Tội phạm và phần tử khủng bố lộ vị trí qua Instagram
- Instagram cán mốc 400 triệu người dùng
- Ngoại trưởng Nga: Mỹ phân loại khủng bố tốt và xấu tại Syria
- Hiểm họa đánh bom khủng bố tại Nga
Lạy ông tôi ở bụi này!
Với sự thất thế liên tiếp trên trận địa ở Iraq và Syria, nhiều kẻ tuyển mộ của IS đã bị tiêu diệt hoặc phải chạy trốn, cũng như các tài khoản Twitter và Facebook của những kẻ này bị đánh sập, thì xu hướng truyền bá tư tưởng của nhóm thánh chiến này lại nghiêng sang việc sử dụng các ứng dụng tạm thời. Tuy nhiên một phân tích gần đây cho thấy các mạng lưới bị nhóm này kích động lại duy trì mạnh mẽ ở một nơi nào đó khác.
Những đối tượng ủng hộ IS đăng tải lên "Istagram Stories" (tạm dịch: Những câu chuyện trên Instagram) - tính năng mới của mạng xã hội chia sẻ ảnh Istagram cho phép người dùng đăng tải hình ảnh và video và dữ liệu sẽ tự động biến mất sau 24 giờ - khá nhiều hình ảnh riêng tư có giá trị tình báo trong đó bao gồm dữ liệu tiết lộ vị trí địa lý của người sở hữu tài khoản.
Các tweet của Mark Taylor hay chiến binh Kiwi. |
Andrea Stroppa, chuyên gia thuộc Công ty nghiên cứu phần mềm Ghost Data, báo cáo: "Khi chúng tiết lộ vị trí địa lý của bản thân ở châu Âu thì đây chính là mỏ vàng cho lực lượng tình báo địa phương. Chúng phát đi thông điệp mà chúng biết thông điệp này sẽ biến mất, song chúng nắm bắt được đối tượng chúng nhắm đến là ai. Chúng đang sử dụng tính năng đăng tải câu chuyện trên Instagram bởi chúng biết đây là một kênh an toàn để chia sẻ thông tin".
Đội ngũ chuyên gia nghiên cứu của Ghost Data thu thập được tổng cộng 180.000 "câu chuyện" như thế từ đầu tháng 8-2017 và đã tiến hành phân tích 11.000 mẩu trong số đó. Kết quả sau đó tiết lộ khoảng 55.000 tài khoản liên quan đến IS. Andrea Stroppa còn cho biết có đến 290 tài khoản vô tình lộ thông tin về vị trí địa lý (bao gồm tọa độ chính xác với kinh độ và vĩ độ) của bản thân và từ đó cho phép các nhà nghiên cứu xác định được vị trí của người dùng.
Tình hình bây giờ có lẽ đã khác nhiều so với cách đây khoảng 2 năm, khi Al-Qaeda, IS đã thiết lập hàng chục nghìn tài khoản trên các mạng xã hội Twitter, Facebook... để liên lạc, tuyên truyền, tập hợp lực lượng. IS thậm chí còn thành lập Đơn vị tấn công công nghệ cao Nhà nước Hồi giáo (ISHD), chuyên thực hiện các cuộc tấn công mạng mang mục đích khủng bố, lôi kéo nhiều hacker hàng đầu thế giới tham gia như Junaid Hussain, cựu thành viên nhóm tin tặc nổi tiếng TeaMp0isoN.
Cuối năm 2014, ISHD đã tấn công hệ thống dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, tháng 4-2015, chúng tấn công, đánh sập trang web của sân bay Hobart (Australia), phát tán thông tin cá nhân của 1400 quân nhân Mỹ. Theo số liệu công bố cuối tháng 5-2015 của Liên Hiệp Quốc, IS đã tích cực sử dụng truyền thông xã hội để tuyển mộ chiến binh, tìm cách truyền bá tư tưởng cực đoan và hành động bạo lực với khoảng 40.000 thông điệp/ ngày trên Twitter; tuyển mộ thành công chiến binh từ hơn 90 quốc gia thông qua Internet…
Theo tờ Los Angeles Times, tháng 9 vừa qua, cảnh sát thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ, đã xác định được vị trí của Gonzalez - tên tội phạm bị truy nã vì tội giết người và hàng loạt tội danh khác ở quanh khu vực Woodland Hills, California, khi hắn vô tình đăng một video về bộ sưu tập súng trên tài khoản Instagram của mình. Gonzalez còn được gọi là "Little Chris" (Chris bé), được cho là nhân vật quan trọng của băng đảng ở khu vực Dallas.
Ngay sau khi thu thập được thông tin do chính "Little Chris" "cung cấp", cảnh sát Dallas báo ngay cho các đồng nghiệp ở thành phố Los Angeles bản GPS tọa độ vị trí của Gonzalez. Khi phát hiện bị cảnh sát vây bắt, hắn cùng một người đàn ông đã lên chiếc Chevrolet SUV và tìm cách thoát khỏi khu vực nêu trên. Sau hai giờ chạy trốn, hai tên này đã đâm phải cột điện. Bọn chúng chạy thục mạng nhưng viên sĩ quan cùng chú chó nghiệp vụ đã nhanh chóng tìm thấy "Little Chris" và đồng phạm.
Để cố cạnh tranh danh hiệu Vua ma túy trên Instagram, băng ma túy khét tiếng nhất Mexico đã dùng mạng xã hội thể hiện sự xa hoa của chúng. Băng buôn lậu ma túy khoe khoang vật nuôi trong nhiều bức ảnh, bao gồm hổ vằn, sư tử, báo đốm, tinh tinh, trăn, rắn…
Xu hướng đăng ảnh về lối sống xa hoa này được cho là bắt nguồn từ đám con cháu của El Chapo Guzman, ông trùm Sinaloa Cartel, kẻ đã trốn khỏi nhà tù có an ninh nghiêm ngặt nhất Mexico thông qua một đường hầm xây sẵn bởi đám thuộc hạ xuyên qua công trình xây dựng gần đó.
Sự khoe mẽ của Antrax đã nhanh chóng trở thành sự hiện diện mang đặc tính Sinaloa Cartel trên Instagram với hình ảnh nổi bật một tên trùm đang ngồi, cúi đầu, đội chiếc mũ cao bồi và tay ôm súng trường. Chiếc nhẫn khắc hình đầu lâu biểu thị quyền lãnh đạo cũng như sự tàn bạo.
Một số bức ảnh cho thấy gái “dịch vụ" Mexico đang vui vẻ với những tên tội phạm Mexico. Nhưng xu hướng khoe giàu bất chính của chúng đã gây ra sự căm phẫn trong những gia đình đã mất đi người thân vì tội phạm có tổ chức. "Chúng phá hủy đời sống của người dân chúng tôi không hề đắn đo suy nghĩ. Thật sự đằng sau sự khoe mẽ đó là sự kinh tởm mà người dân Mexico dành cho chúng", một phóng viên Mexico chuyên viết về tội phạm cho biết.
Levi Watson - một tay buôn ma túy đến từ Wolverhampton (Anh) vào đầu tháng 9 vừa qua đã phải lĩnh án 7 năm tù vì tội tàng trữ và tham gia vào đường dây buôn bán chất cấm. Lý do khiến Levi bị cảnh sát phát hiện khá… ngớ ngẩn: vì hay khoe giàu trên Instagram.
Các tweet chứa thông tin vị trí của Mark Taylor. |
Trước đây, khi bị cảnh sát tra hỏi, Levi từng nói rằng mình không có nguồn thu nhập ổn định và sống khá khó khăn. Thế nhưng, vẻ ngoài nghèo khó chỉ được Levi khoác lên khi tay buôn ma tuý này ở trong nước. Đến khi ra nước ngoài, Levi sẽ lập tức trở thành một con người khác: lái xe Lamborghini, đeo đồng hồ Rolex và thậm chí ngồi tắm trong bồn đầy tiền mặt. Nhứng bức ảnh khoe giàu thường xuyên được Levi đăng tải trên trang Instagram 4.500 lượt người theo dõi của mình.
Không chỉ khoe giàu, Levi còn nhiều lần khoe mình quen người nổi tiếng. Trùm ma túy trẻ tuổi này từng đăng tải một bức ảnh chụp cùng cầu thủ Premiee League Andre Gray. Được biết, trước khi bị bắt, Levi đã đăng tải bức ảnh ngồi trên du thuyền ngắm cảnh và tạo dáng bên một chiếc Ferrari màu trắng. Và dù đang bị tạm giam nhưng không rõ bằng cách nào, Levi vẫn đăng được ảnh lên trang Instagram của mình. Levi chú thích dưới bức ảnh: "Tôi đã mỉm cười khi thẩm phán nói tôi phải ngồi tù 7 năm".
Theo hình ảnh chụp màn hình một tài khoản do Ghost Data cung cấp cho báo chí, một đối tượng người dùng Instagram ủng hộ IS để lộ vị trí của mình tại vùng ngoại ô thành phố ở Italia. Trong bức ảnh đưa lên mạng xã hội, người dùng này tạo dáng chụp ảnh với vài người bạn và ra dấu ngón tay duy nhất để tượng trưng về IS trước camera. Một tài khoản khác (luôn giấu mặt trong các tấm ảnh chụp) để lộ vị trí ở nước Nga. Tài khoản thứ 3 ủng hộ IS được nhà nghiên cứu Andrea Stroppa xác định vị trí ở nước Pháp.
Stroppa cho rằng, có lẽ nội dung trên Instagram Stories chỉ tồn tại trong vòng 24 giờ cho nên họ cảm thấy "an toàn". Stroppa tuyên bố sẵn sàng chia sẻ chi tiết về cuộc nghiên cứu Instagram cho các chính quyền nếu được yêu cầu đồng thời anh cũng cho biết Ghost Data đang tìm kiếm đối tác kỹ thuật cho dự án nghiên cứu của họ.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Jade Parker, chuyên gia thuộc Công ty nghiên cứu an ninh mạng TAPSTRI, nhận định: "Những đối tượng ủng hộ IS tại một số khu vực trên thế giới có lẽ không mấy hiểu biết về chiến dịch an ninh trên mạng xã hội cho nên đây là tin tốt lành cho các lực lượng chống khủng bố".
Tính năng Instagram Stories. |
Theo Parker, các tài khoản trên Instagram có thể mở cánh cửa cho phép chuyên gia an ninh nhìn vào những mảng đời tư của họ đồng thời tiết lộ mức độ nguy hiểm của họ đối với sự an toàn của công chúng. Trong khi đó người phát ngôn cho nền tảng Instagram phát biểu: "Instagram không có chỗ cho bọn khủng bố phổ biến nội dung tuyên truyền cũng như tán dương hoạt động khủng bố. Chúng tôi luôn tích cực xóa bỏ mọi nội dung hay tài khoản độc hại ngay khi nhận được cảnh báo. Chúng tôi có đội ngũ chịu trách nhiệm ngăn chặn sự lan truyền nội dung khủng bố".
Năm 2014, phần tử thánh chiến cực đoan Hồi giáo từ New Zealand - tên là Mark Taylor chuyển sang tên thánh chiến Abu Abdul-Rahman (hay còn gọi là Chiến binh Kiwi) - đã tiết lộ vị trí địa lý của hắn ở Syria khi đưa lên nền tảng Twitter khoảng 45 tweet có chứa thông tin này.
Trong thời gian gần đây, các chính quyền phương Tây - đặc biệt là Anh - một lần nữa kêu gọi các công ty truyền thông xã hội xóa bỏ nội dung hay hình ảnh liên quan đến khủng bố nhanh nhất có thể trên nền tảng của họ.
Bên lề một cuộc họp Liên Hiệp Quốc trong tháng 9-2017, Thủ tướng Anh Theresa May có cuộc gặp gỡ riêng để bàn luận vấn đề với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italia Paolo Gentiloni cũng như các giám đốc điều hành đến từ Google, Facebook và Microsoft. Instagram (thuộc sở hữu của Facebook) bị coi là công cụ tuyên truyền chiêu mộ chiến binh cực đoan cũng đang chịu sức ép từ các chính quyền buộc phải xóa bỏ hẳn các tài khoản ủng hộ khủng bố.
Seamus Hughes, Phó giám đốc Chương trình nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan Đại học George Washington (Mỹ), khẳng định sự tấn công quyết liệt từ Twitter và Facebook (trước đây trang mạng xã hội lớn nhất thế giới với 2 tỷ người sử dụng mỗi tháng bị phê phán là đã phản ứng rất chậm đối với những nội dung kích động hận thù) là lý do chính khiến nội dung nguy hiểm di chuyển sang các nền tảng khác như là Instagram và Tumblr.
Ban lãnh đạo Facebook đang nỗ lực sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để tìm và xóa các "nội dung khủng bố" ngay lập tức, trước khi người dùng có thể đọc được. Đây là một sự khởi đầu từ giải pháp trước đó Facebook nhờ người dùng gắn cờ lên nội dung đáng ngờ để hãng này tiến hành xóa bỏ.
Facebook cho biết: "Mặc dù việc sử dụng AI chống khủng bố mới được áp dụng gần đây nhưng nó đã giúp thay đổi cách họ đối phó với việc tuyên truyền khủng bố tiềm ẩn trong các tài khoản Facebook".
Họ cho biết sẽ đặt mức ưu tiên cao cho các báo cáo về các bài viết có chứa "nội dung khủng bố" và sẽ xem xét các báo cáo đó một cách khẩn cấp. Ngoài ra, trong những trường hợp có phát hiện ra bằng chứng về những thiệt hại sắp xảy ra, Facebook sẽ nhanh chóng thông báo cho chính quyền.
Trong bài đăng trên blog, Facebook cũng cam kết rằng các nỗ lực chống khủng bố của họ sẽ mở rộng đến các nền tảng khác của Facebook, bao gồm WhatsApp, Instagram..
"Bởi vì chúng tôi không muốn những kẻ khủng bố có chỗ ở bất cứ đâu trong gia đình các ứng dụng Facebook, chúng tôi đã và đang nỗ lực để thực hiện việc đó", Monika Bickert, Giám đốc quản lý chính sách toàn cầu của Facebook và Brian Fishman, quản lý chính sách chống khủng bố tuyên bố.
Từ giữa năm nay, Facebook đã và sẽ tiếp tục bổ sung thêm 3.000 nhân viên để theo dõi lượng lớn video trực tiếp trên nền tảng có khoảng 2 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng này để lọc các nội dung bạo lực và tuyên truyền thánh chiến.