ở Châu Mỹ Latin cũng phải e dè COVID-19

Thứ Ba, 14/04/2020, 22:26
Vào thời điểm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, tất cả mọi người đều phải cẩn thận, và các băng nhóm tội phạm “coi trời bằng vung” ở châu Mỹ Latin cũng phải kiêng dè.

Đây cũng là lần đầu tiên mà nhiều băng nhóm như Bộ Tư lệnh Đỏ (Comando Vermelho) ở Brazil, Quân đội giải phóng quốc gia (ELN) ở Colombia, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), Cộng đồng Venezuela (Colectivos), Liên minh Tepito (LUDT) Mexico…, đều ra lệnh cho mọi người dân sống trong những vùng do chúng kiểm soát, phải triệt để tuân theo lệnh cách ly của chính quyền sở tại…

1. Khi dịch COVID-19 tràn vào nước Mỹ rồi sau đó lan xuống các quốc gia Mỹ Latin như Mexico, Colombia, Venezuela, Brazil, Honduras, Guatelama… với con số người nhiễm, người chết tăng lên một cách chóng mặt thì ngay lập tức, các băng nhóm tội phạm ở những quốc gia này đã nhanh chóng đi đến một thỏa hiệp ngừng bắn mà chỉ hơn 1 tháng trước đó, nó liên tục diễn ra qua các vụ đấu súng, ám sát, bắt cóc, với mục đích tranh giành lãnh địa làm ăn hoặc trả thù.

Hai thành viên thuộc “Bộ Tư lệnh Đỏ” kiểm tra một khách du lịch vi phạm giờ giới nghiêm.

Giải thích về điều này, giáo sư Joaquin Martínez, giảng viên Khoa Xã hội học, Đại học Quốc gia Colombia (Universidad Nacionnal de Colombia) nói: “Những kẻ lãnh đạo các băng nhóm tội phạm ở Mỹ Latin đều nhận ra rằng đánh nhau trong lúc này chẳng mang lại lợi ích gì. Ngược lại, việc đình chiến sẽ giúp bảo toàn lực lượng, đồng thời lợi dụng cuộc khủng hoảng dịch bệnh để làm tăng tính hợp pháp cũng như củng cố quyền lực…”.

Để “tăng tính hợp pháp”, băng nhóm buôn bán ma túy có tên “Bộ Tư lệnh Đỏ” - (Comando Vermelho - viết tắt là CV) ở Brazil đã cho người của mình cầm loa phóng thanh đến từng ngôi nhà trong quận Ciudade de Deus Favela, thành phố Rio de Janeiro, để tuyên bố giới nghiêm mỗi ngày từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Bất cứ ai vi phạm sẽ bị “trừng trị nghiêm khắc” - nghĩa là bị bắn chết.

Bên cạnh đó, cũng nhằm làm “tăng tính hợp pháp”, CV tổ chức phát xà bông rửa tay, khẩu trang cho cư dân, đồng thời đe dọa xử lý những cửa hàng có dấu hiệu tăng giá thực phẩm. Với khách du lịch, CV cấm họ không được đặt chân đến những khu vực đang bị giới nghiêm.

Ở Colombia, ngày 30-3-2020, Quân đội giải phóng quốc gia Colombia (Ejercito de Liberacion Nacional - ELN) đã đơn phương tuyên bố ngừng bắn với các lực lượng vũ trang của Chính phủ Colombia, hiệu lực trong 1 tháng. Lệnh đơn phương ngừng bắn xuất hiện ngay sau lời kêu gọi của ông Francisco Galan, cựu lãnh đạo ELN.

Theo Francisco Galan, việc đơn phương ngừng bắn là “một hành động tạm thời để giải phóng đất nước khỏi nỗi sợ chiến tranh, ít nhất là trong những lúc khẩn cấp vì dịch bệnh hoành hành như lúc này”.

Và không chỉ ELN, các tay súng thuộc “Mặt trận 29”, hoạt động ở phía tây nam thành phố Narino trên bờ biển Thái Bình Dương, giáp biên giới với Ecuador, từ lâu vốn bất đồng với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) thì nay lên tiếng đe dọa trừng phạt tất cả những ai vi phạm lệnh cách ly của Chính phủ Colombia.

Quân đội Mexico thu giữ hàng trăm kilogam tiền chất ma túy từ một nhà kho của băng nhóm tội phạm CJNG.

Không chịu thua kém, ở phía bắc thành phố Cauca, các tay súng FARC thiết lập các trạm kiểm soát bất hợp pháp, đẩy đuổi trở lại tất cả mọi người dân nếu họ tự ý ra khỏi nhà một cách cực đoan. Bên cạnh đó, họ còn phun sơn vào tất cả các loại xe vi phạm lệnh cách ly để “đánh dấu”.

Vẫn theo Giáo sư Joaquin Martínez, hành động của cả “Mặt trận 29” lẫn FARC và ELN hoàn toàn không phải để nhằm ủng hộ Chính phủ Colombia trong việc ngăn chặn dịch bệnh mà đơn giản là họ không muốn cho người của họ bị nhiễm.

“Mặt trận 29” chẳng hạn, 7% lượng cocain đưa vào Mỹ có xuất xứ từ băng nhóm này nên nếu một thành viên nào đó dính con COVID-19 thì sẽ là thảm họa bởi lẽ “Mặt trận 29” không hề có bệnh viện riêng lẫn những thiết bị y tế cần thiết như bộ kit xét nghiệm, thuốc men, máy trợ thở…  

Ở nước láng giềng Venezuela, các nhóm vũ trang thuộc “Cộng đồng Venezuela” (Colectivos) ra lệnh cho người dân ở khu phố 23 de Enero phải tuân thủ các quy trình vệ sinh cá nhân và kiểm dịch xã hội.

Tại khu phố Petare gần thủ đô Caracas, Colectivos  cũng áp đặt lệnh giới nghiêm trong lúc tổng thống Venezuela là ông Maduro kêu gọi tất cả mọi thường dân có vũ trang hãy phối hợp cùng Lực lượng hành động quân sự đặc biệt (Fuerzas de Acciones Especiales - FAES) của chính phủ trong việc ngăn chặn COVID-19 lan truyền.

Và mặc dù Colectivos là băng nhóm tội phạm chứ không phải “thường dân có vũ trang” nhưng hành động của họ đã chứng tỏ rằng lợi dụng dịch bệnh, Colectivos đang cố biến mình thành một tổ chức hợp pháp.

Ở El Salvador, băng nhóm tội phạm “Barrio 18” (hay còn gọi là M18) thông báo đình chỉ tất cả mọi hoạt động bắt cóc, tống tiền trên toàn quốc để “ủng hộ chính phủ thực hiện biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tư pháp và An toàn Công cộng là ông Rogelio Rivas, sự lo sợ lây lan dịch bệnh trong hàng ngũ là nguyên nhân khiến “Barrio 18” tạm ngưng các hoạt động phi pháp chứ không phải là để “ủng hộ chính phủ”.

Trên tài khoản Twitter, ông Rogelio Rivas viết: “Ở El Salvador, mỗi tháng trung bình có 65 vụ giết người nhưng trong tháng 3, không hề có một vụ nào. Đó là điều chưa từng xảy ra. Sở dĩ có chuyện ấy là do các biện pháp giới nghiêm nhằm ngăn ngừa dịch bệnh đã khiến các thành viên “Barrio 18”  không còn được tự do di chuyển.

Để “lấy điểm” với chính phủ El Salvador, băng nhóm “Barrio 18” đã cho phổ biến một video, trong đó 4 thành viên “Barrio 18” đánh một người dân bằng gậy chơi bóng chày vì người này “vi phạm lệnh giới nghiêm của chính phủ”.

Một video khác cũng cho thấy các thành viên “Barrio 18” hăm dọa người dân khi họ chuẩn bị ra khỏi nhà với lý do đi mua thuốc chữa bệnh. Tổng Chưởng lý Raul Melara nói ông sẽ cho điều tra về những vụ việc này vì “không ai có quyền đưa luật pháp vào tay mình”.

2.  Trái ngược với các quốc gia nêu trên, ở Mexico, bất chấp đại dịch COVID-19, băng nhóm Liên hiệp Tepito (Union de Tepito) hoạt động tại Mexico city vẫn tiến hành các vụ bắt cóc, tống tiền, thu thuế bảo kê.

Văn phòng Thị trưởng Mexico city cho biết họ đã nhận được đơn tố giác của nhiều thương nhân, các chủ nhà hàng và ngay cả những người buôn bán lẻ trong các chợ, trên lề đường ở các khu phố như La Merced, Colonia Centro, Rome, Juarez và Peralvillo, nội dung cho biết họ nhận được thông báo của Union de Tepito, rằng băng nhóm này sẽ tiếp tục thu thuế bảo kê, mặc cho việc buôn bán, kinh doanh gặp khó khăn vì COVID-19.

Sở dĩ có chuyện ấy là vì từ năm 2010, một bộ phận thuộc Union de Tepito là Los Los Polos đã thiết lập được một đường dây liên lạc với các băng nhóm tội phạm ở một quốc gia châu Á.

Thông qua nhiều con đường vận chuyển khác nhau, các băng nhóm này đã cung cấp cho Union de Tepito rất nhiều loại hàng hóa, từ tiền chất hóa học để điều chế thuốc giảm đau chứa ma túy là Fetanyl đến những chiếc đồng hồ đeo tay, ví da, quần áo, túi xách, giày dép, tất cả đều mang những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới nhưng là… hàng giả!

Trước tháng 2/2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, Union de Tepito kiểm soát đến 95% việc mua bán hàng giả ở Mexico City nhưng từ tháng 3 đến nay, nguồn cung bị cắt đứt. Hậu quả là các nhà buôn, các cửa hàng bán lẻ không còn tiền để nộp thuế cho Union de Tepito, chưa kể một số doanh nghiệp đã trả tiền đặt cọc cho Los Los Polos nhưng lại không nhận được hàng.

Nếu như trước tháng 3/2020, 50 peso (đơn vị tiền tệ Mexico - tương đương 2 USD) mua được 1 viên Fetanyl thì bây giờ, con số này là 5 USD nhưng vẫn không có để bán.

Các thành viên trong nhóm Colectivos đang cố biến thành hợp pháp bằng việc đi tuần tra.

Đó không phải là hậu quả chỉ xảy ra đối với Union de Tepito, mà nó còn xảy ra với nhiều băng nhóm tội phạm khác ở Mexico. Băng nhóm “Thế hệ mới” - Cartel Jalisco Nueva Generacion - viết tắt là CJNG - cũng đang phải vật lộn tìm nơi cung cấp tiền chất chế tạo Fetanyl.

Để duy trì lợi nhuận, CJNG buộc phải tăng giá mỗi viên thuốc lên gấp 4, 5 lần nhưng nguồn dự trữ của băng nhóm này không phải là vô hạn. Theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA), lượng Fetanyl ở Mexico sẽ cạn trong vòng từ 1 đến 2 tháng nữa.

Để tồn tại, CJNG chuyển sang bán cocain mặc dù điều này sẽ dẫn đến sự “đụng chạm” với các băng nhóm khác trong việc phân chia lãnh địa làm ăn. Bằng cách tung tin rằng ngày 28/2, có 3 trường hợp được xác nhận là đã chữa lành bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do sử dụng chất ma túy cocain, gồm một công dân Brazil đã từng du lịch đến Italy, một công dân Mexico sống ở Mexico city, cũng đã từng đến Italy và người thứ ba là một công dân Mexico, sống ở Sinaloa.

Như đám cháy rừng mùa khô, tin đồn đã đẩy giá 1gam cocain từ 350 peso (18 USD) lên 1.050 peso (54 USD) khiến nhiều cơ quan chức năng trên toàn cầu phải lên tiếng. Trên trang web của mình, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định cocain không tiêu diệt được COVID-19 và cũng không bảo vệ cơ thể chống lại COVID-19. Cocain chỉ là loại ma túy gây nghiện, tàn phá khủng khiếp sức khỏe con người.

Theo Văn phòng Chưởng lý Mexico City, việc nhiều quốc gia trên thế giới tiến hành đóng cửa toàn bộ biên giới, từ đường bộ, đường sắt, đường biển lẫn đường hàng không để ngăn chặn COVID-19 lan truyền, đã cắt đứt chuỗi cung cứng tiền chất Fetanyl cho các băng nhóm tội ác, đồng thời có thể dẫn đến việc phá vỡ các nền kinh tế tội phạm như buôn lậu vũ khí, hàng giả, làm tiền giả và buôn người, chưa kể việc đóng cửa không phận, hải phận, sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi các chuyến bay, tàu ngầm mà các băng nhóm tội phạm Mỹ Latin vẫn thường dùng để vận chuyển ma túy.

Giáo sư Joaquin Martínez, giảng viên Khoa Xã hội học, Đại học Quốc gia Colombia nói: “Nếu việc đóng cửa toàn cầu kéo dài thêm vài tháng nữa, nền kinh tế của một số quốc gia sẽ suy thoái, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản và số phận các băng nhóm tội phạm ở Mỹ Latin cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Điều nguy hiểm là thay vì tự tan rã, chúng sẽ chuyển sang các hình thức hoạt động khác để tồn tại, chẳng hạn như tấn công ngân hàng, các công ty lớn hoặc các doanh nhân giàu có. Tại Honduras, một băng nhóm buôn người được biết đến dưới cái tên “Chó sói” đã tăng giá từ 1.500USD lên 4.000USD để đưa một di dân từ Honduras đến Mexico rồi sau đó, vượt biên giới vào Mỹ…”.

Vẫn theo Giáo sư Joaquin Martínez, các băng nhóm tội phạm ở Mỹ Latin nói riêng và các băng nhóm khác trên toàn thế giới nói chung, sẽ chẳng còn là gì nếu không tìm thấy cơ hội trong cuộc khủng hoảng vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp.

Chặn đứng cơ hội ấy phải bắt đầu từ việc chính quyền cần chứng tỏ ngay lập tức năng lực của mình thay vì để cho các băng nhóm tội phạm đứng ra lập rào chắn, phát xà bông, nước rửa tay, khẩu trang cho người dân, xử lý những ai trốn cách ly, trừng trị những nhà buôn cố tình nâng giá thực phẩm…

Vũ Cao (Theo Latin America Today)
.
.