Tội phạm sát hại người di cư châu Phi để buôn lậu nội tạng

Chủ Nhật, 17/07/2016, 14:10
Năm 2015, khi các cơ quan cứu trợ nhân đạo Italia chia sẻ thông tin có đến 10.000 người di cư và tỵ nạn (trong đó nhiều người dưới 18 tuổi) đã biến mất không để lại dấu vết, người ta cho rằng có lẽ số người này đã đến được những nơi nào đó ở châu Âu.

Song, một tội phạm bị cảnh sát Italia bắt giữ đã tiết lộ một sự thật khủng khiếp: những người di cư không có tiền trả cho bọn buôn người sẽ bị giết chết để lấy nội tạng.

Atta Wehabrebi (trái) và chiếc thuyền vượt biển.

Atta Wehabrebi, tội phạm buôn người Eritrea bị cảnh sát Italia bắt giữ và hiện đang nằm trong chương trình bảo vệ nhân chứng của chính quyền nước này, khai báo với cơ quan điều tra rằng những người di cư và tỵ nạn chiến tranh (phần nhiều là phụ nữ và trẻ em) không có số tiền lên đến 15.000 euro để trả cho bọn buôn người sẽ bị giết chết để lấy nội tạng bán cho một mạng lưới tội phạm Ai Cập. Mới đây, 38 người - trong đó phần đông là người Eritrea và Ethiopia - bị truy bắt do dính líu đến những hoạt động bất hợp pháp.

Sau đó, 23 người đang bị giam giữ và 15 người còn lại còn đang lẩn trốn. Thông tin của cảnh sát thu được từ lời khai của Wehabrebi được công bố trên báo chí Italia. Wehabrevi cho biết một số dân di cư được cho cơ hội bán nội tạng để có tiền trả cho bọn buôn người song tuyệt đại đa số bị đưa trở về Ai Cập hay bị giết chết ở Italia để lấy nội tạng bán ra thị trường đen cung cấp cho những người mua giàu có ở châu Âu và Nga.

Người tị nạn châu Phi sẽ bị giết lấy nội tạng nếu không có tiền trả cho bọn buôn người.

Những bệnh nhân giàu có không muốn nằm trong danh sách chờ cơ quan hiến tặng để phẫu thuật cấy ghép đã tạo điều kiện cho nạn buôn nội tạng phát triển mạnh trên thế giới - theo Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu chống Buôn người của Liên Hiệp Quốc (UN.GIFT). Người phát ngôn của Tổ chức cho biết: "Những cơ quan được mua bán nhiều nhất là thận, gan. Và, bất cứ cơ quan nào có thể được cắt lấy đều được sử dụng trong mạng lưới buôn lậu bất hợp pháp". Sau đó, xác của các nạn nhân bị dìm xuống biển hay chôn ở Sicily. Wehabrebi tiết lộ: "Người Ai Cập có đủ mọi dụng cụ cần thiết để cắt lấy nội tạng người. Họ vận chuyển nội tạng được bảo quản trong những chiếc túi cách ly đặc biệt". Tháng 4-2016, thi thể của 9 người tỵ nạn Somalia trôi dạt trên vùng bờ biển Alexandria, miền bắc Ai Cập được phát hiện đã bị mổ và nội tạng biến mất.

Wehabrebi bắt đầu đồng ý hợp tác với cơ quan cảnh sát điều tra Italia không lâu sau khi bị bắt giữ năm 2014. Lý do hợp tác là Wehabrebi cảm thấy "tội lỗi và đau đớn" khi chứng kiến quá nhiều dân tỵ nạn bị bỏ mạng giữa biển khơi. Wehabrebi bị tuyên án 5 năm tù giam do dính líu đến chiếc tàu đắm làm chết hơn 300 người di cư ở ngoài khơi đảo Lampedusa của Italia năm 2014. 

Khai báo của Wehabrebi dẫn đến nhiều phát hiện khác, bao gồm hệ thống chuyển tiền bất hợp pháp gọi là hawala hoạt động một cửa hàng nhỏ bán mỹ phẩm rẻ tiền nằm gần ga tàu điện Termini ở Rome. Các nhà điều tra bí mật lắp camera theo dõi trong cửa hàng và thu thập được bằng chứng về hệ thống chuyển số lượng lớn tiền USD và euro cho bọn buôn người. Tiền bất hợp pháp được giấu giữa những chai dầu gội đầu và kem đánh răng rẻ tiền trong cửa hàng.

Theo Renato Cortese, lãnh đạo đội điều tra cảnh sát Sicily, số tiền mặt khổng lồ là của dân tỵ nạn trả cho hành trình vượt biển đến châu Âu. Theo cam kết ngầm, người tỵ nạn trả trước một phần tiền mặt cho bọn buôn người ở Bắc Phi và sẽ trả hết số còn lại khi đến được Italia.

Cảnh sát đã tịch thu 526.000 euro và 25.000 USD cùng với nhiều tang vật khác từ cửa hàng ở Rome. Hai vợ chồng chủ cửa hàng bị bắt giữ ngay sau đó. Wehabrebi cho biết những cái chết được báo cáo chỉ là phần nhỏ của những gì xảy ra giữa biển khơi: "8 trong số 10 gia đình ở Eritrea bị mất người thân trong hành trình vượt biển".

Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tỵ nạn (UNHCR), hơn 230.000 người đến châu Âu bằng đường biển năm 2016 và gần 3.000 người đã chết trong hành trình. Nếu lời khai của Wehabrebi là đúng sự thật, con số người chết sẽ cao hơn rất nhiều.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.