Cảnh sát đặc nhiệm Nam Phi:

Triệt phá đường dây mua bán thiết bị nghe lén điện thoại

Thứ Sáu, 04/09/2015, 21:00
Trong một chiến dịch mật diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chống tội phạm Nam Phi - The Hawks (Diều hâu) đã bắt giữ 2 người đàn ông bán thiết bị nghe lén điện thoại di động “The Grabber” do Israel sản xuất. Hai người bị bắt tại một siêu thị ở thủ đô Pretoria khi đang tìm người mua thiết bị bất hợp pháp là một doanh nhân và một nhân viên ngân hàng.

Grabber được sử dụng để nghe lén điện thoại di động, đánh cắp thông tin mật quốc gia để bán hay trao đổi với các đối thủ chính trị. Loại thiết bị này được kiểm soát chặt chẽ ở Nam Phi và chỉ được mua với sự cấp phép đặc biệt từ tổng thống.

Vụ bắt giữ đã hé lộ thế giới gián điệp rộng lớn nhắm mục tiêu vào điện thoại di động được sử dụng phổ biến hiện nay. Một nguồn tình báo Nam Phi cho biết: "Đây là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Chỉ có một số người được phép sử dụng thiết bị này. Không một công dân bình thường nào có quyền sở hữu thiết bị". Hai người đàn ông bị bắt giữ sẽ phải đối mặt với các tội liên quan đến tội phạm chống nhà nước.

Brian Dube, người phát ngôn của Cơ quan An ninh Nhà nước Nam Phi (SSA) cho biết,  đang làm việc với cơ quan chức năng để điều tra về việc làm thế nào mà công dân nước này có thể mua được The Grabber. Trong khi đó Hangwani Mulaudzi, người phát ngôn của Hawks, từ chối bình luận chi tiết vụ việc và cho biết Hawks đang tiến hành điều tra. Nhưng, theo nguồn an ninh nội bộ giấu tên, hai người bị cảnh sát bắt giữ có thể đã đến Israel để mua thiết bị. Để bắt được 2 người này, cảnh sát đặc nhiệm Hawks phải giả dạng người cần mua The Grabber.

Thiết bị The Grabber của Israel.

Matthew Aid, chuyên gia thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cũng như các vấn đề tình báo trên toàn thế giới, giải thích: "Trong môi trường quân sự thành thị với nhiều người sử dụng điện thoại di động, loại thiết bị nghe lén được chứng minh là cực kỳ giá trị. Ở Iraq, quân đội Mỹ sử dụng thiết bị tương tự tại các trạm nghe lén cố định hay đặt trên xe quân sự Humvee. Đơn vị tình báo tín hiệu Israel Unit 8200 sử dụng thiết bị nghe lén riêng để giám sát những cuộc giao tiếp của người Palestine ở Bờ Tây và Hamas ở Dải Gaza".

Trong bối cảnh châu Phi, thiết bị nghe lén như The Grabber đặt ra mối nguy hiểm thực sự bởi vì nó giúp các nhóm khủng bố, tội phạm buôn lậu ma túy cũng như tội phạm động vật hoang dã và các mạng lưới buôn người bí mật giám sát mọi hoạt động của chính quyền. Theo Matthew Aid, chiến binh Chechnya sử dụng các thiết bị nghe lén trong cuộc chiến tranh với Nga trong những năm 90 thế kỷ trước. Ít nhất từ thời điểm đó, các tổ chức và đảng phái ở Myanmar đã sử dụng thiết bị nghe lén để giám sát lẫn nhau.

Năm 1998, Cảnh sát Nhật Bản đã khám phá một nhóm cực đoan cánh tả gọi là “Kakumaruha” nghe lén các cuộc điện đàm của cảnh sát trong gần 15 năm từ một nơi ẩn náu bí mật ở Urayasu, tỉnh Chiba. Năm 1997, chính quyền Israel cũng công khai tố cáo cơ quan tình báo của Palestine - Lực lượng An ninh Phòng vệ Palestine (PPS) - mua một hệ thống đánh chặn tín hiệu để thu thập thông tin giám sát các cuộc giao tiếp của quân đội Israel (IDF). Và IDF biết được chiến binh Hezbollah đóng ở miền Nam Liban nghe lén quân đội Israel.

Matthew Aid.

Trong cuộc chiến ở Bờ Tây năm 2002, PPS nghe lén thành công các cuộc trao đổi liên lạc của IDF, giúp người Palestine biết trước chiến dịch đột kích của quân đội Israel vào trại tị nạn Jenin ở Bờ Tây vào tháng 3 năm đó. Khi chiếm được tòa nhà trụ sở của Chủ tịch Yasser Arafat ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây, binh lính Israel đã tìm thấy một thiết bị nghe lén được PPS sử dụng để theo dõi mọi sự di chuyển của IDF.

Năm 2001, Hezbollah được cho là đã vận hành 4 trạm nghe lén đặt ở miền Nam Liban và thung lũng Bekaa, và nhiều chuyên gia làm việc ở những nơi này được tình báo Iran cung cấp.

Ở Mỹ Latinh, từ đầu thập niên 80 bọn tội phạm ma túy đã biết sử dụng các thiết bị thu thập thông tin tình báo tín hiệu và đặt ra mối nguy hiểm cho các lực lượng chấp pháp trong khu vực. Ví dụ vào tháng 7/1986, chính quyền Bolivia khám phá nhóm chỉ huy mạng lưới phòng thí nghiệm bí mật của tội phạm ma túy trong khu rừng rậm nước này sử dụng thiết bị nghe lén tín hiệu giao tiếp của cảnh sát và quân đội.

Tháng 8/1989, một cựu tội phạm ma túy tiết lộ trước Quốc hội Mỹ về việc cartel Medellin ở Colombia sử dụng thiết bị nghe lén giám sát thường xuyên cả ngày lẫn đêm các kênh liên lạc của các cơ quan chấp pháp Mỹ như: Cơ quan Hải quan, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển, Cơ quan Bài trừ Ma túy.

Tháng 9/1997, Cảnh sát Quốc gia Colombia tịch thu thiết bị được các thành viên cartel ma túy Cali sử dụng để nghe lén  liên lạc qua điện thoại di động của quân đội và chính quyền nước này. Gia đình đế chế điện thoại di động Uzan lớn thứ 2 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng Công ty Telsim của họ để giám sát những cuộc gọi di động của đối thủ cạnh tranh Dogan Group.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.