Tội phạm quốc tế điều hành buôn lậu xăng dầu trên biển
- Hé lộ bí mật về chuyên án buôn lậu xăng dầu cực "khủng" trên biển1
- Buôn lậu xăng dầu trên biển diễn biến phức tạp1
Điều đáng lo ngại hiện nay không phải số vụ buôn lậu đang có chiều hướng gia tăng, mà là sự xuất hiện bóng dáng những ông trùm điều hành buôn lậu xăng dầu trên biển là người nước ngoài, tàu nước ngoài thường mang quốc tịch Thái Lan, Malaysia, Indonesia...
Buôn bán xăng dầu trên biển như chợ nổi...
Lợi nhuận từ xăng dầu buôn lậu không thua kém gì ma túy, đã làm gia tăng tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển với quy mô và số lượng lớn. Với vỏ bọc ngụy trang tàu đánh cá, sau khi cập mạn mua xăng dầu trên biển ngoài phao số 0, các chủ tàu vận chuyển xăng dầu nhỏ lẻ lợi dụng đêm tối để vận chuyển vào bờ... cách buôn lậu này diễn ra gần như thường xuyên, liên tục lúc nào cũng có trên biển.
Do lực lượng chức năng quá mỏng, biển cả thì rộng mênh mông, đặc biệt là tàu thuyền hoạt động vào ban đêm càng khó khăn trăm bề cho lực lượng chức năng khi phát hiện, kiểm tra các tàu thuyền vận chuyển, mua bán xăng dầu lậu trên biển, cập bờ.
Buôn lậu xăng dầu trên biển là một vấn nạn nhức nhối trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều năm qua. Chỉ sơ tính 2 tháng của năm 2016, Vùng 3 Cảnh sát Biển đã phát hiện, kiểm tra bắt giữ 4 vụ, 5 tàu mua bán, vận chuyển xăng dầu trên biển không chứng minh nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ.
Buôn lậu xăng dầu trên biển bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện. Ảnh tư liệu Cảnh sát Biển. |
Cùng thời gian 2 tháng, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã bắt giữ 2 vụ mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu. Không chỉ kiểm tra bắt tàu chở xăng dầu lậu trên biển, các lực lượng chức năng Bà Rịa - Vũng Tàu còn kết hợp kiểm tra xe bồn vận chuyển trên đường bộ và cũng phát hiện nhiều điểm tiêu thụ xăng dầu buôn lậu.
Từ công tác trinh sát, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng đã kiểm tra 2 xe bồn chở dầu cung cấp cho tàu Đông Thiên Phú 09 tại SITV thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành đang chở 24.000 lít dầu DO không có chứng từ, hóa đơn, nguồn gốc... Trong năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt giữ hơn 1,3 triệu lít dầu DO, trên 993.000 lít dầu FO và hơn 135.000 lít xăng A92.
Các đối tượng khai nhận toàn bộ xăng dầu được mua trên vùng biển Tây Nam, Côn Đảo, Kiên Giang sau đó vận chuyển về bán cho tàu cá ngư dân tại các vùng biển Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau...
Tháng 5/2016, Đồn Biên phòng An Thạnh Ba (Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng) kiểm tra, bắt giữ tàu gỗ có công suất 350 CV, mang số hiệu 99323-TS do Tống Văn Đạt, sinh năm 1977, trú tỉnh Cà Mau, làm thuyền trưởng đang vận chuyển 33.500 lít dầu DO chứa dưới 5 khoang hầm đang lưu thông trên sông An Định.
Trước đó, vào tháng 4/2016, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng cũng đã phối hợp cùng Hải đội 2, bắt giữ tàu đánh cá mang số hiệu BV-5491 TS do Huỳnh Văn Phương, sinh năm 1970, trú xã Trung Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng làm thuyền trưởng vận chuyển 100.372 lít dầu DO không có chứng từ, hóa đơn. Buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trên biển không dừng ở quy mô nhỏ lẻ, tội phạm còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Buôn lậu xăng dầu trên biển bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện. Ảnh tư liệu Cảnh sát Biển. |
Gần đây, tại nhiều địa phương ven biển chuyên nghề đánh bắt hải sản của tỉnh Bình Thuận, Sóc Trăng và Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất hiện hành vi sang mạn mua bán xăng dầu trái phép diễn ra ngoài hải phận quốc tế giữa tàu dầu mang quốc tịch nước ngoài với những tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Việt Nam.
Theo ngư dân kể lại, khi ra đến hải phận quốc tế, các tàu nước ngoài bán dầu với giá rẻ hơn từ 3.500 đến 5.000 đ/ lít, khi cập mạn giao nhận hàng ngoài hải phận quốc tế. Đặc biệt với tàu đánh bắt xa bờ, do hoạt động dài ngày trên biển (khoảng 30-45 ngày) chủ tàu tiết kiệm tiền mua nhiên liệu trong bờ nên thường mua dầu ngay ngoài khơi do các tàu nước ngoài bán.
Trước đó, các chủ tàu dầu nước ngoài thông qua trung gian đã giao dịch với các chủ tàu đánh cá để thương lượng, hẹn tọa độ, theo dõi lịch đánh bắt... khi các tàu bán dầu và tàu cá gặp nhau, thuyền trưởng thông báo về cho chủ tàu biết chuyển tiền cho phía bán dầu hải ngoại và dầu được giao cho tàu cá theo số lượng đã thỏa thuận. Toàn bộ các giao dịch xảy ra trên vùng hải phận quốc tế, các tàu cá đánh bắt xa bờ còn có thể mang vào bờ không chỉ cá đánh bắt mà cả dầu DO đầy khoang. Các lực lượng chức năng không thể can thiệp vào lộ trình này, do đó chỉ còn cách quản lý, kiểm tra các DN kinh doanh xăng dầu trên bờ.
Theo thống kê của Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có khoảng 70 DN kinh doanh xăng dầu với hệ thống kho bãi rất rộng lớn. Đặc biệt, TP Vũng Tàu còn là “thủ phủ” của dầu khí Việt Nam, cùng các hệ thống xăng dầu thuộc các lực lượng vũ trang như Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân... Do đó, công tác quản lý và kiểm tra rất khó khăn. Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tình hình chống buôn lậu xăng dầu trên biển luôn là vấn đề nóng, nổi cộm nhất trên địa bàn tỉnh. Nhưng các nỗ lực rất lớn của các lực lượng chức năng bỏ ra vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn và thường xuyên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tội phạm quốc tế đang điều hành buôn lậu xăng dầu trên biển
Theo Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cho biết: Các tàu nước ngoài mang quốc tịch Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đã bán dầu bất hợp pháp cho những tàu cá Việt Nam ngay trên biển. Các tàu bán dầu này đã hoán cải như tàu cá bình thường nếu nhìn từ bên ngoài, nên việc phát hiện và xử lý rất khó khăn. Hơn nữa, các giao dịch xảy ra không có tiền mặt, việc chuyển khoản thông qua ngân hàng quốc tế trên bờ nên quy trình buôn lậu xăng dầu quốc tế được khép kín, rất khó phát hiện.
Khác với những đường dây buôn lậu xăng dầu trong nước, hầu như phụ thuộc vào giá cả thị trường xăng dầu lên xuống, chênh lệch. Buôn lậu xăng dầu quốc tế không lệ thuộc vào giá cả của bất cứ quốc gia nào, vì trong số lượng xăng dầu buôn bán, không loại trừ nguồn xăng dầu của hải tặc, cướp biển cướp từ các tàu vận tải xăng dầu trên biển. Chưa kể đến những ông trùm buôn lậu xăng dầu quốc tế đang ẩn mặt một nơi nào đó mà không ai biết, có thể đang điều hành, sử dụng cả vệ tinh cách đất liền trên 500 hải lý...
Nhiều vụ bắt giữ tàu nước ngoài và tàu thuyền trong nước có hành vi mua bán, vận chuyển xăng dầu không rõ nguồn gốc đã bị cơ quan chức năng bắt giữ tiêu biểu như: sáng ngày 27/7, tàu Cảnh sát Biển 2001 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 đang tuần tra cách mũi Cà Mau khoảng 160 hải lý về phía đông nam trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, thì phát hiện một tàu cá Việt Nam đang cập mạn một tàu nước ngoài mang số hiệu TAKUZAN 111. Khi tàu Cảnh sát Biển phát tín hiệu kiểm tra thì tàu cá đã tăng tốc bỏ chạy, Cảnh sát Biển tiến hành kiểm tra tàu nước ngoài.
Thuyền trưởng tàu nước ngoài khai báo: trên tàu chở 260.000 lít dầu DO, không có hóa đơn, chứng từ và sổ sách ghi số lượng dầu đã bán cho các tàu cá Việt Nam trong tháng 7/2016. Lực lượng Cảnh sát Biển đã lập biên bản dẫn giải tàu cập cảng Phú Quốc để xử lý.
Trước đó, vào tháng 5, Bộ đội Biên phòng Tiền Giang đã phát hiện, kiểm tra tàu Kim Minh 04 mang số hiệu CT 01099 do ông Võ Văn Chiến, 37 tuổi, ngụ huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, làm thuyền trưởng, điều khiển tàu lưu thông trên vùng biển tiếp giáp tỉnh Tiền Giang - TP Hồ Chí Minh. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tiến hành kiểm tra, phát hiện trên tàu chở 2,1 triệu lít xăng A92 không có hóa đơn, chứng từ.
Buôn lậu xăng dầu trên biển bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện. Ảnh tư liệu Cảnh sát Biển. |
Tương tự như hành vi buôn lậu, vận chuyển xăng dầu như trên, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra và phát hiện tàu SG 6094 thuộc Công ty TNHH Vận tải xăng dầu Vân Anh 02, có địa chỉ trên đường Nguyễn Tấn Phát, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh, do thuyền trưởng Võ Văn Nhớ, sinh 1971, đang vận chuyển 200.000 lít dầu không có hóa đơn, chứng từ cung cấp cho tàu SEAMADOW 01 quốc tịch Panama neo đậu trong thương cảng Vũng Tàu (VCP)...
Tội phạm buôn lậu xăng dầu trong nước đã lợi dụng chủ trương tạm nhập - tái xuất xăng dầu của Chính phủ, một số công ty kinh doanh xăng dầu đã ồ ạt nhập nhưng không tái xuất. Khi cơ chế giá xăng dầu các quốc gia chênh lệch khác nhau, lập tức xăng dầu được vận chuyển đến nơi có giá cao để bán hưởng chênh lệch. Để chống buôn lậu xăng dầu trên biển, chỉ các lực lượng chức năng hiện hữu là không thấm tháp vào đâu. Cần tạo một hành lang pháp lý, hoàn thiện cơ chế chính sách và các chế tài chặt chẽ và đủ mạnh mới hết kẽ hở cho tội phạm lợi dụng để buôn lậu xăng dầu trên biển tung hoành như hiện nay.
Mặt khác, ngoài lực lượng mỏng, phương tiện nghiệp vụ thiếu thốn, các lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển còn vướng không ít khó khăn trong công tác xử lý vi phạm. Theo quy định hiện hành, đối với một số hàng hóa, phương tiện, khi các lực lượng chức năng tạm giữ liên quan đến vận chuyển, buôn lậu mà chưa có đủ các hóa đơn, chứng từ thì phải xác minh trong thời gian 72 giờ. Lợi dụng việc này, các chủ hàng buôn lậu đang ngồi nhà đã kịp trở tay, “xoay vòng” các hóa đơn, hợp thức hóa các chứng từ hàng hóa để thoát tội.
Trước đây, mỗi tàu thuyền ra khơi đánh bắt xa bờ thường mang theo lượng dầu dự trữ rất lớn, hầu hết đều tạm ứng trước cho chủ tàu, thu tiền sau. Tại các làng nghề cá như Phước Hải, Phước Tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lagi, Đức Thắng, Bình Hưng, Phú Quý (Bình Thuận) được mùa cá thì cũng đồng nghĩa với nghề kinh doanh xăng dầu được tiêu thụ mạnh, nhà nước thu tiền thuế cũng cao theo... Nhưng từ khi tình trạng mua bán xăng dầu trên biển diễn ra ngoài phao số 0, không những xăng dầu “ế ẩm” mà còn tạo ra một cung đường mới về buôn lậu xăng dầu trên biển.
Thời gian cuối năm, tình hình buôn lậu được dự báo sẽ tăng cao và nhộn nhịp bất thường. Các lực lượng chức năng đang tập trung toàn lực, căng mắt, căng mình ra chống buôn lậu từ biên giới đất liền lẫn trên biển. Đặc biệt là khi xăng dầu “rục rịch” tăng giá, buôn lậu xăng dầu trên biển sẽ tăng bất thường. Chỉ các lực lượng chức năng chưa đủ để ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển, mà muốn có hiệu quả, cần phải có sự phối hợp quản lý “đầu ra” của xăng dầu trên bờ, sự đồng bộ và quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và mọi người dân.