Phân biệt đối xử với người chuyển giới, một trường đại học bị kiện

Thứ Hai, 13/04/2015, 17:15
Ngày 2/4 vừa qua, ông Eric Holder - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã chính thức tuyên bố khởi kiện Trường đại học Tổng hợp Southeastern (SOSU) ở tiểu bang Oklahoma vi phạm luật pháp, do đã có hành vi phân biệt đối xử và kỳ thị giới tính với một thành viên của trường.

Theo hồ sơ điều tra của DOJ, năm 2004, tiến sĩ Rachel Tudor được SOSU ký hợp đồng làm việc và được bổ nhiệm làm trợ lý giáo sư Khoa Anh ngữ của trường.

Đầu năm 2007, sau khi đã trở thành giảng viên chính thức, ông Tudor tiết lộ với lãnh đạo SOSU rằng, mình đã tiến hành chuyển đổi giới tính và tiếp tục đứng trên bục giảng nhưng vẫn duy trì họ tên trước đây để "không gây nhầm lẫn cho sinh viên", như nguyên văn lời tiến sĩ Tudor trần tình với Ban Giám hiệu trường.

Đến giữa năm 2010, tuy đã được nhận Kỷ niệm chương giáo dục của Thượng viện tiểu bang Oklahoma về thành tích giảng dạy xuất sắc, tiến sĩ Tudor vẫn bị Trường SOSU đơn phương cắt hợp đồng làm việc mà không giải thích rõ lý do; cho dù SOSU có tiến hành làm các thủ tục chi trả cho người lao động bị mất việc theo luật định.

Ngay trước khi bị chấm dứt hợp đồng giảng dạy, tiến sĩ Tudor đã nghe những lời xì xầm từ các đồng nghiệp, thậm chí cả những câu gièm pha bóng gió về sự lệch lạc giới tính từ những người có trách nhiệm trong trường.

Do vậy, vào đầu năm 2011, Tudor đã gửi đơn khiếu nại lên Cơ quan Chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc (EEOC) của tiểu bang Oklahoma, đòi Ban Giám hiệu Trường SOSU phải gia hạn hợp đồng giảng dạy vì bản thân không vi phạm đạo đức nhà giáo.

Nếu không sẽ khởi kiện SOSU về tội cố tình vi phạm luật pháp liên bang, quy định nghiêm cấm  việc kỳ thị giới tính và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Sau 3 lần tiến hành hòa giải bất thành vào các năm 2012, 2013 và 2014, tới đầu năm 2015, Cơ quan EEOC đã chuyển vụ việc lên cấp cao hơn là DOJ.

Tiến sĩ R. Tudor.

DOJ đã mở cuộc điều tra độc lập, tìm thấy những nguyên nhân xác đáng chứng minh rằng Trường SOSU đã thực sự phân biệt đối xử đối với nhân viên của mình, bởi những lời biện minh từ Ban lãnh đạo SOSU không thể thuyết phục các nhà điều tra của DOJ.

Điều đáng tiếc là Phó hiệu trưởng Donglas McMillan, người từng công khai tuyên bố vụ việc đã mất vì bạo bệnh nên không thể ra làm chứng trước DOJ.

Chỉ có giáo sư Jane McMillan, Giám đốc Trung tâm tư vấn học đường của SOSU, cũng là em gái ông D. McMillan đã xác nhận từng nói với Tudor, rằng "phải thận trọng vì một số đồng nghiệp đã công khai tỏ thái độ chỉ trích giảng viên chuyển đổi giới tính".

"Điều trớ trêu là trong đội ngũ hơn 200 giảng viên nhà trường, chỉ có duy nhất trường hợp Rachel Tudor không được gia hạn hợp đồng, bất chấp một thực tế bà đã được chính quyền tiểu bang Oklahoma công nhận là nhà giáo xuất sắc", Bộ trưởng DOJ Eric Holder nhấn mạnh trong buổi họp báo công bố quyết định khởi kiện.

Đồng thời, ông Holder cũng lên tiếng giải thích quan điểm nhất quán của DOJ: "Bằng cách hậu thuẫn cho nữ công dân Tudor, chúng tôi muốn gửi một thông điệp rõ ràng rằng DOJ luôn cam kết cương quyết chống lại sự phân biệt đối xử và kỳ thị giới tính. Và chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng mọi công cụ pháp lý trong tay để đảm bảo rằng bản sắc giới tính cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ".

Trường Đại học SOSU.

Ngoài ra, Bộ trưởng Holder cũng cho báo giới biết là Văn phòng Tổng chưởng lý Liên bang tại Oklahoma sẽ trực tiếp thụ lý vụ kiện này.

Nhân sự kiện pháp lý chưa có tiền lệ đối với một cơ sở giáo dục tại Mỹ, ông Harper Jean Tobin, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về bình đẳng trong chuyển đổi giới tính (NCTE), một tổ chức độc lập phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington D.C, đã thổ lộ với phóng viên Nhật báo The Washington Post: "Tôi thực sự cảm kích trước việc Bộ Tư pháp sẵn sàng ra tay trừng phạt những kẻ kỳ thị người chuyển giới, nhất là với một trường đại học công lập lâu đời và uy tín như SOSU".

Theo giới bình luận tư pháp, xưa nay DOJ là cơ quan cấp Liên bang rất hiếm khi trực tiếp can dự vào một vụ việc tranh chấp dân sự cụ thể nào đó ở các tiểu bang, nhưng nếu DOJ đã khởi kiện thì nắm chắc phần thắng vì tập hợp xung quanh là những chuyên gia pháp lý hàng đầu nước Mỹ.

Riêng vụ việc của Trường SOSU đang phải đối mặt với hai khả năng cần xử lý kịp thời. Tốt nhất là tiếp tục gia hạn hợp đồng giảng dạy, tiếp nhận Tiến sĩ Tudor trở lại làm việc; bằng không sẽ phải nộp số tiền phạt khổng lồ, có thể lên tới hàng chục triệu USD vì đã vi phạm ­nghiêm trọng luật pháp, chưa kể khoản tiền không nhỏ bồi thường thỏa đáng cho nguyên đơn - hiển nhiên là sẽ nhiều hơn so với mức tiền lương mà tiến sĩ R. Tudor nhận được nếu tiếp tục giảng dạy tại SOSU.

Kim Dung (theo The Washington Post)
.
.