Trung Quốc khai thác thông tin tình báo kinh tế như thế nào?

Thứ Bảy, 26/02/2011, 15:00
Báo chí châu âu trong thời gian gần đây đã thi nhau trích đăng tải nội dung một bản báo cáo đáng chú ý của cơ quan mật vụ Pháp liên quan đến các hình thức và phương pháp khai thác thông tin tình báo kinh tế của người Trung Quốc. Điều này cho thấy phương Tây đang tỏ ra lo ngại thực sự về hậu quả của những hoạt động tình báo kinh tế ráo riết từ phía cường quốc phương Đông này...

Thực ra, nguyên nhân về sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong những năm gần đây được giải thích có một phần quan trọng nhờ một chương trình tình báo kinh tế quy mô không còn là một thông tin quá mới.

Chẳng hạn như mới đây đã xuất hiện nhiều thông tin về chiếc máy bay tàng hình thế hệ mới của Trung Quốc được thiết kế và chế tạo sau khi Bắc Kinh săn lùng được những mảnh vỡ của chiếc máy bay F-117 của Mỹ bị bắn rơi tại Serbia vào năm 1999.

Tiếp đó là vụ bê bối cũng mới xảy ra tại Hãng xe hơi Renault của Pháp, khi 3 quan chức quản trị hàng đầu của công ty này đang bị điều tra vì những cáo buộc đã chuyển giao nhiều bí mật công nghiệp và thương mại cho Trung Quốc.

Chính vì vậy, việc trên báo chí Pháp và sau đó trên khắp thế giới xuất hiện nhiều đoạn trích trong một báo cáo mật của Cơ quan Mật vụ Pháp về hoạt động tình báo kinh tế Trung Quốc chỉ là một lời khẳng định cho một thực tế mà mọi người đã biết từ lâu. Nét mới trong bản báo cáo thu hút được sự chú ý của công luận chính là nó đã mô tả tỉ mỉ nhiều phương pháp khai thác thông tin tình báo kinh tế mà người Trung Quốc đang sử dụng.

Theo đó, một vài phương pháp trong số này thực ra đã là "thủ đoạn tác nghiệp" quá phổ biến đối với bất kỳ một cơ quan tình báo nào. Chẳng hạn như một chuyên viên nghiên cứu cao cấp của một hãng dược phẩm Pháp quen biết và có quan hệ tình ái với một cô gái Trung Quốc. Hậu quả là nhân vật này hoàn toàn bị suy sụp và phải đồng ý cộng tác sau khi được xem một đoạn băng hình ghi lại cảnh phòng the của ông ta trong khách sạn.

Tàu cao tốc CRH của Trung Quốc bị nghi ngờ đã được sản xuất dựa theo những bí mật thương mại của các tập đoàn TGV và Intercity-Express?

Hay một trường hợp khác được mật vụ Pháp gọi là "đánh cắp không cần bẻ khóa" mà nạn nhân cũng là một công ty của Pháp. Khi đó, một mẫu hóa chất lỏng đã được cấp bằng sáng chế bị đánh cắp trong thời gian một đoàn đại biểu Trung Quốc tới thăm trụ sở của công ty này. Một vị khách trong đoàn đã "vô tình" nhúng đầu chiếc cà vạt của mình vào bình chứa chất lỏng, nhờ đó bí mật về công thức chất lỏng trên đã được dễ dàng mang về Trung Quốc.

Tất nhiên còn có nhiều phương pháp khai thác thông tin tinh xảo hơn mà người Trung Quốc thường xuyên áp dụng. Một trong số này được họ mệnh danh là "kỹ thuật cá hấp đá" hay "kỹ thuật đỉa hút máu". Thông thường trong trường hợp này, một cơ quan nào đó tại Trung Quốc sẽ đứng ra tổ chức một gói thầu quốc tế với các điều kiện hấp dẫn thu hút sự chú ý của nhiều đối tác nước ngoài. Mục đích chính của những dự án kiểu này là chỉ để thu hút các công ty từ những quốc gia phát triển.

Khi những đối tác thuộc loại trên đã "cắn câu", mỗi bên đều được gợi ý rằng, về căn bản họ đã thắng thầu, nhưng để có được chiến thắng cuối cùng vẫn còn cần có những thông tin bổ sung. Điều này khiến phần lớn các công ty nước ngoài đều cố gắng cung cấp những thông tin chi tiết nhất về các sản phẩm hay dịch vụ của mình nhằm vượt qua các đối thủ cạnh tranh mà bỏ qua nhiều nguyên tắc về bí mật kinh tế.

Đến khi các nhà tổ chức tại Trung Quốc cảm thấy đã có được trong tay những thông tin cần thiết, tất cả các đối tác được thông báo gói thầu đã bị bãi bỏ hay trì hoãn. Chỉ một thời gian ngắn sau, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm tương đương của Trung Quốc được chế tạo trên cơ sở những thông tin đã thu nhận được.

Theo tờ The Daily Telegraph của Anh và Le Monde của Pháp, một ví dụ điển hình của "kỹ thuật đỉa hút máu" chính là trường hợp gói thầu cung cấp tàu cao tốc cho Trung Quốc. Trong gói thầu hấp dẫn trên có sự tham gia chạy đua của hai nhà sản xuất TGV của Pháp và Intercity-Express của Đức. Gói thầu trên đã bất ngờ bị bãi bỏ, sau khi các phái đoàn đại diện từ Trung Quốc được thoải mái đi tham quan các nhà máy sản xuất tàu cao tốc tại châu Âu, thu nhận được tối đa thông tin về các con tàu.

Công ty phía Pháp thậm chí còn tổ chức những chuyến tham quan kéo dài cả nửa năm dành cho các chuyên gia từ phía Trung Quốc. Kết quả là sau đó, người Trung Quốc đã cho xuất xưởng loại tàu cao tốc CRH của riêng mình với nhiều đặc điểm và tính năng tương tự như tàu của cả TGV lẫn Intercity-Express.

Ngoài ra, trong báo cáo của mật vụ Pháp còn nhắc tới một "công nghệ đánh cắp bí mật" hữu hiệu khác của người Trung Quốc. Mọi chuyện được bắt đầu từ một hợp đồng liên doanh sản xuất ngay tại Trung Quốc giữa một xí nghiệp địa phương với một công ty nước ngoài nào đó (tất nhiên có những công nghệ sản xuất tiên tiến về một mặt hàng nào đó mà người Trung Quốc đang quan tâm).

Chỉ một thời gian sau khi liên doanh trên chính thức đi vào sản xuất, trên thị trường liên tục xuất hiện những đối thủ cạnh tranh mới tại địa phương. Tất cả đều sản xuất những mặt hàng tương tự và trên thực tế được điều hành bởi những quan chức lãnh đạo công ty ban đầu đã tham gia vào liên doanh. Tất nhiên những đối thủ cạnh tranh trên đương nhiên đã được "thụ hưởng" đầy đủ những công nghệ và bí quyết của đối tác nước ngoài

Thái Quân (tổng hợp)
.
.