Trung Quốc khiến các quốc gia Bắc Mỹ “nhấp nhổm”

Thứ Sáu, 12/08/2011, 20:25

Charles Burton, giảng viên khoa học chính trị Đại học Brock cho rằng, có nhiều cá nhân ở Canada được phép sử dụng thông tin mật bị nghi ngờ bán bí mật cho Trung Quốc, song Canada lại không theo dõi bắt giữ số người này. Ông than thở: "Đó là tín hiệu cho phía Trung Quốc thấy rằng Canada là nơi mà điệp viên của họ dễ dàng làm mưa làm gió mà không hề sợ bị sờ gáy".

Vì sao Canada phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”?

Từ năm 2008, có ít nhất 57 người bị công tố viên liên bang Mỹ truy tố vì nghi ngờ dính líu đến gián điệp Trung Quốc hay âm mưu đánh cắp thông tin mật, công nghệ hay bí mật thương mại để bán cho tình báo Trung Quốc.

Một thẩm phán Mỹ - trong vụ án một cựu kỹ sư thiết kế máy bay ném bom B-2 bị buộc tội bán công nghệ tên lửa hành trình cho người Trung Quốc - tuyên bố ông muốn gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng: "Cần ngưng gửi điệp viên của các ông đến đây".

Nhưng ngược lại ở Canada, vài chuyên gia tình báo lập luận rằng, sự đấu đá trong nội bộ cơ quan liên bang, những khung pháp lý không hoàn chỉnh, nhiều vướng mắc trong luật tố tụng liên quan những vụ án gián điệp nước ngoài cuối cùng đã dẫn đến việc Canada khó có thể đưa bất cứ gián điệp nào ra tòa án trong vài năm qua.

Họ cũng nói "kỷ nguyên mới" trong quan hệ thương mại thân thiện với Trung Quốc - được nhấn mạnh qua cuộc viếng thăm Trung Quốc mới đây của Ngoại trưởng John Baird - đã khiến chính quyền do dự khi phải khởi tố vụ án chống gián điệp Trung Quốc.

Năm 2006, Ngoại trưởng Canada lúc đó là Peter MacKay cho biết chính quyền "lo ngại" mạng lưới gián điệp Trung Quốc đang âm mưu đánh cắp những bí mật công nghệ, và sẽ có vấn đề nảy sinh đối với chính quyền Trung Quốc.

Trong nhiều năm, Cảnh sát kị mã Hoàng gia Canada (RCMP) và Cơ quan An ninh tình báo Canada (CSIS) đã thường xuyên báo cáo về mối đe dọa gián điệp cũng như tội phạm có tổ chức từ Trung Quốc.

Ví dụ, báo cáo năm 2005 tiết lộ có đến 1.000 gián điệp kinh tế Trung Quốc hoạt động bên trong Canada.

Năm 2007, Giám đốc CSIS Jim Judd báo cáo trước một Ủy ban Thượng viện rằng Trung Quốc liên tục gửi một số lượng đông đảo gián điệp đến Canada - chiếm gần 50% trong tổng số điệp viên trong nước!

Trong tháng 6/2010, tân Giám đốc CSIS Richard Fadden thẳng thắn tuyên bố với báo chí về việc nhiều quan chức cao cấp địa phương của Canada bị tác động bởi chính quyền nước ngoài - ám chỉ chính quyền Trung Quốc.

Trong một diễn văn khác, Richard Fadden còn khẳng định sự bùng nổ công nghệ của Canada trong các lĩnh vực nông nghiệp, hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học, khai thác khoáng sản cũng như mọi khu vực kinh tế khác đang trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu của gián điệp kinh tế đến từ Trung Quốc.

Tháng 6/2011, CSIS cũng có báo cáo tương tự đến Quốc hội Canada. Trong năm nay, hệ thống máy tính của Ủy ban Tài chính, Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển & Nghiên cứu quốc phòng Canada, kể cả ở Hạ nghị viện đều bị tin tặc tấn công dẫn đến việc nhiều thông tin nhạy cảm của chính quyền Canada bị đánh cắp. Một số báo cáo tình báo nhận định: Cuộc tấn công bắt nguồn từ Trung Quốc cũng như mạng máy tính ở Bắc Kinh, song chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận sự liên quan.

Charles Burton, giảng viên khoa học chính trị Đại học Brock cho rằng, có nhiều cá nhân ở Canada được phép sử dụng thông tin mật bị nghi ngờ bán bí mật cho Trung Quốc, song Canada lại không theo dõi bắt giữ số người này. Ông than thở: "Đó là tín hiệu cho phía Trung Quốc thấy rằng Canada là nơi mà điệp viên của họ dễ dàng làm mưa làm gió mà không hề sợ bị sờ gáy".

Gar Pardy, người nhiều năm hợp tác với CIA của Mỹ, khẳng định chắc chắn điệp viên Trung Quốc đang hoạt động rầm rộ tại Canada, và ông có bằng chứng cho thấy không hề có gián điệp nào bị lôi ra tòa án nước này.

Sự kiện liên quan đến gián điệp duy nhất được công bố rộng rãi trong những năm gần đây là vụ án Haiyan Zhang. CSIS thừa nhận người phụ nữ này đe dọa đến an ninh quốc gia Canada. Mặc dù vậy, chính quyền Canada vẫn không khởi tố vụ án, thậm chí Haiyan Zhang cũng không bị trục xuất. Một nguyên nhân gây ra tình trạng không truy tố gián điệp nước ngoài là vấn đề hợp tác phản gián liên cơ quan của Canada.

Theo phân tích của Charles Burton, các cơ quan liên quan trong chính quyền Canada không có nguồn phục vụ cho việc xử lý những vụ án gián điệp khó khăn và phức tạp. Trong khi đó các quốc gia khác, không kể Mỹ, có vài vụ truy tố gián điệp nước ngoài thành công, dù số vụ án này có gặp khó khăn và mất nhiều thời gian.

Chuyên gia Juneau - Katsuya, tác giả cuốn sách "Ổ gián điệp",  lập luận rằng, về thực chất Canada không có bất cứ luật nào để truy tố bất cứ ai phạm tội gián điệp kinh tế hay công nghiệp. Theo ông, những tội phạm loại này chưa từng bị truy tố bởi vì "sự khó khăn, phải mất nhiều sức lực mà chúng ta lại không có bất cứ khung pháp lý nào".

Đối với Giáo sư Wesley Wark Đại học Toronto - người có vài lần tham gia đội ngũ cố vấn cho hai thủ tướng Paul Martin và Harper, còn có vấn đề khác nữa không được nêu ra trong cuốn "Ổ gián điệp" của Katsuya, đó là nhiều trường hợp gián điệp "được tiến hành bởi số quan chức nước ngoài được hưởng các đặc quyền ngoại giao".

Nhưng có lẽ vấn đề lớn nhất vẫn là mối quan hệ thương mại đang phát triển nhanh giữa Canada và Trung Quốc đã khiến cho chính quyền Canada chùn tay trong việc xử lý những vụ án gián điệp.

Ngoại trưởng John Baird, sau chuyến công du Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua, phát biểu rằng Trung Quốc là "đồng minh quan trọng" và "đối tác chiến lược" với Canada, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên số 1 của hai quốc gia là thương mại và tăng trưởng.

Chính quyền Trung Quốc cũng lưu ý rằng, mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước đang "tay trong tay".

Theo nhận định của Katsuya, tình huống này có nghĩa là quan chức chính quyền Canada hết sức thận trọng trong việc mạnh tay truy tố gián điệp Trung Quốc vì lo sợ mối quan hệ chính trị giữa hai nước bị đổ vỡ. Thay vào đó, Canada đang cố gắng "thu hút" Trung Quốc do viễn cảnh quốc gia khổng lồ này là sức mạnh kinh tế của Canada.

Mỹ: tiếp tục chuyến bay do thám Trung Quốc

Mỹ vẫn tiếp tục triển khai các chuyến bay do thám dọc biên giới Trung Quốc bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, đó là lời khẳng định công khai mới đây của Đô đốc Michael Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.

Phát biểu trên được ông Mullen đưa ra trong lúc bình luận về một vụ việc xảy ra hôm 29/6/2011, khi hai chiếc tiêm kích SU-27 của không quân Trung Quốc truy đuổi một chiếc máy bay do thám của Mỹ được cho là đã xâm nhập không phận Trung Quốc (Washington lại cho rằng, máy bay Trung Quốc đã vi phạm không phận Đài Loan).

Cái bắt tay đầy chất “xã giao” của Đô đốc Michael Mullen và Tướng Trần Bỉnh Đức trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua.

Phát biểu đáng chú ý trên được Đô đốc Michael Mullen đưa ra sau khi Bắc Kinh yêu cầu Mỹ phải ngừng ngay các chuyến bay do thám dọc theo biên giới của mình. Trung Quốc cảnh báo Mỹ rằng, những phi vụ của máy bay Mỹ dọc theo bờ biển nước mình đang làm xói mòn lòng tin giữa hai cường quốc và cản trở việc xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước.

"Chúng tôi yêu cầu Mỹ phải tôn trọng chủ quyền và những quyền lợi an ninh của Trung Quốc" - tờ Global Times trích dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Phản ứng ngay sau đó của ông Mullen là bác bỏ yêu cầu trên, đồng thời khẳng định những chuyến bay do thám vẫn sẽ tiếp tục bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Những căng thẳng mới trên đáng chú ý đã nảy sinh chỉ vỏn vẹn có 2 tuần, sau khi ông Mullen tới thăm Trung Quốc và có cuộc hội đàm với tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội nước này.

Trong cuộc gặp, tướng Trần Bỉnh Đức cũng nhắc nhở rằng, việc thiết lập lòng tin giữa hai bên đang bị cản trở bởi những chuyến do thám của các máy bay và tàu chiến Mỹ; những cuộc tập trận chung của Hải quân Mỹ với Nhật Bản, Australia, Philippines; chưa nói tới việc chính quyền Obama hứa hẹn bán cho Đài Loan lô vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD. Nhưng giờ đây, qua một bài báo trên tờ New York Times, tướng Mullen vẫn khẳng định nước Mỹ sẽ không từ bỏ trách nhiệm của mình trước các đồng minh và đối tác.

Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy, mâu thuẫn giữa hai bên về cơ bản vẫn chưa được giải quyết, trong khi không bên nào có ý định nhượng bộ. Bắc Kinh còn đẩy mạnh đáng kể những chỉ trích nhằm vào Washington, sau vụ việc mới đây tại vịnh Đài Loan, khi hai máy bay SU-27 của Trung Quốc tìm cách đánh chặn một chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi máy bay Trung Quốc vượt quá ranh giới không phận với Đài Loan, họ đã bị các máy bay F-16 của nước này cất cánh đuổi quay trở lại.

Một chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc thường xuyên cho các máy bay tiêm kích của mình xuất phát ngăn chặn các máy bay do thám của Mỹ. Nhiều người vẫn chưa quên vụ việc 10 năm trước, ngày 1/4/2001, khi một vụ va chạm đã xảy ra giữa các máy bay Trung Quốc và Mỹ khiến cho viên phi công lái chiếc tiêm kích J-8 thiệt mạng, còn chiếc máy bay EP-3E của Mỹ do hư hỏng đã buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Điều đáng chú ý là chính phía Mỹ lại tỏ ra bất bình hơn về vụ việc này, do Trung Quốc đã cố tình trì hoãn việc trao trả chiếc máy bay và phi hành đoàn. Các chuyên gia Mỹ cho rằng, Bắc Kinh lợi dụng thời gian này để nghiên cứu sao chép các chi tiết kỹ thuật của máy bay.

Mỹ bắt đầu triển khai các chuyến bay do thám Trung Quốc bắt đầu từ tháng 1/1951, sau khi lực lượng Quốc dân đảng bị đánh bật khỏi lục địa. Chương trình do thám này còn được đẩy mạnh ráo riết hơn, khi Trung Quốc bắt đầu triển khai chương trình hạt nhân của mình.

Khi quan hệ giữa hai nước bắt đầu nồng ấm kể từ năm 1972, Mỹ đã tạm ngừng các chuyến bay do thám trong khoảng 20 năm. Hoạt động trên được nối lại sau khi Liên Xô tan rã và Trung Quốc bắt đầu trên đà phát triển mạnh cả về kinh tế và sức mạnh quân sự.

Bắc Kinh đã tung ra những bằng chứng khẳng định, họ đã bắn rơi ít nhất 18 máy bay trong cuộc chiến chống lại những tên gián điệp từ trên không của Mỹ (trong khi Washington chỉ chính thức thừa nhận mất khoảng một nửa trong số này).

Điều chủ yếu gây lo ngại cho Washington hiện nay chính là tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng của lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Người Mỹ cũng không được biết nhiều về tiềm lực hạt nhân của Trung Quốc. Theo như Tiến sĩ Laura Saalman từ Canergy Fund, Mỹ cho rằng mối quan hệ với Trung Quốc cần phải đạt được một mức độ ổn định chiến lược. Mục tiêu này sẽ không thể đạt được, nếu như không có được sự minh bạch về tiềm lực hạt nhân, tương tự như trong quan hệ Moskva-Washington hiện nay. Nhưng Bắc Kinh lại không chấp nhận quan điểm tiếp cận như vậy. Về cơ bản, tiềm lực hạt nhân Trung Quốc còn thua kém nhiều so với Mỹ.

Giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc lo ngại rằng, trong khi yêu cầu Bắc Kinh phải đối thoại để tăng cường tính minh bạch, Mỹ mặt khác lại không thực thi các cam kết nhằm hạn chế các tham vọng riêng của mình, chẳng hạn trong lĩnh vực vũ khí hiện đại thông thường sử dụng cho những "đòn đánh nhanh trên phạm vi toàn cầu".

Đó là lý do khiến cơ sở của khái niệm kiềm chế hạt nhân từ phía Trung Quốc chủ yếu vẫn nghiêng về xu hướng bí mật chứ không phải minh bạch. Vì thế Bắc Kinh đang rất tích cực hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, cụ thể như tăng tầm bắn của các tên lửa đạn đạo, nâng cao các chỉ số chất lượng của tên lửa và đầu đạn

Trần Phong - Thái Quân (tổng hợp)
.
.