Tư nhân hoá hoạt động quân sự tại Afghanistan và Iraq

Thứ Ba, 24/08/2010, 09:50
Ở Afghanistan cũng như ở Iraq các quốc gia đã phái quân đội đến với mục đích ổn định tình hình với thời hạn ngắn nhất có thể rồi rút quân về nước. Trong khi các công ty quân sự tư nhân đặt mục đích kinh tế lên trên hết, họ phải thu lại số tiền đầu tư và lợi nhuận của mình.

Tăng cường hoạt động của các công ty tư nhân

Hậu cần, an ninh, giám sát không phận..., những nhân viên của các công ty  quân sự tư nhân làm việc ngày càng nhiều cho quân đội Mỹ và Anh. Trên đất Afghanistan, họ đông gần gấp đôi quân nhân của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Afghanistan cũng như ở Iraq, quân đội Mỹ và Anh sử dụng ngày càng nhiều các công ty quân sự tư nhân (SMP) trong hoạt động của họ. Trên quy mô toàn cầu, các  công ty tư nhân có gần 1 triệu người được quân đội các nước sử dụng trong hoạt động quân sự. Cách đây 20 năm, việc tư nhân hóa chiến tranh dưới mọi hình thức là loại kinh doanh béo bở nhất, chiếm một thị trường to lớn với doanh số 170 tỉ USD/năm.

Công ty quân sự tư nhân Outcome xuất hiện trong năm 1989 được một cựu chỉ huy của Nam Phi lập ra, trên một căn cứ quân sự do quân đội Liên Xô bỏ đi. Giám đốc điều hành của công ty  này đề nghị các quốc gia châu Phi bị quân phiến loạn đe dọa thuê công ty  tiến hành các chiến dịch chống lật đổ. Trong những năm 90 thế kỷ trước, ở Mỹ Công ty Military Professional Ressources Inc (MPRI) không những quan hệ chặt chẽ với  Lầu Năm Góc mà còn bán những dịch vụ của mình cho các nước thuộc khối Liên Xô cũ để cho quân đội của các nước này theo kịp tiêu chuẩn của NaTo trước khi gia nhập liên minh này.

Vào thời kỳ này, các công ty tư nhân chủ yếu phục vụ hậu cần. Trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, người ta tính chỉ có 1 người dân sự làm việc với 100 quân nhân Mỹ. Nhưng đến cuộc chiến tranh Iraq, mọi việc đều thay đổi. Năm 2003, trong cuộc xâm chiếm Iraq tỉ lệ này là 1/10 và năm 2007, số dân sự được sử dụng nhiều hơn quân nhân Mỹ mặc quân phục.

Ngày 16/9/2007, những nhân viên của Công ty tư nhân Blackwater, một trong những công ty tư nhân quân sự lớn nhất (nay đổi tên là Công ty Services LLC) bắn bừa bãi vào một xe ôtô ở ngay giữa trung tâm thành phố Baghdad làm 17 người chết. Tuy phải rời khỏi thị trường Iraq, Blackwater vẫn còn tiếp tục làm việc cho Chính phủ Mỹ, đặc biệt cho CIA ở Afghanistan. Hai trong số nhân viên của công ty này là nạn nhân của vụ khủng bố xảy ra ngày 30/12/2009 khi một căn cứ quân sự của Mỹ ở Khost, miền Nam Afghanistan bị tấn công. Công ty này có một căn cứ bí mật nằm gần biên giới Pakistan.

Từ căn cứ này, công ty đã cho các máy bay không người lái riêng của mình bay về phía có các bộ lạc Pakistan cư trú. Nhiệm vụ của các máy bay không người lái là phải xác định các mục tiêu để quân đội Mỹ ném bom. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược mới của Washington.

Việc tư nhân hóa những nhiệm vụ thuộc về quân đội trước đây giúp cho quân đội hạn chế được việc đưa quân đến nơi xảy ra chiến tranh và giảm thiểu số binh lính thương vong. Đây là lợi thế đối với một chính phủ đang phải đối mặt với sự chỉ trích của dư luận trong nước và thân nhân các binh lính phải tham gia chiến trường.

Tuy nhiên, việc thương mại hóa chiến tranh này cũng làm nảy sinh vấn đề cơ bản có liên quan đến kết cục của cuộc chiến: Ở Afghanistan cũng như ở Iraq các quốc gia đã phái quân đội đến với mục đích ổn định tình hình với thời hạn ngắn nhất có thể rồi rút quân về nước. Trong khi các công ty quân sự tư nhân đặt mục đích kinh tế lên trên hết, họ phải thu lại số tiền đầu tư và lợi nhuận của mình. Những quyền lợi của họ trái ngược với quyền lợi của các nhà quân sự và chính trị của NATO.

Giải tán các công ty bảo vệ an ninh tư nhân

Chỉ vì lo cho quyền lợi kinh tế nên các công ty bảo vệ an ninh tư nhân ít quan tâm tới nhiệm vụ chính trị của mình. Do đó, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai trong hai ngày 18 và 19/8 đã ban hành hai sắc lệnh: một yêu cầu tất cả các công ty bảo vệ an ninh tư nhân đang hoạt động tại Afghanistan giải tán trong vòng 4 tháng và hai là thành lập một lực lượng địa phương phụ trách an ninh xóm làng chống quân nổi dậy. Hai sắc lệnh gây bất ngờ cho Mỹ và NATO, đồng thời có khả năng làm thay đổi chiến lược của lực lượng nước ngoài ở Afghanistan.

Sắc lệnh thứ nhất ban hành hôm 18/8 cho biết việc cho giải thể các công ty an ninh tư nhân nhằm ngăn ngừa những sai trái và việc sử dụng bừa bãi vũ khí cùng các thiết bị quân sự khác. Theo giới chức Afghanistan, tại quốc gia Nam Á này hiện có khoảng 40.000 nhân viên an ninh thuộc 50 công ty an ninh tư nhân hoạt động. Một trong những nhiệm vụ chính của các hãng này là hộ tống các phái đoàn của Mỹ và NATO trên những tuyến đường nguy hiểm, chủ yếu là miền Nam và Đông, nơi phiến quân hoạt động ráo riết.

Nhân viên an ninh Công ty Blackwater ở Iraq.

Ngoài ra, ông Karzai còn cho biết quyết định trên nhằm khắc phục sự chồng chéo trong công tác đảm bảo an ninh của các lực lượng vũ trang Afghanistan và tình trạng phân tán các nguồn lực tài chính chi cho công tác đào tạo và trang bị khí tài. Người đứng đầu chính quyền Kabul khẳng định sắc lệnh trên sẽ giúp đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, ngăn chặn các hành vi sai phạm và lạm dụng vũ trang cũng như trang thiết bị quân đội của các công ty an ninh tư nhân.

Sắc lệnh của Tổng thống Hamid Karzai cũng nêu rõ lực lượng an ninh Afghanistan dưới sự kiểm soát của Bộ Nội vụ sẽ đảm nhận khâu bảo đảm an ninh bên ngoài các đại sứ quán và trụ sở các tổ chức quốc tế tại Afghanistan. Các cơ quan này cũng có thể triển khai lực lượng an ninh riêng của mình nhưng chỉ thực thi nhiệm vụ bên trong trụ sở.

Tuy nhiên trên thực tế, quyết định của Tổng thống Karzai có nguy cơ đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Theo đánh giá của giới quan sát, lực lượng an ninh của Afghanistan hiện không có khả năng bảo đảm an toàn cho những xứ mệnh và nhiệm vụ vốn trước đây do các công ty an ninh tư nhân đảm trách, trong khi lực lượng NATO tại Afghanistan lại không đủ quân số để làm việc đó. Theo đánh giá, khả năng để nhân viên của các công ty an ninh tư nhân Afghanistan gia nhập quân đội chính phủ là điều khó thực hiện vì tiền lương hàng tháng mà chính phủ trả cho binh lính là rất thấp.

Trong một động thái được đánh giá là có nhiều tính khả thi hơn, chính phủ Afghanistan vừa thông báo thành lập các lực lượng an ninh địa phương, phủ trách đảm bảo xóm là trước quân Taliban. Lực lượng này sẽ nhận được khoản tiền lương hàng tháng tương đương 60% khoản tiền mà lực lượng an ninh quốc gia nhận được. Dự án này đã được phía Mỹ ủng hộ vì đây là một mô hình mà Washington đã thành công khi áp dụng tại những vùng có người Sunni sinh sống ở phía tây Iran năm 2008.

Ngay tại Afghanistan, mô hình này đã được triển khai tại các tỉnh Wardak và Oruzgan, và nay sẽ được nhân rộng sang các tỉnh có người Pachtoun sinh sống, nơi các cuộc bạo động rất ác liệt và diễn ra thường xuyên như Helmand và Kandahar. Vấn đề còn lại hiện nay là liệu phương pháp trên có thể thành công tại những vùng đồi núi của Afghanistan hay không.

Tại Iraq, lực lượng dân quân tự vệ chiến đấu chống lại các phần tử khủng bố nước ngoại, còn tại Afghanistan, dân quân và quân nổi dậy đều là người Afghanistan. Mặt khác, ý tưởng này là không trám được chỗ trống để lại sau khi các công ty an ninh tư nhân rút đi.

Và cuối cùng, bây giờ là thời điểm các lực lượng nước ngoài bắt đầu tuyên bố rút quân, nên ý tưởng trên xem ra lại có vẻ đối nghịch với mong muốn mà ông Karzai thương tuyên bố là bắt đầu các cuộc hòa đàm với lực lượng Taliban

P.Lan - Q.Hùng (tổng hợp)
.
.