Trẻ em tị nạn dễ rơi vào bẫy buôn người

Thứ Tư, 01/06/2016, 09:45
Gian nan và hiểm nguy có thể xảy ra cho bất cứ ai trở nên đơn độc trên thế giới. Đối với trẻ em, điều đó sẽ trở nên kinh hoàng hơn. Con số trẻ em tìm kiếm nơi tị nạn ở châu Âu đã vọt lên 74%.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có đến 106.000 trẻ em xin tị nạn vào lục địa này. Những đứa trẻ nhất, dưới 10 tuổi, thường có một thành viên gia đình đi kèm nhưng tỷ lệ trẻ vị thành niên tị nạn đơn độc cũng gia tăng đáng kể.

Một số trẻ mồ côi, số khác bị lạc gia đình trên con đường di cư gian khổ tiềm ẩn vô vàn nguy cơ. Châu Âu đang lúng túng và lo ngại trước làn sóng trẻ em tị nạn ồ ạt đổ về miền đất vốn đã bị xem là "già cỗi".

Con đường dẫn đến địa ngục

Nhiều trẻ em xuất phát từ Syria, Eritrea và Afghanistan đã trải qua những điều kinh khủng tại quê nhà, rất nhiều đứa trẻ bị cưỡng bức trên hành trình đến châu Âu. Sau khi đến được châu Âu, những đứa trẻ lạc lõng tưởng rằng hiểm nguy đã trôi qua song thực tế không hẳn như vậy. Con số trẻ em bị lợi dụng và khai thác rất lớn.

Ở miền nam Italia, một số trung tâm tiếp nhận người tị nạn phải chi trả 75 euro một ngày cho mỗi đứa trẻ (trong khi với người lớn là 35 euro/ngày). Trước dòng người tị nạn ồ ạt, các chính quyền địa phương ở Italia buộc phải cho phép các trung tâm tư nhân mở cửa tiếp nhận trẻ em trong khi những nơi này thiếu sự kiểm soát hoạt động chăm sóc. Và những điều xấu xa đã xảy ra.

Người tình nguyện giúp đỡ trẻ em di cư ở Milan, Italia.

Có những câu chuyện kinh khủng về trung tâm tiếp nhận trẻ vị thành niên Giarre ở Sicily, như là tình trạng mất vệ sinh hay dây điện bị tróc vỏ gây nguy hiểm đến tính mạng. Kết quả điều tra chính thức của các nghị sĩ Italia dẫn đến quyết định đóng cửa trung tâm Giarre vào cuối tháng 9-2015.

Không chỉ có các trung tâm tư nhân, nhiều báo cáo về tình trạng ngược đãi diễn ra cả trong những trung tâm do nhà nước điều hành, kể cả sự dính líu đến mafia Italia. Fabio Sorgoni, nhân viên tổ chức từ thiện On The Road của Italia, cho biết về số phận của những đứa trẻ không người đi kèm đến châu Âu - chúng dễ trở thành miếng mồi ngon cho các băng nhóm tội phạm có tổ chức hay các cá nhân tìm cách lợi dụng.

Cảm thấy nguy hiểm và không được bảo vệ, hàng ngàn đứa trẻ tìm cách chạy trốn khỏi các trung tâm tiếp nhận ở Italia và biến mất trên đường phố nước này. Vài trung tâm không có đủ người phiên dịch để nói chuyện với trẻ em nước ngoài và họ cũng không có đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm để phát hiện những nạn nhân nhỏ tuổi của loại tội phạm khai thác tình dục. Do đó, những đứa trẻ chỉ còn cách phải tự bảo vệ để sống còn.

Nhà ga Termini ở thành phố Rome đã trở thành trung tâm tiếp nhận những trẻ em trai Trung Đông không có đường nào để đi. Một số chỉ mới 11 tuổi nên rất dễ bị lợi dụng, nhiều trẻ em trong số này sa chân vào con đường phạm tội và bị bắt giữ.

Trong hành trình gian nan vượt biển, có không ít đứa trẻ ra đi một mình.

Một trẻ tị nạn tên là Khaled, 14 tuổi, bắt đầu bán ma túy để có tiền mua thức ăn. Những trẻ em trai khác - đến từ Ai Cập, Tunisia và Morocco - phải bán dâm cho đàn ông Italia với mức giá bèo chỉ từ 30 đến 50 euro. Phần lớn những đứa trẻ nhỏ tuổi ở nhà ga Temini là người Hồi giáo, xuất thân từ các gia đình bảo thủ. Không ai trong số đó thừa nhận bán dâm để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Lassad, một người tình nguyện Italia gốc Tunisia cho biết, anh thường đến nhà ga Temini vào mỗi cuối tuần để nói chuyện với những trẻ em trai tại đây về vấn đề tội phạm.

Theo Lassad, phần đông trẻ em trai tại Temini phạm tội trộm cắp, bán ma túy cho các băng nhóm tội phạm và có nhiều trường hợp bán dâm. Lassad đặt vấn đề: "Các em nhỏ làm thế nào để trả nợ cho bọn buôn người? Làm sao chúng có được thức ăn? Một số không có chỗ nào để ngủ. Những người xung quanh biết rõ những bé trai này đang tuyệt vọng và dễ trở thành miếng mồi ngon tại các nhà ga, nơi đó chẳng khác nào một cái chợ".

Đối với nhiều đứa trẻ di cư, con đường đến châu Âu cuối cùng chỉ là con đường dẫn đến địa ngục. Những cô gái vị thành niên Nigeria rời khỏi quê nhà vì tin tưởng khi đến được châu Âu sẽ được hành nghề làm tóc hay chăm sóc y tế. Sau khi vượt qua hành trình đầy cam go từ Nigeria đến Libya, bọn buôn người thường giam giữ các cô gái trẻ một thời gian và sau đó xâm hại tình dục trước khi tống các em lên những chiếc xuồng nhỏ hướng đến Italia.

Khi đến nơi, bọn buôn người ép buộc các cô gái - có khi mới 13 tuổi - hành nghề mại dâm để trả cho chúng món nợ từ 50.000 đến 60.000 euro chi phí đến châu Âu!

Những đứa trẻ già trước tuổi

Theo số liệu từ tổ chức từ thiện Save the Children đặt trụ sở tại Anh, ít nhất 3.358 trẻ em vị thành niên đến Italia trong nửa đầu năm 2015 nhưng con số này vẫn không ngừng tăng lên. Vào đầu tháng 6-2015, ít nhất 66 trẻ - tất cả đều ra đi đơn độc - nằm trong số một nhóm người tị nạn được giải cứu bởi tàu chiến Anh HMS Bulwark giữa biển khơi. Năm 2014, 170.000 người tị nạn đến châu Âu bằng đường biển, trong số đó có 13.000 trẻ em.

Bà Gemma Parkin, người phát ngôn cho Save the Children, vào năm 2014, tỷ lệ những đứa trẻ không có người thân đi kèm chiếm khoảng 50% trong tổng số trẻ em tị nạn đến châu Âu - và tỷ lệ này vọt lên đến 70% vào năm 2015.

Gemma Parkin cho biết: "Sự thật mà chúng ta đang nhìn thấy là bên trong tổng số trẻ em tị nạn, con số những em ra đi đơn độc không có thân nhân đi kèm đang gia tăng đáng kể. Trẻ em Syria thường đi chung với cha mẹ, song ở các quốc gia như Eritrea và Somalia thì có rất nhiều trẻ tự một mình thực hiện hành trình khổ ải đến châu Âu".

Farah Abdi Abdullahi là một trong những người di cư đến châu Âu khi còn ở tuổi thiếu niên. Người thanh niên sinh trưởng ở Somalia này chỉ mới lên 16 tuổi khi một thân một mình bắt đầu hành trình từ Kenya đến châu Âu hồi năm 2012 do lo sợ khủng bố.

Đứa trẻ đơn độc tìm đường đến châu Âu.

Abdullahi kể: "Do là công dân Somalia cho nên không có con đường hợp pháp nào để đến thế giới phương Tây. Thế nên để đến được châu Âu, tôi buộc phải chọn cách mạo hiểm". Abdullahi thú thật hành trình băng qua Địa Trung Hải là bước cuối cùng sau nhiều tháng trời ròng rã vượt qua Uganda, Nam Sudan, Bắc Sudan và Sahara.

Abdullah kể: "Tôi ở Libya được 7 tháng, bị giam giữ 5 lần do cố vượt biên. Lúc đó, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn không có chính quyền. Cuối cùng, tôi đến được đảo Malta vào tháng 1-2012. Tôi mất 9 tháng để thực hiện toàn bộ hành trình từ Kenya đến Malta".

Gemma Parkin nhấn mạnh: trường hợp của Farah Abdi Abdullahi không là duy nhất và người tị nạn không ngừng phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy khi mạo hiểm vượt qua biên giới các khu vực bất ổn trầm trọng ở Trung Đông và châu Phi để cố đến Địa Trung Hải cho bằng được.

Bà Parkin nhận định: "Họ trao gửi cuộc đời của bản thân vào tay bọn buôn người. Bọn chúng nhồi nhét mọi người lên những chiếc xe tải để chở đến Sudan và Libya trước khi đưa tất cả những con người khốn khổ lên một chiếc xuồng. Và những gì xảy ra là khi mọi người bị tống lên những chiếc xe tải thì sẽ còn quá nhiều con người khác bị rơi rớt lại. Bọn buôn người chẳng màng quay lại để kiểm tra xem những kẻ bất hạnh này còn sống hay đã chết".

Đứa trẻ may mắn có người mẹ đi kèm.

Bà Parkin tiết lộ, có không ít báo cáo đề cập đến những người tị nạn quá yếu đuối hay bị mất nước đã chết trên con đường tìm đến châu Âu.

Theo Farah Abdi Abdullahi, Địa Trung Hải thật ra là hàng rào cuối cùng mà người tị nạn cần phải vượt qua. Abdullahi giải thích: "Khi anh đến Libya thì đó là sự kết thúc của một hành trình khó khăn, bởi vì sa mạc thật sự ghê gớm. Khi vượt qua khỏi các quốc gia này trong khi không có giấy tờ gì trong tay, thì đó là chặng cuối của một hành trình khác đối với phần đông người tị nạn".

Nhiều trẻ vị thành niên bị bọn buôn người xâm hại thể xác hay cưỡng bức là điều khó tránh khỏi. Sau khi đến được châu Âu, đội ngũ nhân viên cứu trợ và công tác xã hội sẽ tiến hành sàng lọc để xác định rõ những đứa trẻ vị thành niên nào là nạn nhân của bọn buôn người. Bà Parkin nhớ lại trường hợp một số cô gái trẻ Nigeria được giải cứu hồi đầu tháng 6-2015 không hề nghĩ các em đã thật sự đến được Italia mà còn tuyên bố các em không có tiền để trả cho chi phí tị nạn.

Những trẻ từng là nạn nhân cưỡng bức của bọn buôn người thường hay có ý định chạy trốn khỏi những trung tâm tiếp nhận người tị nạn. Điều quan trọng, theo Parkin, là cứ để cho các em được tự do ở yên một mình và từ từ khích lệ chúng tham gia vào những hoạt động "phù hợp với độ tuổi" như tham gia lớp vẽ tranh hay trẻ lớn hơn thì chơi bóng đá giúp chúng thư dãn và cởi mở tâm hồn với mọi người.

Những đứa trẻ có dấu hiệu chấn thương tâm thần sẽ được chuyển đến các dịch vụ xã hội để tìm phương cách chữa trị nếu cần thiết. Tuy nhiên, để biết được chính xác độ tuổi của những đứa trẻ mới đến có thể là một thách thức không nhỏ.

Gemma Parkin trình bày: "Thường thì chúng ta đoán một đứa trẻ có thể khoảng 14 tuổi vì trông nó còn trẻ. Song thật ra trong suốt hành trình gian nan đầy hiểm nguy, đứa trẻ có thể trở nên già hơn số tuổi thật của mình".

Do đó, cách duy nhất để xác định tuổi là sử dụng phương pháp X quang xương cổ tay để đo mật độ xương nhưng phương pháp này vẫn có thể cho ra kết quả sai lệch đến 2 tuổi.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.