Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIII:

Trăn trở với tội phạm vị thành niên, bức xúc vì tham nhũng

Thứ Năm, 08/11/2012, 15:00

Tại phiên thảo luận về: Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, rất nhiều ý kiến trăn trở, bức xúc với lĩnh vực này…

Có nên sửa luật với tội phạm vị thành niên?

Cách đây hơn 1 năm, vụ án Lê Văn Luyện giết người, cướp tiệm vàng ở Bắc Giang đã làm cả xã hội chấn động bởi hành vi tàn bạo của kẻ thủ ác. Sau khi vụ án xảy ra, rất nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực: pháp luật, giáo dục, xã hội học, tâm lý… đã thử "mổ xẻ" tìm nguyên nhân vì sao một kẻ chưa từng có tiền án, tiền sự lại có thể giết người không ghê tay như vậy. Đã có nhiều sự lý giải cho việc này, nhưng tất cả vẫn từ sự thiếu giáo dục của gia đình và ảnh hưởng của các trò chơi bạo lực trên Internet. Khi một đứa trẻ vị thành niên phạm tội, một câu hỏi luôn được đặt ra là trách nhiệm của gia đình và nhà trường ở đâu.

Vì vậy, khi đề cập tới thực trạng này, Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội (đại biểu tỉnh Vĩnh Long) cho rằng chống tội phạm vị thành niên đang là vấn đề rất nan giải, bởi lẽ hàng năm có đến 16.000-18.000 trẻ em chưa thành niên phạm tội, chiếm từ 15-18% tội phạm. Trong 5 năm qua từ năm 2007 - 2012, các lực lượng công an đã điều tra hơn 49.000 vụ phạm pháp hình sự với gần 76.000 đối tượng người chưa thành niên phạm pháp. Dù không truy tố hết số đối tượng đó vì căn cứ vào chủ thể nhưng tất cả các vụ phạm pháp hình sự đều có các dấu hiệu tội phạm.

Xét về cơ cấu thì tội phạm chưa thành niên rất phức tạp, cướp, giết, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, các tội xâm phạm an toàn công cộng, các tội phạm về kinh tế, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, mại dâm, chống người thi hành công vụ rất phức tạp. Hơn 65% vụ phạm pháp của người chưa thành niên có sử dụng vũ khí hoặc hung khí. Đặc biệt là người chưa thành niên thực hiện phương thức, thủ đoạn hết sức nguy hiểm, tinh vi, nhiều vụ rất dã man và mất hết tính người.

Vấn đề đặt ra hiện nay là sau những vụ cướp, giết dã man như vậy, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc xử lý chỉ dừng lại ở mức độ như các tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng đối với người lớn, tâm lý coi thường pháp luật trong vị thành niên gia tăng.

Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ phát biểu tại phiên thảo luận.

Ông Nguyễn Thái Học (đại biểu Phú Yên) cũng đưa ra con số từ báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì năm 2012, Tòa án đưa ra xét xử 6.425 bị cáo là người chưa thành niên.

Là người đang trực tiếp hàng ngày chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Đại tá Phạm Trường Dân, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cũng lo lắng khi đối tượng phạm tội hiện nay số trẻ là phần nhiều và rất phổ biến ở nhiều địa phương. Tội phạm không chỉ xảy ra ở ngoài xã hội mà xảy ra ngay chính ở trong gia đình. Mỗi gia đình đều có thể xảy ra tội phạm. Có nhiều trường hợp vợ, chồng chém giết lẫn nhau, con giết cha, cháu giết ông bà để cướp tiền. Anh em ruột xử sự với nhau bằng dao, búa. Đây là vấn đề hết sức lưu ý trong vấn đề xây dựng gia đình. Những hành vi gây ra trong gia đình thường là những hành vi hết sức tàn bạo, đâm, chém, giết lẫn nhau không thương tiếc.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Học cho rằng hiện nay công tác giáo dục đạo đức lối sống trong lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh của chúng ta chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức, trong đó có trách nhiệm của môi trường giáo dục ở các nhà trường. Thực tế nhiều nhà trường chú trọng quá mức đến việc dạy chữ mà ít quan tâm đến việc dạy người.  Bức xúc trước thực tế này, bà Ma Thị Thúy (đại biểu Tuyên Quang) kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng tăng mức phạt đối với người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, là người trực tiếp tham gia công tác xây dựng pháp luật, Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ cho rằng về nguyên tắc thì không thể áp dụng các biện pháp hình phạt nặng hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự cũng như không nên sửa Luật Hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt, điều đó trái với những cam kết quốc tế của chúng ta về bảo vệ người chưa thành niên. Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và Quy tắc Bắc Kinh về áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên đều nêu rõ là người chưa thành niên có thể bị xét xử vì phạm pháp nhưng theo phương thức khác với xét xử người lớn.

Để xử lý vấn đề này, phải xem xét lại một cách căn cơ hơn, thấu đáo hơn những nguyên nhân của tình hình tội phạm chưa thành niên và xác định lại tuổi thành niên cho hợp lý. Điều này hoàn toàn có thể làm được, về mặt pháp lý Công ước về quyền trẻ em mặc dù xác định trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, nhưng cũng ghi rõ trừ trường hợp pháp luật áp dụng đối với các em có quy định tuổi thành niên sớm hơn. Trong bản hướng dẫn ấy của Liên Hiệp Quốc về phòng ngừa người chưa thành niên phạm pháp cũng không xác định tuổi thành niên và nói rằng tùy theo pháp luật của mỗi nước.

"Thực tế nhiều quốc gia đã quy định tuổi thành niên từ đủ 16. Pháp luật hình sự nhiều nước buộc công dân của họ phải chịu trách nhiệm từ 12 tuổi và 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ tùy theo đặc điểm nhân khẩu học, truyền thống văn hóa pháp lý của mỗi nước, trên cơ sở đánh giá năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật của công dân ở các nước đó".

Theo ông Hồ Trọng Ngũ, có 5 nhóm nguyên nhân và điều kiện rất đặc thù của tội phạm vị thành niên ở Việt Nam.

Trước hết là năng lực hành vi, năng lực pháp luật của lớp trẻ ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Cách quản lý, kìm kẹp, khuôn mẫu, cứng nhắc đã kìm nén làm phát sinh tâm lý muốn bứt phá, giải phóng, tự do hành động, thể hiện mình trong nhóm xã hội của các em.

Thứ hai là sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường làm thay đổi nhận thức, hệ thống giá trị của con người nói chung và của giới trẻ làm cho động cơ, mục đích và các giá trị vật chất nhanh chóng xung đột với các giá trị tinh thần khác.

Thứ ba là các "khuyết tật" của quản lý văn hóa, truyền thông.

Thứ tư là do tham gia nhiều quan hệ xã hội rất sớm, nên người vị thành niên ngày càng giàu kinh nghiệm sống, phán xét, xử lý tình huống khá hơn so với trước đây. Bên cạnh những thành công, giỏi giang thì có một bộ phận các em bằng mọi giá để làm giàu, để "phất lên" cho nên trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy, giết người, cướp của gia tăng.

“Vì vậy, để xử lý được thì một mặt là thừa nhận sự trưởng thành vượt bậc năng lực hành vi và chấp nhận mở rộng hành lang pháp lý với các em. Thừa nhận 16 tuổi là người thành niên để các em có nhiều quyền năng, hành động và tham gia thực sự giải quyết các quan hệ xã hội và tuổi vị thành niên là tuổi từ 12 đến 14 tuổi” - Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ đề nghị.

Những chế độ pháp lý mà lâu nay chúng ta áp dụng cho những người từ 16 đến 18 tuổi sẽ áp dụng cho các em từ đủ 14 đến 16 tuổi. Còn chế độ pháp lý mà lâu nay áp dụng cho các em áp dụng từ 14 đến 16 tuổi sẽ dùng với các em từ 12 đến 14 tuổi.

Vụ án Lê Văn Luyện là một điển hình của tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Cần thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng

Đề cập tới những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Bá Thuyền (đại biểu Lâm Đồng) phát biểu khá gay gắt rằng:  "Người ta cho rằng ngày xưa chúng ta nói là hình sự hóa các quan hệ dân sự, nhưng bây giờ chúng ta lại hành chính hóa các quan hệ hình sự".

Bà Trương Thị Yến Linh (đại biểu Cà Mau) cho rằng kết quả thanh tra năm 2012, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 520 tập thể, 899 cá nhân và đã phát hiện chuyển sang Cơ quan điều tra xử lý hình sự 25 vụ với 41 đối tượng nhưng con số này vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hàng ngày rất tinh vi, nghiêm trọng.

Thiếu tướng Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội (đại biểu Thừa Thiên - Huế) khẳng định tham nhũng không chỉ thách thức sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước như Kết luận số 21 của BCH Trung ương mà cũng đã thách thức Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nguy hiểm hơn tham nhũng còn thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân.

Để đấu tranh trực diện với tội phạm về tham nhũng, Nhà nước ta đã tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp khá hùng hậu, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án. Theo ông Trần Đình Nhã năm qua, tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, 338 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 34,2%.

"Nhìn vào số liệu này, chúng ta thấy một nghịch lý là tội phạm tham nhũng ở Việt Nam chỉ xét xử được ngần ấy, lại toàn là loại án nhẹ. Vậy tại sao ở nơi nào cũng lên tiếng, cũng bức xúc về tham nhũng hay do vô tình chúng ta tự bôi đen tình hình, thổi phồng tình hình tham nhũng. Tôi không nghĩ như thế, Chính phủ cũng không nghĩ như thế, khi viết trong Báo cáo trình Quốc hội số lượng vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện và điều tra chưa tương xứng với thực tế tham nhũng xảy ra. Chính phủ đã chỉ ra các địa chỉ tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đó là những nơi tập trung nhiều tiền của của Nhà nước, của nhân dân. Như vậy, đúng là tham nhũng vẫn đang tiếp tục thách thức Đảng, Nhà nước và nhân dân, tôi nhấn mạnh từ "nhân dân" ở đây vì tham nhũng đánh vào tình cảm, niềm tin và cả danh dự của nhân dân Việt Nam".

Vì thế, ông Nhã kiến nghị Quốc hội bàn kỹ hơn về cuộc chiến này và phương án tác chiến hiệu quả hơn, vỏ quýt dày thì móng tay phải nhọn.

"Muốn thắng được tham nhũng tôi đề nghị đã đến lúc phải thay đổi cách đánh và cả người đánh, về cách đánh tôi đề nghị phải như đánh tội xâm phạm an ninh quốc gia, có nghĩa là điều tra, truy tố, xét xử một kẻ xâm phạm an ninh quốc gia, một tên gián điệp, một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố thì cũng được phép áp dụng biện pháp đó để điều tra kẻ tham nhũng. Đánh tham nhũng phải đánh từ ngoài vào, đánh từ trên xuống, cấp trung ương sẽ đánh tham nhũng ở cấp tỉnh, cấp tỉnh đánh xuống cấp huyện, huyện thì đánh xuống xã. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy Cơ quan điều tra cấp tỉnh vất vả, thậm chí bất lực thế nào khi điều tra các tội tham nhũng của quan chức cấp tỉnh. Để thực hiện cách đánh này tôi đề nghị tổ chức lại lực lượng chủ công, tôi không nói lực lượng chỉ đạo vì Ban chỉ đạo Trung ương hiện nay do Tổng Bí thư đứng đầu là rất cần thiết để chỉ đạo, lãnh đạo cuộc chiến, ở đây tôi muốn bàn về lực lượng trực tiếp tác chiến".

Theo ông Nhã đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng, nếu không điều tra tất cả thì cũng tập trung vào 3 tội danh là tội tham ô, tội hối lộ và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

"Đây sẽ là một loại cơ quan độc lập do Quốc hội lập ra giống như cơ quan kiểm toán nhà nước, báo cáo công tác trước Quốc hội. Cơ quan này tập trung vào việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác về tội phạm tham nhũng, khởi tố điều tra truy tố ra tòa án những người phạm tội tham nhũng. Cơ quan này được điều động hoặc nhận biệt phái những điều tra viên, trinh sát viên xuất sắc có bản lĩnh nhất từ các cơ quan điều tra như Cơ quan điều tra trong Cảnh sát nhân dân, Cơ quan An ninh nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội, trong Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các điều tra viên, trinh sát viên này cũng như cơ quan chống tham nhũng mà họ phục vụ phải có thực quyền và được độc lập trong điều tra tham nhũng.

Cơ quan chống tham nhũng do Quốc hội lập ra có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước, người có chức vụ quyền hạn phối hợp giải trình cung cấp thông tin và yêu cầu của họ buộc phải được thi hành, cơ quan này có thể lập văn phòng đặt tại các địa phương, thậm chí ở những cơ quan, tổ chức có nguy cơ tham nhũng cao và kinh phí hoạt động của cơ quan này là một khoản độc lập từ nguồn ngân sách Nhà nước do Quốc hội quyết định. Khi Quốc hội đã nhất trí thành lập cơ quan đặc trách chống tham nhũng như trên thì vị trí, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức này sẽ được quy định rõ ràng, thích hợp trong Luật phòng, chống tham nhũng, Luật tố tụng hình sự, rồi đây là Luật tổ chức điều tra hình sự".

Trước tình hình tham nhũng vẫn hoành hành, ông Nhã kiến nghị:  "Ngay trong kỳ họp này khi ban hành nghị quyết về công tác tư pháp thì nghị quyết của Quốc hội nên yêu cầu Tòa án không áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ đối với bất kỳ người nào phạm tội tham nhũng và yêu cầu Chủ tịch nước và các cơ quan thi hành án, không tha tù trước thời hạn cho đối tượng phạm tội tham nhũng. Việc làm này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và xin Quốc hội hãy tỏ rõ thái độ của mình không chỉ bằng lời nói"

Nguyễn Thiêm
.
.