Từ Công chúa Ấn Độ trở thành điệp viên Anh

Thứ Bảy, 19/03/2011, 07:35
Trong đội quân "những cô gái của Churchill" - tức những nữ điệp viên thuộc Cục Tác chiến đặc biệt (SOE) của tình báo Anh thời Thế chiến II, Noor Inayat Khan được xem là cánh chim đầu đàn, là nữ điệp viên đầu tiên sử dụng sóng vô tuyến để truyền tin tình báo bí mật về Tổng hành dinh chỉ huy ở London.

Công chúa Ấn Độ sinh ra ở Nga

Noor Inayat Khan có gốc gác người Hồi giáo Sufi ở Ấn Độ, nhưng cô sinh ra ở Nga. Cha cô là Hazrat Inayat Khan, cháu nội của vua Tipu Sultan của Vương quốc Mysore - một xứ sở Hồi giáo xưa ở miền Nam Ấn Độ, từng đi học và sống ở châu Âu, trở thành nhạc sĩ và giảng dạy về thuyết giáo của dòng Hồi giáo Sufi ở các trường học châu Âu. Mẹ cô, bà Ora Meena Ray Baker, là người gốc vùng Albuquerque, bang New Mexico, Mỹ.

Cuộc đời bà bắt đầu thật ly kỳ. Trước Thế chiến I, gia đình bà từ Mysore, Ấn Độ di cư sang Nga. Do giữa vua Tipu Sultan và Nga hoàng Nicholas II có mối quan hệ khá mật thiết nên thầy tư tế Gregory Rasputin của nước Nga đã mời Hazrat Inayat Khan sang Nga để chia sẻ về học thuyết hòa bình của dòng Hồi giáo Sufi. Gia đình Khan được Nga hoàng Nicholas II cho lưu trú lâu dài và tiếp đãi như thượng khách.

Ngày 1/1/1914, cô bé Noor Inayat Khan chào đời trong Điện Kremlin - Cung điện của Nga hoàng Nicholas II. Mùa hè năm đó, gia đình Khan rời Điện Kremlin và nước Nga tới Bloomsbury, Anh để định cư. Noor đi học mẫu giáo ở Notting Hill. Đến năm 1920, gia đình bà tiếp tục di chuyển sang Pháp và định cư tại vùng Suresnes, gần Paris, cư trú trong một căn nhà do những người ủng hộ phong trào Sufi quốc tế hiến tặng.

Sau khi cha bà qua đời năm 1927, với vai trò chị cả, Noor thay cha cáng đáng trách nhiệm cùng mẹ chăm sóc đàn em nhỏ. Cô gái trẻ hay e thẹn, nhạy cảm và mơ mộng, đã không quản khó nhọc, vẫn nỗ lực học tập và lấy được bằng cấp về tâm lý trẻ em tại Đại học Sorbonne và âm nhạc tại Nhạc viện Paris, là học trò của nhạc sĩ Pháp nổi tiếng thế giới Nadia Boulanger.

Trước khi Thế chiến II nổ ra, Noor bắt đầu nghề viết văn, chuyên sáng tác những bài thơ và truyện dành cho thiếu nhi, đăng trên các tạp chí và đài phát thanh Pháp. Thế chiến II bùng nổ, gia đình Noor lại tiếp tục di cư đến Bordeaux và sau đó trở về Anh.

Nữ điệp viên đầu tiên sử dụng sóng vô tuyến

Noor và em trai là Vilayat Khan chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi học thuyết hòa bình của cha - chủ kiến bất bạo động, không dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, Noor và em trai lại quyết định hành động ngược lại: tham gia quân đội Anh để diệt phát xít. Ngày 19/11/1940, Noor gia nhập lực lượng Nữ Không quân Trợ chiến (WAAF). Noor được đưa đi huấn luyện sử dụng máy vô tuyến điện.

Tháng 6/1941, trong lúc được huấn luyện kỹ thuật, Noor đã nộp đơn xin gia nhập một ban tác chiến và được nhận vào Ban F (Pháp) trong Cục Tác chiến đặc biệt. Tháng 2/1943, Noor được phân công về Bộ Không quân, nằm trong Ban Giám đốc Tình báo không quân, sau đó về đơn vị Kị binh nghĩa dũng sơ cứu thương (FANY) và được đưa đi huấn luyện tại nhiều trường huấn luyện khác nhau của SOE. Thời gian này, Noor lấy tên là Nore Baker.

Mặc dù Noor không hoàn tất trọn khóa huấn luyện vì nhiều lý do riêng, nhưng khả năng thông thạo tiếng Pháp và giỏi kỹ thuật vô tuyến điện của Noor, cộng với tình hình thời đó đang thiếu nhân lực có năng lực, đã khiến bà trở thành ứng viên sáng giá cho nhiệm vụ đi vào hoạt động bên trong nước Pháp lúc đó đang bị phát xít Đức chiếm đóng.

Ngày 17/6/1943, Noor mang mật danh "Madeleine", dưới vỏ bọc y tá, chứng minh thư mang tên Jeanne-Marie Regnier, được phân công làm sĩ quan trợ chiến Ban F, và được đưa đến căn cứ bí mật B/20A ở miền Bắc nước Pháp, trong một chuyến bay đêm. Đón Noor là sĩ quan điệp viên ngầm Henri Dericourt (mật danh “Gilbert”). Từ mật cứ B/20A, Noor di chuyển về Paris cùng với 2 người phụ nữ nữa là Diana Rowden (mật danh “Paulette”, vỏ bọc là tuyên úy) và Cecily Lefort (mật danh “Alice”, vỏ bọc là giáo viên).

Tại Pháp, Noor tham gia một mạng lưới gián điệp của Anh có mật danh "Thầy thuốc" do Francis Suttill, mật danh “Prosper” chỉ huy. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, toàn bộ mạng lưới gián điệp đều sa vào tay Sicherheitsdientst, hay SD (Cơ quan tình báo trực thuộc SS, tương đương Gestapo).

Trong hoàn cảnh các đồng đội bị bắt, Noor vẫn không chịu đầu hàng và cự tuyệt đề nghị rút về nước từ Bộ chỉ huy. Noor chấp nhận tiếp tục ở lại hoạt động trong lòng địch, tiếp tục sử dụng chiếc máy vô tuyến để truyền về London những tin tức quan trọng, tạo cầu nối vô cùng quan trọng giữa quân kháng chiến ở Paris với London trong thời kỳ chiến tranh căng thẳng. Do phải tránh sự vây bắt của kẻ thù nên Noor đã phải liên tục dời chỗ ở.

Tuy nhiên, dù Noor có giỏi giang và tránh né tài tình thế nào, bà cũng khó lòng thoát được một khi đã bị người của mình phản bội. Kẻ đã bán đứng Noor không ai khác chính là người đã đón bà tới Pháp: Henri Dericourt - một sĩ quan SOE và từng là một phi công của Không quân Pháp, nhưng đã trở mặt làm điệp viên 2 mang. Do bị Dericourt mật báo, Noor không hề cảnh giác nên đã sa lưới bọn SD vào ngày 13/10/1943.

Ngày 25/11/1943, Noor cùng với một số điệp viên SOE khác trốn khỏi trại giam của SD. Nhưng thật không may, do thời điểm đó lại đúng lúc có báo động pháo kích nên sự vắng mặt của họ bị phát hiện và bị bắt trở lại ngay tức thì. Thế là Noor bị đưa về Đức biệt giam trong nhà tù ở Pforzheim. Ngày 11/9/1944, Noor cùng với 3 phụ nữ khác đến từ nhà tù Karlsruhe được đưa đến trại tập trung khét tiếng Dachau. Hai ngày sau, 13/9/1944, vào lúc sáng sớm, Noor và những người phụ nữ kia đã bị xử bắn một cách dã man do không chịu khai ra những bí mật. Khi chết, miệng bà còn hô vang khẩu hiệu "Liberté" (tự do).

Chiến tranh kết thúc, phải mất đến 7 năm người ta mới xác minh được đầy đủ về những nhục hình mà Noor phải chịu và sự can đảm của bà, dù bị tra tấn dã man vẫn không khai ra những bí mật tình báo mình nắm giữ. Bà được Chính phủ Pháp truy tặng Huân chương Croix de Guerre Sao Vàng và được Chính phủ Anh truy tặng Huân chương George Cross - Huân chương cao quý nhất dành cho kị binh không ra mặt trận

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.