Tội phạm phá rừng và môi trường Amazon

Thứ Ba, 16/01/2018, 11:07
Tội phạm phá rừng đang góp phần rất lớn vào sự biến đổi khí hậu. Rừng mưa Amazon là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới. Amazon là nơi cư trú của hơn 1 triệu loài thực và động vật mà trong đó nhiều loài còn chưa được giới khoa học biết đến.


Cơn sốt vàng đang đầu độc Amazon

Sử dụng 2 bàn tay trần cầm chai nhựa đựng thủy ngân độc hại trên chiếc tàu khai thác vàng bất hợp pháp, người thợ 22 tuổi cho biết anh từng được cảnh báo về mức độ nguy hiểm của công việc. Chiếc tàu săn vàng của người thợ trẻ đang nạo vét đáy sông Madeira ở bang Rondonia miền bắc Brazil, giáp giới với Bolivia. Hàng trăm chiếc tàu tương tự như thế đang hủy hoại sông và rừng Amazon.

Người thợ giấu tên cười nói: “Tôi biết công việc rất nguy hiểm, nhưng vẫn phải làm để sống”. Hàng chục ngàn thợ mỏ bất hợp pháp như thế (được gọi là garimpeiro) đổ xô đến rừng mưa Amazon ở Brazil, Peru, Bolivia, Venezuela và Colombia để săn vàng.

Khu đất rừng bị khai thác vàng lậu ở Amazon của Brazil.

Một người khác tên là Sidney Magrao đã trải qua 35 năm làm garimpeiro và sục sạo đáy sông Madeira. Chiếc tàu của Magrao trị giá đến 3 triệu reais (khoảng 900.000 USD). Người thợ già 62 tuổi trò chuyện với Thomson Reuters Foundation (tổ chức từ thiện của hãng tin Reuters): “Có tháng tôi kiếm được 23.000 reais, tức khoảng 7.000 USD”.

Theo các công tố viên Brazil, cơn sốt khai thác vàng cũng dẫn đến nạn buôn người làm công việc tìm vàng và gái mại dâm phục vụ đám thợ mỏ. Giới chức Brazil cũng thừa nhận họ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối phó với các tổ chức tội phạm phức tạp buôn lậu vàng qua biên giới.

Ranilson Monteiro Camara, người duy nhất chịu trách nhiệm giám sát đội quân garimpeiro ở Bộ Khai thác mỏ bang Rondonia cho biết, có đến hàng chục chiếc tàu không đăng ký với chính quyền công khai hoạt động rầm rộ trên con sông chỉ cách văn phòng của ông 2km. Theo nghiên cứu năm 2016 của tổ chức giám sát Verite đặt trụ sở tại Mỹ, đội quân thợ mỏ bất hợp pháp xuất đến 40 tấn vàng khai thác ở Amazon tới Mỹ.

Và vào giữa năm 2006 đến 2016, 68 tấn vàng xuất khẩu bất hợp pháp từ Amazon sang các nước lân cận qua ngõ Bolivia – theo số liệu đánh giá từ tổ chức Sáng kiến Toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (GITOC) đặt trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ). Đội quân này cũng trút hơn 30 tấn thủy ngân xuống các con sông Amazon mỗi năm, đầu độc cá và gây tổn thương não cho người dân địa phương – theo tổ chức khoa học Mỹ về Dự án Thủy ngân Amazon Carnegie (CAMEP).

Theo điều tra nghiên cứu của một giáo sư địa phương, trong khi chỉ có một số nhỏ tàu tuân thủ luật pháp thì rất nhiều vàng bị khai thác tràn lan trái phép khắp những khu rừng hoang dã Amazon. Trong một số trường hợp, vàng được khai thác từ đất rừng và lòng sông tại những địa điểm được chính quyền cho phép nhưng sau đó chúng bị buôn lậu từ Brazil vào Bolivia nhằm trốn thuế.

Chuyên gia Ayrelio Herraiz của Viện Liên bang về Giáo dục, Khoa học và Công nghệ bang Amazonas miền bắc Brazil tiết lộ với Thomson Reuters Foundation: “Nhiều người bước lên những chiếc tàu để mua vàng trực tiếp. Đó là sự thật khó nhìn thấy được. Không có báo cáo nào về điều này ở bất cứ nơi đâu”.

Cũng theo Herraiz, ô nhiễm thủy ngân là một trong những vấn đề nghiêm trọng cho môi trường và hóa chất độc hại này có giá khả rẻ và dễ mua được từ đất nước Bolivia láng giềng. Cảnh sát trưởng bang Rondonia Heliel Martins cũng thừa nhận, rất khó giám sát được đường vận chuyển của vàng lậu và thủy ngân giữa các quốc gia có phần diện tích Amazon bao phủ.

Trở lại với chiếc tàu khai thác vàng bất hợp pháp, người thợ mỏ 22 tuổi mở nút chai đựng thủy ngân rồi trút thứ hóa chất nguy hiểm này lên trên cục vàng thô. Số tiền mà người thợ mỏ mua tàu là dành dụm được từ công việc nấu ăn cho những người thợ săn vàng cách đây 18 năm.

Một quán rượu về đêm phục vụ phu vàng.

Người thợ thú nhận không thể đăng ký con tàu một cách hợp pháp với chính quyền bởi vì nạn giấy tờ quan liêu quá rắc rối cùng với phí tổn cho việc đó quá đắt. Người thợ không giấu chuyện mình từng bị phạt số tiền lớn do hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp. Nhưng mặc kệ, sau đó rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy thôi. Đương nhiên, anh đóng tiền phạt bằng nguồn thu nhập duy nhất của mình, đó là… vàng!

Về phần mình, những nhà sản xuất vàng hợp pháp như Fabiano Sena Oliveira cho biết: “Chúng tôi làm việc, đóng thuế và hỗ trợ cho kinh tế địa phương”. Oliveira - thành viên thâm niên của hợp tác xã những nhà sản xuất vàng ở bang Rondonia – khẳng định có khoảng 20% số thợ mỏ là hoạt động bất hợp pháp.

Đốn gỗ lậu cũng là vấn đề đe dọa môi trường Amazon

Về lý thuyết, đốn gỗ ở Amazon nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền và chỉ những loại cây nhất định tại một số địa điểm quy định mới được khai thác. Nhưng trên thực tế hoạt động đốn gỗ trái phép diễn ra lan tràn ở Brazil mà không hề có dấu hiệu dừng lại.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khoảng từ 60 đến 80% hoạt động đốn gỗ diễn ra bất hợp pháp. Phần lớn những công ty khai thác gỗ bất hợp pháp đến từ nước ngoài và vấn đề lớn là cây cối không hề được trồng trở lại. Bị khai thác mạnh nhất là những loại cây gỗ quý đắt tiền dùng trong nội thất như là gụ hay teak (giá tỵ).

Những người đàn ông trang bị dao rựa và cưa máy sẵn sàng đốn những loại cây gỗ cứng quý giá để bán ra thị trường đen với giá cao ngất ngưởng. Chỉ vì lợi nhuận quá béo bở mà bọn họ bất chấp tính mạng cả khi đối mặt với lực lượng vũ trang bảo vệ rừng. Đó là lý do mà các đặc vụ thường xuyên bay tuần tra và luôn được vũ trang đầy đủ.

Một khu khai thác vàng trên đất rừng Amazon ở Brazil.

Đội hình máy bay trực thăng bay thấp bên trên khu rừng mưa hoang dã Amazon của Brazil chở các đặc vụ chống tội phạm có tổ chức phá hoại rừng của Ibama - một tổ chức được nhà nước tài trợ chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trong những năm gần đây, không quốc gia nào vất vả hơn Brazil trong cuộc chiến chống tội phạm phá hoại rừng vô cùng quy mô và cực kỳ nguy hiểm.

Nhưng nỗ lực khoanh vùng từ trên không những hoạt động đốn gỗ bất hợp pháp giữa khu rừng rậm không khác nào việc mò kim đáy biển. Một số vụ phá rừng mới đây nhất được đánh giá là vô cùng quy mô. Chính quyền Brazil cho rằng, có đến hàng ngàn trại đốn gỗ phi pháp nằm rải rác khắp rừng Amazon.

Trên mặt đất, nhóm đặc vụ Ibama thẳng tay đốt trụi lán trại của bọn tội phạm và phá hủy máy móc bao gồm nhiều chiếc máy kéo đắt tiền cùng với một số thiết bị khác ngay tại chỗ.

Maria Luisa de Soussa, quan chức Ibama, cho biết một chiến dịch chống tội phạm đốn gỗ lậu kéo dài 1 tháng mới được triển khai tại 2 khu vực phía bắc và phía đông bang Mato Grosso miền tây Brazil: “Anh có thể so sánh chiến dịch này với cuộc chiến chống tội phạm buôn lậu ma túy. Bọn chúng có cùng điểm chung là ngày càng gian xảo hơn, sử dụng những công cụ khổng lồ để tàn phá rừng và gây nhiều nguy hiểm cho chúng tôi”.

Ngồi trên máy bay trực thăng, các đặc vụ Ibama phát hiện 2 chiếc xe ủi đất khổng lồ của bọn đốn gỗ lậu – chúng được sử dụng trong một vụ phá hoại vài hecta rừng mới đây nhất.

Chiếc tàu khai thác vàng trên sông Madeira thuộc bang Rondonia của Brazil, ngày 4-6-2017.

Số liệu thống kê tiết lộ tỷ lệ phá rừng tại một số khu vực ở Brazil thời gian gần đây đã tăng gấp đôi so với năm 2015. Cũng theo số liệu thống kê, số lượng gỗ quý bị đốn ngã bất hợp pháp trong những khu bảo tồn của người bản địa đang tăng vọt.

Không chỉ có lực lượng chính quyền, mà bộ tộc Cinta Larga sống trong khu vực Amazon cũng đối phó với bọn đốn gỗ lậu. Người bộ tộc sống bên trong lẫn bên ngoài rừng Amazon, ăn mặc hiện đại theo người phương Tây và cư trú trong những căn nhà gỗ. Amadeus, thành viên bộ tộc, cho biết bọn tội phạm khai thác gỗ lậu cả ngày lẫn đêm. “Đó là lý do tại sao sức ép đối với đất đai của chúng tôi cũng như mọi vùng đất khác của người bản địa xung quanh Amazon là rất mạnh”.

Tại một số khu vực, khoảng 80% cây gỗ cứng bị đốn hạ bất hợp pháp trên những vùng đất của nhà nước sở hữu hay người bản địa. Những xưởng gỗ và quán cà phê mọc lên như nấm ở thị trấn Aripuana thuộc bang Mato Grosso. Những xưởng gỗ này “xử lý” cây gỗ hợp pháp lẫn bất hợp pháp với những giấy tờ chứng nhận giả.

Đặc vụ Ibama trong chiến dịch chống phá rừng.

Marina Lacorte, nhà nghiên cứu của tổ chức Greenpeace (Hòa bình Xanh), bình luận: “Không có cách nào để nói được đâu là gỗ hợp pháp và đâu là gỗ bất hợp pháp. Chúng tôi đang đề nghị các công ty quốc tế và các nhà nhập khẩu ngưng mua gỗ từ Brazil bởi vì không thể bảo đảm các giấy tờ chứng minh nguồn gốc là hợp pháp”. Nhưng, động thái như thế chắc chắn sẽ gây khó khăn không ít cho những công ty gỗ làm ăn chân chính.

Tội phạm phá rừng đang góp phần rất lớn vào sự biến đổi khí hậu. Rừng mưa Amazon là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới. Amazon là nơi cư trú của hơn 1 triệu loài thực và động vật mà trong đó nhiều loài còn chưa được giới khoa học biết đến.

Khi rừng bị tàn phá, đời sống thực-động vật bị đe dọa và dĩ nhiên rất nhiều loài sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Thêm vào đó, rừng bị tàn phá nặng nề làm giảm sút mạnh vốn gene các loài dẫn đến việc khó thích nghi với biến đổi khí hậu trong tương lai. Rừng Amazon của Brazil cũng là nơi cho phép các nhà khoa học nghiên cứu tìm kiếm dược chất để chữa trị những căn bệnh chết người như AIDS hay ung thư.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.