Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông

Thứ Năm, 29/03/2018, 14:26
Trung Quốc ngày càng hoạt động tích cực tại khu vực Trung Đông, cạnh tranh với Nga và Mỹ để gây ảnh hưởng trong khu vực. Những thành tựu của Trung Quốc tại đây là không thể phủ nhận. Nhưng lí do gì khiến nước này quan tâm đến khu vực Trung Đông đến vậy?

Báo Vzglyad (Quan điểm) của Nga đã đặt ra câu hỏi: vậy ý nghĩa chiến lược, dự định trong tương lai của Trung Quốc là gì?

Chiến lược tiếp cận

Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 30 máy bay do thám tấn công không người lái Rainbow-4 cho các quốc gia tại Trung Đông, nhất là cho Arab Saudi và Iraq. Theo báo cáo từ Hiệp hội Hàng không - Vũ trụ Trung Quốc, việc xuất khẩu máy bay không người lái sang các quốc gia này không chỉ nằm trong dự án “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, mà còn là vì vai trò của các phi cơ này trong các hoạt động chống khủng bố boàn cầu. Tất cả đều nhằm mở rộng trao đổi quân sự giữa các quốc gia với nhau và tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Vào tháng 9 năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra dự án “Vành đai và con đường”. Đây là một dự án mang tính chiến lược toàn cầu, bao gồm xây dựng một vành đai kinh tế của Trung Quốc theo con đường tơ lụa trước kia và xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển của thế kỉ 21”.

Dự án này nhằm xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng rộng khắp từ biên giới phía tây Trung Quốc tới biên giới phía đông và phía nam châu Âu. Để đạt được điều này, Trung Quốc cần phải thúc đẩy trở lại sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, vốn giảm từ mức 10,4% vào năm 2010 xuống còn 6,9% trong năm 2017.

Những tuyến đường mới này sẽ giúp Trung Quốc tối ưu hóa việc vận chuyển, và giảm giá thành hàng hóa của họ, bên cạnh đó còn giúp họ tăng cường vị thế của mình tại thị trường Á-Âu cũng như tạo ra thêm nhiều cơ hội giúp họ tiếp cận được với các thị trường khác trên thế giới, nhất là thị trường tại châu Phi.

Vành đai kinh tế của Trung Quốc theo con đường tơ lụa trước kia cũng sẽ giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng về địa chính trị vì nó kết nối nhiều quốc gia với các nền kinh tế cùng nguồn lực về công nghệ, con người, tài chính và chính trị.

Trung Đông giữ một vai trò rất quan trọng đối với việc thực hiện dự án đầy tham vọng này: đặc điểm về vị trí địa lý đã biến nơi đây thành khu vực trung chuyển quan trọng giữa châu Á và châu Âu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón các lãnh đạo tham gia diễn đàn “Một Vành đai, Một Con đường” tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 14-5-2017.

“Giữa hai làn đạn”

Việc áp dụng ý tưởng này vào thực tiễn đòi hỏi các nguồn lực về kinh tế và năng lượng rất lớn của Trung Quốc. Bắc Kinh đặc biệt coi trọng vai trò của Trung Đông: năng lượng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong năm 2017, lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng thêm 26,9%, đạt 68,6 triệu tấn. Sản lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng 10,2% (419,57 triệu tấn).

Qatar là một trong những nhà cung cấp khí đốt chính cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nhập khẩu dầu từ Iraq, Iran và Arab Saudi. Trước đây, Riyad từng là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc, nhưng vào năm 2016 và năm 2017, Arab Saudi đã bị Nga “vượt mặt”.

Do vậy, tự nhiên Trung Quốc đã trở thành một trong các đối tác kinh tế - thương mại quan trọng nhất của các quốc gia Trung Đông. Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỉ USD vào Iraq, Iran và các quốc gia Vùng Vịnh khác. Và Trung Quốc cũng dự định mở rộng đáng kể sự hợp tác này, bằng cách hình thành một khu vực thương mại tự do (FTA), quy tụ tất cả các thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan tâm đến Palestine. Vào tháng Giêng năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 50 triệu nhân dân tệ cho quốc gia này - gần 8 triệu đô la. Song song đó, Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển quan hệ với Israel. Chẳng hạn, các công ty của Trung Quốc hiện đang xây dựng một bến cảng mới tại cảng Ashdod, tuyến đường sắt tại Tel-Aviv và một đường hầm tại Mount Carmel ở Haifa.

Quan trọng hơn thế, họ rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ của Israel như trong các ngành về Internet, an ninh mạng, các thiết bị y tế, năng lượng thay thế và nông nghiệp.

Iran từ lâu đã có mâu thuẫn với Israel, tuy nhiên điều này cũng không cản Tehran và Trung Quốc xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị và lâu dài. Trung Quốc đã thường xuyên giúp nước Cộng hòa Hồi giáo này trong những thời kỳ khó khăn nhất khi Tehran phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế, và mối quan hệ hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển: thương mại song phương đã tăng 22% vào năm 2017, đạt 30,5 tỉ USD.  Điều quan trọng nữa là người Iran còn sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch hợp tác này.

Vì vậy, Trung Quốc phải duy trì vị thế cân bằng trong hệ thống các mối quan hệ chính trị phức tạp tại Trung Đông. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng phải nuôi dưỡng, xây dựng mối quan hệ hòa hảo với các quốc gia có quan hệ thù địch lẫn nhau. Một trong các lợi thế của Trung Quốc là không xung đột về tôn giáo, thuộc địa và lịch sử có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác.

Trung Quốc không thể hiện sự phân biệt đối xử trong quan hệ giữa người Do Thái với người Arab, hay giữa người Sunni với người Chite, và duy trì chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia trên. Tất cả điều này đều trái ngược với chính sách quân sự mà các thế lực bên ngoài vẫn luôn tiến hành tại khu vực Trung Đông.

Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng đang quan tâm tới các vấn đề an ninh tại các khu vực này, nhất là đối với sự đe dọa của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Giống như Nga, Trung Quốc cũng phải đối mặt với mâu thuẫn bên trong của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Người Hồi giáo ở Trung Quốc đã tham gia chiến đấu trong hàng ngũ các tổ chức khủng bố như của IS và Mặt trận al-Nosra. Những thành phần này có thể sẽ quay về Trung Quốc để hoạt động.

Ngoài ra, các nhóm khủng bố tại Trung Đông cũng đang đe dọa đến các lợi ích về kinh tế của Trung Quốc, nhất là đối với kế hoạch thực hiện dự án “Vành đai và con đường” của Bắc Kinh. Đó là lí do tại sao, Bắc Kinh lại ủng hộ việc chống lại chủ nghĩa khủng bố tại Trung Đông bằng cách bán vũ khí và máy bay không người lái cho các quốc gia trong khu vực này.

Trung Quốc cũng đang nỗ lực để thúc đẩy hòa bình tại khu vực này, vì các cuộc xung đột giữa những nước Trung Đông đã kéo dài gây trở ngại cho việc thực hiện dự án. Đặc biệt, Trung Quốc ủng hộ tất cả các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi. Tất cả điều này là nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực cũng như đảm bảo việc thực hiện ý đồ của họ.

“Bãi mìn” Trung Đông

Trong bối cảnh như hiện nay, chúng ta có thể tự hỏi liệu Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì sự cân bằng trong quan hệ với các nước Trung Đông hay không? Chỉ cần một tác động rất nhỏ lên bất kì mâu thuẫn nào trong hệ thống khu vực Trung Đông cũng có thể gây ra một phản ứng dây chuyền và làm leo thang căng thẳng cho những cuộc xung đột vốn đã phức tạp đang xảy ra tại khu vực này.

Chẳng hạn, quan hệ đối tác giữa Riyad và Bắc Kinh cũng không thể nào tránh khỏi những nghi ngờ liên tục phát sinh trong mối quan hệ này của họ: Arab Saudi đã có những nghi ngờ liên quan đến chính sách của Trung Quốc tại Syria. Trong cuộc khủng tại Syria, Trung Quốc đã đứng về phía Nga và Iran, phủ quyết một số quyết định do phương Tây đưa ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.  Điều này rõ ràng đã mâu thuẫn với các lợi ích của Riyad.

Trung Quốc cũng có những yêu sách riêng dành cho Arab Saudi khi vương quốc này ủng hộ những người Trung Quốc thuộc dòng Sunni và nhất là với người Duy Ngô Nhĩ. Rất nhiều hoàng tử của Saudi cổ vũ cho những nỗ lực của người Duy Ngô Nhĩ trong việc đấu tranh giành cho tự do tôn giáo. Đây là một trong các lí do khiến Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Saudi bằng cách đa dạng hóa nguồn cung và Nga cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện quá trình này.

Sự thiện cảm của Trung Quốc đối với Iran tất nhiên tác động đến các lợi ích của Israel và Hoa Kỳ, khi mà các quốc gia này muốn giảm bớt tầm ảnh hưởng của Iran tại khu vực Trung Đông. Việc phát triển của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải về phía Trung Đông và việc ủng hộ cho sự gia nhập của Iran vào tổ chức này hiện nay đương nhiên làm tăng thêm các mối lo ngại cho Riyad.

Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 30 máy bay do thám tấn công không người lái Rainbow-4 cho các quốc gia tại Trung Đông.

Mặc dù Bắc Kinh đã cố gắng duy trì tính trung lập bằng mọi cách, nhưng Trung Quốc sẽ bị buộc phải chọn đứng về phía nào và dĩ nhiên họ sẽ phải chọn Iran nếu nước này gia nhập vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Để giảm thiểu các rủi ro, Trung Quốc sẽ sử dụng các công cụ kinh tế có ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực, nhất là các lợi ích hấp dẫn về mặt kinh tế của dự án “vành đai”. Việc tham gia của các nước Trung Đông vào dự án này sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình đầu tư, tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và giúp hài hòa sự tăng trưởng không đồng đều đang diễn ra giữa các thành phố lớn.

Song song với đó, Trung Quốc cũng muốn mở rộng việc trao đổi văn hóa và giáo dục: họ dự định đào tạo các kỹ thuật viên cho các nước thành viên của dự án “vành đai”. Chiến lược này sẽ giúp loại bỏ các nguyên nhân gây mất ổn định trong quan hệ của họ với các nước Trung Đông. Các cuộc chiến tranh không có nghĩa là không còn chỗ để kinh doanh, mà đây là một trong các cơ hội quan trọng của Trung Quốc.

Những nghi ngại

Phát biểu trước 29 nguyên thủ quốc gia tại Diễn đàn Hợp tác quốc tế “Một vành đai, một con đường” giữa năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi chấm dứt mô hình hợp tác cũ dựa trên sự tranh giành quyền lực ngoại giao. “Chúng ta cần phải xây dựng một nền tảng hợp tác mở và duy trì cũng như mở rộng một nền kinh tế mở trên thế giới” - ông Tập Cận Bình nói.

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định ông có đầy đủ lý do để tin vào tương lai của dự án này. Theo ông Tập Cận Bình, mặc dù cam kết về con đường hướng tới "hòa bình và thịnh vượng" vẫn còn là một chặng đường dài nhưng có thể đạt được nếu tất cả các bên liên quan cùng nỗ lực.

Từ lâu, các chuyên gia đã cho rằng, với việc thúc đẩy xây dựng chương trình “Một vành đai, một con đường”, Trung Quốc muốn tăng cường ảnh hưởng chính trị của riêng mình, làm suy yếu ảnh hưởng của các đối thủ. Một số khác thì lo ngại Trung Quốc có thể làm suy yếu các chuẩn mực về nhân quyền, môi trường và các tiêu chuẩn khác trong việc cấp tín dụng, hoặc là để cho các nước nghèo đang trong tình trạng nợ nần chồng chất nhận được trợ giúp của Trung Quốc.

Cách đây 2.000 năm, đế chế Trung Hoa đã dùng con đường tơ lụa để vận chuyển sản phẩm của họ sang châu Âu bằng lạc đà. Ngày nay, sự khôi phục tuyến đường này sẽ cho phép Bắc Kinh áp đặt uy thế của cường quốc hàng đầu thế giới. Theo Tom Miller, tác giả cuốn biên khảo “Giấc mơ châu Á của Trung Quốc”, thì “một bước ngoặt quan trọng đã được thực hiện dưới thời ông Tập Cận Bình. Ngày nay, Trung Quốc muốn đóng một vai trò tích cực trên sân khấu quốc tế. Trung Quốc thực sự hiện diện ở hàng đầu và đang tìm cách đóng vai trò chủ đạo”.

Ông Miller cho rằng, guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc cố gắng cho mọi người tin rằng các tuyến đường bộ, đường sắt và hệ thống hải cảng được tài trợ với hàng tỉ đôla, sẽ có lợi cho tất cả. Trên thực tế, nước chủ yếu được lợi là Trung Quốc. “Trung Quốc muốn trở thành động lực kéo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi lên và thành nhà lãnh đạo ở châu Á. Trung Quốc tin rằng, khi giúp các nước khác phát triển, các nước đó sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Điều đó sẽ cho phép Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng về chính trị!” - ông Tom Miller nhận định.

Nhưng Trung Quốc cũng nhìn thấy rằng dự án đó là một giải pháp mầu nhiệm cho nền kinh tế của chính họ. Tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại và Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường mới, cơ hội mới ở nước ngoài. Chính vì những điểm còn mơ hồ trong dự án này mà nhiều nước còn tỏ ra nghi ngờ về lợi ích đem lại từ con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.

M.T. (tổng hợp)
.
.