Trùm ma túy Escobar để lại hậu họa cho Colombia

Thứ Tư, 03/03/2021, 13:43
Khu đồn điền "Napoles" ở tỉnh Antioquia, Colombia, thật là một chỗ kỳ diệu: cổng vào được trang hoàng bằng chiếc máy bay thực thụ, đằng sau là công viên với đàn khủng long bằng bê tông, sân vận động, đường đua xe bốn bánh, bộ sưu tập xe hơi cổ có cả chiếc Chevrolet của cặp đôi tội phạm người Mỹ Bonnie và Clyde lỗ chỗ vết đạn xuyên thủng và một vườn bách thú lớn.  Chủ nhân của khu đồn điền này là Pablo Escobar, trùm ma túy Colombia, người đã có những năm kiểm soát 90% thị trường cocain của châu Mỹ.


Chốn ăn chơi của ông trùm Escobar

Đây là nơi yên tĩnh để ông trùm thư giãn cùng gia đình, có biệt thự để thường xuyên tổ chức những buổi dạ tiệc đình đám với những hoa hậu xinh đẹp và chính khách tham nhũng, có sân bay riêng để chở người của hắn mang "hàng" đi khắp nơi. Escobar định thuần hóa sư tử, hổ, hươu cao cổ, đà điểu, voi Ấn Độ, tê giác và khá nhiều chuột túi. Nhưng lạ nhất là lũ hà mã hắn mua từ năm 1981 về nuôi tại đầm nước lớn cách biệt thự không xa. Chúng gồm 4 cá thể, 3 cái, 1 đực mang biệt danh El Viejo và khá thân thiện với đàn ông mọi lứa tuổi. Có tin Escobar nuôi hà mã để… xua đuổi lũ chó nghiệp vụ do cảnh sát lùa đến tìm mùi cocain.

Trùm ma túy Pablo Escobar

Escobar mê hà mã từ bé nên khi vận chuyển hà mã bằng máy bay, hắn đã hồi hộp suốt đêm không ngủ. Ban đầu ông trùm ma túy chỉ có 2 cá thể hà mã đến từ San-Diego, những cá thể còn lại do Ochoa, tên cầm đầu băng đảng ma túy Medellín Cartel mua về nhưng không nuôi nổi, đành hiến cho ông trùm.  Tháng 12-1993, Pablo Escobar đã bị các nhân viên cảnh sát quân sự Colombia bắn chết. Từ thời khắc đó bắt đầu cuộc phiêu lưu của bầy hà mã nhà ông trùm ma túy.

Lũ hậu duệ của El Viejo

Năm 2007, 15 năm sau cái chết của Escobar, nhiều người dân sinh sống ở tỉnh Antioquia tới tấp gửi đơn kêu cứu đến Bộ Môi trường Colombia, họ phát hiện trong dòng sông sở tại một loài vật chưa từng thấy, đôi tai rất bé nhưng mõm lại rất to. Vị bác sĩ thú y làm việc tại cơ quan bảo vệ môi trưởng ở Antioquia đã nhanh chóng tìm ra đó chính là hà mã từ đồn điền "Napoles" và bắt đầu theo dõi, ông thấy trong đầm nước có đến gần hai chục con hà mã hậu duệ của El Viejo. Nhưng cách đó không lâu, số hà mã còn nhiều hơn thế, vì hàng rào bờ đầm rất ọp ẹp, có nhiều lỗ hổng lớn, những con khác đã thoát qua lối đó.

Cổng vào "Napoles" bày chiếc máy bay chở Escobar lần đầu mang ma túy sang Mỹ.

Sau cái chết của Escobar, cảnh sát lục tung biệt thự của hắn để tìm cocain, khắp đồn điền bị người ta đào xới để tìm tài sản cất giấu, đồ đạc thất tán theo từng nhà người dân, cả những con khủng long bằng bê tông cũng tan tành vì có kẻ tung tin rằng Escobar giấu bạc triệu trong đó… Khu đồn điền "Napoles" được chính thức coi như tài sản của Cục Phòng chống ma túy Colombia và trong quá trình lập lại trật tự ở đó, bầy thú của Escobar dần dần tiêu tán.

Hươu cao cổ bị chết trước vụ cướp bóc của dân địa phương; bầy ngựa vằn và lạc đà được gửi sang những vườn thú khác nhau ở Nam châu Phi, còn lũ tê giác và hà mã thì chẳng ai muốn dây dưa. Làm sao có thể quản được những con thú hung hãn nặng tới 4 tấn và to bằng một chiếc ô tô hạng nhẹ? Kết quả là đành để lại những con thú đó tại đồn điền "Napoles" hoang tàn, giao trách nhiệm cho bảo vệ môi trường địa phương, một cơ quan chẳng có khả năng bắt giữ hoặc nuôi nấng chúng. Vắng sự trông coi, lũ tê giác nhanh chóng bị chết, con El Viejo tá túc trong đầm nước của mình giữa bầy đồng loại giống cái và chúng cho ra đời những đứa con theo lẽ tự nhiên.

Đến năm 2003, đã có gần chục con hà mã phải sống chung với những con thú được phép ở lại khu đồn điền "Napoles", nhưng chúng rất cô đơn vì bị tất cả xa lánh: lũ thú khi còn chủ nhân thì hiền lành ngoan ngoãn, nay đã trở nên hoang dã vô cùng… Hà mã đực hay nổi cơn ghen khi bảo vệ lãnh địa của mình. Các con của El Viejo lớn lên, đã phá hàng rào chạy đi chỗ khác.

Tê giác nhập về "Napoles" Năm 1989

Đối với loài hà mã, Colombia đích thực là thiên đường bởi nước này hiếm khi hạn hán, lại không có những loài thú lớn, mà cỏ thì tốt tươi, đầm nước đầy rẫy. Nhánh sông Magdelena bắt nguồn từ những dãy núi của tỉnh Huila đổ ra vịnh Caribe rất gần đồn điền "Napoles". Sông dài 1.500 km, theo đó, lũ hà mã không gặp khó để vượt qua hàng chục, thậm chí hàng trăm km.

Và năm 2010, ở khúc sông Magdelena nằm cách 17 km "Napoles" đã thấy một con hà mã, 3 năm sau - thấy hà mã khác ở vùng đầm lầy Barbacoas, cách biệt thự của Escobar 105 km, một năm nữa, một con hà mã đã bươn tới thành phố Puerto Berrío cách khu đồn điền 75 km. Chưa hết, có người còn thấy hà mã con của El Viejo ở nơi cách đồn điền 250 km, thậm chí có con còn vượt qua 370 km, đến tận vùng lòng chảo Mompox.

Ở Colombia, những con hà mã rất đỗi hiền lành, nhưng năm 2020 chúng đã gây ra 2 tai nạn cho người bất ngờ gặp phải chúng, không chết nhưng cũng tàn tật suốt đời. Ở gần biệt thự của Escobar, hà mã rất nhiều, nhưng trẻ con cũng không hề sợ. Năm 2007, những con khủng long bằng bê tông được phục dựng, công viên ở đồn điền "Napoles" lại mở cửa, bán nhiều đồ lưu niệm liên quan đến hà mã. Ở thành phố gần đó còn dựng tượng El Viejo, trẻ con chui lọt vào mõm. Nhưng sự thật hoàn toàn khác.

Cái chết của Pepe

Năm 2006, El Viejo đánh đuổi con hà mã đực tên là Pepe kéo theo con cái Matilda đi khỏi "Napoles", sau đó đẻ ra con Hip. Năm 2009, cả ba xuất hiện ở chỗ không xa Puerto Berrío. Bắt đầu từ đây, người dân địa phương gửi đơn kêu cứu chính quyền sau khi nhiều ngư dân báo rằng Pepe và Matilda xéo nát hoa màu và đè chết 7 con bò. Cơ quan bảo vệ môi trường địa phương đề nghị xử tử hà mã và được Bộ Môi trường đồng ý. Hai chủ hiệu xe hơi được hộ tống bởi đại diện 3 cơ quan bảo vệ môi trường và cả một tiểu đội lính quân đội lùng sục.

Hà mã trong lãnh thổ "Napoles"  

Tháng 6-2009, họ tìm thấy Pepe. Sau 4 phát đạn, họ hạ được con hà mã. Sau khi cắt chân để chuyển cho Bộ Môi trường Colombia, chôn nội tạng tại chỗ, họ cắt lấy đầu… Hình như sau đó vài năm, thấy chiếc đầu "hà mã của Escobar" được mạ vàng và trưng bày ở Bảo tàng Viktor Wynd (Anh), dân Colombia bị sốc, biểu tình đòi chính phủ bãi lệnh xử tử con cái Matilda. Chính phủ phải ban hành lệnh cấm giết, chỉ cô lập hà mã bằng cách dùng cà rốt nhử vào cũi rồi dùng thuốc ngủ cực mạnh.

Khó nhất là việc thiến. Cơ quan sinh dục của loài hà mã không lộ ra ngoài mà ẩn sâu dưới lớp da dày, sâu vào trong nữa là tinh hoàn có thể xê dịch trong cơ thể ở cự ly 35cm, nếu thấy nguy cơ bị thiến, hà mã còn giấu tinh hoàn sâu hơn. Tháng 3-2011, con hà mã đầu tiên được thiến là Napolitano, phải phóng 5 mũi tiêm đưa thuốc mê, con vật mới chịu ngủ, mất 2 giờ mới lần ra được vị trí tinh hoàn của nó, 6 giờ mới xong.

Quân đội Colombia phải thuê trực thăng Mi-17 của Nga, tốn 150.000 USD để chở về khu đồn điền "Napoles" và phải mất 2 năm mới tìm được cách thức duy trì chương trình. Đến cuối năm 2020, các nhà thú y Colombia đã thiến được 8 con, mỗi ca thiến hà mã về sau tốn tới… 100 triệu peso (tương đương gần 30.000 USD), rẻ hơn ca đầu tiên, nhưng quá ư tốn kém. Tiền do Cục Phòng chống ma túy Colombia lấy từ tài sản tịch thu được của bọn buôn bán ma túy, nhưng luôn luôn không đủ…

Giới sinh học cho rằng hiện nay ở sông Magdalena và các nhánh của nó có khoảng 80 con hà mã, những con đực đến tuổi trưởng thành trước 5 năm so với ở châu Phi, con cái năm nào cũng đẻ con chứ không 2-3 năm một lần như ở châu Phi. Mỗi năm, hà mã nhân giống một nhiều, nếu tiếp diễn, thì 20 năm sau, Colombia sẽ có 1.500 cá thể. Để giảm tiến độ, cần thiến mỗi năm không phải 1-2 ca mà ít nhất là 30 ca và cách ly cả con đực, cả con cái. Từ năm 2019, các bác sĩ thú y đã cho chúng dùng… thuốc tránh thai của lợn nhưng chưa thấy kết quả.. Các nhà thú y Colombia thú nhận 10 năm qua không tìm được cơ quan sinh dục của loài vật ngoại lai này để mà triệt sản.

Hà mã Colombia hiện thời chưa động đến con người, nhưng các chuyên gia lo ngại sinh vật sở tại sẽ bị ảnh hưởng. Đến từ châu Phi, hà mã cạnh tranh nguồn thức ăn với loài lợn biển quý hiếm cũng như loài rùa nước ngọt ở sông Magdalena và ăn đứt bọn chúng. Các nhà khoa học nhận xét: cặn bã do hà mã thải ra lắng xuống đáy sông làm sản sinh những vi khuẩn và rong rêu, nước mất trong, dẫn đến cái chết của loài tôm cá.

Nhưng biết làm sao, bởi nếu bắt được tất cả những con hà mã bỏ trốn cũng không thể gửi trả lại cố hương của chúng. Từ năm 2007, các nhà chức trách Colombia đã gợi ý nhiều quốc gia châu Phi nhưng nước nào cũng từ chối, mà việc cách ly thì tiến hành rất chậm chạp. 

Hà mã Colombia có hại và đang đe dọa những loài vật sở tại đang dần biến mất. Không ai thích cái ý tưởng phải bắn chết hà mã, nhưng đâu có một chiến lược nào khác.

Thật khó tưởng tượng nổi sau gần 30 năm bị tiêu diệt, tên trùm ma túy vẫn còn để lại hậu họa cho con người và môi trường Colombia tới tận bây giờ.

Đăng Bẩy (Tổng hợp)
.
.