Triệt phá các băng nhóm Trung Quốc trộm cắp trên máy bay

Thứ Tư, 11/06/2014, 10:30

Tháng 3/2013, cuộc điều tra liên quốc gia giữa Cảnh sát Singapore và Cảnh sát Đặc khu Hồng Công, đã phanh phui ra hậu trường của những băng nhóm tội phạm có tổ chức, chuyên thực hiện hành vi trộm cắp trên máy bay. Cuộc điều tra này cũng cung cấp kinh nghiệm cảnh giác quan trọng cho các hãng hàng không quốc gia của Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan… khi các băng nhóm trộm cắp Trung Quốc đang thò bàn tay vào Đông Nam Á, kể từ đầu năm 2014…

1. Trong khoảng tháng 3 và tháng 4/2012, Cảnh sát Singapore nhận được cảnh báo: 11 trường hợp mất trộm tư trang và hành lý đã xảy ra trên các chuyến bay của Hãng Hàng không Singapore.

Thoạt đầu, những vụ mất trộm có vẻ như là những trường hợp đơn giản và cá biệt. Nhưng sau đó, cuộc điều tra mở rộng của cảnh sát cho thấy, đằng sau chúng là cả một câu chuyện lớn. Các điều tra viên tin rằng có một băng nhóm chuyên nghiệp đang ra tay, mà mục tiêu là hành lý xách tay có giá trị của hành khách.

Patrick Lim Boon Hua, Trợ lý giám sát Cảnh sát hàng không, người đã được Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa tặng thưởng về thành tích khám phá vụ việc, cho biết: "Những vụ mất trộm rất bất thường. Chúng tôi chưa bao giờ gặp phải những vụ việc như thế này".

Cuộc điều tra mở rộng cho thấy những kẻ phạm tội đến từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Chúng hoạt động theo nhóm từ 2-3 người. Chúng tổ chức theo dõi "con mồi" ngay từ khi họ đi qua cửa kiểm tra an ninh, rồi tiến vào phòng chờ. "Con mồi" sẽ được theo dõi chặt chẽ cho đến tận khi họ yên vị trên máy bay, và hành lý có giá trị của họ đã được đặt trên hộc để đồ.

Trong chuyến bay, khi "con mồi" đang say ngủ hoặc bận rộn xem phim hay nghe nhạc, nhóm trộm cắp bắt đầu ra tay. Chúng lấy túi xách của nạn nhân, lục lấy đồ đạc có giá trị, và để lại chỗ cũ. Chúng khéo léo và chuyên nghiệp đến mức hành khách chỉ có thể phát hiện ra mình đã trở thành nạn nhân khi đã ra khỏi máy bay.

Thông qua cuộc điều tra dài ngày và công phu, Lim và cộng sự đã xâu chuỗi được những vụ trộm cắp trên máy bay với nhau: chúng được tổ chức rất chuyên nghiệp bởi một hay nhiều băng đảng câu kết với nhau chặt chẽ. Sở dĩ chúng lựa chọn "con mồi" là hành khách trên các chuyến bay quá cảnh, vì họ khó có khả năng bay trở lại nơi xảy ra vụ việc ngay trong ngày.

"Tập hợp thông tin về các chuyến bay của những đường dây trộm cắp chuyên nghiệp này, Cảnh sát Singapore phát hiện chúng có những lịch trình và đường bay cụ thể. Thông thường, chúng bay từ Hồng Công tới Indonesia, quá cảnh qua Singapore. Sau khi "ăn mồi", chúng sẽ bay trở lại Hồng Công ngay trong ngày", Patrick Lim cho biết.

Sau khi đã lên khung lịch trình di chuyển và gây án của các băng nhóm trộm cắp, các điều tra viên quyết định cất lưới.

"Thoạt đầu, chúng tôi tính tới phương án đưa nhân viên của mình lên mỗi chuyến bay. Nhưng vấn đề ở chỗ nguồn lực nhân sự của chúng tôi bị giới hạn, mà số lượng chuyến bay lại quá nhiều, vì vậy phải tính tới phương án khác", Lim tiết lộ.

Sau khi cân nhắc mọi phương án, Tổ điều tra quyết định nhờ cậy tới sự giúp đỡ của phi hành đoàn. "Chúng tôi có cảm giác rằng tổ bay là một yếu tố quan trọng khiến những vụ trộm cắp không thể xảy ra. Chúng tôi dạy họ cách nhận biết, tiếp cận và theo dõi những kẻ đáng nghi. Họ trở thành tai mắt của chúng tôi trên mỗi chuyến bay".

Để tăng cường hiệu quả của tổ bay, Cảnh sát Singapore cũng đã hợp tác chặt chẽ với Cảnh sát Hồng Công để đối chiếu và phân tích thông tin, nhằm xác định những kẻ tình nghi.

"Chúng tôi thu thập thông tin của những kẻ tình nghi trên hàng trăm chuyến bay mỗi ngày. Từ cơ sở đó, chúng tôi thu hẹp danh sách khả nghi và gửi tới các tổ bay", Patrick Lim nói.

Sĩ quan Cảnh sát Patrick Lim, “người hùng” trong chuyên án phá đường dây trộm cắp người Trung Quốc trên các chuyến bay của Singapore.

Với danh sách của những kẻ tình nghi, phi hành đoàn có thể nhanh chóng quan sát và cảnh báo tới các điều tra viên khi chúng ra tay. Cảnh sát Singapore sẽ tiến hành bắt giữ nghi phạm khi máy bay hạ cánh. Với phương án này, 4 nghi phạm đã bị tổ bay phát hiện và thông báo bắt giữ ngay khi chúng vừa đặt chân tới Singapore.

2. Sự thành công của chuyên án liên quốc gia này là tiền đề để Văn phòng Tổng chưởng lý Singapore (Cơ quan giữ quyền công tố theo luật pháp Singapore, tương đương Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ở Việt Nam - PV) đưa ra một báo cáo đặc biệt về tình trạng các băng đảng người Trung Quốc lộng hành trên các chuyến bay.

Báo cáo ghi nhận xu thế gia tăng đáng kể nạn trộm cắp trên máy bay treo cờ  Singapore. Nếu như năm 2011, chỉ có 1 trường hợp mất trộm bị trình báo, thì đến năm 2012, con số đã lên tới 43. Chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2013, đã có 35 trường hợp trình báo mất trộm trên máy bay.

Tương ứng với các vụ mất trộm tăng cao, nếu chỉ có 1 người bị bắt giữ vào năm 2011, đến năm 2012 đã có 36 người bị bắt giữ (17 bị kết án), và con số là 26 người chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2013 (17 bị kết án).

Phần lớn nghi can và bị can có quốc tịch Trung Quốc. Trong tổng số 26 người bị cáo buộc tội danh trộm cắp và bị bắt giữ trong 7 tháng đầu năm 2013, có tới 26 người Trung Quốc (22 người ở tỉnh Hà Nam, 1 người Giang Tây và 1 người Hồ Bắc).

Trong tổng số 36 người bị bắt giữ và kết án trong năm 2012, 34 thủ phạm là người Trung Quốc (29 người Hà Nam, 4 người Giang Tây và 1 người Hồ Bắc).

Cảnh sát Singapore nhận định có một (hoặc nhiều hơn) băng nhóm có tổ chức tập trung mục tiêu vào các chuyến bay của Singapore. Chúng thường hành động theo cặp. Mục tiêu của chúng là tiền mặt, vì đặc trưng của tang vật này là khó truy nguồn gốc và dễ tẩu tán khi bị phát hiện.

Một tên sẽ thực hiện hành vi trộm tiền trong túi để trên hộc hành lý, còn tên kia sẽ cầm tiền và lẩn vào đám đông. Thông thường, tên thứ nhất sẽ dời hành lý ra khỏi hộc chứa đồ, đem về chỗ ngồi của mình, hoặc chuyển tới một ghế ngồi khác còn trống để lục tiền. Khi thành công, hắn sẽ chuyển túi xách của nạn nhân về chỗ cũ, còn tiền được chuyển cho đồng bọn.

Trong một số trường hợp, cảnh sát đã phát hiện tiền mặt được giấu trong nhà vệ sinh của máy bay, chứng tỏ những tên tội phạm đã tìm cách phi tang chứng cứ vì sợ bị bắt giữ. Phương thức trộm cắp này là phổ biến, thông qua lời khai của các bị can.

Cảnh sát đặc khu Hồng Kông hỗ trợ tổ bay áp giải nghi phạm trộm cắp trên chuyến bay VN594.

Các điều tra viên cũng cho biết lộ trình thực hiện hành vi trộm cắp của các băng đảng này là giống nhau. Chúng thường di chuyển trên các chuyến bay từ Trung Quốc, Ma Cao hoặc Hồng Công… để tới Singapore. Chúng cũng thường xuyên quá cảnh ở Singapore khoảng 1 ngày trước khi rời đi các quốc gia Đông Nam Á khác như Campuchia hay Indonesia.

Các công tố viên của Singapore nhận định việc đề nghị án phạt 12 tháng tù giam là cần thiết và nghiêm khắc để cảnh cáo và loại trừ loại tội phạm mới này.

3. Kinh nghiệm của Singapore đã được đúc kết và thông báo cho các hãng hàng không trong khu vực đã đem lại hiệu quả to lớn. Chỉ riêng trong năm 2012, tại Hồng Công, ít nhất đã có 64 trường hợp trộm cắp trên máy bay đã bị phát hiện và bắt giữ.

Điều đặc biệt là kết quả của chuyên án điều tra liên quốc gia đã có tác động ngay cả tới hệ thống pháp lý của Đặc khu hành chính Hồng Công. Trước đây, có một lỗ hổng pháp lý là tội phạm xảy ra trên những chuyến bay quốc tế, mà máy bay đăng ký cờ của một quốc gia khác, sẽ không thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia nơi đến.

Nói một cách khách, những tên trộm đã có một tấm thẻ "miễn tử kim bài" khi đặt chân đến Hồng Công. Nhưng hiện nay, các quy định pháp lý đã thay đổi. Chính quyền Hồng Công sẽ kết án những kẻ phạm tội với một tội danh mới: vi phạm các quy định về an toàn hàng không, với mức án tối đa lên tới 2 năm tù.

Và kết quả của sự thay đổi ấy kể từ tháng 5/2012, 10 người Trung Quốc đại lục đã bị kết án và tống giam. Thủ phạm đều là thành viên của băng đảng trộm cắp gốc Hà Nam. Kết quả điều tra cho thấy, thủ phạm khai nhận là được thuê để thực hiện các vụ trộm cắp.

Thống kê cũng cho thấy, kể từ khi có thay đổi về quy định pháp lý, các vụ trộm cắp trên máy bay mà điểm đến là Hồng Công đã giảm hẳn, kể từ năm 2012.

4. Những kinh nghiệm của Singapore Airlines cũng đã giúp Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, kết hợp với các quốc gia sở tại trên các đường bay quốc tế, nhanh chóng phát hiện những kẻ trộm chuyên nghiệp, thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng nơi đến.

Ngày 16/1/2014, trên chuyến bay VN630 từ Indonesia đến TP HCM, nhận được thông báo có 3 đối tượng khả nghi, tổ bay đã tiến hành theo dõi chặt chẽ. Trong chuyến bay, 3 đối tượng liên tục di chuyển trong cabin. Nhận được tin báo từ tiếp viên trưởng, Cơ trưởng đã yêu cầu cảnh sát hỗ trợ tại đầu bay Tân Sơn Nhất.

Ngay khi máy bay vừa dừng, tất cả hành khách đều ngồi tại chỗ theo yêu cầu của Cơ trưởng, 3 nghi phạm bị đưa vào phòng làm việc của Công an cửa khẩu. Tại đây, nghi phạm tên Qin Wei, quốc tịch Trung Quốc đã thừa nhận lấy cắp 700 USD của một hành khách.

Ngày 19/1/2014, trên chuyến bay VN600 từ Bangkok (Thái Lan) về TP HCM, tiếp viên Vietnam Airlines đã phát hiện 3 hành khách người Trung Quốc có thái độ khả nghi, liên tục di chuyển và lục lọi đồ. Toàn bộ hành vi đáng ngờ của các đối tượng đã bị tổ bay bí mật ghi hình lại.

Ngày 1/3/2014, trên chuyến bay từ Singapore về TP HCM, tổ bay cũng đã phát hiện một đối tượng khả nghi đứng  lên lục lọi hành lý của hành khách cách đó 8 hàng ghế. Tổ bay đã lập biên bản đối với đối tượng Gui Gouliang, người Trung Quốc, và bàn giao cho công an cửa khẩu. Đối tượng này sau đó đã bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Ngày 31/3/2014, trên chuyến bay VN594 từ TP HCM đi Hồng Công, tổ tiếp viên của Vietnam Airlines đã phát hiện một hành khách Trung Quốc có dấu hiệu khả nghi. Qua theo dõi, các tiếp viên đã phát hiện hành khách này liên tục thay đổi chỗ ngồi và lục soát hành lý ở các hộc trong khoang máy bay.

Tổ tiếp viên đã bắt quả tang hành khách Trung Quốc lấy trộm 710 USD của một hành khách người châu Âu. Ngay sau khi máy bay hạ cánh, Cảnh sát Hồng Công đã có mặt kịp thời áp giải nghi phạm này về để điều tra làm rõ.

…Đứng trước tình trạng vụ việc liên tiếp xảy ra, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, trong cuộc họp với Ủy ban An ninh hàng không Quốc gia mới đây, cơ quan này đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc, tiến hành điều tra khi có nghi vấn đây là đường dây ăn cắp chuyên nghiệp hoạt động theo nhóm của các đối tượng người nước ngoài

Việt Đông
.
.