Trùm buôn vũ khí Karlheinz Schreiber bị trục xuất về Đức

Thứ Ba, 18/08/2009, 20:25
Sau một loạt những tranh cãi pháp lý kéo dài trong suốt 9 năm, Chính phủ Canada đã quyết định trục xuất về Đức Karlheinz Schreiber - một chuyên gia vận động hành lang trong quân sự đồng thời là trùm buôn bán vũ khí.

Tuy nhiên còn một chi tiết quan trọng hơn nhiều được công luận chú ý: Schreiber (75 tuổi) là nhân vật chủ chốt trong vụ bê bối về cung cấp tài chính trái phép cho liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo - Xã hội Cơ Đốc giáo cầm quyền CDU-CSU hồi những năm 80-90 của thế kỷ trước. Những tiết lộ mới từ vụ án của Schreiber rất có thể sẽ có ý nghĩa tác động rất lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra tại Đức vào mùa thu này…

Ông trùm buôn bán vũ khí Schreiber buộc phải hài lòng với một buồng giam rộng có 9m2.  Đây có thể coi là một kết cục đáng buồn với một nhân vật từng có thời tung hoành trong giới chức cao cấp của chính quyền và thương gia Đức.

Karlheinz Schreiber sinh ngày 25/3/1934 tại xứ Bavaria là một trong những người đáng nể trong kinh doanh.  Ông ta bắt đầu sự nghiệp với việc bán sản phẩm dệt tại Braunschweig, sau đó tới Munich thành lập một hãng chuyên bán thảm. Dù trước đó chẳng có chuyên môn gì liên quan đến vũ khí, nhưng ngay từ khi còn trẻ, Schreiber nhờ tham gia vào hội đồng kinh tế của đảng Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) tại Bavaria, Schreiber đã có được mối quan hệ thân quen với một số thủ lĩnh của đảng này - chính trị gia nổi tiếng Franz Josef Strauss - và dần dần trở thành một tâm phúc của ông ta. Mối quan hệ này chính là điểm tựa cho sự thăng tiến nhanh chóng của Schreiber.

Khi đã có được những mối quan hệ chính trị, quy mô kinh doanh của thương gia này tăng lên nhanh chóng. Bỏ lại sau lưng chuyện buôn bán thảm và sản phẩm dệt kiểu nhỏ lẻ, Schreiber chuyển sang sử dụng tài năng kinh doanh của mình để làm trung gian giữa các chính trị gia và những ông chủ công nghiệp cỡ lớn trong việc buôn bán vũ khí tại Đức cũng như nước ngoài. Schreiber đồng thời còn làm giám đốc của Bear Head Industries, một công ty con của Tập đoàn ThyssenKrupp. Chưa kể ông ta còn hợp tác với nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Pháp Thomson CSF.

Cái đà lên như diều của Schreiber chẳng biết bao giờ sẽ ngừng, nếu không nổ ra vụ bê bối về cung cấp tài chính bí mật cho CDU, một trong những đảng phái chính trị hàng đầu nước Đức. Giữa những năm 90, mối nghi ngờ chủ yếu tập trung vào thủ quỹ chính của CDU là Walther Leisler Kiep. Kết quả điều tra sau đó đã phát hiện một loạt các quỹ đen của đảng này, là nơi thu thập những khoản tài chính không được công bố.

Đầu tiên là vào năm 1991 tại Thụy Sĩ, đích thân Schreiber đã trao cho Kiep một chiếc cặp trong có 1 triệu mark. Còn Thư ký quốc gia về quốc phòng  Holger Pfahls cũng đã nhận của Schreiber 3,8 triệu mark tiền hối lộ trong vụ bán các xe vận tải bọc thép Fuchs của Đức cho Arập Xêút. Sau khi điều tra cho thấy, riêng Schreiber đã nhận từ Tập đoàn ThyssenKrupp gần 15 triệu euro để vận động "thúc đẩy" một số dự án quốc phòng khác. Trong giai đoạn từ giữa những năm 80 cho đến 1995, Schreiber thông qua các công ty giả mạo đã chuyển những khoản tiền lớn vào tài khoản của các chính trị gia và nhà công nghiệp lớn của Đức trong các ngân hàng Thụy Sĩ.

Kết quả là một loạt quan chức như Walther Leisler Kiep, Holger Pfahls cùng hai quản trị viên của ThyssenKrupp đã bị kết án vì tội nhận hối lộ. Vụ án này còn có sự dính dáng đến một chính trị gia cỡ bự là Thủ tướng Helmut Kohl, người đã buộc phải công khai thừa nhận trong giai đoạn 1993-1998 đã bí mật nhận 2 tỉ mark tiền mặt từ một trong số các nhà tài trợ. Hồ sơ điều tra chống lại Kohl chỉ được đóng lại, sau khi ông này đồng ý nộp khoản tiền phạt lên tới 300 nghìn mark. Còn tên tuổi cụ thể của nhà tài trợ nặc danh này cho tới giờ vẫn chưa được làm rõ. 

Cảm thấy nguy hiểm bắt đầu rình rập, Schreiber chạy sang Thụy Sĩ và từ đây tới Canada vào năm 1999. Tại đây, Schreiber nhanh chóng gây dựng được những quan hệ mới, nhận được quốc tịch thứ hai và mở một mạng lưới bán đồ ăn nhẹ tại Toronto. Ông ta còn lên kế hoạch thắng thầu để phục vụ ăn uống tại các nhà ăn ở trường học - một lĩnh vực kinh doanh khá béo bở và hấp dẫn. Tuy nhiên, chính quyền Đức đã không dễ dàng để yên cho Schreiber, chính thức đòi Canada phải trao trả ông ta. 

Từ thời điểm này bắt đầu cuộc chiến dằng dai của Karlheinz Schreiber nhằm chống lại nguy cơ bị trục xuất về Đức. Theo số liệu của Bộ Tư pháp Canada, Schreiber để phản đối nguy cơ bị trục xuất đã 11 lần gửi thư cho Thủ tướng, 5 lần nộp đơn kháng cáo lên tòa thượng thẩm tỉnh Ontario và 4 lần lên Tòa án tối cao Canada. Quyết định trao trả Schreiber thật ra đã được chính quyền Canada thông qua từ năm 2004.

Tuy nhiên vẫn như người ta thường nói "họa vô đơn chí" - ngay tại Canada, Schreiber lại dính líu vào một vụ bê bối tham nhũng khác. Ông ta bị nghi ngờ đã đưa tiền hối lộ cho Thủ tướng Brian Mulroney để nhờ giúp đỡ trong phi vụ xây dựng một nhà máy quân sự. Thế là Quốc hội Canada đã thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt và Schreiber sẽ bị “câu lưu” cho đến khi hoạt động điều tra hoàn tất. Khi ủy ban đặc biệt trên kết thúc công việc điều tra vào ngày 28/7 vừa qua, phía Canada chẳng còn lý do gì để không đưa Schreiber "hồi hương".

Theo cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về điều tra vụ quỹ đen của CDU là Volker Neumann, không loại trừ khả năng Schreiber sẽ đưa ra những tiết lộ mang tính mặc cả mới để đổi lấy cơ hội giảm án phạt. Trong bất cứ trường hợp nào, những lời thú nhận của cựu chuyên gia vận động hành lang cao cấp như Schreiber - dù chưa thể xác minh đúng hay sai - cũng có thể có tác động như một trái bom tấn thực sự ngay trước thời điểm bầu cử Quốc hội Đức. Nhân chuyện này, nhiều tờ báo Đức còn nếu đưa tin chuyện rắc rối của Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ của Angela Merkel là Wolfgang Schauble, người trước đó đã bị các cơ quan hành pháp nghi ngờ nhận 100.000 mark của Schreiber.

Dù nghi ngờ này không thể chứng minh được, nhưng Wolfgang Schauble (được coi là nhân vật kế nhiệm của Helmut Kohl) vào năm 2000 đã buộc phải từ giã giấc mơ làm thủ tướng nhường ghế cho bà Merkel, đồng thời từ chức chủ tịch CDU

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.