Trung tâm Huấn luyện cảnh sát của Mỹ tại Trung Đông

Thứ Ba, 08/12/2009, 17:00
Nằm sâu trong vùng hoang mạc Jawa phía đông thủ đô Amman của Jordan là một trung tâm huấn luyện cảnh sát lớn nhất và quan trọng nhất ở Trung Đông. Từ trung tâm này, Mỹ sẽ thực hiện kế hoạch an ninh cho toàn bộ các quốc gia đồng minh trong khu vực.

Đất Jordan, tiền Mỹ, và...

JIPTC - viết tắt của Trung tâm Huấn luyện cảnh sát quốc tế Jordan - là một trong những cơ sở quan trọng trong toàn bộ chiến lược an ninh đầy tham vọng của Mỹ và các đồng minh tại Trung Đông. Theo Jordan Times, JIPTC được xây dựng trên đất Jordan, nhận nguồn tài trợ từ Mỹ và làm nhiệm vụ huấn luyện cảnh sát, nhân viên an ninh không chỉ cho Jordan mà còn cho tất cả các nước đồng minh của Mỹ tại Trung Đông.

Tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng 5km2 là các dãy nhà, doanh trại dã chiến và các dãy nhà kho chứa đầy vũ khí và đạn dược. Không gian rộng mênh mông xung quanh khu vực được xem là môi trường lý tưởng cho việc xây dựng các trường tập bắn, huấn luyện tác chiến thực địa cho học viên.

Và hơn 2.000 nhân viên làm việc tại JIPTC chủ yếu là người Jordan, riêng khoảng 390 huấn luyện viên và giảng viên là các sĩ quan quân đội và cảnh sát được tuyển chọn từ 15 quốc gia, chủ yếu là Canada, Anh và Mỹ (bao gồm các nhà thầu an ninh tư nhân như DynCorp...).

JIPTC được thành lập vào khoảng gần cuối năm 2003 do một thỏa thuận giữa Jordan với Cơ quan Quyền lực lâm thời của liên quân (CPA) ở Iraq, hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của Đội Huấn luyện hỗ trợ cảnh sát dân sự (CPATT) của liên quân do Mỹ đứng đầu tại Iraq, và được Washington cấp kinh phí hoạt động khoảng 100 triệu USD/năm. Mỗi khóa huấn luyện của JIPTC này kéo dài 8 tuần, tập trung khoảng 1.500 học viên. Tham gia khóa huấn luyện này chủ yếu học viên được học kỹ năng làm cảnh sát như cách sử dụng súng, sơ cứu thương, và bảo vệ quyền công dân. Huấn luyện thực địa bao gồm mô hình hiện trường giả, vụ nổ giả, leo nhà cao tầng và bò, chạy vượt địa hình, chướng ngại vật. Mô hình huấn luyện được xây dựng gần giống như thực tế để học viên có thể áp dụng tốt ngay sau khi trở về nước. Kể từ năm 2006, do đòi hỏi từ tình hình thực tế, JIPTC đã thay đổi phương án huấn luyện, chuyển từ 3/4 lý thuyết và 1/4 thực hành sang 3/4 thực hành và 1/4 lý thuyết.

JIPTC thu nhận các học viên không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay trình độ học vấn mà chủ yếu dựa vào ý nguyện muốn làm cảnh sát của học viên. Học viên sau khi được nhận vào khóa huấn luyện được lĩnh lương hàng tháng, được trung tâm cung cấp đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, kể cả thẻ gọi điện thoại để liên lạc với gia đình. Dĩ nhiên, do tính chất nhạy cảm về an ninh của khu vực, cộng với mục tiêu, chiến lược và nhất là việc JIPTC nhận chỉ đạo trực tiếp từ Mỹ nên việc bảo đảm an ninh cho học viên đến học và sau khi tốt nghiệp trở về nước được đặt lên hàng đầu.

Do đó, việc sàng lọc, kiểm tra nhân thân học viên được tiến hành kỹ lưỡng qua nhiều giai đoạn: ngay sau khi học viên đặt chân tới JIPTC các huấn luyện viên, giảng viên của JIPTC không chỉ rèn luyện kỹ năng, giáo huấn lý thuyết cho học viên mà còn phải biết hòa mình sinh hoạt bên cạnh học viên để tìm hiểu họ nghĩ gì, muốn gì, họ là ai, thuộc thành phần nào, có phù hợp với chương trình huấn luyện ở đó không. Nếu đối tượng không phù hợp chương trình hoặc vi phạm nội quy trung tâm thì sẽ bị trả về nước ngay lập tức. Thường thì tỉ lệ bị đuổi về nước chiếm khoảng 4% lượng học viên của khóa huấn luyện.

Huấn luyện người Palestine để "trị" người Palestine

Trong các nước đồng minh của Mỹ thì Iraq là nước có lực lượng cảnh sát và an ninh được huấn luyện tại JIPTC đông nhất. Kể từ khóa đầu tiên tốt nghiệp vào tháng 11/2003, tính đến nay JIPTC đã huấn luyện khoảng 50.000 cảnh sát và nhân viên an ninh cho Iraq. Tại thời điểm huấn luyện luôn có ít nhất 3.000 học viên tham gia.

Ngoài việc huấn luyện, JIPTC còn phụ trách cả việc soạn giáo trình để hỗ trợ đồng minh Iraq tự thực hiện các chương trình huấn luyện trong nước và chuyển giao dần cho Iraq tự giải quyết.

Sau Iraq, JIPTC cũng đã huấn luyện 4 tiểu đoàn an ninh cho Palestine hoạt động ở khu Bờ Tây sông Jordan. Các lực lượng này phục vụ cho chương trình hợp tác an ninh mà Chính phủ Mỹ tài trợ cho Chính phủ Palestine do ông Salam Fayyed làm Thủ tướng. Đây là một phần cam kết của Nhà Trắng nhằm phục vụ cho tiến trình hòa bình Palestine - Israel được triển khai từ năm 2003.

Các huấn luyện viên và học viên tại trường bắn số 1, năm 2005.

Các lực lượng an ninh Palestine, sau khi mãn khóa huấn luyện tại JIPTC, được triển khai dưới sự chỉ huy chung của tướng Keith Dayton, điều phối viên an ninh của Mỹ tại Trung Đông. Các đơn vị an ninh này công khai thực thi các chiến dịch truy kích nhằm vào lực lượng Hamas và các nhóm Palestine khác ở khu Bờ Tây.

Tháng 5/2009, lực lượng an ninh do Dayton chỉ huy đã tấn công các nhà hoạt động chính trị của Hamas ở thị trấn Qalqilya, giết chết 6 người, và hậu quả là một vụ đụng độ lớn giữa an ninh Palestine và Hamas kéo dài nhiều giờ liền, khiến cho mâu thuẫn nội bộ giữa 2 phe Fatah và Hamas càng trầm trọng thêm.

Điều đáng ngạc nhiên là, theo lời "ca ngợi" của Dayton, các lực lượng an ninh Palestine do ông ta chỉ huy đã "phối hợp rất ăn ý với Israel" trong hàng loạt các cuộc truy kích đẫm máu ở khu Bờ Tây. Tính đến nay, lực lượng an ninh do Dayton chỉ huy đã bắt giữ khoảng 1.000 người Palestine, chủ yếu là thành phần Hamas, đa số họ bị bắt không rõ lý do.

Do tính chất hoạt động chống lại chính người Palestine và các vụ đụng độ với lực lượng Hamas nên lực lượng an ninh này đang ngày càng bị chỉ trích dữ dội và bị quy trách nhiệm chính trước tình trạng chia rẽ nội bộ người Palestine.

"Vùng Xanh" của Mỹ tại Trung Đông

Tờ Asia Times (ra ngày 19/11/2009) nhận định: với việc cho Mỹ mở JIPTC, Jordan đã trở thành đồng minh thân cận nhất, là trung tâm của kế hoạch "bình định" khu vực Trung Đông của Mỹ. Tờ báo này dẫn lời tướng Craig McKinley, Giám đốc Cục Phòng vệ Quốc gia Mỹ, nói trong một chuyến huấn luyện tại JIPTC hồi tháng 10/2009 rằng, việc Jordan giúp Mỹ lập trung tâm JIPTC là một bước tiến mạnh để đi đến hình thành "vùng chỉ huy trung tâm" cho toàn bộ khu vực Trung Đông.

Yếu tố quan trọng mang tính quyết định để Jordan trở thành "hạt nhân" của chiến lược an ninh là do tình hình an ninh, chính trị tại quốc gia Hồi giáo này cực kỳ ổn định - một "ốc đảo" bình yên giữa một khu vực đầy biến động và hiện đang có nhiều đám cháy lan. Vì vậy Jordan cũng được ví như một "vùng xanh" (Green zone, ở trung tâm Baghdad, Iraq) mà Mỹ muốn xây dựng tại Trung Đông.

Mặt khác, Jordan cũng có vị trí địa lý chiến lược mà không quốc gia đồng minh nào của Mỹ trong khu vực có được: gần như nằm ở tâm điểm của Trung Đông (giáp biên giới Israel, Arập Xêút, Syria, IraqPalestine). Về mặt chính trị, Jordan đã tạo được lòng tin ở Israel, được người Palestine, Iraq và các quốc gia khác tin tưởng, nên rất thuận tiện cho kế hoạch huấn luyện an ninh của Mỹ.

Tuy nhiên, làm "đồng minh cật ruột" của Mỹ trong khu vực Trung Đông luôn luôn "đính kèm" những hệ lụy không hay ho chút nào. Việc Jordan tham gia tích cực vào nhiều sáng kiến an ninh của Mỹ trong khu vực đã khiến nước này phải chịu búa rìu dư luận khi các kế hoạch, sáng kiến đó bị thất bại; hoặc nếu có thành công thì cũng không tránh khỏi gây bất bình do các nước Arập trong khu vực luôn phải hy sinh vì lợi ích của Mỹ.

Palestine là điển hình cho kế hoạch an ninh phục vụ lợi ích Mỹ nhưng nội bộ người Palestine thì xâu xé lẫn nhau, chia rẽ ngày càng sâu thêm chứ không được cải thiện. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho lộ trình hòa bình Trung Đông do nhóm "bộ tứ" (Mỹ, Nga, EU, Liên Hiệp Quốc) bảo trợ cho đến nay hầu như giẫm chân tại chỗ

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.