Cuộc chiến làm trong sạch bộ máy lãnh đạo các cấp của Trung Quốc vẫn cam go

Thứ Năm, 09/08/2018, 16:55
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có 36.618 quan chức Trung Quốc bị kỷ luật do vi phạm các quy định và điều lệ Đảng. Thông tin do Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đưa ra cho thấy cuộc chiến làm trong sạch bộ máy lãnh đạo các cấp tại Trung Quốc vẫn đầy cam go.

Giật mình những con số

Trong thông báo vừa được công bố, CCDI nêu rõ các quan chức này đã dính líu vào 25.677 vụ việc, trong đó tội nhẹ phổ biến nhất là trao tặng tiền thưởng và trợ cấp trái phép, tiếp đến là tặng hoặc nhận quà, sử dụng các phương tiện công sai mục đích. Theo CCDI, riêng trong tháng 6-2018, có 9.519 cán bộ dính líu tới 6.692 vụ việc đã bị kỷ luật.

So sánh với con số được CCDI công bố sẽ thấy rõ việc quyết liệt chống tham nhũng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Lấy ví dụ trong quý I/2017, cơ quan kiểm tra kỷ luật các cấp trên toàn quốc đã tiếp nhận 623.000 lượt đơn thư tố cáo và tiến hành xử lý kỷ luật đối với 85.000 cán bộ, đảng viên.

Một nghi phạm bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ. Ảnh: Xinhua.

Trong số các cán bộ, đảng viên bị kỷ luật có 14 lãnh đạo cấp tỉnh và cấp bộ, trên 400 cán bộ cấp sở/cục thuộc tỉnh và hơn 3.500 cán bộ cấp phòng ở các huyện, 13.000 cán bộ cấp thôn, xã. Trong số 85.000 đối tượng bị xử lý kỷ luật nói trên có 71.000 trường hợp là đảng viên. Còn trong năm 2016, có tới 415.000 cán bộ đã bị kỷ luật do vi phạm quy định, điều lệ của Đảng cũng như những sai phạm khác.

Theo CCDI, các cán bộ ở nhiều cấp khác nhau đã bị kỷ luật, trong đó có 76 quan chức cấp tỉnh và cấp bộ, cùng với 256.000 cán bộ thuộc các doanh nghiệp và khu vực nông thôn. Như vậy là so với các năm trước, con số cán bộ bị kiểm tra và kỷ luật 6 tháng đầu năm 2018 có xu thế giảm hơn những năm trước.

Cũng nhìn lại một cách tổng thể chiến dịch trong 5 năm qua để thấy rõ hơn kết quả của quá trình gian khổ này. Tính từ cuối năm 2012 - thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khởi động chiến dịch quét sạch nạn tham nhũng, bài trừ thói tiêu pha xa xỉ, chỉnh đốn tác phong làm việc và xử lý những sai phạm khác. CCDI cho biết, không kể con số 6 tháng đầu năm 2018, trong vòng 5 năm qua, khoảng 262.600 quan chức và cán bộ đã bị kỷ luật trong chiến dịch chống xa hoa, lãng phí và phong cách làm việc quan liêu của giới quan chức.

Theo báo cáo của CCDI, tính đến tháng 10-2017, các cơ quan kiểm tra kỷ luật trên toàn Trung Quốc đã tiến hành điều tra khoảng 193.200 trường hợp liên quan đến việc vi phạm điều lệ Đảng được ban hành ngày 4-12-2012, trong đó có tới 29 trường hợp liên quan đến các quan chức cấp cao. CCDI cho hay chiến dịch này nhằm vào thực tế chi tiêu ngân sách công cho các món quà, tiệc tùng, ngày nghỉ, lễ, tết.

Theo CCDI, số lượng trường hợp như vậy đã giảm đi hằng năm. Cụ thể, từ tháng 12-2012 đến tháng 10-2017, có khoảng 45.500 trường hợp vi phạm đã bị vạch trần, 68,6% trong số đó xảy ra vào các năm 2013, 2014 và 3,5% trong năm 2017.

Bên cạnh đó, các quan chức còn bị điều tra do tổ chức các lễ cưới và đám tang xa hoa, phung phí cũng như thường xuyên lui tới các hộp đêm cao cấp. Trong khi đó, nhiều cán bộ lãnh đạo cũng đã phải chịu trách nhiệm về việc không kỷ luật các cấp dưới của họ, theo đó, từ năm 2015 đến tháng 8-2017, hơn 18.240 quan chức đã bị kỷ luật do sự lơ là này.

Tuy nhiên, CCDI cũng thừa nhận rằng chiến dịch này đang vấp phải khó khăn bởi thực tế về “chủ nghĩa hình thức” và “thói quan liêu” vẫn đang rất nhức nhối.

Bộ quy tắc 8 điểm - "vòng kim cô" siết quan tham

Từ cuối năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành bộ quy tắc 8 điểm nhằm giảm bớt các thói quen làm việc đáng trách và yêu cầu duy trì các mối quan hệ chặt chẽ với người dân. Hiện CCDI sở hữu một cơ chế báo cáo hằng tháng về công tác thực thi các quy định trong các chính quyền cấp tỉnh, các cơ quan trung ương và chính phủ, các doanh nghiệp quốc doanh và các tổ chức tài chính trung ương.

Thông tin từ CCDI cho biết, chỉ trong tháng 10 đầu năm 2017, trên toàn Trung Quốc đã có 6.190 cán bộ bị kỷ luật vì vi phạm “Tinh thần 8 quy định của trung ương về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí” (8 quy định), trong đó có 4.346 người bị xử kỷ luật Đảng.

Theo CCDI, 6.190 cán bộ nói trên có liên quan tới 4.353 vụ vi phạm. CCDI đã thiết lập và triển khai chế độ thông báo định kỳ hằng tháng về tình hình chấp hành “8 quy định” và danh tính cụ thể của các cán bộ vi phạm tại 31 tỉnh/thành phố/khu tự trị và Binh đoàn Xây dựng Tân Cương, 139 cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng và Chính phủ, 98 doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương và 15 tổ chức tài chính trung ương.

CCDI khẳng định hằng tháng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách công khai danh tính những người vi phạm “8 quy định” để ngăn chặn những hành vi vi phạm của cán bộ, đồng thời chỉnh đốn tác phong làm việc không đúng mực.

Để siết chặt hơn nữa kỷ cương, kỷ luật với cán bộ và đảng viên tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng thêm quyền lực cho Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương. Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) ngày 13-8-2017 đã chính thức công bố “Điều lệ công tác kiểm tra kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc” sửa đổi.

Theo đó, điều lệ mới sẽ mở rộng diện đối tượng chấp hành sự giám sát của CCDI, bao gồm những người đứng đầu các tổ chức đảng tại tòa án nhân dân cấp cao, viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương, các bộ và ủy ban trực thuộc trung ương, doanh nghiệp nhà nước quan trọng, và các công ty tài chính.

Điều lệ cũ (ban hành tháng 7-2009) quy định công kiểm tra của CCDI tập trung vào các diện đối tượng là quan chức lãnh đạo cấp tỉnh, tỉnh/thành ủy, ủy ban thường vụ đại hội đại biểu nhân dân (nhân đại) và chính hiệp cấp tỉnh.

Điều lệ mới nhấn mạnh công tác kiểm tra sẽ tập trung vào những biểu hiện vi phạm kỷ cương chính trị, các chính sách của đảng và hiện tượng câu kết bè phái trong đảng.

Những hành vi như hối lộ, lợi dụng chức quyền để phục vụ mục đích cá nhân, mua quan bán chức, gian lận bầu cử, suy thoái đạo đức cũng sẽ nằm trong phạm vi xử lý của điều lệ mới. CPC đã và đang không ngừng đẩy mạnh công tác kiểm tra kỷ luật, và coi công tác này là “thanh kiếm sắc” trong quản lý và điều hành Đảng Cộng sản Trung Quốc những năm gần đây.

Công an Trung Quốc mở các đợt tuyên truyền giúp người dân hiểu về tội phạm kinh tế. Ảnh: XKB.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ rất sớm cũng đã coi chống tham nhũng là vấn đề sinh tử của đất nước, và Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia mạnh tay nhất đối với tệ tham nhũng. Nguyên Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Chu Dung Cơ khi mới lên nhậm chức từng phát biểu: “Nếu có 100 viên đạn, tôi sẽ dành 99 viên cho tội phạm tham nhũng. Viên còn lại dành riêng cho tôi nếu cuộc chiến chống tham nhũng thất bại”.

Trong báo cáo công tác của Chính phủ trình bày tại phiên họp thứ 4 Quốc hội khóa X ngày 5-3-2006, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã một lần nữa nhấn mạnh đến việc kiên quyết trừng trị và ngăn chặn nạn tham nhũng, ăn hối lộ, những thói quen thiếu lành mạnh trong xây dựng, chuyển nhượng đất đai, chuyển giao tài sản...

Trong khi đó, tại Hội nghị quốc tế về chống tham nhũng được tổ chức tại Bắc Kinh tháng 10-2006, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào trong bài diễn văn khai mạc đã nhấn mạnh: “Chúng tôi coi chống tham nhũng là nhiệm vụ hàng đầu và cấp thiết, có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của toàn đất nước”.

Tại sao các vụ vi phạm vẫn chưa thể chấm dứt?

Trong thời gian 5 năm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” và xử lý những quan chức vi phạm 8 quy định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, hàng triệu quan chức các cấp ở nước này đã bị "ngã ngựa". Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao các vụ vi phạm vẫn chưa thể chấm dứt?

Tờ Đông Phương nhật báo (Hongkong) dẫn phát biểu gần đây của Giáo sư Kinh tế Hồ Tinh Đấu của Đại học Công nghệ Bắc Kinh cho rằng, công cuộc phòng chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ngày càng quyết liệt. Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, hiện nay, các biện pháp phòng chống tham nhũng tuy đã đạt được hiệu quả cao, nhưng vẫn cần cải thiện hơn nữa.

Paul Monk, chuyên gia về Trung Quốc cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng ở Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc là một nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất nhanh, vì vậy có một khoản thặng dư ngân sách lớn, do đó, có rất nhiều cơ hội kiếm tiền trong mọi lĩnh vực.

Thứ hai, bộ máy chính quyền của Trung Quốc dù đã có nhiều cố gắng thay đổi theo hướng tích cực trong nhiều năm qua, tuy nhiên vẫn còn quan liêu, một bộ phận không nhỏ công chức chưa được trả lương cao theo lao động, nên dễ bị những cá nhân, tổ chức có nhiều tiền mua chuộc. Vì vậy, việc nhiều người trong số họ nhận hối lộ là điều khó tránh khỏi.

Theo chuyên gia phòng chống tham nhũng ở Trung Quốc, điều căn bản nhất muốn trị tận “gốc” nạn tham nhũng là phải dám đột phá và giải quyết mối quan hệ giữa sự lãnh đạo với Hiến pháp và pháp luật cũng như với ngành tư pháp. Cần phải tách các cơ quan về phòng chống tham nhũng, giám sát ở trung ương và địa phương phải độc lập với hệ thống hành chính. Cơ quan phòng chống tham nhũng phải độc lập...      

Chống tham nhũng cần phải là một ưu tiên

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi đấu tranh chống tham nhũng là một ưu tiên, và đòi hỏi sự cộng tác của tất cả đảng viên chân chính và nhân dân Trung Quốc.

Sau khi nắm quyền vào năm 2012, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố tham nhũng không chỉ là một vấn đề nghiêm trọng, mà còn là mối đe dọa sự tồn vong của nhà nước. Đúng như Tạp chí Forbes (Mỹ) từng viết, những tiến triển và thành quả giành được trong công cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc được mọi người ghi nhận.

Các chuyên gia quốc tế cũng ghi nhận, nhờ nỗ lực kiềm chế tham nhũng, Trung Quốc cũng đã giảm bớt đói nghèo và phát triển đất nước ở quy mô lớn trong vài năm qua. Nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc có thể đẩy nhanh quá trình phát triển của mình nếu các biện pháp chống tham nhũng nghiêm ngặt được thực thi triệt để.

Hiện Trung Quốc đang mở rộng phạm vi khi thiết lập quan hệ hợp tác chống tham nhũng với gần 100 nước và vùng lãnh thổ, ký kết hàng chục hiệp ước dẫn độ và hiệp định tương trợ tư pháp. Theo tuyên bố của CCDI, các đoàn kiểm tra đã được cử đến làm việc tại Quốc hội và Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân.

Ngoài ra, CCDI cũng cử đoàn kiểm tra tới các bộ như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính và một số cơ quan đảng như Ủy ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương. Các đoàn kiểm tra làm việc dưới sự chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tập trung vào các vấn đề như quá trình xây dựng đảng, các biện pháp chống tham nhũng và thực hiện chính sách của đảng và nhà nước tại các đơn vị.

Tại cuộc làm việc mới đây của CCDI, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và ông đã phát biểu rằng: "Nạn tham nhũng đã giảm nhưng vẫn chưa biến mất". Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, chiến dịch chống tham nhũng hiện vẫn còn "khó khăn, gian khổ, phức tạp". Cơ quan chức năng của Trung Quốc cho biết, việc chống tham nhũng sẽ không dừng lại.

Hoa Huyền
.
.