Triệt phá đường dây người Trung Quốc lừa đảo

Thứ Năm, 04/06/2015, 20:30
Trung tuần tháng 5 vừa qua, các điều tra viên thuộc Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an vừa triệt phá đường dây người Trung Quốc lừa đảo.

Sau thời gian nắm tình hình, các trinh sát trực thuộc C50 phát hiện nhiều khách nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc có biểu hiện khác thường. Nhóm khách này đang lưu trú tại hai khu vực khác nhau. Một nhóm gồm 19 đối tượng lưu trú tại một tòa nhà trên đường 3-2, phường 15, quận 11 (TP HCM). Nhóm đối tượng còn lại lưu ngụ tại 2 phòng cùng chung cư trên đường Tản Đà, phường 11, quận 5.

Phương thức thực hiện lừa đảo của nhóm đối tượng này tương đối giống phương thức lừa đảo của các nhóm đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc từng bị Cơ quan Công an Việt Nam bắt giữ. Các đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam, sau đó thuê phòng khách sạn (phòng chung cư cao cấp) rồi thực hiện những cuộc gọi giả danh để lừa đảo đồng hương thông qua các cuộc gọi trên mạng internet.

Các đối tượng trong vụ án.

Nhóm người này được huấn luyện những kỹ năng để nhập vai giả dạng Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát của Trung Quốc để hăm dọa các nạn nhân. Câu chuyện xoay quanh: "Chúng tôi đang tiến hành điều tra vụ án nghiêm trọng, ông (bà) bị nghi ngờ liên quan đến vụ án trên. Đề nghị ông (bà) chuyển toàn bộ tiền tài khoản sang số tài khoản xxx để chúng tôi xác minh, điều tra. Nếu sau thời gian xác minh, điều tra phát hiện ông (bà) không phạm tội, chúng tôi sẽ trả lại toàn bộ tiền mà ông (bà) đã chuyển. Nếu ông (bà) không chuyển tiền, chúng tôi sẽ bắt giữ ông (bà) vì thái độ bất hợp tác, tiếp tay cho tội phạm".

Sau khi nắm tình hình thực tế, các trinh sát đã ập vào kiểm tra tòa nhà trên đường 3-2 và phát hiện nhóm khách 19 người (12 người Đài Loan, 7 người Trung Quốc), đang thực hiện hành vi lừa đảo. Tang vật thu được bao gồm: 21 ĐTDĐ, 6 máy tính xách tay, 6 bộ đàm, 8 bàn phím máy tính rời… và 33 điện thoại Viop (Đây là loại thiết bị thường được các băng nhóm tội phạm người Đài Loan, Trung Quốc sử dụng để lừa đảo). Ngoài ra, các trinh sát còn phát hiện nhóm tội phạm này ghi chép kịch bản lừa đảo trên hai tấm bảng treo tường, nhiều sổ sách truyền đạt bí kíp lừa đảo.

Song song với việc kiểm tra tòa nhà trên đường 3-2, một lực lượng trinh sát khác đã kiểm tra 2 căn phòng chung cư trên đường Tản Đà, quận 5, tạm giữ 5 đối tượng (3 nam, 2 nữ), thu 6 máy tính xách tay, hàng trăm card điện thoại, hàng chục chứng minh nhân dân và thẻ ngân hàng…

Nhóm đối tượng này khai nhận, họ được các ông chủ người Trung Quốc thuê sang Việt Nam để sử dụng mạng Internet đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài chính của đồng hương để thực hiện hành vi lừa đảo. Mọi trao đổi với các ông chủ đều thông qua hình chức chat (trao đổi) trên mạng nên nhóm đối tượng này không biết chính xác ai là người đã thuê mướn mình.

Đây là thủ đoạn không mới, một dạo, trên địa bàn TP HCM và Hà Nội đã xảy ra các tình huống lừa đảo bằng cách gọi điện thoại giả dạng Cơ quan điều tra để yêu cầu người nhận cuộc gọi phải chuyển toàn bộ (hay một phần) tiền trong tài khoản cá nhân vào tài khoản người gọi điện thoại để "phục vụ công tác điều tra". Không hiểu sao, với hình thức lừa đảo rất ngô nghê và phi lôgíc như vậy nhưng vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy bọn lừa đảo, mất hàng trăm triệu đồng.

Có thể khẳng định rằng, không điều tra viên nào của Cơ quan điều tra lại gọi điện thoại cho cá nhân để yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để xác minh đó là tiền sạch hay tiền do phạm tội mà có.

K.H.
.
.