Tù nhân bị biệt giam lâu nhất thế giới

Thứ Ba, 22/09/2015, 16:00
Tòa án Cấp cao số 5, phụ trách địa bàn 3 tiểu bang phía nam nước Mỹ là Louisiana, Mississippi và Texas vừa ra quyết nghị, bác bỏ phán quyết tha bổng của Tòa phúc thẩm Louisiana đối với can phạm Albert Woodfox 68 tuổi, khiến tù nhân nổi tiếng này tiếp tục giữ "danh hiệu" là người tù bị biệt giam lâu nhất thế giới thời hiện đại.

Cuối năm 1971, A. Woodfox cùng 2 tù nhân khác là Robert Hillary King và Herman Wallace đều bị kết án chung thân về tội cướp có vũ trang, được chuyển đến giam giữ tại Nhà tù Penitentiary (LSP) tiểu bang Louisiana, là nơi có mức độ an ninh hàng đầu nước Mỹ, với biệt hiệu "Trại tù Alcatraz phía nam".

Ngoài ra, LSP với thành phần phạm nhân chủ yếu là người da màu gốc Phi, nên còn mang thêm biệt danh nữa là "Angola". Đến giữa tháng 4/1972, cả 3 tù nhân nêu trên bị tình nghi liên quan đến vụ sát hại quản giáo 23 tuổi Brent Miller, do vậy Ban giám đốc nhà tù quyết định chuyển họ sang chế độ biệt giam suốt nhiều thập niên sau đó. Vụ giam giữ vô thời hạn với chế độ nghiêm ngặt này nổi tiếng trong giới tư pháp Mỹ qua biệt danh "Bộ 3 Angola".

Tù nhân A. Woodfox bị biệt giam suốt 43 năm qua.

Đầu năm 2001, R. King được chứng minh ngoại phạm trong vụ giết quản giáo B. Miller, và được trả tự do sau 29 năm biệt giam. Wallace cũng được phóng thích vào tháng 10/2013 vì lý do sức khỏe khi đã 71 tuổi sau 41 năm bị biệt giam, và ông mất 2 tháng sau đó do bị ung thư gan. "Bộ 3 Angola" giờ chỉ còn duy nhất  A. Woodfox, bị biệt giam hơn 43 năm qua tại LSP.

Căn xà lim giam giữ A. Woodfox có chiều dài là 3m và chiều rộng là 2m, với không khí và ánh sáng tự nhiên lọt vào qua một ô cửa nhỏ chắn song sắt phía trên cao. Trang bị trong phòng giam chật hẹp gồm một chiếc giường, một chiếc ghế được gắn chặt vào tường và bồn vệ sinh. Nếu tiết trời mùa hè khô ráo, mỗi tuần tù nhân được ra ngoài trời "tắm nắng" 3 tiếng đồng hồ ở một khoảng trống có diện tích 8,1m², nằm bên trong khuôn viên khu biệt giam bao quanh bởi hàng rào gắn điện cao thế. Vào mùa đông, trung bình cứ 4 giờ/tuần, tù nhân có thể đi dạo dọc theo hành lang khu biệt giam cho đỡ "chồn chân", dưới sự giám sát nghiêm ngặt của đội ngũ quản giáo, không được hưởng quy chế lao động và học tập như những tù nhân bình thường khác.

Khu biệt giam phạm nhân bên trong LSP.

Luật sư Carine Williams, người biện hộ cho A. Woodfox luôn bảo lưu quan điểm rằng, kết quả giám định mẫu máu và phân tích ADN trong vụ giết hại quản giáo B. Miller, cho thấy chỉ có tù nhân  Wallace là trực tiếp liên quan đến vụ việc. Còn Woodfox tuy chưa hẳn là vô can trong âm mưu giết người đã dự định từ trước này, nhưng hoàn toàn không có dấu vết của đương sự tại hiện trường nên bằng chứng buộc tội thật khó thuyết phục. "Do A. Woodfox thuộc dạng cứng đầu, luôn mạnh miệng đòi cải thiện chế độ giam giữ hà khắc, kịch liệt phản đối sự bất công trong LSP như phân biệt chủng tộc, bớt xén khẩu phần ăn của tù nhân, dung túng cho nạn đầu gấu hoành hành... nên các quản giáo chỉ muốn biệt giam ông ta cho... rảnh nợ", luật sư Williams cho biết.

Chính nhờ sự tranh đấu không mệt mỏi bảo vệ thân chủ của mình dựa trên những luận điểm pháp lý sắc bén, luật sư Williams đã góp phần đem lại những kết quả khả quan. Liên tiếp từ năm 2008 đến 2010,  Tòa Phúc thẩm tiểu bang Louisiana đã ra các quyết nghị, đặc cách ân xá cho  Woodfox vì đã chấp hành hình phạt với thời gian tương đương mức án chung thân, cũng như đương sự không liên quan đến cái chết của quản giáo Miller. Tuy nhiên, cả 2 lần nêu trên đều bị Tòa Cấp cao số 5 bác bỏ, yêu cầu phải mở phiên tòa mới xử đúng tội danh mà đương sự đã phạm phải.

Lần gần đây nhất vào ngày 8/6 vừa qua, thẩm phán James Brady - Chánh Tòa Phúc thẩm Louisiana - lại ra phán quyết giống như 2 lần trước, và đến ngày 31/7 lại bị Tòa Cấp cao số 5 bác bỏ với lý do tương tự. Luật sư Williams tuyên bố bà sẽ theo đuổi vụ án đến cùng cho tới khi nào công lý được thực thi.

Luật sư C. Williams (phải) khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi vụ án đến cùng.

Trường hợp tù nhân cuối cùng thuộc nhóm "Bộ 3 Angola", vẫn tiếp tục là người bị biệt giam lâu nhất thế giới khiến công luận Mỹ đòi hỏi phải tiến hành khẩn thiết việc cải cách hệ thống nhà tù liên bang. Ngay cả bà Teenie Rogers, góa phụ của quản giáo B. Miller cũng lên tiếng đòi trả tự do cho Woodfox, vì vụ việc xảy ra đã quá lâu trong khi không có bằng chứng buộc tội ông ta là thủ phạm.

Được biết, theo ước tính của Tổ chức Ân xá Quốc tế, tại các nhà tù ở Mỹ hiện có tới 80.000 tù nhân bị biệt giam, trong đó có 25.000 người đang sống trong cảnh biệt giam dài hạn.

Trần Hồng (theo The Guardian)
.
.