Trung Quốc: Chống tham nhũng trong lãnh đạo

Thứ Hai, 14/12/2009, 15:25
Tham nhũng và chống tham nhũng ở Trung Quốc giờ đây không còn là chuyện kiêng kị. Chính quyền Bắc Kinh trong những năm gần đây đã liên tiếp tung ra nhiều chiến dịch chống tham nhũng rất quyết liệt. Không chỉ có chính quyền nói mạnh, làm gắt mà ngay cả những người dân cũng ủng hộ và tích cực tố cáo quan tham.

Hàng loạt quan tham bị vào tù

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency Internationnal), gần đây Trung Quốc đã có những cố gắng trong cuộc chiến với quốc nạn của họ - tham nhũng. Hiện Trung Quốc đứng hàng thứ 72 trên thế giới về tham nhũng.

Một tháng trước ngày kỷ niệm 60 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra một bản báo cáo dày cộp về cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Trong vài tháng gần đây, hàng loạt các nhân vật lãnh đạo cấp vùng đã bị kết án vì tội tham nhũng. Gần đây nhất là hôm 1/9, Phó chủ tịch Khu tự trị Quảng Tây bị kết án 18 năm tù vì biển thủ hàng triệu nhân dân tệ.

Trước đó, người ta cũng thấy nào là Thị trưởng thành phố Thâm Quyến, Phó chủ tịch Tòa án tối cao hay ông chủ của ngành hạt nhân Trung Quốc cũng phải ra hầu tòa vì tham nhũng. Mới đây, trong một chiến dịch chống mafia tại Trùng Khánh, người ta đã phát hiện ra có rất nhiều nhân vật cao cấp trong ngành công an và tư pháp đã bảo kê cho các thành viên Hội Tam hoàng và  một số thương gia.

Zhou Jiugeng.

Các lĩnh vực như năng lượng và các công ty nhà nước, nơi những khoản tiền tham nhũng là rất lớn, cũng đang được rà soát lại toàn bộ, giống như lĩnh vực ngân hàng và bất động sản trước đây. Vụ Rio Tinto, tên của tập đoàn khoáng  sản Anh - Australia, đã dẫn tới việc bắt giữ một người Australia bị tình nghi tham nhũng, nhưng cũng có rất nhiều quan chức công ty nhà nước Trung Quốc, là khách hàng của Rio-Tinto, cũng bị liên quan.

"Chính phủ không thể không biết mức độ tham nhũng xuyên quốc gia của các công ty nước ngoài đóng tại Trung Quốc hay những công ty Trung Quốc ở nước ngoài" - Jian Renming, Giám đốc một trung tâm nghiên cứu về chống tham nhũng tại Đại học Tsinghua, Bắc Kinh, cho biết.

Ran Liao, điều phối viên của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đã có một đường lối chính sách chống tham nhũng mạnh mẽ. Mọi công cụ pháp lý đều được chuẩn bị sẵn sàng. Nhiều công cụ và cách làm của quốc tế đã được Trung Quốc áp dụng.

Với tất cả những thứ đó, nạn tham nhũng tại Trung Quốc sẽ sớm bị bài trừ. Tuy nhiên, ông Ran Liao cũng cho rằng trung bình chỉ có 3% quan chức tham nhũng ở Trung Quốc có nguy cơ phải ngồi tù. Vì thế mà tham nhũng ở Trung Quốc vẫn là "một hoạt động rất sinh lợi và ít rủi ro".

l 7 cách tố cáo nạn tham nhũng trên Internet

Để hưởng ứng chính sách chống tham nhũng của nhà nước, người dân và các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã thảo ra 7 cách để tố cáo tham nhũng chỉ thông qua việc sử dụng Internet hàng ngày.

Việc tìm kiếm cá nhân trên mạng, dù với mục đích nào đi nữa, đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Xuất phát từ quan điểm cho rằng nếu bạn thích một ai đó, hãy gõ tên họ vào công cụ tìm kiếm trên Internet, bạn sẽ có được tất cả thông tin về người đó một cách nhanh chóng.

Ngược lại, nếu đó là người bạn ghét, làm điều tương tự, bạn sẽ biết được nhiều điều tồi tệ về họ. Cách làm này cho thấy sức mạnh của sự hợp tác giữa những người chuyên đi lùng sục thông tin về người khác, và họ có thể là những người trong cộng đồng mạng. Khi mà cuộc chiến chống tham nhũng đang là vấn đề hết sức nóng bỏng thì 7 cách được liệt kê sau đây là giải pháp hữu hiệu cho vấn nạn này:   

Cách đầu tiên là tìm kiếm những bức ảnh về nhân vật mình quan tâm. Vào tháng 12/2008, Zhou Jiugeng, một trong những lãnh đạo của Sở Địa chính quận Giang Ninh thuộc thành phố Nam Kinh, ra quyết định cấm giới kinh doanh nhà đất bán lỗ tài sản, tức bán giá thấp hơn giá trị thực của tài sản.

Quyết định này khiến người dân quận Giang Ninh vô cùng phẫn nộ và họ đã tiến hành một cuộc tìm kiếm những bức ảnh của vị lãnh đạo này trên báo chí. Họ để ý thấy ông Zhou đã thay 4 chiếc đồng hồ đắt tiền trong vòng một năm, đi xe Cadillac và hút thuốc lá thượng hạng với giá 140 euro/điếu. Cuối cùng, cơ quan điều tra đã vào cuộc và kết quả là vị lãnh đạo này bị cách chức ngay sau đó.  

Cách thứ hai là "giật tít" các bài viết trên mạng, gây sự chú ý, nhằm dấy lên sự phẫn nộ của dư luận. Đó là trường hợp hạ bệ ông Dong Feng, cựu Bí thư Thành ủy thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Vào đầu năm 2008, Wang Peirong, giảng viên một trường đại học của thành phố, tố cáo với chính quyền về việc ông Dong đã dụ dỗ, quấy rối nhiều giảng viên nữ ở trường.

Vị giảng viên này đã đăng một bài báo trên Internet với tựa đề "Bí thư trụy lạc nhất và đồng thời là tên mafia quyền lực nhất Trung Quốc". Bài báo trên đã khiến ông Dong trở thành tâm điểm trong các cuộc tìm kiếm trên Internet. Sau đó vài ngày, ông ta bị cảnh sát theo dõi và bắt giữ.

Thứ ba là nhắm đến những "ngôi sao đang lên" trên mặt trận chính trị. Vào tháng 6/2009, Zhou Senfeng, được bổ nhiệm vào ghế thị trưởng thành phố Nghi Thành, tỉnh Hồ Bắc. Ở tuổi 29, anh là người trẻ nhất đứng đầu một thành phố ở Trung Quốc.

Sự bổ nhiệm này khiến cho cư dân mạng nghi ngờ về sự non nớt và thiếu kinh nghiệm của vị lãnh đạo trẻ tuổi này. Người ta còn nghi ngờ về việc anh ta đã đạo văn trong luận án tốt nghiệp Trường đại học Thanh Hoa-Bắc Kinh. Vì vậy, lãnh đạo trường đại học này tuyên bố sẽ tiến hành điều tra về vụ việc trên.

Cách thứ tư là moi móc những bí mật lớn của các quan chức bắt nguồn từ những điều tưởng chừng như vô hại. Yu Liujiang, Giám đốc Sở Cảnh sát thành phố Đông Dương, thuộc tỉnh Chiết Giang, đã cho đào một cái giếng bất hợp pháp trong biệt thự của mình, việc này đã gây ra một trận hỏa hoạn vào tháng 4/2009.

Tin tức này không thoát khỏi tai mắt của cư dân mạng. Bởi, một cán bộ cảnh sát đào đâu ra tiền để xây biệt thự trị giá hơn 4 triệu NDT (khoảng 360.000 euro)? Các cư dân mạng bắt đầu tiến hành cuộc điều tra nhân thân và gia đình vị giám đốc này trên mạng. Cơ quan điều tra cũng đã vào cuộc nhưng cuối cùng ông giám đốc này được tuyên bố vô tội.

Giải pháp thứ năm là nhắm đến những cán bộ lạm dụng chức quyền. Một đoạn phim của Lin Jiaxiang, nguyên Tổng thư ký Ủy ban Hàng hải thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, bị phát tán trên mạng vào tháng 11/2008. Đoạn phim có quay cảnh vị cựu bí thư này đang quấy rối một cô gái trẻ. Cảnh sát đã mở cuộc điều tra và ông ta bị sa thải ngay sau đó.

Thứ sáu là tạo một trang web chống tham nhũng. Trên những trang web như Zhongguo Yulun Jiandu Wang (Kiểm soát tham nhũng trên mạng, ra đời năm 2003) và Zhongguo Fanfu Changlian Wang (China Integrity Net),... hai trang web này thuộc quản lý của chính phủ, và người ta có thể tìm thấy các đơn tố giác và một vài nhân chứng.

Cách thứ bảy là xem xét đến những hóa đơn thanh toán bất thường của các vị quan chức. Đầu năm nay, một cư dân trên mạng đã phát hiện ra một cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Fufeng thuộc tỉnh An Huy sử dụng tiền công để thanh toán hóa đơn nhà hàng.

Trường hợp tương tự đối với hóa đơn thanh toán cho những chuyến đi "công tác" đến Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang và Tân Du thuộc tỉnh Giang Tây. Sau khi vụ việc này được đưa ra ánh sáng, hai vị quan chức này bị sa thải và chịu nhiều hình phạt khác

Bảo Phương (tổng hợp)
.
.