Trẻ em Nepal bị lừa bán cho các công ty xiếc Ấn Độ

Thứ Ba, 05/08/2014, 17:00

Bijaya Limbu mới chỉ 8 tuổi khi bị một nhóm người lừa cha mẹ cho em sang Ấn Độ để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng, 4 năm sau đó trở thành cơn ác mộng mà Bijaya Limbu không bao giờ có thể quên được. Limbu bị bọn buôn người bán cho một công ty biểu diễn nghệ thuật xiếc ở Ấn Độ để đào tạo thành diễn viên nhào lộn. Cuộc sống đau khổ của Limbu chỉ thật sự chấm dứt sau khi được nhóm nhân viên hoạt động từ thiện giải cứu và đưa em trở về quê hương Nepal.

Bijaya Limbu nhớ lại: "Chúng em bị ép buộc luyện tập đến mệt lả trong suốt nhiều giờ liền. Thỉnh thoảng, chúng em còn bị đánh đập và xâm hại. Cuộc sống như trong nhà tù. May mắn là cuối cùng em được giải cứu".

Hiện nay, Bijaya Limbu là diễn viên xiếc ngôi sao của Công ty Circus Kathmandu ở Nepal. Hầu như tất cả 13 diễn viên công ty xiếc hiện đại và duy nhất này của Nepal từng là nạn nhân của bọn buôn người. Sắp tới, Circus Kathmandu sẽ tham gia biểu diễn tại sự kiện  Circus Big Top trong Lễ hội Glastonbury tổ chức ở Anh.

Cũng giống như Bijaya Limbu, hàng ngàn trẻ em Nepal sống trong cảnh nghèo khó, nhất là tại khu vực biên giới nước này, bị bọn buôn người lừa bán sang Ấn Độ mỗi năm. Các em bị cưỡng bức lao động trong các công ty xiếc Ấn Độ, phục dịch cho các gia đình giàu có hay bị cưỡng bức lao động trong các trại chăn nuôi gia cầm và nhà xưởng công nghiệp. Phần lớn các em còn bị xâm hại tình dục và bạo lực thân thể.

Cũng giống như những đứa trẻ không được học hành tử tế, nạn nhân của bọn buôn người rất khó tìm được việc làm cũng như tái hòa nhập xã hội. Thậm chí đôi khi chính gia đình cũng chối bỏ các trẻ em nạn nhân do sợ phải đối mặt với thành kiến xã hội Nepal về các diễn viên xiếc.

Diễn viên nhí của công ty xiếc Circus Kathmandu.

Năm 2010, hai tổ chức từ thiện Anh - Freedom Matters và The Esther Benjamins Trust - cùng hợp tác thành lập Công ty xiếc Circus Kathmandu nhằm mục đích giúp đỡ những đứa trẻ nạn nhân của bọn buôn người có thể làm việc và bắt đầu cuộc sống mới tại chính quê của mình. Chương trình biểu diễn gần đây nhất của Circus Kathmandu có tên gọi "Swagatham" - có nghĩa là "Hoan nghênh đến Nepal".

Chương trình có thời lượng 45 phút phản ánh cuộc sống của trẻ em và mô tả nạn buôn người. Chương trình là sự pha trộn giữa xiếc, kịch, múa và những bài hát tiếng Anh, Nepal và Hindi kể câu chuyện của các em.

Ellie Turner, một trong những nhà sản xuất chương trình tình nguyện của Circus Kathmandu, giải thích: "Circus Kathmandu cung cấp chương trình có thể gọi là giải trí mang tính đạo đức. Công ty trả lương cho nhân viên để họ có điều kiện phát triển tài năng diễn xiếc, có nghề nghiệp ổn định cuộc sống độc lập".

Bà Sky Neal, đồng sáng lập và đồng giám đốc Circus Kathmandu, phát biểu với báo chí: "Chúng tôi thấy đau buồn nhất là những phụ nữ nạn nhân của bọn buôn người được hỗ trợ tốt, trong khi trẻ em thường không được học hành và rất ít có cơ hội tạo dựng cuộc sống mới. Do đó, Circus Kathmandu được thành lập để giải quyết vấn đề này".

Sky Neal cho biết: "Công ty xiếc cũng tổ chức những cuộc hội thảo về trẻ em và nói chuyện với người dân về cuộc sống của các em cũng như những gì mà các em đã trải qua. Ý tưởng là tạo sự cảnh giác ở làng quê và giải thích tại sao cha mẹ không nên bán con cái mình".

Phần đông các diễn viên nhỏ tuổi của Circus Kathmandu là nạn nhân của bọn buôn người.

Circus Kathmandu biểu diễn khoảng 3 - 4 lần tại các trường học, các sự kiện văn hóa và nhiều địa điểm khác ở Nepal. Thu nhập của Circus Kathmandu chủ yếu dùng để hỗ trợ các thành viên của công ty. Tuy nhiên, như bà Neal nói, "dự án cũng cần nhận được sự hỗ trợ tài chính để tồn tại".

Công ty xiếc Nepal cũng biểu diễn tại Thượng viện Anh ở London để cảnh báo về nạn buôn người với các nghị sĩ và giới chức chính quyền Anh. Các nhà hoạt động nhân quyền ước đoán có khoảng 10.000 trẻ em Nepal bị lừa bán sang Ấn Độ mỗi năm và sự dã man của tội phạm buôn người ít được thế giới bên ngoài biết đến.

Năm 2011, Tòa án Tối cao Ấn Độ ra lệnh cho các công ty xiếc nước này ngừng thuê dụng trẻ em. Trong khi đó, chính quyền Nepal cũng có một số biện pháp mới giải quyết vấn nạn buôn trẻ em sang Ấn Độ làm diễn viên xiếc. Tuy nhiên, theo Shailaja, trẻ em Nepal vẫn tiếp tục bị lừa bán sang Ấn Độ để làm các công việc khác.

Shailaja đề nghị: "Chính quyền Nepal nên lập danh sách các khu vực dễ thu hút bọn buôn người và nên tập trung vào giáo dục cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân"

Thục Miên (tổng hợp)
.
.